Old school Swatch Watches
Tạm biệt ngày hôm qua

Tạm biệt ngày hôm qua

Tác giả: Sưu Tầm

Tạm biệt ngày hôm qua

Người ta đi tìm hạnh phúc chứ không phải dậm chân tại chỗ để hạnh phúc tự mò đến. Có trải qua thất bại, khổ đau ta mới nhận ra giá trị đích thực của cuộc sống.


Tôi biết, ngày hôm qua nên khép lại.


***


Năm đó, tôi mười sáu tuổi và chứng kiến cảnh bố mẹ chia tay. Bố xé mảnh giấy làm đôi rồi kéo hành lý rời khỏi nhà trong khi mẹ gục xuống thềm vật vã, đau đớn. Tôi chạy lại, quỳ gối bên mẹ mà không đuổi theo bố. Tôi biết rõ dù mẹ con tôi có cầu xin thì ông vẫn quyết tâm ra đi.


Tạm biệt ngày hôm qua


Từ đó, căn nhà trở nên im lìm, không một tiếng nói tiếng cười. Mẹ làm việc của mẹ, tôi làm việc của tôi chỉ giờ cơm chúng tôi mới ngồi cùng nhau ăn nhưng mỗi người lại có những ý nghĩ riêng. Vì thế, bữa cơm lúc nào cũng nhạt nhẽo...


Tôi không hiểu vì sao gia đình tôi lại ra nông nỗi này. Có lẽ là từ ngày bố lên chức. Những cuộc họp của ông cũng nhiều hơn trước. Mẹ nghi ngờ bố có mùa xuân mới. Những lần cãi nhau, gây sự xảy ra liên tiếp. Cuối cùng chuyện gì đến cũng đến...


Một tuần kể từ bố bỏ nhà đi, mẹ như người mất hồn, cứ đi ra đi vào, ngồi trước cửa ngóng đợi bố quay về dù bà biết điều đó là ngàn lần không thể. Nhìn bà như thế, tôi thấy đau xót. Tôi muốn dùng lời lẽ hợp lý để an ủi bà nhưng lời chưa kịp thoát ra khỏi bờ môi tôi đã hoàn toàn bất lực. Tôi mỏi mệt, nhiều lúc có ý định đi bụi nhưng nghĩ đến mẹ tôi dừng ngay ý định điên rồ ấy. Bố - người đàn ông mà mẹ thương yêu nhất - đã nhẫn tâm "dứt áo ra đi ". Nếu tôi cũng hành động như bố thì mẹ sẽ ra sao? Mẹ tôi vốn dĩ là người phụ nữ mềm yếu nên bà không thể giữ bố ở lại. Bà đành buông tay, chấp nhận làm "kẻ chịu khổ "để bố hạnh phúc. Đôi lúc tôi căm ghét bản tính cao thượng và sự bao dung của mẹ. Chính vì bà quá nhân từ, lơ là nên bố tôi mới có cơ hội "thừa nước đục thả câu ". Nhiều lần tôi định mở miệng cãi, biện minh cho mẹ, bà liền ngăn tôi lại. Bà bảo "Làm người phải biết chịu đựng, con à! ". Nếu sau này chồng tôi cũng như thế, tôi nhất định sẽ không bao giờ tha thứ cho anh ta. .. Giờ có nói gì cũng đã muộn.


Lướt web, tôi thấy có rất nhiều cách khiến người ta vui lên sau những trận buồn kéo dài chẳng hạn như mua sắm, học một môn nghệ thuật nào đó ở câu lạc bộ. Buổi tối, trong giờ cơm tôi đề nghị với mẹ học khiêu vũ. Ban đầu, bà từ chối vì cho rằng nó không thích hợp với mình nhưng sau khi nghe tôi "diễn thuyết "một hồi, bà đã bị tôi làm cho thuyết phục. Ba tháng sau, nụ cười trở lại trên môi mẹ tôi. Điều này khiến tôi vui. Bà đã để lại những chuyện đau lòng ở sau lưng. Những ngày tươi đẹp dần xuất hiện trở lại trong ngôi nhà mất đi một nữa. Chúng tôi ít nhất về bố. Cuối cùng thì mẹ tôi đã nhận ra, những gì vuột mất khỏi tầm tay dù có cố níu giữ hay cứ nhớ mãi đều dư thừa.


Ngày hôm qua nên khép lại.


***


 


Cuối tuần, tôi từ chối lời yêu cầu của tụi bạn đi trà sữa tán gẫu mà thay vào đó tôi cùng mẹ đi shopping. Chúng tôi thảo luận sôi nổi về sản phẩm mới của siêu thị. Chưa khi nào mà mẹ nói và cười nhiều như thế. Cả bà lẫn tôi đều cảm thấy hạnh phúc vì những việc mình đã làm. Nói đúng hơn tôi thầm cảm ơn bố đã chia tay mẹ để bà sống thảnh thơi hơn, không còn hối hả, tất bật lo cơm nước cho người chồng vô ơn. Tan trường, tôi về nhà ngay. Mẹ sẽ nấu thật nhiều món ăn ngon và khi ấy bà vừa gắp thức ăn vừa hỏi tôi chuyện học hành. Tôi trả lời không thiếu sót câu nào. Cuộc sống của chúng tôi, khi không có bố vẫn diễn ra đều đặn như lá vàng thường rụng vào mùa thu đấy thôi.


Tạm biệt ngày hôm qua


 


Mười tám tuổi - cột mốc đánh dấu bước trưởng thành của đời tôi. Tôi và Phong chính thức quen nhau khi cả hai còn chưa hiểu rõ về nhau. Mối quan hệ giữa hai chúng tôi được bắt đầu bằng những câu chuyện bâng quơ dưới gốc cây dẻ phía sau thư viện. Khoảng không gian lý tưởng đó chỉ có tôi với cậu mới biết. Phong luôn mở màn câu chuyện bằng cụm từ "Tớ nghĩ là. .. "và sau đó cậu nói triền miên. Có những lúc trời đổ mưa, lười biếng chạy vào lớp, tôi và Phong cùng nhau trú mưa dưới bóng cây dẻ. Một bên vai áo tôi bị nước mưa hắt vào. Thấy thế, Phong kéo tôi xích lại gần cậu hơn rồi cậu choàng tay qua vai tôi. Những điều ngọt ngào đều bắt nguồn từ những cơn mưa.


Phong đưa tay ra cố nắm giữ từng hạt mưa nhưng khi chúng rơi xuống đều tuột qua kẽ tay cậu. Bàn tay cậu ướt nhẹp. Cậu bật cười vu vơ. Khi Phong cười, nhìn đẹp lắm. Tôi mãi ngắm đến nỗi ngây người ra đó. Bất chợt Phong quay sang. Môi hai chúng tôi vừa lướt qua nhau. Cả hai cùng nhìn sững rồi lập tức quay mặt đi chỗ khác. Dù là một cặp nhưng chúng tôi chưa từng nghĩ ai sẽ hôn ai trước. Có nắm tay, có ôm nhau nhưng trao nụ hôn đầu thì chưa. Cái chạm môi vừa rồi có phải là nụ hôn không nhỉ? Mưa tạnh từ lúc nào.


Tôi tự hào khi đi cạnh Phong. Thành tích học tập của cậu luôn dẫn đầu toàn trường. Ngoài học giỏi ra, cậu còn tài đánh đàn. Tiếng đàn của cậu đã từng khiến bao nữ sinh ngất ngây. Họ lập ra một FC dành tặng cậu bạn của tôi. Trưởng nhóm FC là Linh - cô nàng kiêu ngạo nằm trong đội múa ba lê của trường. Linh ngưỡng mộ Phong từ lâu. Biết tôi là bạn gái cậu, cô luôn nhìn tôi bằng ánh mắt hình viên đạn. Linh quá lộ liễu trong việc gặp gỡ Phong. Dù có tôi ở đó, cô vẫn sấn tới, cười với Phong và xem tôi như người vô hình. Tôi tránh nhìn những lúc như thế. Biết tôi ghen, Phong khôn khéo xử lý tình huống và Linh luôn là người thất bại.


Trước khi là của nhau, tôi và Phong vẫn là hai con thuyền với hai dòng sông khác nhau cho đến khi đêm văn nghệ trường diễn ra vào chủ nhật của năm lớp mười hai, mối quan hệ của chúng tôi mới thực sự bắt đầu. Tôi xin số phone của Phong qua một người bạn thân của cậu. Tôi chủ động nhắn tin làm quen. Với một đứa ít giao tiếp và rụt rè như tôi thì việc đó quả là hiếm hoi. Nhưng vì tình yêu, tôi sẵn sàng làm chuyện mà mình chưa bao giờ thử qua. Tôi phải nhắn đến lần thứ ba, Phong mới trả lời. Rồi những cuộc trò chuyện qua điện thoại kéo dài hằng đêm. Tôi nhận ra mình đã thích Phong và luôn ngóng đợi những tin nhắn từ cậu. Câu nói "Tớ thích cậu" là do tôi lấy hết can đảm để nói ra.