XtGem Forum catalog
Thằng bé

Thằng bé

Tác giả: Sưu Tầm

Thằng bé

Đến con chó cũng còn có một cái tên....


***


- Ăn cướp! Bà con ơi, ăn cướp!!!


Ông chủ cửa hàng rau quả giật mình bởi bàn tay nhanh như cắt vừa thò ra thụt vào "cuỗm" mất mấy quả của ông, vội vã cầm cái rổ lớn hét ầm ĩ.


- Thôi ông ạ, lại là cái thằng bé đấy. Coi như thí cho nó đi. – Có tiếng người đi đường chép miệng.


- Ngày nào cũng thí cho nó thì tôi lấy gì đổ vào mồm đây? Mày chết đi, thằng oắt! Mày đi đâu cho bõ ghét, cho khuất mắt tao đi. Lang thang ở đây làm gì, ám quẻ. – Ông chủ hàng quát ầm ĩ, sau đó nhỏ giọng dần, lầu bầu cái gì đó. Rồi ông ta giậm chân thùm thụp bước vào nhà, rống lên gọi vợ, hạ giọng nói mấy câu, mà cũng chỉ nghe câu được câu chăng. Chậc, chắc lại như mọi lần. Ông ta định làm cái gì đó để át vía thằng nhỏ kia í mà. Thằng nhỏ, đến là tội nghiệp...


  Thằng bé


Thằng bé nép vào một bờ tường, cả người run lên đầy sợ hãi. Nó buông mấy thứ trong tay ra, lấy tay này bám vào cổ tay kia, cố giữ cho bản thân đừng run lên nữa, nhưng hai chân vẫn cứ đập vào nhau loạn xạ. Mỗi lần làm chuyện này nó lại thấy như thế.


Nó vuốt ngực, hai mắt đỏ ngầu, mồ hôi nhễ nhại. Nó nhìn mấy quả xoài con nằm lăn lốc dưới chân, bất giác thấy đau nhói, đôi mắt trẻ thơ tối sầm lại. Rồi nó lắc đầu quầy quậy như để đuổi những suy nghĩ trong đầu đi. Nó ngồi bệt xuống, quệt những giọt nước chực trào ra từ khoé mắt, cầm quả xoài lên bằng hai tay, bắt đầu gậm ngấu nghiến... Ruột nó cồn lên.


Người ta nói, miếng ăn là miếng nhục, quả chẳng sai. Giờ nó đang cảm thấy nhục lắm! Nó đã đến nước phải đi ăn cắp, còn điều gì đáng hổ thẹn hơn trong quãng đời ngắn ngủi của nó ? Nó đã cố ngăn mình làm những điều ấy, nhưng đến lúc nó sắp lả đi vì mệt và đói, thấy những quả ngon bày trước mắt, lí trí chẳng thể nào thắng nổi bản năng. Có lần thứ nhất, rồi sẽ có lần thứ hai, thứ ba,... Nó không biết mình đã ăn cắp bao nhiêu lần nữa. Lúc thì mấy quả con con, khi thì là cái bánh bao nóng hôi hổi,...


Nó luôn cố gắng chỉ lấy những gì ít giá trị để người bị mất không tổn thất quá nhiều. Ha, mà nó đang nói cái gì chứ? Quan trọng đâu phải nó đã lấy những gì, mà là nó đã lấy cắp! Nó là thằng ăn cắp! Một thằng ăn cắp không cha không mẹ, không nhà ở, không tuổi tác, cũng không bạn bè.. tồn tại mà tựa hồ như chưa bao giờ tồn tại.. Mà không, chính những ánh nhìn khinh bỉ, cái lắc đầu tỏ vẻ thương hại, thậm chí cả những cái nghếch mắt dửng dưng của người đời là những bằng chứng sống động đầy thuyết phục cho thấy nó đang sống, nó phải sống...


Sống mà phải khổ, phải nhục đến thế này, thà từ đầu đừng tồn tại có hơn không? Thằng bé chua chát nghĩ, khoé miệng nó khẽ nhếch lên. Khi con người ta khổ quá rồi, đói quá rồi, con người ta sẽ chẳng còn nhân tính nữa. Họ sẽ làm tất cả để có được miếng ăn. Thằng nhỏ cũng vậy thôi, nó cần được lấp đầy cái bụng lép kẹp. Và nó đang vừa ăn vừa chảy nước mắt...


Thằng bé


***


Nó không biết mình được sinh ra như thế nào. Nó không biết bố mẹ mình là ai. Nó không biết mình tên gì. Nó cũng không biết mình bao nhiêu tuổi... Nó không biết những điều mà bất cứ đứa trẻ nào cũng cần phải biết.


Nó được nghe phong phanh qua lời người làng, rằng cách đây khoảng mấy vụ mùa, người ta thấy một đứa trẻ được đặt trên thềm của đình làng. Đứa trẻ được bọc cẩn thận trong một chiếc chăn mỏng màu hồng, đôi mắt nó trong veo, chắc khoảng được 2, 3 tháng. Kì lạ là đứa trẻ không hề khóc, chỉ nằm chơi rất ngoan cho đến khi có người gác đình vô tình trông thấy.


Về sau, cả làng cứ đùn đẩy nhau mãi việc nuôi nó. Biết bao người chép miệng khổ thân, nhưng bảo nhận nó về nuôi thì lại chối đây đẩy, viện hết cớ này đến cớ nọ. Cuối cùng, một người phụ nữ goá bụa đem đứa trẻ về nuôi.


Nhà thị cũng nghèo lắm, nhưng thị có tấm lòng nhân hậu, chỉ phải cái tội là thị hơi đần đần, làm việc gì cũng chậm chạp. Ấy thế mà thị cũng cố chăm sóc nó. Thị rất quý đứa nhỏ, luôn miệng gọi nó là con, xưng mẹ. Thị làm việc chăm chỉ để lo cho nó ăn mặc đầy đủ, nhưng đứa trẻ vẫn thường bị thiếu thốn. Có những hôm thị nhịn cả ngày để nó được ăn, có những hôm thị đem cả áo mình ra, may lại cẩn thận để nó có áo mặc. Thị không dám cho nó đi ra ngoài, vì cứ mỗi lần đứa nhỏ thò mặt ra đường, bọn trẻ con trong xóm lại ùa ra trêu chọc nó. Thị vụng thật, ngốc thật, mà thị thương nó cũng thật.


Nhưng số thị bạc quá, qua mấy vụ mùa nuôi đứa trẻ thì thị đâm ra ốm đau, bệnh tật, kiệt sức rồi qua đời. Cả làng cũng góp tiền lo cho thị một đám ma chay nhỏ, chôn cất thị đàng hoàng. Trong đám tang, chẳng ai rơi nước mắt vì thị. Đứa trẻ cũng thế. Nó cứ giương mắt nhìn từng người một thắp hương cho "mẹ" nó, đôi mắt ngây thơ u tối phảng phất một nỗi buồn.


Nhưng người làng thì không thấy điều u buồn trong đôi mắt ấy, họ chỉ thấy ghê sợ thằng nhỏ có dáng người gầy gò, khuôn mặt nhợt nhạt với những phản ứng khó hiểu kia. Họ cho rằng nó là đứa trẻ vô cảm, họ cho rằng nó là con của quỷ. Vậy là họ đuổi thằng bé đi. Con người ta thường vậy. Họ làm tất cả vì lợi ích của mình, nhưng lại tìm cho việc làm của mình một cái cớ đẹp đẽ nào đó...


Nó không nhớ nó đã lang thang đến làng này bằng cách nào nữa. Nó chỉ biết vào cái năm "mẹ" nó mất, cả làng đã nhìn nó bằng ánh mắt hằn học, đã nói với nó bao điều mà chính nó cũng không hiểu hết bằng một ngữ khí nặng nề. Nó bị bọn trẻ trong làng đẩy ngã, lấm lem hết cả quần áo mình mẩy. Và nó phải đi. Đi đâu mới được chứ ? Nó có chỗ nào để đi ? – Thằng bé năm ấy đã nghĩ mãi, nghĩ mãi, nó vẫn không hiểu những chuyện đang diễn ra..


Có lẽ nó không hề biết, bắt đầu từ lúc ấy, nó đã bị đẩy ra khỏi xã hội rồi.


Thằng bé


Nó lang thang khắp nơi, nó xin làm thêm cho các cửa hàng bán đồ ăn. Nhưng mỗi nơi chỉ làm được một thời gian thì lại bị đuổi, không vì lí do này thì vì lí do khác. Đã có những lần đói quá, nó phải lục lọi thùng rác của nhà dân để tìm miếng ăn. Đêm xuống, nó tìm một chỗ kín nhất có thể để nghỉ ngơi. Mùa hè thì bị muỗi đốt sưng hết cả người, mùa đông thì co ro trong đống rơm rạ cũng chẳng đủ ấm. Người nó gầy rộc đi mỗi ngày. Nó không hiểu sao mình có thể tồn tại đến lúc này nữa.