Hai mươi ba, chông chênh là vậy đấy!

Hai mươi ba, chông chênh là vậy đấy!

Tác giả: Sưu Tầm

Hai mươi ba, chông chênh là vậy đấy!

Hôm bữa gặp lại đám lớp cũ cấp ba sau năm năm, gặp lại tụi nó tất nhiên đứa nào cũng khác, sành điệu hơn, không còn vẻ “ngố tàu” như hồi xưa nữa. Đứa nào cũng đã ra trường và đi làm rồi, chỉ còn vài đứa là vẫn học tiếp để lên cao… Ui cha! Nhà có điều kiện mà! Hỏi ra mới biết cũng có đứa làm được đúng những gì mình học, cũng có đứa làm trái ngành, cũng có đứa đã lăn lộn qua hai ba công ty rồi… Vào đến bàn nhậu, đứa này nói đứa kia: “Ê, sau này có lên cao hoặc quen với giám đốc thì cho tao nhờ nhé” – “Ừ, mày cứ đợi đi con à, bây giờ tao cũng chỉ là lính quèn, còn nếu mày muốn mai tao tìm giám đốc cho mày cua ha”. Rồi cứ thế cụng ly ầm ầm!

Hai mươi ba - mới là lính mới, “đứng” một mình còn không vững nữa, lấy gì mà kéo người khác được - bắt đầu chông chênh!

Hai mươi ba - loay hoay bay nhảy từ chỗ này qua chỗ khác, người ta cứ nói còn trẻ cứ còn sức là cứ “bay” cứ “nhảy”, khi tiếp đất lại chuếnh choáng một tí - lại chông chênh!

Hai mươi ba - đi làm rồi đấy, có tiền đấy, nhưng thoáng một cuộc vui, vơi đi một nửa - tiếp tục chông chênh!

Hai mươi ba - học xong, mới biết đó không phải là đam mê của mình. Để theo đuổi đam mê, phải chấp nhận từ bỏ, từ bỏ khuôn khổ của thứ những tưởng trước đây nó là sở thích của mình, để rồi bị sốc và tự trách móc bản thân, sao đến bây giờ mới nhận ra - quá chông chênh!

Hai mươi ba - khi gặp khó khăn thì buông xuôi tất cả, tìm một chốn yên tĩnh giữa lòng Sài Gòn hối hả xô bồ này mà trốn vào đó, để không ai tìm ra, tự chơi “trốn tìm” với cuộc đời, nhưng khi không được ai tìm thì lại bực mình: “Bộ chẳng ai thèm quan tâm đến mình ư?” - rất chông chênh!

Hai mươi ba - không biết làm gì hết, ngồi viết nhăng viết cuội - cực kì chông chênh!

Nhớ lúc còn nhỏ, ai cũng đã từng tập đi xe đạp, ban đầu có ba mẹ ở sau giữ thăng bằng, đạp được một hồi, ba mẹ buông tay ra lúc nào không biết, đến khi ta phát hiện ra… chông chênh và… té! Nhưng quan trọng té đau nhưng ta quyết không chịu thua, mặc dầu ba mẹ chạy đến đỡ ta dậy đó nhưng ta vẫn kiên quyết tự đứng lên mà chinh phục cái xe.

Vậy mà sao đến hai mươi ba, khi ba mẹ buông tay ra để ta tự “đạp xe” vào đời, ta cũng chông chênh và cũng té! Nhưng dường như càng lớn té càng đau và ta càng chậm đứng lên hay sao ấy!

Khi leo lên xe được rồi “tay lái” lại chao đảo, chông chênh lựa chọn giữa nhiều con đường…

Theo công việc hay đam mê đây?!

Theo công việc chắc một tháng lãnh chục triệu nuôi thân không?! Hay theo đam mê để mỗi tháng lãnh chưa tới hai triệu?!

Tháng chừng chục triệu chắc là sẽ có người yêu chăng?! Hay một hai triệu chưa đủ nuôi bản thân huống hồ chi phải lo cho người yêu, đành chấp nhận “độc thân vui tánh” vậy!

Quá chông chênh, quá bấp bênh, ta không biết phải rẽ “tay lái” về hướng nào…

Thôi thì “nhắm mắt” đi đại vậy…

Nhưng “nhắm mắt” thế nào rồi cũng gặp tai nạn, lại một lần không gì bấu víu vào được, lại té đau, cứ lần sau đau hơn lần trước…

Nhờ vậy mà dần dần ta trở nên chai lì và tỉnh táo mở to mắt chọn con đường đi cho mình…

Con đường ban đầu ta chọn có thể bằng phẳng, thẳng tấp, rộng rãi và hai hàng cây bên đường rợp bóng mát cho ta thỏa sức ta vừa chạy vừa nghêu ngao hát, nhưng càng đi ta lại càng cảm thấy không được hạnh phúc, vì quá nhiều người chọn con đường này giống ta, làm cho ta cảm thấy quá ngột ngạt, rồi dần dần kẹt xe đầy đường, khói, bụi, sức nóng bắt đầu làm ta khó chịu, các câu hát cũng bị nhát gừng… Lúc ấy ta chợt muốn quay lại cũng không được, tiến lên cũng không xong, vì xung quanh ta đã chật kín người người chen chúc nhau!

Chợt ta mới phát hiện ra, có một “lối” dẫn qua con đường bên kia. Cho dù con đường ấy ban đầu ta không chọn nó vì nó gồ ghề, quanh co, mà còn chật hẹp nữa và chẳng có một cái bóng cây nào trên con đường ấy cả. Ta bắt đầu len lỏi từ từ để qua “lối” ấy mà đi vào con đường “xấu” kia! Nhiều người bắt đầu nói ta “khùng”, nói ta “điên” đang đi con đường “đẹp” mà lại muốn đi qua kia để tự làm khổ mình, chỉ có “kẹt” một xíu thôi mà. Ta cứ mặc kệ họ, vẫn quyết tâm sang được con đường bên kia cho dù nó có thể nào đi chăng nữa vì ta đã nhận ra rằng: “Mình đã chọn lầm đường, con đường kia mới hợp với khả năng của mình, con đường này quá đông mình không thể thỏa sức vừa đi vừa nghêu ngao hát. Con đường kia dù nó có quanh co, gập ghềnh, nóng bức đi chăng nữa thì ít người dám chọn nó, nên mình có thể vừa đi vừa hát một cách thoải mái…”

“Đường nào cũng về La Mã” quan trọng là hãy đi con đường ta cảm thấy thoải mái nhất, hãy mặc kệ dư luận xung quanh đàm tếu, nếu nhận ra đã đi sai đường, hãy cố gắng len lỏi sang bên kia, đừng vì “sợ” mà cam chịu để rồi “tiến thoái lưỡng nan”.

Đời ai lại không có những lúc chọn sai đường, huống hồ ta chỉ mới hai mươi ba, chông chênh ban đầu thôi, nhưng biết quay về đúng với những gì phù hợp với ta, chẳng mấy chốc ta lấy lại được thăng bằng ngay ấy mà!

Hai mươi ba chông chênh là vậy đấy!

Bảo Bond