Lamborghini Huracán LP 610-4 t
Sính lễ

Sính lễ

Tác giả: Sưu Tầm

Sính lễ

Thiềm vẫn ngồi trong góc bếp ôm chặt lấy đứa con nhỏ, thằng bé đã nín khóc rồi nhưng giờ lại đến lượt chồng cô khóc, Siển khóc càng lúc càng to hơn. Thiềm thấy vừa thương vừa sợ chưa bao giờ cô nhìn thấy một người đàn ông khóc, lại càng chưa bao giờ nghĩ rằng một người như Siển lại có thể khóc đến dữ dội như thế.


***


Thiềm ôm con đến bên chồng, thằng bé mới một tuổi nhìn bố nó khóc bằng ánh mắt ngây thơ và sợ hãi, thấy mẹ nó đưa tay lên lau nước mắt cho bố nó, thằng bé cũng chìa bàn tay bé xinh của mình xoa xoa lên mặt Siển. Khi nhận ra những giọt nước mắt mặn mòi của mình đã làm ướt bàn tay nhỏ xinh của con, Siển liền nín khóc, anh ôm con vào lòng và xin lỗi nó.


"Lả của bố, bố xin lỗi Lả của bố!"


Sính lễ


Thiềm gạt nước mắt đứng dậy dọn dẹp lại nhà cửa, sau bài học của ông bố chồng dành cho vợ chồng cô, đồ đạc trong nhà hình như chẳng còn cái nào dùng được nữa. Căn nhà vốn chẳng có gì nhiều giờ sau khi cô đã dọn dẹp đi nó lại càng trống trải hơn, nghĩ thương chồng con và thương cả chính mình Thiềm lại lặng lẽ khóc. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình không khá giả gì, Thiềm đã quen sống với cái nghèo, cái khó nhưng chưa bao giờ cô cảm thấy cuộc đời cay đắng như những ngày này. Từ hồi mới về làm vợ Siển ai cũng nghĩ cuộc đời Thiềm từ đó sẽ được đổi thay, chắc chắn cô sẽ được sống sung sướng hơn. Bạn bè cô còn bảo sẽ không phải đi gánh củi, gánh ngô, gánh nước... như hồi còn ở nhà nữa. Nhà Siển đã có xe máy, xe công nông để chuyên chở hết tất cả những thứ đó rồi, nước thì ở bản Sàng Bương người ta đào ống dẫn về đến tận nhà rồi. Nhà Siển cũng có cái mày cày, máy kéo thay con Trâu, con Người làm việc nương rẫy, ruộng đồng nên chắc chắn Thiềm sẽ không phải vất vả nhiều. Một vài người họ hàng của Thiềm còn nói nửa đùa nửa thật rằng.


"Khéo mày về bên ấy lại trở nên béo tốt ra vì ở không nhiều đấy Thiềm ạ!"


Mà sao giờ Thiềm thấy mình gầy quá sờ thấy cả từng cái xương sườn rồi, may mà con trai Thiềm đã cai sữa nếu không thì cô nghĩ chắc cô không đủ sữa cho nó bú nữa. Thiềm đã phải làm việc nhiều, mà mấy tháng nay nhà lại thiếu thốn quá, cô thường xuyên phải dành dụm cho con chẳng dám ăn tiêu gì. Thiềm là người Nà Ly, một cái bản nhỏ nằm sâu trong núi, bao bề bốn phía đều là rừng đại ngàn, so với bản Sàng Bương thì Nà Ly còn nghèo lắm. Bản Sàng Bương nằm gần trung tâm huyện nên đời sống và kinh tế tốt hơn nhiều, hồi cô chuẩn bị lấy chồng bản cô mới có điện về. Bây giờ mọi việc ở Nà Ly từ xát thóc, lấy nước sinh hoạt cho đến cày cuốc nương rẫy đều dựa cả vào sức người là chính chứ không hề có sự trợ giúp của máy móc như ở Sàng Bương. Thiềm và Siển quen nhau từ hồi còn học cùng trường trung học dưới huyện, ngày ấy Thiềm được mệnh danh là hoa khôi của trường. Siển học trên Thiềm một lớp, anh mê cô ngay từ lần đầu tiên gặp mặt nên dù vất vả thế nào anh vẫn cùng mấy người bạn trèo đèo, lội suối vác khèn sáo vào trong tận Nà Ly để "chọc sàn"[1] nhà Thiềm. Cũng ngay từ buổi tâm tình đầu tiên, Thiềm đã thấy vương vấn bóng hình của Siển, hai người yêu nhau ba năm sau thì cưới, lúc đó Thiềm cũng vừa mới học xong trung học phổ thông.


Ông bà Mần tức bố mẹ chồng Thiềm thì không ưng cô, lúc đầu họ không muốn Siển lấy cô vì chê nhà cô xa, lại nghèo khó không hợp với nhà Siển. Họ muốn anh cưới cô gái nào mà gia đình khấm khá hơn để sau này còn "có chút của hồi môn mà làm ăn"... Nhưng dù bố mẹ có nói thế nào Siển vẫn một lòng một dạ chỉ yêu thương mỗi Thiềm, cô không những xinh đẹp mà còn rất siêng năng, chịu khó mà học hành cũng khá nữa. Thấy thế một vài người họ hàng của nhà Siển nói với bố mẹ anh là cho anh cưới Thiềm về.


"Cứ rước con bé ấy về chị ạ, nhà người ta nhỏ thì mình cũng chỉ phải làm lễ cưới nhỏ, đồ chuộc dâu (tức sính lễ) cũng chẳng là bao. Lấy về nhà để có thêm người làm, anh chị cũng đỡ vất vả hơn chứ sao?"


Nghe vậy rồi cuối cùng bố mẹ Siển cũng đồng ý đi cưới Thiềm cho anh, về nhà chồng bố mẹ Thiềm chẳng có gì nhiều cho cô mang về làm của hồi môn. Tuy bố mẹ Siển nói chẳng cần gì nhưng theo phong tục thì bố mẹ Thiềm vẫn cố gắng cho cô vài triệu bạc, một ít trang sức, một đôi gà và một con lợn nái nhỏ bên cạnh những quà hồi môn bắt buộc như khăn, gối thổ cẩm nhà trai yêu cầu đến hàng chục bộ. Mẹ Siển nhìn vào những món đồ hồi môn mà con dâu cả mang đến mà bĩu môi, chậc lưỡi. Thiềm biết, từ xưa đến nay vẫn thế, không chỉ ở Sàng Bương, Nà Ly mà nhiều bản Thái khác nữa có của hồi môn về nhà chồng càng nhiều thì cô dâu càng đỡ khổ và cũng được quý trọng hơn. Để có được cho cô chừng ấy thứ mang về nhà chồng bố mẹ cô đã phải đi vay nợ những nhà giàu trong bản và nhờ họ hàng gom góp cùng rồi, thấy thái độ lạnh nhạt của mẹ chồng Thiềm tủi thân lắm. Cả đêm tân hôn cô cứ khóc sịt sùi, Siển cũng hiểu nỗi niềm của người vợ trẻ nhưng anh chỉ biết cố gắng dỗ Thiềm nín khóc, và khuyên cô là sau này hai vợ chồng cố gắng làm đụng, dành dụm là được.


Thiềm và Siển cưới nhau được vài ba tháng thì em trai Siển là Xống cũng chuẩn bị đi lấy vợ. Tuy là anh em ruột nhưng tính tình của Siển và Xống khác nhau một trời một vực, Xống lười cả học lẫn làm và cũng như mẹ mình anh ta tỏ ra khinh rẻ chị dâu ra mặt. Về nhà chồng Thiềm phải làm quần quật vì ruộng nương nhà Siển nhiều lắm, mà những công việc vặt trong nhà cũng do một tay Thiềm làm hết vì các em chồng của Thiềm chẳng ai đụng đến. Nhà Siển có nhiều của thật nhưng bố mẹ Siển hay tính toán chi li, ông Mần là một ông bố chồng ham làm việc và hơi keo kiệt nhưng bà Mần còn phải nói là hà tiện và ích kỷ. Ngày Thiềm mới có bầu Siển luôn tìm mọi cách để có thể ở bên cạnh vợ thường xuyên, anh sợ cô bị bà Mần bắt làm nhiều việc quá nhỡ cái thai của cô lại có sự gì. Tính Siển hiền hòa, hay cười vui, chăm chỉ nên anh em họ hàng ai cũng yêu quí nhưng ở nhà bố mẹ anh lại yêu thương Xống hơn. Bởi vì Xống là con út, biết nịnh nọt bố mẹ, với lại tính anh ta cũng keo kiệt, bủn xỉn như bố mẹ mình nên hợp với ông bà Mần hơn. Xống lấy vợ ở ngay gần bản mình, bố vợ Xống rất giàu có, ông ta là một tay buôn trâu, bò và gỗ khét tiếng trong vùng. Thằng con trai út kiếm được mối béo bở này bà Thiềm vui sướng lắm, và lúc nào cũng như hoảng lên, tất bận chạy ngược chạy xuôi lo cho đám cưới của Xống sao cho nó được chu toàn nhất, lộng lẫy nhất từ trước đến nay ở cái bản Sàng Bương này. Dù Thiềm đang mang bầu ở giai đoạn nguy hiểm nhất nhưng bà Mần vẫn bắt cô con dâu cả làm quần quật từ sáng đến đêm.


Sau hơn một tháng chuẩn bị thì đám cưới của Xống được diễn ra, nhà gái vốn giàu có lại cũng muốn thể hiện với bên nhà trai nên bố vợ Xống cho con gái và con rể rất nhiều của hồi môn, sính lễ. Nhà trai phải thuê ba chiếc xe tải nhỏ dưới thị trấn lên để chở chỗ quà hồi môn ấy của nhà gái về. Nhà gái tặng quà hồi môn cho con đủ để hai vợ chồng ra ở riêng ngay sau lễ cưới, từ cái xe máy, xe đạp, tủ, giường, máy băm rau cho gia súc đều có đủ cả. Không những thế bố vợ Xống còn cho vợ chồng con gái một nửa quả đồi, đã trồng sẵn ít cây ăn quả và Ngô, đợi sau cưới xong là có thể thu hoạch được ngay rồi. Chỗ của cải ấy khi về nhà Xống đều do Xống đứng tên cả, Xống và ông bà Mần sung sướng lắm, miệng cười cứ không ngớt. So với Thiềm cô dâu út của ông bà Mần vừa xấu người, xấu nết nhưng bà Mần vẫn không tiếc lời khen cô con dâu này đủ điều tốt đẹp. Thấy thế một số người họ hàng của nhà Siển lại bảo nhỏ với nhau.


"Tội thằng Siển quá nhỉ, so với cái thằng lười Xống nó ngoan và chăm chỉ gấp trăm lần mà cuối cùng chẳng được đứng tên cái ruộng, cái nương nào. Thằng Xống suốt ngày "ngồi ăn nằm ỉa"[2] mà đã có không biết bao nhiêu là của cải..."


"Tại thằng Siển thôi, thằng Xống nó khôn hơn mà!"...


Thiềm nghe thấy vậy buồn lắm nhưng cô chẳng biết nói gì, chỉ lặng lẽ khóc. Sau khi cưới nhau vợ chồng Xống chỉ lo ham vui, suốt ngày đi thăm bạn bè họ hàng ở bản này, bản nọ có khi đi vài hôm mới về, mặc cho ở nhà đang bận ngày mùa túi bụi. Có hôm hai vợ chồng lại rủ nhau đi chợ phiên, đi lên thị xã chơi mua sắm đủ thứ linh tinh, hết tiền thì Xống lại nịnh mẹ để vòi vĩnh. Vợ Xống lười nhác lại chẳng ai dám sai nên cô ta cũng chẳng làm gì, kể cả giờ nấu cơm Thiềm bụng mang dạ chửa lui húi dưới bếp cô ta cũng chẳng ngó màng đến. Cô vợ Xống năm nay mới mười sáu tuổi đầu, dù vất vả nhưng mang tiếng là người làm chị, với lại nghĩ vợ Xống còn nhỏ tuổi chưa biết nghĩ nên Thiềm cũng mặc kệ em dâu chồng muốn làm gì thì làm. Chỉ có bà nội chồng của cô là hay nói, bà cụ đã bị liệt nửa người được một năm nay, bà yêu quý vợ chồng Thiềm lắm, trước còn khỏe mọi việc trong nhà đều do bà lo hết. Giờ bà chỉ nằm một chỗ nhưng rất hay nổi giận và cáu gắt, ngay cả con dâu bà cụ là bà Mần cũng chẳng bao giờ đụng đến bà. Toàn bộ chuyện cơm nước, giặt rũ cho bà nội chồng đều do một tay Thiềm làm hết cả. Vợ chồng Xống ghét bà nội một cách cay nghiệt, cô vợ Xống nhiều lần bị bà chửi vì cái tội ăn nói to, không biết giữ ý, lười làm còn nhiều lần rủa cho bà mau chết sớm... Gần đến ngày sinh, mẹ chồng Thiềm đi đến nhà thầy Mo xem vận hạn, về nhà bảo con dâu là phải đến nhà bố mẹ đẻ sinh con nếu không nhà sẽ có hạn.


Thế là vợ chồng Thiềm lại khăn gói vào Nà Ly chờ sinh con, nhà bố mẹ đẻ Thiềm tuy nghèo nhưng những lúc như thế này được về với ruột thịt Thiềm cũng thấy đỡ hơn ở nhà chồng nhiều. Chỉ có điều cô vẫn cứ lo về bà nội chồng, cô sợ không có cô ở nhà thì chắc chẳng ai chăm sóc bà chu đáo cả nhưng bà cụ cứ giục hai vợ chồng về Nà Ly sớm. Trước khi đi bà cho Thiềm một cái hộp gỗ bảo đó là bùa hộ mệnh, khi nào khốn khó quá thì hãy mở ra xem. Gần hai tuần sau về nhà bố mẹ đẻ Thiềm sinh con trai đầu lòng, bố mẹ chồng vào xem mặt cháu rồi bà Mần đòi đưa mẹ con cô về sau mười ngày. Siển thì phải về trước vì nhà thiếu người làm, từ ngày vợ chồng Thiềm đi chưa được nửa tháng mà nhà anh như loạn hết cả lên, bà nội anh giờ yếu hẳn, bà không ăn uống được gì, chỉ nằm một chỗ thở khò khè. Em gái cũng chuẩn bị đi lấy chồng nên chẳng giúp bố mẹ được việc gì nó chỉ mải thêu thùa khăn của nó chuẩn bị làm quà hồi môn khi về nhà chồng. Còn vợ chồng Xống vốn đã không phải làm gì nay tự dưng phải tự lo lấy cơm nước, đôi lúc phải chăm cả bà nội, để lấy lòng ông bà Mần hai đứa cũng phải cầm cái cuốc mà ra nương nữa. Chúng nó sinh ra lòng uất ức mà chẳng biết là uất ức với những ai, chẳng nhẽ lại là vợ chồng Thiềm? Làm thì chẳng làm, hai vợ chồng Xống chỉ hay đùa giỡn nhau, trời nắng thì bỏ việc chui vào bụi rậm, trời sắp mưa thì bỏ về nhà... có hôm thì chúng nó cãi nhau vì phải làm việc nhà rồi vợ Xống còn đòi ra ở riêng.


Ngày chuẩn bị rước con dâu và cháu nội về mẹ chồng Thiềm lại đi xem số ở nhà thầy Mo, thầy Mo bảo Thiềm cháu bà phải được đầy tháng mới đưa về nhà được. Bà chỉ muốn con dâu bà về sớm để còn lo việc nhà việc cửa, thầy Mo bảo thế dù bực lắm nhưng bà đành cho Thiềm ở bên ngoại thêm một tháng nữa. Thực ra thì sau khi chửa đẻ người phụ nữ cũng cần được ở cữ một tháng, Siển tuy không bộc lộ ra ngoài nhưng anh mừng lắm, anh cũng biết thừa mẹ anh chỉ mong Thiềm về để bắt cô làm hết việc này đến việc kia. Siển không được ở bên vợ, anh phải chia thời gian ra cứ ba ngày anh lại về thăm vợ con một lần cho đỡ nhớ. Ngày Thiềm bế con về thì bà nội chồng mất, bà cụ chỉ chờ được xem mặt thằng chắt, khi cháu dâu bế con đến bên cạnh bà mở mắt ra ngắm nhìn nó hồi lâu mỉm cười rồi bà mới ra đi thanh thản. Vợ chồng Xống thì coi như đã ra ở riêng được hơn chục ngày, chúng nó khuôn hết đồ đạc của chúng nó vào trong lán mà ở để đỡ phải đả đụng gì đến việc trong gia đình. Ông bà Mần có dựng một ngôi nhà sàn nhỏ ở trong hẻm núi để tiện trông coi nương rẫy ở trong đó, gọi là lán nhưng căn nhà nhỏ hầu như có đủ mọi thứ cần thiết cho sinh hoạt rồi. Vợ chồng Xống đòi vào đấy ở bảo là trông nương chứ thỉnh thoảng chúng nó mới về đó, còn đâu toàn đi ở hết nhà bố mẹ vợ rồi ở nhà bạn bè có khi đến cả tuần mới về. Vợ chồng Xống ham chơi nên dần chẳng ai ưa, bà nội mới mất chưa được mười ngày mà hai vợ chồng lại xách xe đi chơi chợ phiên. Bạn bè vì thế chẳng ai tỏ ra vui mừng tiếp đón khi hai vợ chồng lên nhà chơi nữa, bố vợ Xống cũng mắng hai vợ chồng nó là không biết điều và cấm hai đứa nó về nhà ông ta. Vợ chồng Xống đành quay về nhà lán mà ở, chúng nó tiêu hết tiền khi mà vợ Xống bắt đầu có chửa, chẳng ai chịu làm đụng gì cứ ở nhà tị nạnh nhau nên cuối cùng vợ chồng nó quay ra chửi nhau, mới đầu Xống tức nó chỉ đập phá đồ đạc sau đó nó còn đánh cả vợ nó nữa. Vợ Xống liền bỏ về nhà bố đẻ ở, bố vợ Xống bắt nhà Xống phải qua chuộc con dâu về, ông bà Mần lại bắt lợn, bắt gà khiêng sang nhà bố mẹ đẻ vợ Xống xin con dâu về cứ y như là đám cưới lần hai vậy.


Lúc này con trai của vợ chồng Siển đã được gần bốn tháng tuổi, vì bà nội mới mất nên chuyện chồng con của cô em chồng Thiềm đành phải hoãn lại. Chẳng hiểu vì sao mà từ ngày đó cô này cứ hay cáu gắt, không ít lần cô ta vào hùa với mẹ mình để đay nghiến chị dâu. Thiềm chỉ cố âm thầm chịu đựng, cô vừa chăm con vừa quán xuyến việc nhà việc cửa may mà thằng bé Lả - con trai cô rất ngoan nên cô không phải vất vả vì nó nhiều. Tuy gọi là ra ở riêng nhưng cứ đến giờ ăn vợ chồng Xống lại đến xách cơm nước vào lán mà ăn, có khi thì mẹ chồng cô xách vào cho chúng nó.