80s toys - Atari. I still have
Những vì sao cô đơn

Những vì sao cô đơn

Tác giả: Sưu Tầm

Những vì sao cô đơn

Sứt cầm đèn pin của mẹ soi lên bầu trời. Bầu trời như một tấm thảm nhung lấp lánh sao. Sứt bật dậy khi thấy một vì sao vừa vụt qua bầu trời. Sứt tự hỏi vì sao ấy có phải là một linh hồn?


***


Những vì sao cô đơn


Hôm nào ăn cháo y như rằng Sứt bị đái đêm mấy lần. Bà nội Sứt bảo: "Thằng này bệnh!". Mẹ Sứt bảo: "Trẻ con như thế là bình thường".


Nhà tối, đèn dầu leo lét, phía sau nhà không có đèn càng tối hơn. Bà nội Sứt dọa: "Gốc chuối sau nhà có ma!". Mẹ Sứt giục: "Con trai không được sợ ma. Ra gốc chuối mà đái!". Sứt sợ ma lắm. Nhân lúc mẹ không để ý, Sứt đứng ở thềm cửa đái tồ tồ.


Mẹ Sứt ngồi trước cổng, huơ huơ đèn pin về phía đường quốc lộ. Đường quốc lộ cắt ngang xóm nhà Sứt, cứ tối lại là loang loáng ánh đèn xe.


Có một chiếc xe tải đang lừ đừ tấp vào lề đường. Ánh đèn pin của mẹ Sứt rạng rỡ hơn chiếu vào người đàn ông đang bước xuống xe.


Người đàn ông cổ rụt, râu quai nón, dáng đi khệnh khạng như gấu. Đúng rồi! Là người đàn ông gấu. Người đàn ông gấu này là khách quen của mẹ, chỉ cần nhìn dáng người là Sứt nhận ra.


Mẹ Sứt đon đả mời người đàn ông gấu vào nhà. Thấy Sứt đứng tồng ngồng ngoài cửa, người đàn ông gấu hỏi: "Sao không mặc quần vào cho nó?". Mẹ Sứt trả lời bâng quơ: "Kệ! Một đêm nó đái mấy lần. Mặc quần làm gì cho vướng". Người đàn ông gấu ôm eo mẹ Sứt, đủng đỉnh đi vào nhà. Thấy bà nội nằm võng ở góc nhà, người đàn ông gấu lại hỏi: "Ngủ chưa?". Mẹ Sứt thản nhiên: "Kệ! Tỉnh cũng quen rồi!". Bà nội Sứt nằm bất động trên võng. Người đàn ông gấu vồn vập bế mẹ Sứt vào buồng rồi đóng cửa lại...


Vọng ra từ bóng tối là âm thanh thể hiện sự tàn tạ của cái giường.


Bà nội Sứt không thể nào đi vào một giấc mơ, tiếp tục phe phẩy quạt.


Sứt vớ được cái đèn pin của mẹ cũng bắt chước huơ huơ nhưng không soi ra đường quốc lộ mà soi lên bầu trời. Ánh đèn pin của Sứt có thể chạm tới những vì sao. Sứt nghĩ, những vì sao có thể là ánh đèn pin của những ai đó trên bầu trời. Sứt bấm nút cho đèn pin nhấp nháy. Nhấp nháy!


Thấp thoáng có một số ánh đèn pin ở những căn nhà lụp xụp ven đường rọi ra đường quốc lộ. Một đoàn xe tải chạy qua khiến nhà Sứt rùng rùng như có động đất!


***


Chiều mát, không có việc gì để làm, mẹ Sứt ngồi bắt chấy cho thím Muôn. Cả hai ngồi trên chõng, đầu tóc rũ rượi. Sứt ngồi chơi oản tù tì búng trán với cái Năm - con thím Muôn. Hai đứa ngồi dưới đất, đều cởi trần và gầy trơ xương. Cái Năm năm tuổi, kém Sứt một tuổi, nhưng khôn hơn Sứt nhiều. Chơi oản tù tì nó toàn ra sau Sứt một nhịp, chơi mười ván thắng chín ván. Sứt bị nó búng cho đỏ cả trán. Mẹ Sứt bảo Sứt là đồ ngốc. Sứt ấm ức chỉ vào lỗ thủng to tướng ở đũng quần của cái Năm bảo nó là đồ không có chim. Mẹ Sứt với thím Muôn cười như nắc nẻ. Thím Muôn bảo: "Sau này cho hai đứa làm vợ chồng". Câu này có vấn đề! Bà nội Sứt đang bỏm bẻm nhai trầu cũng phải thốt lên: "Loạn! Anh em con chú con bác lấy nhau có mà loạn!". Thím Muôn biết mình lỡ lời, tái mặt, vân vê vạt áo nhìn về phía đường quốc lộ. Không khí trở nên ngột ngạt. Mẹ Sứt bỏ con chấy vừa bắt được vào mồm cắn kêu cái "tách"!


Bà nội Sứt nhổ toẹt bã trầu vào bô, rồi lọm khọm xách bô ra sau nhà. Bà nội đi khuất hẳn thì mẹ Sứt mới hỏi thím Muôn hôm qua có khách không. Thím Muôn hớn hở kể có tay tài xế người Thái Bình tuần trước đến tuần này quen mui lại đến, xong việc còn cho thêm mười cái bánh gai. Tay ấy sung và hào phòng lắm. Lát nữa mẹ Sứt cho Sứt sang nhà thím mang mấy cái bánh về mà ăn. Thím Muôn nói đến đây, cái Năm đang chơi bỗng giẫy nảy, khóc lóc đòi về. Mọi lần Sứt khóc là mẹ dọa đánh, thế mà lần này cái Năm khóc mẹ lại khen cái Năm còn bé mà khôn đáo để. Người lớn thật bất công! Sứt bĩu môi nhắc lại sự thật lạ lùng và đáng xấu hổ của cái Năm: Đúng là đồ không có chim!


***


Sứt không ngủ với mẹ mà ngủ ở giường của bà nội. Giường của bà nội do ông nội đóng, làm bằng gỗ lim, đen bóng. Mẹ Sứt ngủ trong buồng, tiếp khách cũng trong buồng. Giường trong buồng làm bằng gỗ thông, bị mọt cả bốn chân giường, mỗi lần mẹ tiếp khách nó hay kêu cọt kẹt khiến Sứt rất khó chịu.


Từ lâu lắm rồi bà nội Sứt không nằm giường, toàn nằm võng. Võng được mắc ở góc nhà, ngay cạnh ban thờ ông nội. Có đêm, Sứt chợt tỉnh giấc thì thấy khói hương nghi ngút trên ban thờ. Bà nội bảo: "Ông nội Sứt vừa về, véo chim Sứt mấy lần mà Sứt không biết gì!". Sứt sửng sốt hỏi: "Ông nội có phải là ma?". Bà nội chửi: "Cha bố anh! Ông nội anh còn hơn cả ma! Ông nội anh là một linh hồn!". "Linh hồn là gì?", Sứt ngơ ngác hỏi mẹ. Mẹ bảo: "Linh hồn ông nội chỉ xuất hiện trong giấc mơ của bà nội". Ồ! Giấc mơ thì Sứt biết. Bởi Sứt từng mơ được lái một chiếc xe tải khổng lồ chạy bon bon trên đường quốc lộ. Sứt còn mơ thấy một vì sao rơi thẳng xuống sân nhà mình... Linh hồn xuất hiện trong giấc mơ, vậy thì xe tải, vì sao, mẹ, bà nội, thím Muôn, cái Năm... đều có linh hồn. Nhưng còn bố? Sứt chưa bao giờ mơ thấy bố, liệu bố có linh hồn? Sứt hỏi mẹ đã bao giờ thấy linh hồn bố chưa, mẹ lẳng lặng gật đầu, cầm đèn pin ra sân để soi về đường quốc lộ.


Không một chiếc xe tải nào tấp vào lề đường.


Sứt không ngủ được nên đến ngồi cạnh mẹ, bắt mẹ kể cho nghe về những linh hồn trong giấc mơ của mẹ.


Câu chuyện vừa bắt đầu thì bị cắt ngang bởi thím Muôn. Thím Muôn dẫn một người đàn ông nhỏ thó đến gặp mẹ, và bảo, người đàn ông này là phụ xe của tay tài xế người Thái Bình, vẫn còn chưa vợ nên mẹ Sứt phải phục vụ nhiệt tình. Mẹ Sứt nở một nụ cười gượng gạo mời người đàn ông vào nhà.


Không biết trong nhà bà nội đã đi vào một giấc mơ chưa?


Sứt cầm đèn pin của mẹ soi lên bầu trời. Bầu trời như một tấm thảm nhung lấp lánh sao. Sứt bật dậy khi thấy một vì sao vừa vụt qua bầu trời. Sứt tự hỏi vì sao ấy có phải là một linh hồn?


***


Bà Tư có linh hồn đáng mến nhất! Trong giấc mơ của Sứt, bà Tư cười hiền từ, mắt sáng như sao. Mấy hôm liền Sứt mơ thấy bà Tư. Mỗi sáng tỉnh dậy là Sứt lại háo hức đến nhà bà Tư để học chữ, để xem mắt bà Tư còn sáng như sao nữa không. Bình thường, hai mắt bà Tư sâu hun hút như mắt của bà nội.


Nhà bà Tư bán tạp hóa, cũng ở ven đường quốc lộ, cách nhà Sứt hơn một cây số. Hôm đầu tiên Sứt với cái Năm đến nhà bà Tư xin học chữ có thím Muôn đi kèm. Những hôm sau Sứt với cái Năm quen đường, cứ dung dăng dung dẻ đến lớp.


Lớp học xóa mùa chữ của bà Tư có mười đứa, nhỏ có và lớn cũng có. Đứa lớn nhất đã dậy thì, đã mặc nịt vú, cao lêu nghêu. Đứa nhỏ tuổi nhất trong lịch sử của lớp học này là cái Năm.


Ba hôm đầu, Sứt và cái Năm học được ba chữ : O, Ô và Ơ! Ba chữ ấy bà Tư dạy thế này: "O tròn như quả trứng gà, Ô thì đội mũ, Ơ thì có râu".