Disneyland 1972 Love the old s
Hồn ma trong bệnh viện

Hồn ma trong bệnh viện

Tác giả: Sưu Tầm

Hồn ma trong bệnh viện

- Em tủi thân, vì em đã chết rồi.


- Em đừng có nói bậy, mặt mũi đẹp đẽ như vầy thì chết làm sao được.


- Em biết là nói ra anh hổng có tin, em chết đã 3 hôm rồi, nhưng vì chưa đúng hạn kỳ nên hồn em vẫn còn vất vưởng lẩn quẩn quanh đây. Vả lại em cũng muốn gặp anh, để trả chút ơn anh chăm sóc em khi xưa.


***


PHẦN 1.


Từ hồi còn nhỏ tôi đã vốn ghét các chuyện ma, vì tôi nghĩ rằng người ta chỉ bịa đặt các chuyện ma để hù những kẻ yếu bóng vía hoặc đàn bà con nít mà thôi. Với tôi thì làm gì có ma, nhất là hồi nhỏ tôi vốn là một đứa trẻ rất ngỗ nghịch, hay phá làng phá xóm, cho nên tôi còn bày đặt ra nhiều cách nhát ma cho thiên hạ sợ mà lấy làm thích thú nữa kìa.


Hồn ma trong bệnh viện


Thí dụ như hồi lúc tôi mới có 10 tuổi thôi, là tôi đã nhát ma hàng xóm rồi. Tôi còn nhớ rõ hình ảnh lúc đó lắm. Khi đó ở xéo xéo bên tay trái nhà tôi có một con hẻm khá lớn nhiều người thường qua lại, đầu hẻm có một cây nhào to lắm, trái chín trông giống như trái ổi trăng trắng dài dài ăn rất thơm và ngon. Thấy tôi thường trèo lên cây nhào vừa tập làm Tarzan vừa lén hái trái ăn, bà Tư hàng xóm hù tôi là cây nhào này có ma thường hiện ra chọc phá người ta vào ban đêm để cho tôi sợ mà đừng leo lên nữa. Không dè bà gãi đúng chỗ ngứa, thế là tôi nghĩ ra cách làm ma để nhát thiên hạ ngay.


Tối đó tôi đổ một ít nước vào trong cái bong bóng màu trắng cho nằng nặng, xong rồi phồng má thổi cho nó căng lên, buộc chặt lại, kế đó tôi cắt vài sợi giấy báo dài độ nửa thước, cột vào đuôi bong bóng cho nó trở thành 1 cái đuôi dài lòng thòng, sau đó thì tôi cột vào 1 sợi chỉ đen thật dài, chờ lúc trời thật tối, tôi ôm cái bong bóng đó trèo lên cây nhào cành lá chằng chịt, gió reo vi vút giữa đêm tối mênh mông; nhưng nhằm nhò gì, dễ quá mà, cành nhào nào mà tôi không thuộc nằm lòng, leo trèo mỗi ngày mà. Tôi máng cái bong bóng lên 1 cành nhào cao, xong rồi nối sợi chỉ đen dài xuống đất, căng ngang con hẻm, hy vọng người nào đó đi ngang qua sẽ đá vào sợi chỉ làm đứt dây, cho bong bóng rơi xuống. Tôi nhẹ nhàng trở về căn gác đàng trước nhà, cuốn tròn người trong cái mền mỏng, nằm im lìm, thích thú, nín thở rình xem.


Trời đêm đó không trăng, vài ánh sao le lói tít tận trời cao không thể nào mang ánh sáng đến chỗ này được. Con hẻm khi đó tối lắm, một vài ngọn đèn dầu leo lét bên khung cửa sổ nghèo của mấy căn nhà hàng xóm, không những chẳng soi sáng được lối đi mà còn làm cho khung cảnh trở thành âm u ma quái dễ sợ. Thỉnh thoảng từng cơn gió thốc ùa qua, làm cho cành lá run rẩy, tạo nên những tiếng thì thào như những lời oán than rên rỉ từ cõi u minh xa thẳm vọng về.


Chừng độ nửa tiếng đồng hồ sau đó, từ căn gác trong nhà, tôi nín thở nhìn ra đường hồi hộp chờ đợi vì thấy chị Thu Tàn với anh Thái Ðức, nhà ở trong đường hẻm đi chơi khuya đang về gần tới. Hai người này thì bồ với nhau khắn khít lắm, chị Thu Tàn thì nhờ nước da bánh ít trần, thân hình gầy gò ốm yếu như lá úa mùa thu nên trông khá đẹp, nhưng anh Thái Ðức thì mặt mụn, tóc rối bù xù coi có vẻ du côn và thường bắt nạt lũ con nít chúng tôi. Tôi thấy anh Thái Ðức vừa đi vừa khua tay múa chân có lẽ đang tưởng tượng ra mình là một vị anh hùng nào đó để lấy le với người đẹp. Khi hai người đi ngang qua đường hẻm, chân đá vào sợi chỉ làm đứt sợi chỉ, một tiếng 'Phụp" khô khan vang lên trong đêm tối, quả bong bóng trắng lù lù hiện ra giữa trời khuya từ trên cành nhào lao xuống, lạng qua lạng lại, kéo theo những sợi giấy báo dài phất phơ, đập vào nhau kêu lẹt xẹt, quờ quạng như những bàn tay ma quái chờn vờn, dang ra muốn chộp lấy hai người.


Tôi thấy anh Thái Ðức im lặng không nói một lời, lập tức co giò lên cổ, bỏ người yêu chạy trối chết hòng cứu lấy thân, đôi giày mới tinh bóng lưỡng, mua hồi tuần trước, đạp bừa lên mấy cái vũng sình trong con hẻm nghe sình sịch, như tiếng đề ba của đạn pháo kích, phá tan cái tĩnh mịch của đêm trường. Còn chị Thu Tàn thì la bài hải như bị ma rượt, vừa chạy theo anh Thái Ðức vào sâu trong bóng đêm của con hẻm mà trong lòng vừa nguyền rủa người tình bội bạc, mặt mày coi cô hồn mà trong lòng thì nhát như thỏ đế, khi ôm ấp mình trong tay thì hứa hẹn chăm lo bảo bọc đủ điều, đến chừng gặp hoạn nạn thì vội vàng vất người yêu bé bỏng lại làm con vật tế thần, còn mình thì vắt giò lên cổ lo chạy thoát thân. Tôi thì cười đến đau bụng, nhưng cố nín không dám phát ra thành tiếng, vài phút sau tôi len lén chạy ra tìm cái bong bóng đem về xì hơi ra cất lên.


Câu chuyện anh Thái Ðức với chị Thu Tàn bị ma từ trên cây nhào nhảy xuống bắt được đồn rùm lên, từ đó ngoài tôi ra không ai dám đi ban đêm một mình ngang qua cây nhào thần kỳ bí hiểm đó nữa. Mấy tuần sau tôi thấy có một cái bàn thờ màu đỏ nho nhỏ đặt ở dưới gốc cây nhào, chiều chiều bà Tư còn ra đó cắm nhang và lâm râm khấn vái vị thần hay con ma dữ đêm đó nhớ về phò hộ cho bà sống thêm vài chục năm nữa để chăm lo cúng kiếng cho ngài.


Hồn ma trong bệnh viện


Ðến khi lớn tôi phải lên Sài Gòn học, ở trọ tại nhà ông dượng bà cô ở gần sân banh Cộng Hòa. Ông dượng tôi có một cô cháu họ xa mướn từ dưới quê lên giúp việc nhà, tên là Oanh, cô này chừng 16, 17 tuổi, mặt tròn tròn, tóc đen nhánh, xỏa dài xuống tới giữa lưng, hai má lúm đồng tiền khi cười trông rất có duyên. Hôm đó cả nhà đi coi hát cải lương, chỉ có tôi và con Oanh ở nhà. Tôi ngồi bên chiếc bàn cạnh cửa sổ trên gác để học bài thi, học hoài không vô, chán quá bèn nghĩ đến trò giải trí.


Biết con Oanh sợ ma nên tôi nghĩ ra cách làm ma nhát nó chơi. Tôi bèn lấy một khúc cây tròn nhỏ, dài độ 2 thước, đặt nằm giữa cái mùng trắng, trong cái mùng tôi để cái gối trắng, cột cái gối vào giữa khúc cây có cái mùng trắng trùm kín lại; khi khúc cây này được nâng lên thì nó kéo theo cái mùng trắng trông như 1 người khổng lồ mặc áo trắng toát đang dang hai tay ra, có cái đầu to tướng làm bằng cái gối lắc lư hung dữ. Sau đó tôi lấy một sợi dây thật dài cột khúc cây có cái mùng, luồn qua cái khoen tròn có sẵn trên cây đà giữa nhà, kéo dài qua bên góc bàn là chỗ tôi núp trong đó, xong tôi tắt hết đèn chỉ để lại một bóng mờ mờ, ảo ảo. Thỉnh thoảng tôi lấy vài món đồ thẩy lên cho nó rớt xuống sàn gỗ phát thành những tiếng kêu lộp cộp bất thường. Thế là con Oanh phải tò mò lên gác xem coi cái gì.


Khi thấy nó bước lên khỏi thang lầu thì tôi kéo mạnh sợi dây, khúc cây kéo cái mùng bay lên nóc nhà như một bóng ma trắng dang hai tay dài ra chợt như muốn bóp cổ nó, thêm vào đó cái đầu to tướng đang trùm vải trắng toát của con ma lắc lư trông thật dễ sợ, như muốn ăn tươi nuốt sống nó. Trong cái ánh sáng lờ mờ của đêm tối, thì cái mùng y hệt như một con ma dữ trong các truyện kinh dị hiện về. Thế là tôi nghe nó té cái đụp, cũng may là sàn nhà bằng gỗ, nên không bị bể đầu, gãy tay gì, nhưng nó nằm im lìm không còn nhúc nhích cục cựa gì hết. Bật đèn lên thì thấy nó nằm dài như một thây ma, mặt trắng bệch, mấy sợi tóc rối đen dài che ngang mặt như người đã chết làm cho hồn vía tôi lên mây, chưa kịp cười được một tiếng nào cả. Eo ôi! con Oanh mà có bề gì thì đời tôi sẽ đi vào ngõ cụt từ đây, vì ông dượng tôi đâu có tha cho cái tội tày trời này.


Tôi lồm cồm ngồi xuống, thò tay nâng đầu nó dậy, cả người nó mềm như cọng bún làm tôi càng sợ nó chết, tôi nâng tay để đầu nó nằm trên đùi tôi, bao nhiêu lần học CPR về hồi sinh cấp cứu ở mấy khóa huấn luyện Quân Sự Học Ðường và ở trường Y Khoa hiện ra như chớp trong đầu tôi, nhất định là phải mang hết tài học của mình ra để cứu một mạng người (... đồng thời cũng cứu luôn mạng mình). Vừa mới cúi xuống định thổi hơi vào miệng cho nó sống lại, nhưng nhìn thấy đôi môi đo đỏ he hé mở như đóa hoa hồng, còn cặp mắt thì nhắm nghiền như say ngủ, ngực nó im lìm không động đậy, nếu có còn thở thì rất ư là nhẹ, tim tôi đập thình thịch như người mới chạy bộ 100 cây số trở về, tôi sợ lắm, sợ vì nó có thể chết nếu không cứu kịp, run vì biết rằng tôi không thể nào làm CPR trên cái môi hồng hé hé như nụ hoa non này được.


Hồn ma trong bệnh viện


PHẦN 2


Càng lớn lên, kỹ thuật nhát ma của tôi càng tinh vi, càng y như thật, nếu không vì khuôn khổ hạn hẹp của tờ báo này, thì tôi kể ra thêm 10 trang nữa cũng chưa hết, mà chuyện nào cũng đều hấp dẫn, chuyện nào cũng rất là rùng rợn.


Nhưng... gieo nhân thì có ngày gặt quả, nhát ma người ta cho đã, đến phiên mình thì gặp ma thật. Tôi còn nhớ đêm đó tôi trực tại bệnh viện Hồng Bàng...


Trước khi đến bệnh viện Hồng Bàng tôi đã nghe các đàn anh nói là bệnh viện này có nhiều ma lắm. Tôi cũng đã đọc nhiều truyện ma của các bác sĩ đi trước viết từ trong bệnh viện này. Nhưng tôi chỉ mỉm cười, nhún vai, trong bụng nói rằng chỉ có tôi mới nhát ma người ta thôi, chớ ma nào mà dám nhát tôi. Nếu mà có ma thật như trong những truyện Liêu Trai Kỳ Dị thì tôi càng mong được gặp vì ít ra đời mình cũng còn có được những ngày vàng son rực rỡ bên cạnh những con ma duyên dáng xinh đẹp hiện ra chăm sóc cho mình vài hôm như trong những truyện kinh dị đó, rồi sau đó có lên thiên đàng luôn cũng được.


Bệnh viện Hồng Bàng chuyên về bệnh lao phổi, nằm ở góc đại lộ Hồng Bàng và đường Triệu Ðà. Bệnh viện rất rộng có nhiều dãy trại bệnh, mái lợp ngói đỏ cũ kỹ, 1 hoặc 2 tầng âm u lạnh lẽo cất theo kiểu Tây từ hồi Pháp còn cai trị ở VN, chỉ có 1 khu ở cuối bệnh viện mới cất sau này là rất khang trang, trang bị đầy đủ tiện nghi cho cả 4 tầng lầu sạch sẽ, lầu 2 dành cho sinh viên của các trường đại học ở Sài Gòn đến chữa bệnh, có cái cầu thang rộng rãi ngăn đôi, bên phải là khu sinh viên nam, bên trái là khu sinh viên nữ.


Trong bệnh viện có những lối đi bộ quanh co ngoằn ngoèo, nối từ trại bệnh này sang trại bệnh khác, bề ngang độ hơn 2 thước, nơi thì tráng nhựa, nơi thì trải đá mịn, nhưng tất cả đều loang lở vì không được tu bổ lâu ngày. Hai bên những con đường nho nhỏ quanh co này là những cây còng to lớn, có cây lớn đến đổi 2 người ôm không hết, cành lá xum xê, dày đặc, che kín lối đi, ngay cả ban ngày mà cũng đã thấy rờn rợn, lạnh lẽo, âm u. Ðây đó có những lùm bụi cao độ 1, 2 thước chen chúc nhau đủ thứ lá to lá nhỏ, lá dài lá ngắn, xanh đậm xanh lợt mọc vô trật tự... như cố tình che dấu các khu trại bệnh với tường quét vôi vàng ẩn hiện ở xa xa. Xung quanh bệnh viện là hàng rào làm bằng những cây song sắt đen xì cao khoảng 2 thước, trên có mũi nhọn như mũi tên, chỗ còn sơn, chỗ đã rỉ sét.


Phía hàng rào ở bên đường Triệu Ðà có một cái miễu nho nhỏ xây bằng gạch đỏ, ngói xanh, dựa lưng vào bệnh viện, lư hương bên trong đó có cắm rất nhiều chân nhang đỏ còn mới, và một nải chuối xanh, một cái bình trà bằng đất nâu đen và vài cái chung nho nhỏ, trông như có vẻ được cúng kiếng thường xuyên. Người ta nói bệnh nhân trong bệnh viện này tự tử nhiều lắm, vì các hồn ma phải kiếm người khác thay thế mới đi đầu thai sang kiếp khác được, nên họ phải thờ cúng để khỏi bị các oan hồn này quấy nhiễu. Riêng tôi thì nghĩ là những bệnh nhân bị lao phổi tinh thần họ rất sáng suốt, nhưng biết rằng bệnh của mình (hồi đó) chữa hoài không hết, nhà cửa túng thiếu, tiền bạc không còn, mọi người xa lánh, nên phần lớn chán nản mà tìm đến cái chết để phủi sạch nợ đời.


Ðêm đó tôi trực có một mình, phải đi tới đi lui từ trại bệnh này sang trại bệnh khác dưới những hàng cây âm u lạnh lẽo đó. Lúc thường thì tôi buồn ngủ sớm lắm, nhưng tối đó tôi tỉnh táo vô cùng, vì hồi chiều trước khi vào trực tôi chiều thằng Tâm, bạn học chung lớp, để đi đến quán cà phê Thúy Vân ở đầu ngõ, có cô hàng cà phê xinh xắn mà nó mê lắm, nhưng không dám đi một mình. Quán này chỉ có bán cà phê phin thôi, nên tôi đành phải uống một ly cà phê đắng, cắn răng nghe hết mấy bản nhạc tình buồn, thêm vào đó nhìn cái mặt u sầu, thất tình của nó, tôi càng thấy chán đời, bày đặt yêu đương làm chi cho khổ tấm thân. Phần tôi, tôi biết chắc chắn là ly cà phê này sẽ làm cho tôi không ngủ được đêm nay, nhưng không sao, bề nào tôi cũng phải thức trực mà, điều tôi không ngờ là ly cà phê đắng này lại làm tôi tỉnh táo và sáng suốt vô cùng, cho nên chuyện tôi gặp ma không phải là chuyện mơ ngủ đâu.


Lúc đó là khoảng 12 giờ khuya, tôi được gọi sang một trại bệnh thật xa, ở cuối nhà thương, để ký giấy khai tử cho một ông già khoảng gần 60 tuổi. Ông này bị lao phổi rất nặng, lâu ngày ăn uống không được, thân thể gầy gò, khô héo còn da bọc xương, hai ngày trước đây căn bệnh đã ăn lan vào các mạch máu trong cuống phổi, nên ông ho ra máu nhiều, do đó người nhà chở từ Bến Lức lên để vào nhập viện, ai cũng biết là ông không sống được lâu. Nhưng đêm nay, lựa đúng cái đêm tôi trực thì ông chết, chết đúng nửa đêm, làm tôi phải đi lang thang giữa trời khuya lạnh lẽo đến cái trại bệnh xa xăm của ông để khám nghiệm, sau khi chắc chắn là tim phổi và hệ thần kinh não bộ đều đã ngưng làm việc thì mới dám ký tên vào tờ giấy khai tử để bác y công đẩy cái xác không hồn này xuống phòng lạnh, chờ đến mai thông báo người nhà đến lãnh xác về chôn.


Thế là vào giữa đêm khuya khoắt thiêng liêng và lạnh lẽo này, tôi vừa mới tiễn thêm một người sang bên kia thế giới. Cái nghề thầy thuốc này lúc nào cũng đứng cheo meo ở giữa 2 thế giới: bên nay bờ là sự sống, bên kia bờ là cõi chết. Có người mới thấy đó mà đã vội vã đi sang bên kia, không kịp vẫy tay chào hay nói một lời vĩnh biệt. Có người sắp chết, sắp tới bờ bên kia thì mình giành giựt kéo lại thoát tay tử thần để trở về thế giới bên này, giữa cái chết và sự sống hình như có một sự ràng buộc nối tiếp nào đó, chớ không có đơn giản như người ta thường nghĩ.


Những ý nghĩ về sống chết, về thế giới bên này, thế giới bên kia, cứ lẩn quẩn trong đầu óc tôi, bước chân tôi thì cứ thẫn thờ đi dọc theo những con đường mòn rờn rợn, âm u, quanh co trở về phòng trực.


Hồn ma trong bệnh viện


Ðêm nay trời Sài Gòn lành lạnh, thỉnh thoảng một cơn gió thốc thổi ùa qua khua động cành lá xum xê của những cây còng ngạo nghễ to lớn, vang lên những tiếng kêu xào xạc thì thầm, như những tiếng gọi ma quái trêu ghẹo những người nhát gan trong đêm đen. Cách khoảng xa xa chừng mỗi 20 thước là một bóng đèn điện tròn mù mờ treo lủng lẳng dọc theo các lối đi không đủ soi sáng bước chân lần mò trên sỏi đá. Nhưng những con đường này tôi đã quen rồi, quen cả những tiếng rên siết vặn mình của những hòn sỏi nhỏ dưới gót giày đen; trong đêm tối hình như chúng gào thét lớn hơn có khi như nguyền rủa, có khi tạo ra những tiếng cười rờn rợn như những âm binh từ cõi vô hình để nhát những người yếu bóng vía.


Trên trời cao giữa những vì sao đêm thưa thớt, buồn bã là một vầng trăng lưỡi liềm già nua không làm sáng thêm một chút nào cái bóng tối dày đặc trong bệnh viện. Trời đêm nay ít sao, ánh sáng yếu ớt, lấp lánh như những ánh ma trơi len lỏi giữa những cành lá rậm rạp, đen sì, không ngừng run rẩy theo những cơn gió thốc chợt đến, chợt đi.


Khi tôi sắp sửa quẹo trái để trở về phòng trực, thì chợt thấy dưới ánh đèn mù mù xa xa bên tay phải có một bóng trắng ngồi trên băng đá dọc theo con đường nhỏ trước ngõ vào khu trại bệnh của sinh viên. Tôi đứng lại nhìn, nhưng xa quá nên không thể nào nhận ra bóng trắng trên băng đá là ai? Một chị y tá hay là bác y công chứ gì! Nhưng lúc tôi ký giấy khai tử xong thì bác y công còn ở trong trại bệnh mà, đâu có ra đây trước tôi được, có lẽ một chị y tá nào ra ngồi hóng gió mát cho khỏe mà thôi. Tôi cất bước tiếp tục trở về phòng, mới đi có vài bước hình như tôi nghe có tiếng khóc thút thít hòa lẫn trong tiếng sỏi đá rên rỉ dưới chân tôi, tôi vội ngừng lại để lắng nghe, tiếng khóc khi đó nghe rõ hơn, đó là tiếng khóc của một người con gái, tiếng khóc chỉ nhẹ thôi, nhưng nghe thật rõ như ai đang khóc vào tai tôi, tiếng khóc nghe thật buồn, thật đau thương làm tôi thấy nhoi nhói trong tận đáy lòng.


Tôi đứng ngẩn ngơ tại chỗ phân vân không biết phải làm gì, không biết mình có giúp được gì cho người ta không, dĩ nhiên nếu người ta cần gì thì mình sẵn sàng giúp đỡ hết lòng, nhưng tôi cũng ngại lắm vì tánh tôi hồi đó nhát làm quen với mấy cô gái, nhất là gặp một cô lạ hoắc vào giữa đêm khuya khoắt như thế này thì chẳng biết phải ăn nói làm sao, nên tự bảo rằng đó là chuyện riêng tư của người ta, mình xía vô làm chi. Tôi lại tiếp tục cất bước chầm chậm ra đi. Nhưng tiếng khóc thúc thít đó, một lần nữa dù rất nhỏ nhưng vẫn nghe thật rõ bên tai tôi, hình như nó cố tình bay theo để rót vào trong tai những lời nỉ non ai oán, thê lương từ một cõi u minh xa thẳm vọng về làm hai chân tôi không thể nào tiếp tục bước đi nổi, bước chân tôi bổng chợt chậm lại, chậm lại rồi ngừng hẳn, bóng trắng kia giờ đã khuất sau lùm cây rậm rạp nhưng tiếng khóc nỉ non vẫn tiếp tục tràn ngập đổ đầy tai tôi, lòng tôi chùn lại xót xa, tim tôi đau nhói từng hồi.


Khi đó gió từ đâu bỗng thổi tới ào ạt, liên tục, ầm ầm trên đầu tôi làm cho những chiếc lá nho nhỏ trên mấy cây còng già rơi rụng lã tã như mưa, cành lá nghiêng ngả xì xào vặn mình rên siết kẽo kẹt như trong cơn bão táp, nhưng tất cả những thứ ấy vẫn không át được tiếng người con gái khóc thút thít trong tai tôi. Mảnh trăng lưỡi liềm yếu ớt trên trời cao bỗng dưng núp sau đám mây đen làm cho cả bầu trời tối sầm lại, bóng đèn điện mù mờ lạc lõng trong bệnh viện lắc lư theo từng cơn gió thổi khiến nó vốn đã lờ mờ lại càng mờ ảo thêm. Bầu trời như sụp xuống thấp hơn, không gian tối đen quanh tôi như càng đậm đặc thêm.