Ring ring
Con heo gàn dở

Con heo gàn dở

Tác giả: Sưu Tầm

Con heo gàn dở

Thế là mọi sự bắt đầu từ chuyện con heo mà vợ tôi mua cách đây sáu tháng.


***


Những ngày đầu, chuyện con heo đối với vợ chồng tôi thật là hạnh phúc. Góp nhặt, bòn chắt, cả hai đứa tôi đều mơ ước sẽ nuôi heo để đến Tết giết thịt.


Từ ngày hai đứa lấy nhau đến giờ, chưa có năm nào chúng tôi phải lo chuyện thịt bánh. Nhưng năm này trở đi phải khác chứ! Không lẽ cứ bám riết ông bà già hai bên. Một lần thì được. Hai lần cũng cho là tàm tạm…Không lẽ đến lần thứ chín, thứ mười? Nhất quyết phen này phải nuôi heo cho bằng được.


Có heo, chúng tôi tính như thế này: giết thịt nó trong những ngày giáp Tết, chia bớt ba đùi, mình cũng còn lại một đùi, cái đầu, bộ lòng cúng tất niên.


Thật là tuyệt!


Con heo gàn dở


Con heo lúc vợ tôi mới mua về nặng khoảng năm ký. Mới nhìn, bạn không chắc nó là heo đâu. Giống con chó con có lông thưa trắng thì đúng hơn. Nhiều anh bạn đến xem tôi khoe heo đã nói đùa: “Vợ chồng mày mua heo về để giữ nhà chắc?”. Chuyện đùa của các anh bạn ấy, tôi ngẫm đi ngẫm lại thấy đúng thật.


Không phải heo giữ nhà mà là tôi. Cứ ngày này qua ngày khác, bữa nọ qua bữa kia, những ngày lên lớp dạy thì khác, còn thời gian rảnh là tôi bám riết lấy con heo để mà tắm rửa, kỳ cọ, cho ăn. Lúc nào con mắt tôi cũng quan sát kỹ nó như thể mỗi lần tôi hướng dẫn học sinh lĩnh hội bài giảng khi tôi sử dụng đồ dùng dạy học. Tôi siêng nhìn ngắm nó vì các cụ bà khuyên tôi phải như vậy để heo mau lớn. Tôi ao ước có phép thần đun ống đu đủ thổi nó phồng to lên. Chứ cái kiểu nuôi heo như tôi chắc có ngày phải giải nghệ.


 - Sao? Suốt ngày tôi nghe anh lằm bằm chuyện heo. Bộ mình anh mệt chắc? Ăn rồi suốt ngày cứ bám riết lấy mấy quyển sách thì được. Cho heo ăn ngày có bữa cũng cho thế này thế nọ. Nuôi nó cho mình tôi ăn chắc? Sách, sách, ngày nào cũng sách!


Nghe vợ cằn nhằn, tôi cảm thấy sợ chuyện heo chi lạ! Tôi mê sách thật đấy, nhưng cũng vừa thôi. Cũng phải mê vợ, mê con chứ, phải không các bạn? Mà sách tôi đọc những ngày này đâu phải là những cuốn tiểu thuyết dày cộm, đồ sộ, nổi tiếng, cũng chẳng phải là những triết thuyết mới mẻ, hay ho, mà là tôi đọc phương pháp nuôi heo mau lớn. Và kể từ đó, tôi chạy lăng xăng, lưới xưới tìm thức ăn thức uống giàu dinh dưỡng cho heo. Nào là cám, rau xanh, đường, dầu, cá, vị tinh… đều tẩm bổ cho heo. Thế mà con heo ôn dịch vẫn trơ trơ không chịu lên cân.


- Không đọc sách một bữa ăn không ngon à? Anh nhìn xem, khối người có thèm rờ tới sách đâu mà người ta vẫn sướng! Sách đọc nhiều có no được bữa nào không? Suốt ngày, sách với vở!


Thế là bùng nổ chiến tranh trong gia đình tôi. Bộ mặt hai vợ chồng tôi kéo những đám mây tích điện về trang điểm. Không khí nặng trình trịch. Từ miếng cơm nhai chẳng thấy ngon, tới lời nói chẳng thèm muốn nói. Cũng tại con heo ôn dịch. Tôi bắt đầu nghĩ miên man về chuyện heo quéo. Nếu không nuôi nó thì vợ chồng tôi đâu có cãi vã nhau. Nếu không nuôi nó thì chắc trong nhà tôi luôn vang lên điệu nhạc “anh anh em em”?


Tôi lấy sách ra đọc, còn vợ tôi lên giường nằm. Chúng tôi chẳng tha thiết gì đến chuyện cho heo ăn thêm bữa như lệ thường.


Đến 9 giờ tối, tiếng heo bắt đầu kêu. Vợ tôi vẫn nằm, và tôi vẫn cứ đọc sách. Tiếng heo kêu mỗi lúc một to. Không còn réo gọi mà là tru tréo. Tiếng heo kêu như mũi kim nhọn chích vào màng nhĩ người ta, như cào xước mặt người ta. Tôi giả đò đọc sách, bỗng giật mình.


- Kêu nà ! Kêu này!... Mỗi tiếng “kêu này, kêu này” vang lên là tôi nghe tiếng cây nện trên lưng con heo khốn kiếp.


Tôi vẫn cứ giả đò đọc sách. Những ngày đông chí lạnh. Và lạnh nhất là cuộc chiến tranh vì con heo.


Sáng dậy, vẫn còn giận, tôi đi dạy thật sớm, bỏ mặc con heo cho vợ…


***


Tiếng pháo giao thừa rộn nổ. Tôi châm lửa đốt dây pháo Nam Ô chính hiệu dài 2 mét. Đợi tan khói pháo, đợi dứt lễ Hành Khiển, vợ chồng tôi ngồi bên bàn trà cắn hạt dưa, ăn mứt… Tất cả các thứ sắm mừng Tết đều nhờ vào con heo.


- Anh thấy không? Mình nuôi heo cũng lợi anh nhỉ? - Vợ tôi nhìn tôi với đôi mắt sáng rực như cả mùa xuân đang tràn vào mắt cô - Năm mới, mình tiếp tục nuôi heo chứ anh?


 - Ờ.


 Tôi ậm ờ trả lời.


 Pháo mừng xuân mới vẫn còn rộn nổ.


                                                        Xuân Giáp Tuất - 1994


                                                              Phan Trang Hy


Trích trong tập truyện NGƯỜI THẦY DẠY BÚP BÊ, Nxb Văn nghệ, 2009