80s toys - Atari. I still have
Bố luôn ở đó mà

Bố luôn ở đó mà

Tác giả: Sưu Tầm

Bố luôn ở đó mà

Vậy là ngày bố và tôi dự định đi du lịch cùng nhau cũng đã đến. Thay vì vui vẻ sắp xếp hành lý cho chuyến đi, tôi thẫn thờ nhìn không gian trống trải quanh mình. Giờ bố đã đi rồi, chỉ còn lại một mình, chuyến đi này trở nên thật vô nghĩa.


Từ lâu, tôi mê mẩn vẻ đẹp nên thơ của Đà Lạt và ấp ủ dự định đến đây vào năm 18 tuổi, sau khi vượt qua kì thi quan trọng, cùng với một người bạn thật đặc biệt. Bố tôi.


***


Bố luôn ở đó mà


Bố mẹ tôi ly hôn khi tôi mới 10 tuổi. Lúc đó, tôi đã quyết định rằng mình sẽ cùng mẹ sang Anh. Đêm trước khi đi, mẹ bảo tôi qua phòng bố ngủ cùng bố một đêm, vì có lẽ rất lâu nữa hai bố con mới được gặp nhau. Khi đi đến cửa phòng tôi đứng sững lại vì nghe thấy tiếng khóc như nghẹn lên phát ra từ trong phòng. Bố tôi lấy ra từ trong ngăn tủ khoá kín ở bàn làm việc một chiếc hộp lớn. Bên trong hộp có rất nhiều thứ: vài tấm hình siêu âm, mấy đôi giầy sơ sinh ngộ nghĩnh, cả lọn tóc hoe vàng và cái xúc xắc nhiều màu tôi hay chơi hồi nhỏ nữa. Bố lấy tất cả chúng ra, từng thứ một, nhìn ngắm hồi lâu rồi bật khóc. Tôi nhớ lúc đó tôi đã chạy ào vào phòng ôm lấy bố rồi nức nở khóc theo. Đêm đó, trong giấc mơ cả hai bố con cùng thổn thức.


Sáng hôm sau tôi nhất quyết ở lại cùng bố, dù mẹ có dỗ dành thế nào đi nữa. Vì tôi biết rằng bố cần tôi hơn. Chính bố cũng rất ngạc nhiên vì quyết định của tôi, nhưng tôi biết rằng bố đã rất hạnh phúc vì có tôi bên cạnh. Từ ngày hôm đó, cuộc sống mới của hai bố con bắt đầu.


Hàng ngày, sau giờ làm ở bệnh viện, bố tới trường đón tôi sau đó đi chợ mua thức ăn, nếu có ca cấp cứu hay việc gì đó đột xuất bố luôn gọi điện để tôi không phải đợi. Sau khi ăn tối, hai bố con ngồi kể cho nhau nghe những chuyện vừa trải qua trong ngày.Chuyện bố gặp một cậu nhóc vui tính, hăng say kể chuyện cười cho bố nghe khi bố đang mải mê chích cái u bã đậu trên chân cậu. Hay một chị cho con ăn quá nhiều cà rốt khiến bé bị vàng da, khi đưa con đến khám vì lo lắng quá chị ấy cứ liên tục hỏi bố: "Con cháu có bị nặng lắm không ạ?". Thấy bố có vẻ đăm chiêu. Chỉ ấy sợ đến tái xanh cả mặt mũi, hỏi tiếp một hồi : "Con cháu ốm nặng lắm sao? Con cháu phải làm phẫu thuật phải không ạ? Cần chuẩn bị bao nhiêu tiền?" Khi bố tôi bảo chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn cho hợp lý, không nên ăn quá nhiều cà rốt là hiện tượng vàng da sẽ hết. Chị ấy bất ngờ đến nỗi ngồi im, mắt tròn mắt dẹt nhìn bố. Bố phải giải thích mấy lần chị ấy mới yên tâm ra về. Tôi cũng huyên thuyên đủ thứ chuyện: chuyện ở lớp học thêm, chuyện cuộc thi văn nghệ ở trường, lớp tôi đã dành giải nhất nhờ tiết mục đơn ca của tôi và phần đệm guitar của cậu bạn cùng tổ. Có thể tôi chẳng giúp được gì trong những vấn đề của bố và bố chưa chắc đã đưa ra một lời khuyên hữu ích cho những rắc rối của cô con gái tuổi ẩm ương. Nhưng có hề gì, chỉ cần tôi và bố ở bên nhau, chia sẻ với nhau những câu chuyện nhỏ mỗi ngày. Để biết ở bên cạnh luôn có một người thân yêu sẵn sàng lắng nghe và chờ đợi mình sau những giờ phút mệt mỏi của cuộc sống ngoài kia. Với bố con tôi vậy là quá đủ.


Sợ tôi buồn, thỉnh thoảng bố lại đưa tôi đi ăn kem hay la cà đâu đó. Dù tôi chưa bao giờ kể với bố nhưng bố vẫn biết tôi hay đi đâu, thích ăn gì. Những buổi đi chơi với bố đó luôn là điều tôi chờ đợi mỗi ngày, dù mỗi tháng hai bố con chỉ đi chơi được một lần, có tháng thì không. Tuy không có mẹ bên cạnh, nhưng bố chăm sóc tôi còn chu đáo hơn cả những gì một người mẹ có thể làm cho con gái của mình. Trừ những hôm bố phải trực đêm và không ăn cơm cùng tôi, tất cả những bữa hai bố con ăn cùng nhau bố đều dành phần rửa bát. Bố nói da tay của tôi rất mỏng không nên ngâm nước lâu, da sẽ bị nước ăn tróc ra nham nhở mất. Tôi bảo đeo găng tay sẽ không sao cả, nhưng bố nhất định không đồng ý vì sợ mùi cao su ám vào tay tôi. Bố còn dặn: "Sau này khi con lấy chồng hãy chọn một anh chàng chịu rửa bát vì con như bố. Đến lúc đó bố và anh chàng của con sẽ thi xem ai rửa bát nhanh hơn". Đã hứa rồi sao bố lại nỡ bỏ tôi lại một mình như vậy?


* * *


Đang ngồi bần thần, chợt tôi nghe thấy tiếng chuông cửa. Một gói bưu phẩm từ công ty du lịch được gửi đến cho tôi, bên trong là vé máy bay đi Đà Lạt, một cuốn "Cẩm nang du lịch" và một chiếc khăn len màu hồng phấn. Còn có cả một bức thư, là nét chữ dài quen thuộc của bố:


Gửi con gái cưng !


Bố biết con rất háo hức về chuyến đi Đà Lạt của hai bố con mình, bố cũng háo hức không kém gì con đâu! Bố đã chuẩn bị cho con vài thứ cần cho chuyến đi, để con gái bất ngờ, bố đã không đưa tận tay con mà dùng cách này. Con có tưởng bở mà nghĩ là quà của anh chàng nào đó không? Có đúng không! Hãy đọc kỹ cẩm nang để có một chuyến du lịch hoàn hảo nhé con!


Đọc xong thư tôi lại khóc. Sao bố lo lắng cho tôi như vậy? Muốn đi du lịch cùng tôi, mà lại lẳng lặng bỏ đi? Dù có gặp tai nạn hay có chuyện gì xảy ra bố cũng phải vượt qua để còn đi du lịch cùng tôi chứ? Tôi cứ ngồi như vậy rồi ngủ lúc nào không hay. Trong giấc mơ thấy bố giúp tôi thu xếp hành lý và tiễn tôi ra sân bay. Trước khi chào tạm biệt tôi bố còn xoa đầu dặn:


- Con hãy ngắm nhìn cánh đồng dâu tây thật kỹ, khi về kể lại cho bố xem nó đẹp như thế nào nhé!


Tôi choàng tỉnh dậy. Bần thần nghĩ về giấc mơ vừa qua. Chợt một cơn gió mạnh thổi tung cánh cửa sổ khép hờ, thổi bay cả chiếc vé máy bay trên bàn. Có phải bố đang cố nói với tôi một điều gì đó? Chẳng lẽ bố muốn tôi đi du lịch một mình sao?... Phải rồi tôi phải đi du lịch để ngắm cánh đồng dâu tây như bố đã dặn. Ngắm Đà Lạt mộng mơ thay cả phần của bố nữa. Những tia nắng đầu tiên của ngày mới chiếu xuống bậu cửa sổ lấp lánh như giục tôi bắt đầu cuộc hành trình.


* * *


Tôi đến Đà Lạt vào cuối buổi chiều, thời tiết bắt đầu chuyển se se. Sau khi về khách sạn cất hành lý, tôi quyết định dạo quanh thành phố môt vòng bằng xe buýt. Đang vào giờ tan tầm, đường phố náo nhiệt khác thường. Ngang qua một trường tiểu học ngắm cảnh bọn nhóc ríu rít ra về, có nhóc nũng nịu đòi bố mua quà rồi mới chịu lên xe, chẳng khác gì tôi hồi nhỏ. Nhìn thấy cảnh đó lòng tôi lại chùng xuống. Dù đã tắt máy nghe nhạc, để tránh cảm giác nao nao trong lòng, nhưng tôi vẫn nghe đâu đó giai điệu bài "Dance with my father" vang lên da diết:


If I could steal one final step, one final dance with him


I play song that would never, ever end


Cause I'd love, love, love


To dance with my father (*)


Tôi khẽ nhìn xung quanh xem tiếng nhạc phát ra từ đâu. Những giai điệu quen thuộc ấy phát ra từ chiếc điện thoại của một người đàn ông khoảng hơn 40 tuổi, vừa nghe nhạc chú vừa lặng lẽ ngắm phố phường buổi tan tầm. Nhìn thấy tôi, chú khẽ mỉm cười và rồi lại ngắm khung cảnh tấp nập qua ô cửa kính. Đôi lúc, thấy chú khẽ nén một tiếng thở dài. Tôi thấy chú tựa như một tảng đá lớn chênh vênh trên miệng vực. Có một điều gì đó thật nặng nề.


Chuyến bay gần hai giờ đồng hồ và khoảng thời gian lòng vòng từ nãy đến giờ có lẽ đã làm tôi thấm mệt. Tôi ngủ lúc nào chẳng hay. Chợt có một bàn tay khẽ lay tôi dậy, là nhân viên bán vé. Tôi đã ngủ quên, và đang ở một nơi lạ huơ lạ hoắc. Đây đã là chuyến xe buýt cuối cùng, số tiền tôi có trong tay không đủ để đi taxi đến trung tâm thành phố. Tôi thấy sợ hãi và tuyệt vọng thật sự. Tôi khóc, nước mắt bắt đầu rơi ướt nhoè hai má. Chợt có một giọng nói trầm, ấm áp vang lên, không phải ai khác mà chính là chú nghe nhạc trên xe buýt:


Bình tĩnh nào cô bé. Giờ này còn khá nhiều taxi cháu vẫn có thể về nhà an toàn.


Tôi bỗng khựng lại. Một điều gì đó rất thân thuộc, như bố tôi vẫn trấn an mỗi khi tôi sợ hãi: "Bình tĩnh nào con gái..."


- Cháu muốn về khách sạn Kỳ Hoà, nhưng cháu...


- Không đủ tiền chứ gì. Chú cũng về đó, để chú mời cháu nhé!


- Dạ thôi ạ.- Tôi bối rối, lắc đầu.


- Vậy chúng ta làm theo "phong cách Mỹ"được không? Đi chung xe và chia đôi tiền nhé!


Trong đêm khuya, giữa một thành phố xa lạ, lời đề nghị làm tôi lo lắng, nhưng khi nhìn thẳng vào mắt chú, đôi mắt sâu với cái nhìn cương nghị, đầy tin tưởng, tôi khẽ gật đầu. Về đến khách sạn, lúc chuẩn bị xuống xe, tôi phát hiện ra mình đánh rơi một bên khuyên tai. Khi cúi xuống sàn xe để tìm, tôi không chỉ tìm thấy khuyên tai của mình mà tôi còn thấy một chiếc đồng hồ quả quýt kiểu cổ. Bên trong có một bức ảnh là chú đi cùng xe với tôi và một cô bé gái. Chắc là con gái của chú. Nhưng chú đã xuống xe và vào trong từ lúc nào. Tôi đành cầm chiếc đồng hồ về phòng.


Sáng nay, sau khi ăn sáng xong tôi loanh quanh ở sảnh khách sạn, mong tìm được chú cùng đi hôm qua để nói một lời cảm ơn và trả lại chú chiếc đồng hồ.


- Sao đứng một mình buồn hiu vậy hả cô bé?


Tôi khẽ giật mình quay lại, chính là chú ấy. Thật bất ngờ! Đang không biết tìm chú như thế nào để trả lại chiếc đồng hồ, không ngờ chú lại tìm thấy tôi. Vài giây im lặng vì bất ngờ, tôi vội nhanh nhảu:


Cháu chào chú! May quá! Cháu đang định tìm chú để trả lại cái này. Cháu đã tìm thấy nó trên taxi tối qua.


Tôi mở túi lấy chiếc đồng hồ đưa cho chú. Vừa nhìn thấy nó, chú liền cười lớn, đôi mắt sâu trở nên linh hoạt, vui vẻ lạ thường.