Với tôi, bố là người tử tế nhất...

Với tôi, bố là người tử tế nhất...

Tác giả: Sưu Tầm

Với tôi, bố là người tử tế nhất...

Hôm nay bố tôi sẽ nhập viện, nếu đủ sức ngày mai ông sẽ mổ. Khi biết tin ông bị chẩn đoán ung thư, con gái của bác ruột tôi tâm sự nỗi buồn lo và nói câu cuối "Chú mới chính là người cha thật sự của con" qua email. Tôi giật mình nhớ ra con người thật của bố, muốn viết bài này mong gửi đến các anh chồng trẻ với toan tính quen bồ và vẫn giữ vợ cho mình, con ruột chưa đủ, phải thêm con hoang không biết nên nhận hay bỏ. Các anh hãy tỉnh lại, nghĩ lại, cái danh đó có đáng để xây dựng tạo nên người đàn ông hay không?

Bố tôi rất đẹp trai, phong độ, giỏi giao tiếp nên tạo được quan hệ với nhiều tầng lớp khác nhau. Dù đã về hưu ông vẫn chơi thể thao đều đặn để giữ vóc dáng khỏe mạnh, hấp dẫn. Ông yêu nhiều người phụ nữ, hai đời vợ, có nhiều con cái. Dòng họ nhà tôi, cả nội lẫn ngoại đều tôn trọng, nể phục ông, xem ông là người mẫu mực của gia đình.

Những người phụ nữ ông yêu quý như là mẹ, các chị ông đều giỏi giang, hy sinh vì con cháu cả một đời. Ông yêu mến cả mẹ vợ (là bà ngoại tôi) cho đến những phút cuối đời của bà, mua những lá trầu ngon nhất cho bà ngay từ lúc mới cưới mẹ; rồi ngày đêm cùng bác sĩ tìm mua thuốc, tiêm truyền dịch cho bà. Bố tôi từng ở rể nhưng chưa bao giờ làm phật ý bà ngoại. Khi ngoại bắt đầu có dấu hiệu quên quên nhớ nhớ, ngủ nhầm giường bố mẹ, ông vẫn nằm yên hoặc có khi lặng lẽ qua giường khác ngủ. Ông yêu người vợ trước không may qua đời trước ngày cưới, vẫn cùng mẹ tôi và tôi về thăm gia đình bà mỗi ngày Tết. Tôi vẫn gọi mẹ bà là ngoại. Ông yêu vợ sau (là mẹ tôi), mỗi năm tặng hoa và quà cho ngày kỷ niệm, ngày sinh nhật. Có năm ông trồng hoa hồng, rồi tự gói tặng mẹ. Đối với tôi đó là bó hoa đẹp nhất.

Với tôi, bố là người tử tế nhất...

Bố tôi nhiều con, trong đó có người chị đã gửi email trên, bởi người nuôi chị và các em chị ăn học là bố, không phải bác tôi. Dù tiền của, gia tài chẳng bao nhiêu ông vẫn chạy chỗ này, mượn chỗ kia để anh chị được học, được làm việc ở những nơi tốt nhất. Có người còn được ông đưa lên Sài Gòn nuôi từ nhỏ đến khi lập gia đình. Trong những giai đoạn khó khăn đó, có lúc ông cũng muốn buông nhưng mẹ khuyên nên ông lại cố gắng hơn.

Làm bố của một, hai con đã khó, làm bố cho con người khác còn khó hơn. Bố và mẹ đã cố gắng rất nhiều vì một niềm mong mỏi duy nhất là được thấy cuộc đời họ thay đổi, tươi sáng hơn. Nay tất cả đều thành đạt và có gia đình đầy đủ. Ngày tôi còn nhỏ được bố cưng như công chúa, muốn gì được nấy. Mẹ giận hỏi sao mua đồ chơi cho tôi nhiều như thế, ông bảo tiền để mua đồ chơi cho con chứ chẳng lẽ đem đi nhậu.

Làm được những việc này, bố mẹ đánh đổi rất nhiều thời gian và sức khỏe. Tôi là người ít được dành thời gian gần gũi bố mẹ nhất nhưng chứng kiến những gì họ đã và đang làm, không cần nghe dạy dỗ nhiều tôi vẫn tự học được những cách sống, cách đối nhân xử thế, cách yêu thương gia đình chân thành và tận tâm nhất. Nếu có khuyết điểm, có lẽ là bố tôi đã bỏ mặc sức khỏe mình cho quá nhiều việc nặng về tinh thần gia đình, khiến nay ông phải lâm bệnh trước ngày tôi lên xe hoa vài tháng.

Từ ngày đọc bài viết những cảnh các anh chồng đem tiền đi mua quà, mua nhà, nuôi bồ và con của bồ..., tôi tự hỏi các anh có thấy đồng tiền đó dùng vào những việc vô ích đến mức nào không? Tấm gương của các anh soi cho con các anh là gì? Là đàn ông có sắc có tiền thì muốn làm gì cũng được sao? Đó là buông thả và ngụy tạo cho lối sống vô lề lối của các anh. Người đàn ông thật sự thì sống nên có trách nhiệm, biết điều khiển bản thân, hiểu rõ đạo đức và nhân cách.

Số tiền kiếm được, dành dụm được của bố mẹ đều dành nuôi tôi và em trai ăn học, nuôi các anh chị tôi ăn học, nuôi các cháu tôi ăn học, nuôi mẹ già, xây dựng mồ mả tổ tiên họ hàng sạch đẹp chu đáo, cho đi nhiều và nhận lại cũng dư để sống, điều trị bệnh và tiếp tục cho người khác. Số tiền cho đi vì việc tốt ít nhiều sẽ có ích và tự nó quay về tay mình, còn kèm theo rất nhiều tình cảm chân thành chẳng thể mất đi đâu, nhất là không vào tay những cô bồ ăn bám, lười biếng và ích kỷ.

Gửi các chị phụ nữ: "Tôi hy vọng các chị tin rằng đàn ông tốt không há họng chờ các chị dùng chiêu để giữ, bản thân họ tự khắc phải biết sống sao cho đáng mặt đàn ông, không ai nói gì được mình".

Với riêng tôi, không mong gì hơn là bố có thể vượt qua ca mổ này, kịp khỏe để ăn Tết cùng gia đình, để đứng cùng mẹ, tôi và chàng rể tương lai nhân ngày trọng đại mà ông mong mỏi 26 năm qua.

Vita