Hà Nội, Hà Nội!
Hà Nội, Hà Nội!
Ngày Hà Nội vào thu, giữa những chộn rộn của người và xe, có những bước chân nhỏ ra đi rời xa mảnh đất này đến vùng đất ngoài Tổ quốc. Người ta nói, du học thật là sướng. Tôi không rõ sự sướng ấy thế nào, chỉ thấy lòng nao nao một mùa thu Hà Nội. Mùa thu có hồng cốm tốt đôi, có hoa sữa hương nồng nàn không chiều lòng người, có những chiều Bờ Hồ thong thả đón gió thu se sẽ lạnh, có bố mẹ, có chị gái, và có anh.
“Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”
(Đất nước - Nguyễn Đình Thi)
Ngày ấy, ngày mà mẹ còn là trẻ con của phố Hàng, thu Hà Nội là những sớm trong vắt không khói bụi. Mọi người thường đạp xe thư thả đến chỗ làm. Ngày ấy, Chali, Phượng Hoàng đều là hàng hiệu về xe đạp. Nhà ai có xe máy là sang lắm. Những thiếu nữ Hà Nội nhẹ nhàng thả những vòng quay đến trường. Các cô mặc áo dài trắng nhưng tà không chấm gót, cười nói ríu rít cả một góc đường. Ngày ấy, thấp thoáng ở cổng trường nữ sinh Trưng Vương là những chàng trai tuổi mới lớn, tay cầm bông hồng chờ đợi một mối tình đầu chớm nở.
Ngày nay, ngày mà mẹ là người phụ nữ của gia đình nhỏ, thu Hà Nội là những sớm nắng lên đầy tiếng còi xe và khói bụi. Giờ cao điểm nhấc từng mi li mét là chuyện bình thường. Xe máy ai cũng có một chiếc. Ô tô cũng không còn của hiếm. Áo dài được cất vào một góc tủ, chỉ đem dùng vào dịp đặc biệt mà thôi.
Nhưng mẹ bảo, Hà Nội vẫn thế mà con. Tình học trò trong veo, những sớm thu lành lạnh khiến lòng nao nao. Bình yên vẫn đến trong tiếng chim hót rộn góc vườn. Bình yên trong cả tiếng chợ sớm, cả tiếng bé em hát líu lo sau xe mẹ chở đến trường.
Ngày ấy, thời mẹ còn trẻ, Hà Nội là những mái ngói nâu xô nghiêng trong tranh của Phái:
“Hà Nội mùa thu!
Cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ nằm kề bên nhau.
Phố xưa nhà cổ mái ngói thâm nâu.
Hà Nội mùa thu - mùa thu Hà Nội.
Mùa hoa sữa về thơm từng cơn gió.
Mùa cốm xanh về thơm bàn tay nhỏ.
Phố sữa vỉa hè thơm bước chân qua.”
Đó là thời của xóm giềng tối lửa tắt đèn có nhau. Những hôm tránh bom đạn, cả phố lại cùng nhau kéo xuống những hầm trú ẩn. Tiếng cô phát thanh viên trên loa đài là một sự ám ảnh cho đến bây giờ: “Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Máy bay địch đang ở cách Hà Nội 20km”. Đó là thời tình bạn của chia nhau miếng kẹo, miếng bánh, khoe nhau váy công chúa, hộp mứt bảy màu và lì xì vào Tết. Đó là thời tình yêu của những chiều vòng vòng quanh hồ, ăn một cây kem và một đĩa nộm. Hoặc là rẽ qua Lâm, Giảng hay Năng làm một tách cà phê cho đến hết buổi chiều.
Ngày nay, không chỉ là mái nâu xô nghiêng, mà Hà Nội đã có những tòa nhà chọc trời đang thi nhau mọc lên. Nhưng mẹ bảo, Hà Nội vẫn thế mà con. Con đỗ đại học, cả xóm túm tụm chúc mừng. Ông mất, bác nhà bên chu đáo cho mượn mảnh sân hè để tiếp khách. Những câu chuyện lúc đi chợ, đi đổ rác hay đơn giản là chạm mặt ngoài đường của các mẹ, vẫn là những câu chuyện muôn thuở. Ở Giảng, Năng, Lâm, Nhĩ, Đinh, người ta thấy nhiều bóng dáng người trẻ. Rồi người trẻ hát ca trù, hát xẩm, mang đến những hơi thở mới mẻ trong nghệ thuật. Hà Nội bình yên, là vì thế, vì có những con người sống rất tình.
"Hồ Tây chiều thu, mặt nước vàng lay mờ xa mời gọi!
Màu sương thương nhớ, bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời.
Hà Nội mùa Thu, đi giữa mọi người lòng như thầm hỏi tôi đang nhớ ai!
Sẽ có một ngày trời thu Hà Nội trả lời cho tôi!
Hà Nội mùa thu - mùa thu Hà Nội!
Nhớ đến một người để nhớ mọi người.”
Nhớ về Hà Nội, biết bao nhiêu là đủ? Biết bao nhiêu là đầy? Tôi cũng không biết nữa, chỉ biết rằng, ra đi là để trở về bên những gì thân thương nhất. Sẽ nhớ những sớm thu đạp xe lòng vòng ngắm bình minh hồ Tây, nhớ những lần túm tụm đi chợ hoa Quảng Bá với bạn, nhớ ngày lặng lẽ đi qua 30 Hoàng Diệu giấu nước mắt vào trong, nhớ những giờ phút giao thừa pháo hoa râm ran, đón năm mới cùng anh, nhớ cả những dịp ngày rằm cùng mẹ chuẩn bị mâm cơm cúng.
Mà rằng, khi những tình yêu trở nên lớn lao, chúng không cần cắt nghĩa. Như có ai đó đã viết rằng: "Để rồi, sau những vấp váp, sau những ngọt ngào và cả đắng chát, tôi nhận ra, có những thứ cảm xúc trái ngược không triệt tiêu nhau, mà nuôi sống nhau. Như thể, càng cay đắng thì càng si mê… Để rồi, có những lần tôi nghĩ phải rời xa Hà Nội thì mới sống được - thế mà, dù đặt chân lên không ít mảnh đất khác, tôi lại nhớ về Hà Nội, nhớ quay quắt Hà Nội, dù có thể, đấy là một cô nhân tình hơi đỏng đảnh và khó chiều…"
Yêu Hà Nội. Cho một mùa thu ngập nắng lịch sử.