Lamborghini Huracán LP 610-4 t
Ngôi nhà hoa vàng

Ngôi nhà hoa vàng

Tác giả: Sưu Tầm

Ngôi nhà hoa vàng

Trước kia, trong mảnh vườn đó và ở hiên ngôi nhà được trồng rất nhiều hoa cánh bướm vàng. Mùa này kế tiếp mùa khác, hoa cánh bướm vàng nở rực rỡ luôn phiên nhau. Ngồi ở quầy thu ngân như bây giờ mà đưa mắt nhìn ra cửa sổ, thì luôn bị hút mắt về phía ngôi nhà đó.


***


Loay hoay với đống đồ đạc, khi thì bớt thứ nọ, lúc thì nhặt lại thứ kia, cuối cùng hai chiếc vali của tôi cũng đã được nhồi chật cứng. Kể ra thì toàn là những đồ lặt vặt linh tinh: ít sách vở, quần áo, tranh ảnh, mỹ phẩm, vài thứ đồ kỷ niệm thời sinh viên, ít băng đĩa... Vậy mà cũng nặng ra phết!


Sắp xếp đồ đạc xong xuôi, dọn dẹp phòng gọn gàng, sạch sẽ, mà đứa bạn cùng phòng vẫn chưa về, tôi nhìn đồng hồ: Còn 2 tiếng nữa mới đến giờ ra ga. Thong thả chán. Thế là tôi nảy ra ý định ra hiệu sách chào hỏi cô chủ hiệu một lát. Dù sao về quê chuyến này, chả biết khi nào tôi mới trở lại thành phố...


Mượn chiếc xe đạp ruồi của thằng nhóc con chị chủ nhà đang vứt chỏng chơ ở dưới hiên, tôi lục cục phóng xe ra hiệu sách.


Đó là hiệu sách cũ nằm gần đường tàu, cách chỗ tôi trọ chừng hơn hai cây số, là nơi tôi đã làm thêm trong phần lớn thời gian đời sinh viên. Chủ hiệu sách là một cô giáo già về hưu, mở hiệu sách cũ bán cho "vui cửa vui nhà".


Ngôi nhà hoa vàng


Là hiệu sách cũ của dân trí thức, lại không phải làm vì áp lực đồng tiền; hơn nữa tôi cũng được người quen giới thiệu vào đó, nên công việc khá là thoải mái. Những khi không có khách vào xem, mua sách tôi có thể thoải mái học bài, đọc sách hay thậm chí là... lơ mơ, lãng đãng mà không sợ bị la rầy. Cô chủ quán thì thương tôi như thương lũ học trò nhỏ của cô vậy. Nên ở thành phố này, hiệu sách ấy là nơi tôi gắn bó sau phòng trọ và trường học của mình.


Bảo vệ khóa luận ra trường xong tôi về quê xin việc. Thấm thoát cũng gần năm trôi qua.


- Sao rồi con, công việc đến đâu rồi? Cô chủ hiệu nhìn tôi âu yếm, như tôi vẫn là cô sinh viên nhỏ, là một cô nhân viên mơ mộng của cô ngày nào.


- Con thi đậu vô công chức rồi cô. Phòng văn hóa huyện con đó ạ. Nay con lên dọn đồ về quê. Tiện thể qua chào cô luôn.


- Đấy mà! Ta đã bảo là sau này con sẽ khá mà. Hà hà... Về quê ổn định công việc rồi chồng con nữa là xong. Chừng nào ổn ổn rồi nhớ lên thăm ta nghe không! Mang cả chồng, con lên được thì mừng quá!


- Vâng - Tôi trầm tư. Nếu có dịp nhất định con sẽ lên thăm cô mà! Chỉ có điều chưa biết chừng nào thôi ạ.


- Ờ, chả biết chừng tới lúc nó có chồng con đuề huề khéo mình tỏi rồi cũng nên. Hà hà...


- Làm gì có chuyện đó ạ! Cô còn khỏe, còn sống lâu nữa chứ...


Tôi chưa kịp dứt lời thì có khách bước vào xem sách, cô chủ hiệu nhanh chóng tiến ra để hướng dẫn cho khách tìm cuốn sách mình cần.


Tôi ngồi vào chiếc ghế quen thuộc sau quầy thu ngân, im lặng trầm tư. Nói là quầy thu ngân cho oai vậy chứ thực ra chỉ là một chiếc bàn cũ rích được đặt ở góc phòng để cho nhân viên ngồi tính tiền, gói sách cho khách. Trên mặt bàn có một chiếc máy tính casio nhỏ để tính toán, bên dưới là một ngăn bàn để cất tiền khách trả. Nhỏ bé, hơi chật chội và những khi trời oi bức thì nồng nồng mùi ẩm mốc của sách cũ, thế mà tôi thấy thân thương và quen thuộc quá. Tôi lơ đãng nhìn ra khung cửa sổ ngay bên phải quầy thu ngân - cái khung cửa mà không biết bao lần tôi đã cho tâm hồn mình treo ngược, đu đưa ngoài đó...


Nổi bật ngoài khung cửa là đường ray tàu hỏa xuất phát từ phía trước hiệu sách, uốn lượn theo một đường cong vút như chân mày của một cô gái đẹp, rồi biến mất sau dãy nhà nằm kề nhau san sát cạnh đường tàu. Phía bên kia đường tàu, đối diện với dãy nhà là con đường dải nhựa hơi gập ghềnh nhấp nhô vì đã bắt đầu xuống cấp, giờ này hối hả người qua lại. Ở tít trên cao, vượt lên những mái nhà là tán của cây gạo cổ thụ mà cứ mỗi tháng ba đến, lại nở chi chít những bông hoa đỏ chon chót trên nền trời mờ đục khói sương.


- Khu vườn đó giờ hỏng rồi! - Cô chủ hiệu đã trở vào bên trong tự lúc nào, đang lúi húi ở kệ sách sát tường lục tìm sách cho khách, thấy tôi đang ngóng qua cửa sổ bèn lên tiếng.


Nghe cô nói tôi mới để ý, đưa mắt nhìn vào ngôi nhà ấy, ngôi nhà mà tôi vẫn gọi là Ngôi nhà hoa vàng - bởi dạo trước trong khoảnh vườn nhỏ trước sân luôn có một vườn hoa cánh bướm vàng rực, nơi mà tháng tháng ngày ngày tôi cho tâm trí mình đi lang thang hoài trong đó. Nhưng giờ khu vườn ấy đã biến mất thật rồi.


- Sao lại thế ạ! Tôi thảng thốt.


- Thì bán nhà cho người khác rồi. Người ta chẳng chăm bón được, hoặc giả chẳng thích hoa hoét nên dần dần hoa cũng chết hết chứ sao. Con vừa về quê được hai, ba tháng gì đó thì xảy ra chuyện mà.


- Như thế nào ạ? Sao lại... Tôi bỏ lửng câu hỏi của mình khi thấy cô chủ hiệu ôm một chồng sách đi ra ngoài và lại tiếp tục lào xào trao đổi gì đó với khách.


Còn lại một mình, tôi ngồi lặng thinh nhìn đăm đăm ra phía ngôi nhà giờ chỉ còn trơ trụi những mảng tường xám xịt. Khu vườn nhỏ trước sân giờ hoang hoải với cỏ dại mọc đầy, xen lẫn mấy khóm mồng tơi đổ ngôn ngang đang cố vươn ra tứ phía. Chắc do người chủ mới trồng.


Trước kia, trong mảnh vườn đó và ở hiên ngôi nhà được trồng rất nhiều hoa cánh bướm vàng. Mùa này kế tiếp mùa khác, hoa cánh bướm vàng nở rực rỡ luôn phiên nhau. Ngồi ở quầy thu ngân như bây giờ mà đưa mắt nhìn ra cửa sổ, thì luôn bị hút mắt về phía ngôi nhà đó. Màu vàng tươi mới của những vạt hoa cánh bướm vàng nổi bật giữa khung cảnh tẻ nhạt xung quanh luôn mang lại cho tôi một cảm giác trong lành và rất đỗi bình yên. Đôi khi tôi ngồi lim dim nhìn hàng trăm thậm chí hàng nghìn bông hoa vàng cùng nhau rập rờn theo gió và nghĩ về những cánh đồng cỏ xanh mênh mông trong sương sớm. Tôi mơ màng đến cảnh tôi đi lang thang chân trần trên đó và bắt gặp nhưng bông hoa vàng lẫn trong đám cỏ ướt đẫm sương. Nhưng cũng có đôi khi tôi lại nghĩ về những giấc mơ màu vàng hoang hoải và hão huyền...


Ngôi nhà hoa vàng


Sống trong ngôi nhà đó là một người phụ nữ tầm hơn 30, gần 40 tuổi. Cô làm nghề thợ may, sửa quần áo. Nghe bảo cô may khéo nên cũng nhiều người ưa chuộng. Do bận làm hàng cho khách, hoặc do thói quen, mà tôi ít thấy cô ra ngoài, chỉ có khách khứa là vẫn vào ra đều đặn. Cũng có một vài lần cô sang hiệu của tôi mua sách, những cuốn tiểu thuyết kinh điển như Cuốn theo chiều gió, Jane eyre... Nhưng có vẻ như công việc bận bịu khiến cô không có thời gian đọc nhiều, nên thời gian tôi làm ở đây, cô cũng chỉ sang ba bốn bận. Buổi sáng sớm và chiều muộn thì cô hay tưới hoa ở hiên nhà. Lâu lâu lại thấy cô lúi húi ươm, trồng lại vườn hoa cánh bướm của mình khi những cây hoa cũ bắt đầu tàn. Còn lại hầu như chưa bao giờ thấy cô đi chơi bời, buôn chuyện như những người phụ nữ quanh đây.


Câu chuyện về cuộc đời cô và tại sao ngôi nhà lại trồng nhiều hoa vàng, dân phố truyền tai như một truyền thuyết. Cô và chồng là người dân ở nơi khác chuyển đến thành phố này sinh sống. Cô mở cửa hàng may, còn chồng, nghe bảo làm ăn kinh doanh buôn bán gì đó. Trước kia quanh đây ít người làm may nên cô cũng kiếm được. Thêm thu nhập của chồng, hai vợ chồng mua được mảnh đất và cất được ngôi nhà bên đường tàu này. Rồi hai vợ chồng cô sinh được đứa con trai đầu lòng - và cũng là duy nhất. Vì sau khi sinh nó thấy bảo, cô bị bệnh gì đó, phải cắt đi cả hai buồng trứng. Không sinh nở được nữa.


Năm thằng bé đó bốn tuổi, nó bị bệnh, rồi qua đời.