Snack's 1967
Giọt mưa thôi rơi

Giọt mưa thôi rơi

Tác giả: Sưu Tầm

Giọt mưa thôi rơi

Tôi nhắm mắt, nghe gió lùa qua tóc, nghe tiếng chim kêu từ những bụi cây, nghe tiếng dế kêu rinh rích khắp không gian. Khẽ mỉm cười, tôi mở mắt. Và một gương mặt hiện ra, đang nhìn tôi chăm chú. Giật mình, tôi hét lên một tiếng.


***


Khi tôi bước vào căn phòng, cái chết đã nằm tại nơi đó từ rất lâu. Ngổn ngang trên mặt đất là vô số mảnh thủy tinh từ chiếc ly vỡ. Chúng hắt ánh sáng loang loáng trên mặt đất, xen giữa những mảng màu máu đỏ. Lọ thuốc ngủ chỏng chơ, chẳng còn bao nhiêu viên.


Dì tôi nằm đó, trên chiếc chiếu nhỏ mà hằng đêm tôi vẫn ôm dì mà ngủ. Mắt dì mở to, đôi mắt hằn li ti những mạch máu. Gương mặt trắng bệch, miệng sủi bọt mép. Bàn tay dì đặt trên đống mảnh vỡ, máu đã khô. Có lẽ dì nghĩ rằng chết đi thật thanh thản. Nhưng tôi biết thậm chí trước lúc dì nhắm mắt, nỗi đau trong dì chưa bao giờ vơi đi.


Tôi bước đến bên dì, cố gắng đặt dì nằm ngay ngắn, rồi vuốt mắt, lau miệng, và nhẹ nhàng gỡ bỏ những mảnh vỡ đâm trên tay dì. Người ta bảo tôi điên, chẳng ai nhìn thấy một người thân yêu ra đi lại có thể bình tĩnh đến như vậy.


Giọt mưa thôi rơi


 


Nhưng tôi thì không nghĩ thế. Khi tôi nhìn thấy một người mà mình yêu thương ra đi, trong tôi chỉ có một cảm xúc, tôi muốn người ấy chết đi thanh thản và đẹp đẽ.


Dì là vợ sau của ba tôi. Đối với tôi, dì là người mẹ trọn vẹn nhất, vậy mà chưa một lần tôi gọi dì là mẹ. Đơn giản vì cả ba và dì, không ai dạy cho tôi như thế.


Mẹ ruột của tôi qua đời ngay sau khi sinh tôi. Sinh khó. Ba chỉ đáp gỏn gọn như thế. Mà cũng không chỉ riêng trong chuyện ấy, hầu như chỉ khi thật cần thiết, ông mới nói chuyện với tôi. Năm 9 tuổi, tôi đã bắt đầu hiểu vì sao. Vì chính tôi đã giết chết người mà ông yêu thương nhất trên đời.


Khi bắt đầu hiểu được ba yêu thương mẹ đến dường nào, cũng là lúc tôi hiểu được nỗi đau của dì lớn đến thế nào. 18 năm trao cuộc đời cho ba, dì rốt cuộc đổi được một lời xin lỗi, viết gãy gọn trong một mảnh giấy để lại trên bàn: " Xin lỗi Hương, anh không thể yêu em".


Những năm tháng ấu thơ của mình, tôi không có bạn bè. Với tôi, khái niệm cuộc sống khi còn bé chỉ là đến trường, về nhà, chơi một mình, học bài, ngủ. Ba và dì chẳng khi nào dắt tôi đi đâu chơi, trừ những ngày lễ tết về thăm ông bà. Nếu có, chỉ là dì dắt tôi ra chợ mua cho áo mới.


Còn ba tôi, tôi không nhớ nổi cò lần nào ông đã đưa tôi đi chơi hay chưa. Hai cha con mà tưởng như hai người xa lạ. Duy chỉ có một điều tôi rất giống ông, giống như khuôn đúc – đó là một cuộc sống cô đơn không thể chia sẻ.


Khi đến tuổi biết nghĩ, tôi nhận ra bi kịch trong ngôi nhà mà mình đang sống. Đó là ba chúng tôi, sống cùng nhau nhưng mỗi người mang trong mình một nỗi đau riêng. Người này làm đau kẻ khác, và cũng bằng cách ấy mà tự làm đau chính mình.


Đám tang của dì, ba tôi trở về. Họ hàng xém nữa không nhận ra ông, trong hình hài lem luốc, râu ria và đen nhẻm. Cả ngày khách đến thăm, ông chỉ ngồi im bên hàng hiên, hút thuốc, nốc bia. Đến đêm, ông đứng lầm lũi bên ngoài nhà. Tôi trông thấy hết, cả những giọt nước mắt của ông, và cả lúc ông bỏ đi.


Kể từ ngày ấy, tôi về ở với bác. Bà bác của tôi béo kinh khủng nhưng tính cũng tốt kinh khủng. Bà một mực cho rằng tôi đang bị hàng loạt những triệu chứng bệnh lý, bao gồm trầm cảm, mất khả năng giao tiếp... Thế nên bác gửi tôi vào một trung tâm điều trị tâm lý.


Ở nơi đấy , tôi nhớ rất rõ, sau lưng có cả một cánh đồng hoa lưu ly tím. Lầu đầu tiên, trải ra trước mắt tôi là cả một bao la như thế, với màu xanh ngắt lớt phớt mây trắng của bầu trời, hòa với màu tím trong lành của lưu ly. Từ đó, tôi biết mình đã yêu nơi này.


Ở trung tâm, tôi được nói chuyện với bác sĩ, tham gia hoạt động cộng đồng. Kể cũng không tệ, thời khóa biểu của tôi rất thư thả. Buổi sáng, tôi theo các sơ vào phòng đan, học đan len, làm những con búp bê len nhỏ.


Giọt mưa thôi rơi


Đến sau giờ nghĩ trưa, tôi vào trò chuyện với bác sĩ, và cứ mỗi một tuần thì một nhóm bệnh nhân như tôi lại ngồi cùng nhau, tập nói ra những suy nghĩ, tập thể hiện những cảm xúc của mình. Công việc ấy thường chỉ kéo dài đến 4 giờ. Sau đó, tôi được mặc sức đi dạo trên cánh đồng.


Khoảng 1 tháng sau thì bác sĩ phụ trách bảo rằng biểu hiện của tôi rất khá, đã đến lúc tôi có thể giúp đỡ các bệnh nhân khác. Thế là tôi được đưa xuống phòng bệnh nhi tự kỷ để giúp đỡ các sơ ở đấy.


Ngày đầu tiên đến khu vực bệnh nhi, ghé mắt qua tấm kính nhìn vào căn phòng, tôi tưởng tim mình đang vỡ ra. Những đứa trẻ ở đấy, có đứa câm lặng, có đứa mãi quẩn quanh với những hành động như được lập trình. Chúng làm tôi ngộ ra rằng không phải chỉ mình tôi từ bé đã mang trên đôi vai mình một chiếc quàng gánh – gánh nỗi đau.


Ở căn phòng ấy, có những đứa trẻ vừa sinh ra đã được số phận lựa chọn để mất mát. Vì thế mà tôi yêu thương chúng. Tôi chẳng bao giờ cáu khi có đứa bất ngờ nổi giận và cào cắn; tôi cũng chẳng mất kiên nhẫn với những đứa mà mình kêu mãi không nghe, bảo mãi vẫn không nhớ.


Vậy là, sau hơn một tháng, ngoài hoa lưu ly, tôi bắt đầu yêu nơi này vì những đứa trẻ như thế.Một buổi chiều như bao buổi chiều khác, tôi đi dạo một mình trên cánh đồng hoa. Những bông hoa tươi tắn lấm tấm những giọt mưa bụi ban trưa càng làm chúng trong lành hơn bao giờ hết. Tôi leo lên một gò đất nhỏ, ngồi bó gối và nhìn ra tận chân trời. Thanh thản và bình yên.


Tôi nhắm mắt, nghe gió lùa qua tóc, nghe tiếng chim kêu từ những bụi cây, nghe tiếng dế kêu rinh rích khắp không gian. Khẽ mỉm cười, tôi mở mắt. Và một gương mặt hiện ra, đang nhìn tôi chăm chú. Giật mình, tôi hét lên một tiếng.


- Ha ha, có gì đâu mà em la trời vậy hả?


- Ơ, anh là ai?


- Hihi, anh là ai hả ? Anh là... là một người bạn – Anh nháy mắt.


Cuộc gặp gỡ giữa tôi và anh là như thế đó. Đơn giản, nhẹ nhàng như những bông hoa thanh khiết đang bao phủ xung quanh chúng tôi. Nhiều năm về sau, khi nghĩ về giây phút ấy, tôi còn nhớ như in ấn tượng đẹp đẽ của nó.


Nhắm mắt lại, tôi vẫn thấy mình như đang sống trong cái ánh nắng chiều tà ấy, có anh cạnh bên luôn mỉm cười, xung quanh là bạt ngàn tím trong lưu ly. Dù cho sau ấy đã có biết bao nhiêu chuyện xảy ra, tôi vẫn tin , đó là phút giây đẹp nhất của đời mình.


Anh cũng là một bệnh nhân như tôi. Từng tốt nghiệp thạc sĩ ở nước ngoài, rồi về nước làm việc. Rồi anh có người yêu, hai người đã tính đến chuyện kết hôn. Cuộc sống của anh tưởng như đã đi theo một lộ trình hoàn hảo. Rồi lộ trình ấy đột ngột chấm dứt khi bạn gái anh quay lại với người yêu cũ.


Tim anh vỡ tan khi hiểu ra ba năm ở bên anh, cô ấy vẫn chưa khi nào thôi nghĩ về người ấy. Mất một tháng anh mới lôi được mình ra khỏi căn nhà trọ, và mất đến hơn một năm anh mới kéo lê mình về được với cuộc sống. Anh tưởng giới hạn của mình đã là ở đây.


Nhưng rồi giới hạn ấy đứt phựt... khi cô gái chết. Treo cổ mà chết.