Đồi Lâm Hinh

Đồi Lâm Hinh

Tác giả: Sưu Tầm

Đồi Lâm Hinh

Cuộc sống vốn có nhiều việc tốn công vô ích...


***


"Ù uôi, Hạ gì mà mát thế!"


Không biết có phải là do nơi này quanh năm tiết trời mát lạnh, hay là do buổi sớm nên không khí se lại nên thi thoảng Việt lại khẽ run bật lên vì lạnh. Từ "mát" ban nãy cậu ta nói ra chắc cũng có chút "gồng mình", à mà còn một lý do nữa khiến người ta lại lạnh trong Hạ, rằng: nó-bắt-đầu-có-những-thay-đổi-lớn...


Đồi Lâm Hinh


5 giờ 45 phút!


Việt nhấm nháp chút trà gừng được hãm bằng thứ nước trong khe mà cậu cất công gánh từ khi trời còn chưa sáng hẳn. Thói quen, cậu thường uống như thế vào mỗi sớm, trước khi đi học, bằng chiếc cốc làm từ gỗ, khoét một cái lỗ hơi nông mà theo cậu nghĩ thì sẽ làm trà ngon hơn. Sa Pa vốn thế, vốn ưu đãi lòng người, vốn biết nâng niu, chăm chút cho những mảnh hồn ấm nơi xứ sở lạnh lẽo này.


Nói rằng Việt có những thay đổi là vì ngày hôm nay sẽ là khai giảng lớp Mười một của cậu tại trường thị trấn sau khi thi đỗ kỳ thi tuyển sinh vào lớp Mười năm ngoái.


Thế là nó khăn gói lên đường, bỏ lại cả thảo nguyên, bỏ lại rừng chè xanh thẳm ước mơ, bỏ cả bãi Lâm Hinh.


"Haizz"


Khẽ thở dài, Việt lại suy nghĩ lan man, vô định. Cùng thi với cậu năm ấy còn có cả Linh, cô bạn chí cốt từ thuở "tồng ngồng tắm mưa" kia. Ngày ấy, cô giáo của Việt và Linh khuyên cả hai nộp đơn thi vào trường điểm của thị trấn, tuy cả hai cùng đỗ nhưng chỉ có mình Việt xuống Thị trấn học. Linh đành bỏ lại kết quả ấy vì gia đình thiếu điều kiện để chi trả các khoản tiền có ghi trong giấy báo. Kể ra năm ấy, vì Linh nộp hồ sơ thi vào trường điểm nên bố cô quyết định chạy vạy được bao nhiêu, của nhà có bao nhiều thì đầu tư tất vào thửa hoa màu sát nương chè nhà Việt. Năm ấy, bão lũ cứ thế cuốn trôi hoa màu, cuốn trôi luôn cả niềm tin mà cả nhà Linh đặt trọn. Cô đành nước mắt lưng tròng nhìn Việt đạp xe đạp đi học ngày đầu tiên.


Kể từ khi đó, Linh đành đi học ở trường làng, một mình chẳng như khi có hai đứa cùng đi nữa. Nhiều lúc cô tủi thân lắm, cái tuổi mười sáu – mười bảy chin chắn là thế, mạnh mẽ là thế đành chịu đốn gục trong những ngày sương sa. Có khi cô lại ước rằng giá như nhà Việt cũng nghèo như nhà mình để hai đứa cùng được đi chung mãi.


Cũng kể từ khi đó, hai đứa dần dần ít nói chuyện, chẳng như khi cả hai đi đâu cũng có, nói chuyện tâm đầu ý hợp, thì giờ đây...


Mỗi tuần, thứ Bảy, Chủ Nhật Việt thường về nhà, cả hai lại có dịp nói chuyện với nhau. Những câu chuyện thưa dần, Nhưng, khoảng cách ngày một xa khi mỗi lần về Việt thường dẫn theo mấy đứa bạn cùng lớp. Cả bọn thường đến nhà Linh trèo cây na, tất nhiên Linh vẫn vui vẻ tiếp đón. Thế nhưng, sâu trong tâm hồn nhạy cảm của một cô gái tuổi trăng tròn kia vẫn có một điều gì đó, rằng Việt đã thay đổi, Việt chẳng còn giống ngày ấy nữa. Trong mảnh ký ức đẹp đẽ của Linh, chỉ tồn tại duy nhất hình ảnh Việt đánh quần cộc, ở trần, da sạm đi, không lẫn vào đâu trong ngút ngàn màu chè xanh, Linh tìm thấy Việt chẳng khó, dù nương chè rộng lắm, thế mà giờ đây...


Ngày chia tay nhau, mặt Việt méo xệch méo xọ, có cảm giác như khoảng cách từ trán và mắt lúc này là xa lắm, cả khuôn mặt trễ xuống, nhăn nhó, khổ sở như vừa nuốt một con bọ xít vậy.


Linh cũng thế, sụt sùi, mắt đỏ hoe, thi thoảng lại quay mặt đi chỗ khác.


Bố Việt cười như mếu:


- Chúng mày cứ vẽ chuyện, đến thứ bảy nó lại về chứ có đi luôn đâu mà...


- Làm như cái kiểu nàng Viên – chàng Lịch "hát mưa dầm sùi sụt" ấy đúng không bố. He he – Việt cười, giọng run run.


Có lẽ ông cũng nhớ thằng quý tử của mình lắm, ông nói với Linh mà như nói với bản thân mình. Còn "nàng Viên" hay "chàng Lịch" là ai thì tất nhiên chỉ có Việt, Linh và "những người trong bản" biết.


***


Giờ đây Việt lại trông khá chững chạc, chin chắn hơn trong chiếc áo sơ mi kẻ ca rô mà mẹ cậu thưởng cho trong ngày đầu học ở trường thị trấn. Linh lại chợt nhớ về những ngày ấy, những buổi sớm thứ bảy, chủ nhật, không học là cả hai đứa không hẹn mà đều đến nhà nhau rủ nhau cùng lên nương hái chè. Cái thú vị của buổi sớm khó lòng mà quên được, con gió nhẹ nhàng chui vào vùng đen nơi mái tóc dài và luôn thoảng mùi hoa ban của Linh, vùi vào đó mà thổi từng đợt. Những lọn tóc mỏng manh lay lắt, hát gì đó cùng gió. Cô vẫn nhớ những lần thi thoảng Việt trộm nhìn khuôn trăng dịu hiền của mình. Những lần ấy, gò má Linh ửng lên trông lại càng dễ thương hơn bội lần, cô khẽ vén tóc để lộ vùng da trắng ngần như hoa lê – thứ hoa mà Việt vẫn luôn hái, khẽ cài vào mái tóc của Linh mỗi khi hai đứa lên nương chè.


- Việt, lên nương hái chè với tớ không? Nghe nói hôm nay có cả lễ hội gì bên bãi Lâm Hinh nữa đấy!


Việt giật bắn người vì tiếng gọi với vào của Linh, cái giật mình trông rất buồn cười, cứ giống như kiểu người đang ngồi trên ghế lại bị giật phắt ra ấy.


Nhìn vào Linh, bé nhỏ, một tay khum lại che cái chói nhè nhẹ, ngẩng lên, đôi mắt bé tin hin lại, chiếc mũi nhỏ, hồng hồng hếch lên, nàng mím môi.


- Này, có nghe thấy tớ nói gì không đấy hả?


Không gian tịch mịch quá, tịch mịch đến mức tiếng gọi của Linh oang oang cả một góc trời mà Việt vẫn không nghe thấy, thêm chút tư lự, Việt đáp giọng buồn buồn:


- Tớ ấy hả, hm..., tớ không đi được, tớ sắp phải vào trường, hôm nay trường tớ mở hội diễn kịch. Linh đi một mình vậy nhỉ!


Thoáng chút bối rối, Linh xoa xoa hai bàn tay vào nhau, khẽ cười:


- Ừ, vậy tớ đi...


- Ừ, vậy Linh đi...


Bóng linh tràn lênh láng cả sân nhà, tràn cả tâm hồn Việt một cách kỳ lạ, nhấp nhô, chảy dài.


Việt tự cốc vào đầu mình, nhè nhẹ, tự phạt sau lời nói dối trắng trợn kia của mình. Hôm nay là Chủ nhật. với lại trường cậu có tổ chức buổi biểu diễn nào đâu, chỉ có cậu tự "diễn kịch" đấy thôi, cậu vừa là đạo diễn, biên kịch, vừa là diễn viên chính trong thước phim chỉ có một người đóng và "khán giả" chính là Linh. Bỗng Việt nhắm tịt mắt, tay nhéo vào giữa trán, rõ ràng cậu không thể hình dung được chuyện gì đang xảy ra và tại sao mồm cậu lại có thể "phun" ra những câu nói tưởng chừng như trước đây chưa bao giờ tồn tại trong "từ điển" của cậu và Linh.


Ở tình huống như thế, nếu như đặt vào thời gian trước đây thì chẳng bao giờ có những từ ngữ như "không" hay "tớ" lọt vào "từ điển" của hai đứa, mà thay vào đó là những từ đại loại như "tuân lệnh", "nhất trí" hay "chúng mình", "ta"...


Thậm chí Việt cũng không thể hình dung những từ phủ định đó đến với cậu trong hoàn cảnh, thời điểm nào nữa, những từ mà trước giờ Việt chưa có cơ hội "tiếp xúc" đến nó sao giờ đây vuột khỏi miệng cậu một cách dễ dàng và trơn tru đến vậy.


Đến xế trưa, khi bóng trời đang soi nhẹ xuống cả khoảng vạt sân, bóng Linh từ xa chảy tới, trông cô bé quá xá dễ thương trong chiếc váy thổ cẩm truyền thống, nhảy long nhong, trên tay là cành chè xanh mơn mởn, vừa đi, Linh vừa huơ huơ như đang đùa với nắng. Việt ở trong nhà, ngồi khuất phía sau tấm mành tre im lìm, dõi theo Linh, cho đến khi hình ảnh cô chỉ nảy đều dần theo nhịp gùi, tan vào trong ngõ.


Đồi Lâm Hinh


Năm ngày sau, đứa em của Linh – thằng Đức bỗng nhập viện. Tất nhiên Việt không tài nào biết được chuyện này. Khỏi phải nói cũng biết Linh lo lắng cho đứa em thế nào, thấp thỏm, lo âu, Linh phải nghỉ vài buổi để chầu trực bên giường bệnh đứa em vì mẹ Linh thì làm tít tận Hợp tác xã ở thị trấn còn bố Linh thì chăm cái nương chè, bao nhiêu chuyện trong nhà một tay cô bé lo tất tần tật.


Nghĩ mà tội.


" – Em khát quá chị ơi!"


" – Chị lấy cho em cái khăn!"


Hay những mẫu câu đại loại như thế liên tục từ Đức nối đuôi nhau chảy ra, thúc giục, kéo lê đôi chân Linh đi khắp các ngõ ngách, Linh mệt bở hơi tai, đánh "bịch" một cái lên cái nền gạch hoa vàng của bệnh viện.


Bình thường, giờ này Linh sẽ đi gọi Việt rồi, nhưng biết thế nào, cậu chắc đang long nhong trên thị trấn, chơi với những đứa trẻ thị trấn đầy xa lạ đối với Linh, chắc gì cậu ta nghĩ đến Linh, trong suy nghĩ của Việt chắc chỉ có "bọn lớp tôi" mà cậu vẫn thường nhắc đến khi hai đứa trò chuyện. Thậm chí, lúc hứng lên cậu ta còn hỏi Linh có muốn đăng ký một tài khoản phay – búc (cách hiểu của Linh) để hai đứa liên lạc với nhau khi nó ở thị trấn không, nhìn vẻ mặt lúc đó của Linh co lại, đánh mắt sang bên khác, đáp gọn lỏn:


- Tớ chả thèm!


Thú thực, Linh cũng muốn có một phương tiện nào đó để liên lạc với Việt lắm chứ, nhưng khổ nỗi nơi đây vốn lạc hậu, cái ăn còn chậm có huống gì là công nghệ thông tin, một phần là cả sự tự ái, Việt có quan tâm Linh đâu!?


Nhiều lúc Linh cũng cảm thấy chạnh lòng khi Việt vô tâm mải nhắc đến những đứa bạn cùng lớp, nào thì cái Thư, thằng Minh, thằng Phúc, những đứa thường đến nhà Linh chơi, trèo cây hái quả theo sự giới thiệu của Việt. Những lúc đó, Linh chỉ ậm ừ, rồi gượng gạo cười, lộn hết tên của mấy đứa, vì đơn giản Linh đâu có để tâm nhiều, cô bé chỉ biết mỗi Việt, và cô chỉ biết mỗi Việt là người bạn thân nhất của mình, mà giờ...


Mãi bơi trong những suy nghĩ chẳng tốt đẹp cùng việc chạy ngược chạy xuôi nãy giờ, Linh cảm giác như mình vừa mới đi hết nửa vòng Trái đất vậy, tất cả nhấn cô vào giấc ngủ, một vài lọn tóc khẽ đung đưa, tiếng rè rè của chiếc quạt trần nhảy đều.


Một vài hình ảnh nhòe nhòe không rõ ràng hiện ra, rồi dần dần có hình thù rõ nét, màu sắc cũng dần đậm hơn - là Việt. Đúng hơn là Linh và Việt.


- Đố biết cậu chỗ này người ta gọi là gì?


- Gọi là gì cơ? – Vừa nói Linh vừa chống hai tay xuống bãi cỏ, ngước mắt lên trời, đưa qua đưa lại vài cái rồi hướng sang Việt.


- Theo người trong bản thì họ gọi bãi này là bãi cỏ Lâm Hinh.


- Lâm Hinh á? – Linh khẽ chau mày – Nghĩa của nó là gì cơ?


Việt đưa tay xoa xoa cái cằm mặc dù chưa có sợi râu nào, môi cậu trề ra, khịt khịt mũi vài cái, vừa phủi phủi tay vừa nói:


- Theo người trong bản, thì cái tên này bắt nguồn từ xa xưa lắm rồi, có một đôi trai gái sinh sống ở đây, như kiểu Adam với Eva đó, nhưng mà họ không cởi truồng – Việt cười lớn – Chàng trai tên Lịch, còn cô gái thì tên Viên.


Ngừng lại, một tí, cậu tiếp tục với ánh mắt đang hướng lên trời:


- Hai người yêu nhau say đắm, họ rong ruổi khắp cả thảo nguyên, họ sống êm đềm hạnh phúc, bên nhau, chỉ có hai người.


"Chỉ có hai người/chỉ có hai người/yêu nhau/ hu hù" – Việt khẽ hát


Linh chăm chú lắng nghe, mắt không rời Việt, chốc chốc lại tung tung vài cánh hoa bé tí tẹo lên, sáng cả trời xanh. Còn Việt thì thở dài như người lớn, cứ xoa xoa cằm như thể chờ vài sợi râu cưng cứng mọc ra vậy.


Linh bỗng hỏi một câu ngang phè:


- Thế buổi tối họ ngủ ở đây thì có bị muỗi cắn không nhỉ?


Rồi bỗng những hình ảnh lại nhòe đi, một không gian khác, đúng rồi, nhà Linh.


Độ này là những ngày giáp Tết, bản Linh với Việt sống người ta đón Tết theo lịch của người miền xuôi, nghĩa là đón Tết Nguyên Đán.


" Đêm Ba mươi"


Việt nằm lim dim trên chiếc võng bộ đội hơi sờn màu, nó cố mở mắt xem nốt chương trình Táo quân, còn cả nhà Linh thì đang ngồi dưới nền, gói bánh chưng như cách mà người xuôi vẫn làm mỗi độ Ba mươi.


Việt và Linh thân nhau tới mức đó, cậu xem nhà Linh cũng như nhà mình, suốt ngày chạy qua chạy lại, khi thì chơi với Linh, khi thì học bài, lúc thì phụ bố Linh sửa lại cái mái che thậm chí Việt cũng mải xem phim truyện cuối tuần đến mức ngủ quên ở nhà Linh, đến tờ mờ sáng mới bật dậy chạy về. Linh nhớ có những lần Việt ngủ rỏ cả dãi ra võng, rồi đưa tay quệt quệt, xong lại ngủ tiếp, trông như con mèo con vậy, cô thích ngắm Việt những lúc ấy. Cả những lúc Việt chơi bi với em Đức nữa, ngắm cả hai, cảm giác thật dễ chịu.


Con trai là chúa trẻ con!


Linh cũng thế, thường hay sang nhà Việt mượn cái sàng, mượn cái lưỡi cuốc hay có những lúc phụ mẹ Việt cho lợn ăn, nhưng Linh lại không mải mê xem phim rồi ngủ thiếp đi ở nhà Việt vì đơn giản Linh cũng không muốn Việt trông thấy Linh ngủ như thế nào, có rỏ dãi hay làm những điều quái lạ nào không.


Con gái là chúa hay ngại!


Cả gia đình hai bên đều rất quý đôi bạn trẻ này, bố mẹ Linh xem Việt như con trai của mình và bố mẹ Việt cũng thế, nhưng tất nhiên sẽ coi Linh là con gái của mình.


- Linh dậy đi con!


Bố Linh đập vai, đã sáng bét rồi cơ đấy, Linh choàng tỉnh dậy, lật đà lật đật như con sóc, cô chạy đi đánh răng rồi ra khỏi bệnh viện đi mua đồ ăn sáng cho em Đức như lời bố bảo, Linh phải đi nhanh, bố còn phải lên nương nữa.