Polly po-cket
Câu chuyện chị em (Phần 2)

Câu chuyện chị em (Phần 2)

Tác giả: Sưu Tầm

Câu chuyện chị em (Phần 2)

Chị nhớ cà phê em pha. Cả cái cảm giác khi đứng chờ thang máy, chuẩn bị thở hắt ra vì sau một ngày mệt mỏi, cuối cùng cũng được gặp em, và cười với em.


***


Em về vào tháng Năm. Sài Gòn nắng đổ lửa. Em không biết gặp ai đầu tiên, nên đành gọi chị. Hú hồn chị vẫn xài số cũ. Tháng Năm đó, chị không thôi tròn xoe mắt khi thấy em đứng một mình ở sân bay, với cái vali tí hon và cô độc. Rồi mình đi hoài với nhau. Kiểu như mười năm không gặp, cả hai chúng ta tự động hình thành nên một thư mục lưu trữ bé tý trong người, với hàng tá chuyện đã xảy ra trong những năm tháng qua. Nơi mình hay ngồi là bến cầu tàu gần nhà em. Mỗi tối, em đều ra đó, nghe tiếng còi tàu kêu. Đến tận khi chung quanh chìm vào thinh lặng. Mặt sông lấp lánh như gương. Ba bóng đèn vàng trên đầu ngọt ngào, bền bỉ... Em hỏi vì sao chị càng ngày càng già đi? Chị bảo chị muốn già. Như vậy mới đủ sức làm cho người mình yêu hạnh phúc. Mình lại nói về hạnh phúc. Nói về nó, nhưng chẳng ai nói tới hạnh phúc của mỗi người.


Câu chuyện chị em (Phần 2)


Tháng Năm, rồi tháng Sáu. Khi tháng Bảy về, mình đi du lịch cùng nhau, theo cách tự nhiên nhất. Mình lên núi. Đến tận thời điểm lên tới ghế ngồi, rồi khi chị nắm tay em lần đầu tiên, em vẫn không ngừng tự hỏi, chị bấy giờ có hạnh phúc hơn xưa? Em đã quên mất số phòng mình từng ở, cũng như tấm vé xe ngày ấy đang ở đâu. Nhưng em nhớ tóc chị có mùi gì, mắt chị sâu ra sao. Cả cái cảm giác hụt hẫng tơi bời khi chị bước ra khỏi phòng về thành phố cho một buổi họp quan trọng, để mình em lại với căn phòng trống. Sau này, chị bảo chị có quay lại hành lang, những mong em đứng đó sẵn chờ chị, bảo chị ở lại đi. Nhưng em lại đứng sau cánh cửa mất tiêu. Em lúc đó suýt khóc. Không dám níu kéo, bởi chẳng biết mình là gì của nhau. Chắc chị còn chẳng ngờ chuyện về sau mình có nhau. Vì cuộc họp ắt đã quan trọng hơn em.


Tháng Mười Một, mình vẫn ngồi ở cầu tàu gần nhà em. Tàu chưa về. Em đang ngóng tàu về. Chị ngập ngừng, có lẽ cuộc đời không còn đủ hai chỗ cho hai đứa mình, nên mình dọn về chung chỗ được không.... Em im lặng. Chị tiếp tục. Con sông này chảy cả qua khu nhà chị, hàng đêm cũng có tiếng cầu tàu. Mình cùng nghe với nhau, không phải hay hơn sao? Em cười lặng thinh trong lòng. Chẳng ai nhắc lại quá khứ. Em bỏ nó sau lưng, rớt nước mắt khi hôn chị, khi nằm trong lòng chị. Còn quá khứ của chị, chị vẫn giữ khư khư. Thậm chí khi mình đã ôm nhau hơn một lần, hôn nhau thêm vài bận, và chị nói chị yêu em, rõ ràng là thế, thì em cũng không ngừng tự hỏi, thứ tình yêu mà chị nói có thật là thứ hạnh phúc chị đang kiếm tìm?


Lạ lẫm làm sao khi nhận ra ngày nào cũng gặp cùng một người, đi cùng một con đường, trên cùng một yên xe. Chỉ có câu chuyện là đổi khác. Mình tập ghép các mảnh vỡ, cứ khít chỗ này lại hụt chỗ nọ. Em đã thôi đọc các câu chuyện lãng mạn từ lâu, nhưng vẫn không giấu nổi sự ngạc nhiên tột độ khi thấy chị về nhà vứt bày bừa quần áo, quên bẵng lời hứa trước đó chưa tròn phút, cả sự yếu đuối sâu đắm bên trong mà khốn khổ thay, em cứ nhìn rõ mồn một. Thì ra, chị cũng chỉ là một người bình thường, với đủ mọi thói hư tật xấu trên đời. Cả nỗi tự ti vô hình mỗi khi nắm tay em, hôn em, hoặc vùi đầu vào người em. Em giật mình nhận ra, giờ mới là lúc thứ tình yêu thật sự bắt đầu. Chứ không phải từ đêm nào tĩnh mịch ở bến tàu khuya.


Cuộc sống cả hai dần dần như trang sách mở. Chị thất bại với kế hoạch kinh doanh đầu tiên, bần thần cả người trước sức nặng mà nó để lại. Chị đi qua đi lại như người mất hồn, cà phê cũng không buồn uống, ăn cơm quên cả mùi cay. Em quíu cả tay chân, không biết làm gì, không biết an ủi sao cho đặng. Đành lầm lũi đi sau chị. Nhắc chị gạt chống xe, lấy tiền thối khi mua cơm tấm, giữ giùm chị chìa khoá nhà mỗi khi chị để quên ở đâu đó.... Đợt đó, em hoàn thành xuất sắc một dự án khó nhằn, nổi tiếng cả công ty. Thưởng tới tấp. Nhưng về nhà, em không dám kể, sợ chị buồn vì cảm giác thua kém em. Em lẳng lặng mang tiền thưởng đi mua một cái máy chiếu rất to, rồi hì hụi tải một loạt phim mà chị yêu thích. Em học làm cả bắp rang bơ. Buổi tối không trăng, em bỏ luôn tiếng còi tàu, lục đục chỉnh máy chiếu. Mảng sáng dần xuất hiện trên bức tường ở hành lang, chuyển động theo những hình thù kỳ dị. Âm thanh nổi cuốn hút. Chúng ta ngồi trên ghế lười. Tiếng nhai bắp lạo xạo. Thỉnh thoảng em nhại lại giọng thằng biến thái trong phim, é é nhựa nhựa. Chị vẫn bất động vậy. Các khối màu phủ đầy khuôn mặt chúng ta, như chiếc mặt nạ. Ở đĩa phim thứ 3, chị bỗng cười vang trước hành động ngớ ngẩn của cô diễn viên chị yêu thích. Niềm vui em hẫng hụt trong cơn buồn bã. Nhưng rút cuộc chị cũng đã cười, dù chẳng phải vì trò đùa của em. Chị và em cùng xem hơn 10 phim liên tục. Khi chị qua cơn bĩ cực, cũng là lúc em bị sâu răng vì ăn quá nhiều bắp bơ, và mắt chị tăng lên 1 độ rưỡi. Em lại cười nắc nẻ vì tình huống khôi hài.


Thời gian trôi rất nhanh. Thoắt cái, đã chẳng thể nhớ nổi số phòng mình từng ở trong lần đầu tiên đi du lịch cùng nhau, những ngày đặc biệt mình tự nhủ lòng sẽ phải nhớ mãi, cả những bài hát cũng đã phai mất lời ca. Mình nhẫn nại bên nhau, có buồn vui, có cay nghiệt. Đủ mọi loại trạng thái trên đời. Nhờ vậy, vào những ngày chị làm em đau đớn, em lại nghĩ về sức mạnh của thời gian. Đã cùng đi qua nhiều ngày dài đằng đẵng, nhiều đêm ngắn ngủi lạ thường, thì cớ sao lại vì những phút giây nóng nảy mà quên sạch. Dù vậy, dự cảm bất hạnh – ngay từ ngày đầu tiên mình nắm tay nhau – vẫn không thôi buông tha em. Em thường xuyên thấy đau lòng. Kiểu có những người ở cạnh nhau, chỉ bởi họ không bao giờ hạnh phúc được nữa. Đôi khi em buồn, em bảo em bị trầm cảm rồi. Chị nổi điên trước cái thói hay bi kịch hoá cuộc đời ở em. Xoáy vào đáy mắt em, chị muốn em phải thật tích cực và lạc quan. Em nghe lời chị, cười như một con khùng. Các đợt sóng vẫn ào ào ập tới, khiến em chao đảo. Nhưng vì chị, lại mạnh mẽ vững vàng. Khi không chịu nổi nữa, em úp mặt vào thau nước, khóc váng lên. Chẳng ai nghe.