Polaroid
Nắng giọt

Nắng giọt

Tác giả: Sưu Tầm

Nắng giọt

Nắng thèm được như thế, Nắng thèm cái cảm giác được thả mình trong cái thế giới ánh sáng ngập ngụa đó...


***


7 tuổi, bố Nắng bỏ nhà đi.


9 tuổi, mẹ Nắng thắt cổ tự vẫn.


10 tuổi, ông ngoại bị tai nạn mất.


12 tuổi, bà ngoại sau 2 năm hiu hắt vì nhớ chồng, chăm cháu cũng nối gót theo gót ông. Chị em Nắng dắt nhau về ở với người dì bệnh tật, nghèo khổ, hay cằn nhằn ở cuối làng.


Nhưng 1 năm sau, dì Nắng cũng theo ông và bà. Ngoảnh đi ngoảnh lại còn mỗi mình Nắng. Và em. 2 đứa trẻ côi cút nương tựa vào nhau.


Nắng giọt


Nắng gửi em cho cô chú họ, lên thành phố với ý nghĩ duy nhất trong đầu phải kiếm tiền để nuôi em, để sao cho con bé không khổ như mình. "ít ra nó mới có 9 tuổi, nó còn có tương lai". Người ta hỏi Nắng vậy tương lai của Nắng là gì. Nó ngẫm nghĩ, rồi chép miệng: "Tương lai của Nắng là mưa, mà mưa thì bao giờ cũng buồn". Năm ấy, Nắng tròn 16 tuổi.


Nắng đen nhẻm, người gầy như que củi đét, lại cao lêu nghêu, đội cái mũ phớt mà con bé nhặt được trong 1 lần đi chăn trâu, ra bến xe. Nó dắt kĩ mấy đồng bạc chú cho lên thành phố làm vốn dưới đáy cái balo nhà lính của ông đã sờn mép vải theo thời gian. Nó còn cẩn thận lấy giấy bọc mấy lớp bên ngoài.


Nắng đi, em Nắng ở nhà, trông cậy vào cả cô chú. Hôm đi, 2 chị em sụt sùi, nắm tay nhau mãi, chú phải bế thốc con Mít, em Nắng vào trong nhà, khóa trái cửa lại cho chị nó đi. Không thì cứ dấm dắng thế mãi đến tối vẫn không đi được. Trong làng, có cô Tú đi lên thành phố đã lâu, gửi tiền về xây nhà, rồi đóng góp cho họ xây cái nhà thờ hoàng tráng nhất làng. 2 đứa con cô đều theo mẹ lên thành phố. Dạo trước cô Tú đánh điện về nhà, bảo đang cần người gấp, thế là chú Nắng gửi Nắng đi. Âu cũng đúng, Nắng ở nhà, cô chú cũng không có tiền nuôi nó. Cô chú nuôi 4 đứa con nheo nhóc, giờ cả cái Mít và Nắng nữa thì lấy đâu ra. Ở nhà Nắng có đi làm thuê thì cũng được bữa đực bữa cái. Hôm nào có người thuê, Nắng có tiền đưa về thì chị em Nắng được ăn no. Còn hôm nào, cả ngày dài ế ẩm thì coi như ngày đấy 2 chị em nó nhịn đói. Nắng thì chẳng sao nhưng chỉ khổ cái Mít. Con bé còn nhỏ, đói, lăn lóc khóc. Khóc dữ bị chú đánh. Nắng ra đỡ đòn thay em thì bị chú tát cho thâm mặt.


Giờ thì Nắng đi rồi, ít ra bớt miệng ăn, may ra cái Mít không bị bỏ đói. Mà hôm Nắng đi, chú cũng hứa chắc như đinh đóng cột: "Mày đi, chăm chỉ vào, rồi gửi tiền về đây, đến mùa học tao cho cái Mít đi học." Nắng tin chú lắm, bây giờ là tháng 4, tháng 9 trường bắt đầu khai giảng. Nắng nhẩm tính, chí ít tới tầm đó Nắng cũng đi làm được 4 tháng, gửi tiền về cho chú lo cho cái Mít. Nắng nghỉ học thì không sao, đằng nào nó học nhiều cũng hỏng chữ, cái đầu thì đau như búa bổ. Còn cái Mít sáng dạ, bị nghỉ học nó khóc dữ lắm. Cứ mỗi khi thấy 2 đứa con chú tít tít chuẩn bị sách vở đi học là nó lại mếu máo. Nắng thương em mà không biết làm gì, giờ nghe chú bảo thế Nắng vui lắm. Kiểu gì trước tháng 9 Nắng cũng gửi tiền về để chú mua sách vở cho cái Mít đi học tiếp. Nắng ngộ ra, tương lai của nó chính là cái Mít đấy thôi, cái Mít vui, thế là đủ với nó lắm rồi.


Hành trang của Nắng lên thành phố có 132 nghìn, cái balo của ông trong có 4 bộ quần áo, mảnh giấy ghi địa chỉ của cô Tú mà chú đưa cho và mấy thứ linh tinh. Chú cho 100 nghìn, còn 32 nghìn là mấy lần Nắng đi bắt cua bán, sau khi đưa chú, nó còn giữ lại mấy đồng lẻ. 132 nghìn mà mất tận 43 nghìn tiền xe. Xót. Còn 89 nghìn, nó mua chiếc bánh mì nhai cho đỡ đói. Chú bảo lên đến đấy thì gọi điện theo số điện thoại chú ghi trong tờ giấy là có người ra đón. Nhưng khổ nỗi, Nắng làm gì có điện thoại. Nó ngồi ở bến xe, loay hoay, cầm tờ giấy hết xoay ngang rồi lật dọc, lắc đầu ngán ngẩm. Hết người xe ôm này tới người xe ôm khác rờ tới, nhưng nó đều lắc đầu. Chú bảo, mới lên chẳng biết ai, đừng có đi theo mà nó bán sang Trung Quốc đấy. Sang đấy thì mày hết về với cái Mít. Nắng sợ, sợ nhất là không được gặp cái Mít, không được ôm nó ru ngủ ở cái chõng trước sân nhà chú. Mà Nắng đi rồi, không biết mấy hôm nữa ngủ một mình nó có sợ không. Nắng thở dài. Nó cứ ngồi ở bến xe như thế, từ khi mặt trời còn đứng trên cao cho tới khi mặt trời chuyển màu, xuống thấp thấp ở phía đằng xa. Nó ôm chặt cái balo trước ngực, như sợ ai giật mất. Mà không sợ sao được, cả gia tài của nó đấy, mất thì nó biết làm sao. Rồi nó sợ, trời sắp tối rồi, chả nhẽ cứ bơ vơ thế này, mà không biết đường thì biết đi về đâu. Hỏi đường, nhỡ may người ta biết mình con nít, lần đầu tiên lên thành phố, người ta lừa thì tính sao. Nghĩ tới việc bị bán sang Trung Quốc như chú nói, Nắng càng sợ. Nhưng nhờ trời, may cho nó. Trong lúc nó ngồi nghĩ lan man thì có một người phụ nữ, dáng hơi phốp pháp, tô môi đỏ chót tiến đến gần nó. Cô ấy nheo mắt nhìn nó mấy phút rồi hỏi: "Cái Nắng phải không?" Nó ú ớ, còn cô mập thì cười khanh khách, vỗ vai nó, liến thoắng: "Cha tổ mày, sao mày ngồi đây rõ lâu thế, sao không điện về cho tao. À, mà may mày ngồi đây chứ không đi đâu, bị lạc nữa thì lại mất công tao đi tìm." Thật may, thì ra đó là cô Tú. Bao nhiêu năm không gặp, giờ trông cô Tú khác quá, suýt nữa Nắng không nhận ra. Cô Tú chở Nắng về trên chiếc Honda đang thở phì phạch. Chừng đâu có hơn 10 phút thì tới nơi.


Đến nơi Nắng mới rõ, hóa ra người ta nói cô Tú làm ăn to trên thành phố không điêu chút nào. Nhà cô Tú có một cái quán bán bia rõ to, rõ đông khách. Mà phục vụ toàn mấy chị xinh xinh, môi đỏ y hệt cô Tú. Hất hàm về phía Nắng, có một anh vẽ vằn vện đầy cánh tay: "Tính hàng mới à, không phải quá tệ sao?" Nắng không biết tên gã, Nắng tạm gọi gã là lão vằn vện. Cô Tú cười xả lả: "Nó ở quê, đang cần tiền, mà coi bộ thế chứ ít tháng thay da đổi thịt lại khác cũng nên."


Nắng chả hiểu gì, gặp ai Nắng cũng cười, cũng chào. Cô Tú dắt Nắng lên gác, bảo tắm rửa rồi nghỉ ngơi đi, có gì mai bắt đầu làm. Cả ngày ngồi rũ ở bến xe, Nắng mệt, lại đói với khát nên chẳng mấy chốc Nắng đã ngủ ngon lành. Cuộc đời Nắng đã rẽ sang một hướng khác mà dù giàu trí tưởng tượng đến mấy chính Nắng cũng không thể ngờ đến.


***


SỰ KHỞI ĐẦU


Công việc đầu tiên của Nắng khi ở đây là rửa bát. Quán cô Tú "phốt" nằm ở trong hẻm nhưng lúc nào cũng đông khách. Đặc biệt là buổi tối thì cứ gọi là, các chị nhân viên phải chạy xô mệt nghỉ. Mà Nắng để ý là thi thoảng mấy chị lại theo mấy ông khách đi đâu đó. Trong số nhân viên đó, Nắng thân với Miền nhất. Miền là con gái cô Tú, hơn Nắng 4 tuổi. Miền xinh, dáng dong dỏng cao, nhưng đôi mắt thì rõ buồn. Trái với Miền là Hải, con gái thứ 2 của cô Tú. Hải thấp, đậm người, có đôi mắt xếch, lại hay ưỡn ẹo, đon đả với khách nên có vẻ được cô Tú cưng lắm. Còn Miền thì khác, lúc nào Miền cũng lặng lẽ, ít nói. Khi vắng khách Miền thường ra sau bếp rửa bát, phụ với Nắng và bà Thập. Ngày trước có Tiên hay phụ bà rửa bát, nhưng kể từ khi có Nắng thì Tiên được chuyển lên làm nhân viên, có nghĩa là cao cấp và nhiều tiền hơn như Miền hay Hải, Tiên ngúng nguẩy bảo thế.


Bà Thập mới ngoài 50 tuổi mà bị nặng tai nên phải nói rõ to bà mới nghe được. Đó là hậu quả trong một lần bà bị cậu con trai bị tâm thần đánh thừa sống thiếu chết. Bà sợ quá, đành quệt nước mắt, giao con cho chồng lên thành phố tìm việc, mong có tiền chữa bệnh cho con. Bà được Miền đưa về khi bắt gặp bà nằm dặt dẹo bên chiếc nón rách ở đầu hẻm. Đó là chuyện sau này Miền mới kể lại, còn dạo đầu bà với Nắng chẳng mấy khi nói chuyện với nhau.