Polaroid
Người mẹ câm

Người mẹ câm

Tác giả: Sưu Tầm

Người mẹ câm

Nó bực bội ném hết đồ đạc trong phòng, mẹ nó vẫn chỉ im lặng như mọi lần.


***


Nó – thằng bé 20 tuổi, luôn nghĩ mình thật bất hạnh khi được sinh ra trong một gia đình không đủ đầy. Ba nó mất khi nó còn nhỏ, còn mẹ nó thì lại là một người câm. Mẹ nó làm giúp việc theo giờ cho các gia đình trong phố, cuộc sống cũng chẳng dư dả gì.


Từ nhỏ đến lớn nó chưa bao giờ được nghe mẹ nó nói những câu yêu thương như chúng bạn. Nhiều khi gặp phải chuyện buồn nó cũng chẳng biết tâm sự cùng ai. Nói với mẹ ư? Không, nó không thể vì mẹ cũng chẳng thể cho nó những lời khuyên hay động viên nó. Nó đã lén học ngôn ngữ của người câm để có thể nói chuyện với mẹ nhưng mẹ nó chẳng bao giờ chỉ chỉ hay khua tay chân ra vẻ nói chuyện với nó. Mẹ nó luôn im lặng.


Đã thế ở trường chúng bạn lại hay giả bộ dùng những cử chỉ của người câm để trêu chọc. Nó tủi thân lắm.


Người mẹ câm


Lần đầu mẹ nó bị gọi lên gặp cô chủ nhiệm là lần nó đánh nhau với bạn trong lớp. Nó vùng vằng nói chẳng nhìn mẹ " thằng đó nói con là thằng con câm, con không có bố".


Nó muốn mẹ nó biết nó thương mẹ lắm, nó muốn mẹ khen nó vì nó đã biết bảo vệ danh dự của mình và của bố mẹ, hay thậm chí mẹ chửi nó, đánh nó vì tội đánh nhau cũng được. Nhưng mẹ nó vẫn chỉ im lặng.


Sau lần đó nó không còn cố gắng nói chuyện với mẹ nữa, nó bắt đầu thấy chán ghét cuộc sống của mình, chán ghét luôn cả người mẹ mười mấy năm qua chưa bao giờ tỏ sự quan tâm hay yêu thương nó. Điều mẹ làm cho nó cũng chỉ là những bữa ăn no và cho nó được đến trường.


Nghĩ thế, nó lao đầu vào học với ý nghĩ đậu đại học rồi sẽ được xa rời nơi này. Nó sẽ có thể đến một nơi mới, rũ bỏ tất cả, ngày ngày sẽ không còn phải tủi thân hay bực tức, không phải nhìn mẹ lầm lũi im lặng nữa.


Rồi ngày đó cũng đến, nó đậu vào trường đại học trên thành phố. Lần đầu tiên nó cảm thấy hình như cuộc sống của nó sắp thay đổi, nó háo hức đợi chờ đến ngày đi học, nó không thể kiềm chế được niềm vui vứt bỏ lại những đau đớn tủi hờn ở vùng quê này, vứt bỏ được quá khứ lúc nào cũng khiến nó tủi thân và thua kém.


Mẹ nó vẫn không nói gì. Nhưng một đôi lần nó bắt gặp ánh mắt mẹ lặng ngắm nó khi nó đang vừa làm gì đó vừa ngân nga hát vì niềm vui đậu đại học. Nó vờ như không thấy, nó sợ những thứ cảm xúc không rõ là gì cứ dâng lên trong lòng nó mỗi khi nhìn mẹ những lúc ấy, thà nó không biết...


***


Lên thành phố, nó ít về quê. Mẹ bằng những cách nào đó vẫn chăm lo cho nó đủ đầy, khi thì gửi xe lên những đồ quê nó thích ăn, khi thì gửi hàng xóm mang lên cho nó dưa hay cà mẹ muối. Lần nào nhìn thấy đồ ăn mẹ gửi, mắt nó cũng cay cay.


Nhưng những cảm xúc ấy cũng nhanh chóng qua đi, thành phố mới, bạn bè mới với những cuộc vui, những ồn ào của tuổi trẻ cuốn nó đi. Nó lảng tránh những câu hỏi của bạn bè về gia đình. Nó sợ sẽ lại phải đối mặt với sự mỉa mai và châm biếm như những ngày thơ ấu. Nó và mẹ cứ xa dần...


Người mẹ câm


Năm thứ 2 đại học, nó có bạn gái.


Nó gặp nàng khi nó làm thanh niên tình nguyện trong trường còn nàng là tân sinh viên vào nhập học. Nàng cảm kích vì sự nhiệt tình của nó, thế rồi chúng nó quen nhau. Qua những lần nói chuyện nó biết nhà nó và nhà nàng cùng huyện, chỉ cách nhau có 3km.


Nàng là con nhà khá giả, nó biết điều đó. Nó cũng không dám nói với nàng về gia đình nó, nó cũng lảng tránh mỗi khi nàng hỏi để rồi khi chỉ có một mình nó thầm trách ông trời sao lại để nó sinh ra trong một gia đình như thế. Nó ước nó có thể như chúng bạn ngoài kia, hồn nhiên kể về bố mẹ đầy tự hào, kể về những món đồ sành điệu được bố mẹ thưởng mỗi khi điểm cao, kể về những buổi ăn hàng được bố mẹ ra thành phố dẫn đi...những điều mà nó biết nó chẳng bao giờ có thể có được.


***


Ba nàng được thăng chức, nàng về nhà mở tiệc chúc mừng còn nó ở lại trường. Đêm, khi biết chắc rằng bữa tiệc đã kết thúc nó mới gọi cho nàng:


- Nay chắc vui lắm hả em?


- Không vui được anh à, nay bao nhiêu khách có cả sếp của ba mà bà giúp việc phá hoại tất cả. Bà ta làm gia đình em bẽ mặt.


- Sao thế em, kể anh nghe.


- Không hiểu sao ba mẹ em lại thuê một người như thế trong buổi tối quan trọng này. Bà ta vụng về, trong bữa tiệc bà ta làm đổ nguyên cả đĩa thức ăn lên người xếp của ba ấy vậy mà không mở lời xin lỗi một câu, bác ấy tức giận bỏ về, thế là bữa tiệc kết thúc. Ba thì mới nhận chức giờ biết ăn nói sao với bác ấy đây.


- Sao bà ta lại không chịu xin lỗi?


- Em không biết, em đã mắng bà ta bắt bà ta xin lỗi mà bà ta không chịu mở lời mà chứ đứng trân trân ở đó, bực quá em tát bà ta một cái, bà ta bỏ về luôn. Đúng là không biết điều.


Nó và nàng nói chuyện thêm lúc nữa, vẫn là những lời xỉ vả của nàng với người đàn bà kia. Nó cũng chẳng suy nghĩ gì nhiều, có lẽ trong hoàn cảnh đó nó cũng tức giận lắm.


Mấy ngày sau nàng trở lại trường, nàng kể thêm cho nó nghe rất nhiều điều về gia đình nàng. Nàng hỏi về gia đình nó, nó im lặng một hồi:


- Cuối tuần này anh sẽ đưa em về ra mắt mẹ anh.


Nàng hồi hộp và lo lắng. Nàng sợ, nàng nghĩ ra viễn tưởng một bà mẹ chồng tương lai khó tính, hằn học nhìn nàng. Nàng muốn từ chối nhưng lại muốn biết gia cảnh nó thế nào nên nàng đồng ý.


Người mẹ câm


Nàng quá bất ngờ khi nhìn thấy nhà nó. Một căn nhà lụp xụp, vắng vẻ. Trong nhà chẳng có ai. Ngồi một lát thì mẹ nó về. Bà không biết con mình về cùng bạn nên chẳng chuẩn bị gì.


Bước vào nhà, mẹ nó và nàng đều sửng sốt. Nàng thất kinh nhận ra mẹ chàng chính là người giúp việc trong bữa tiệc nhà nàng, mẹ nó nhìn nàng, ánh mắt im lặng đầy cam chịu.


Nàng bỏ chạy, nước mắt đàm đìa trên má. Nó đuổi theo nàng, nàng nấc lên:


- Tại sao anh lừa dối em, tại sao anh không nói cho em biết mẹ anh chính là bà giúp việc đó.


- Anh không hề biết mẹ anh giúp việc cho nhà em.


- Đồ nói dối, em ghét anh. Chia tay đi, em không muốn yêu một người nói dối, em cũng không muốn làm con dâu của người đàn bà quái gở đó.


Nó không biết cảm xúc giờ đây của nó là như thế nào nữa. Nó lê đôi chân từng bước nặng trĩu về nhà, thấy mẹ đang ngồi im lặng. Không hiểu sao tự nhiên nó mơ hồ cảm thấy hình như nó đã sai rồi, nó đã làm sai điều gì đó rồi.


Nó bỏ đi ngay sáng hôm sau.


Nó không trở lại trường. Nó muốn đến một nơi chỉ có mình nó, nó cần một khoảng thời gian.


***


Nửa năm sau.


Nó trở lại trường. Trong suốt nửa năm bôn ba ở một chân trời mới, làm đủ mọi việc để nuôi sống bản thân và cũng để tĩnh tâm suy nghĩ lại, nó biết nó cần quay về.


Bạn bè nói với nó về một người đàn bà câm đi đến từng phòng trong kí túc và giơ ảnh nó ra, nhưng không ai biết nó đã đi đâu. Bà lang thang khắp nơi, gõ cửa từng lớp học. Đi đâu bà cũng đưa tờ giấy có nội dung tìm con và một bức ảnh nó chụp khi đi học do bạn nó cung cấp. Bà hay đợi ở cổng trường, và sống nhờ vào lòng tốt của người đi đường.


Nó lặng đi, nó không còn biết gì nữa, nó không quan tâm đến thể diện, nó không cần biết mọi người nghĩ gì khi biết nó có một bà mẹ như thế nữa. Nó lao đi. Cổng trường không có ai, những ngóc ngách không có ai. Ai trên đường cũng ái ngại nhìn theo một chàng trai cao lớn vừa khóc vừa gọi mẹ. Nhưng nó không cần biết gì nữa.


Aren Dương