80s toys - Atari. I still have
Ngoại

Ngoại

Tác giả: Sưu Tầm

Ngoại

Ngoại nó lẳng lặng ra đi, để lại cho nó hằng hà những kỉ niệm...


***


Nó nhìn thấy ngoại nhắm mắt, đôi mắt khép nhẹ nhàng. Nó thấy tay ngoại buông thõng, bình yên. Nó đặt tay lên cơ thể ngoại, ấm sực ngày nào, giờ lạnh ngắt. Nó không nghe giọng nói của ngoại nữa, mãi mãi như thế. Lần cuối cùng nó nghe, chỉ là những câu nói yếu ớt, đau đớn mà thôi. Nó lắng nghe thật kĩ nhưng trái tim một thời soi sục yêu thương giờ đã mệt, im lặng... chỉ nghe mỗi tiếng trái tim nó, đập nhanh hơn, mạnh hơn mỗi khi trả cuốn băng thời gian ngược về, đem nó đến một miền kí ức, nơi có nó, có ngoại, có một tình yêu bỏng cháy...


Ngoại


Ngày nó chào đời, tiếng khóc của nó mang đến nụ cười cho ngoại. Ngoại âu yếm đặt lên má nó những cái hôn, cả tình yêu nẳm trên má nó. Ngoại nó là người quê, nên nó cũng được đón nhận một tình yêu rất đỗi đặc biệt, rất dung dị nhưng chẳng có sơ sài. Ngoại không yên tâm để cô y tá tắm cho nó, mặc dù họ đầy rẫy kinh nghiệm, ngoại sợ cháu mình đau, thà là ngoại tự tay mình, nâng cháu, di di những ngón tay thật nhẹ nhàng lên làn da còn quá non nớt, đỏ âu. Ngoại cho nó ăn, cho nó bú, dỗ nó ngủ, chăm chút cho nó lúc má nó còn đang hồi sức, hệt như cô công chúa nhỏ, nó hạnh phúc lớn lên từng ngày.


Bà ngoại cứ lên xuống Sài Gòn. Phương tiện hồi ấy khan hiếm, lại cũ kĩ. Từ Đồng Tháp lên đây mất gần năm, sáu tiếng. Động cơ xe lúc nào cũng nóng ran cộng với cái nắng hè oi bức, người đông nghẹt, chen chúc nhau mà ngồi. Ngoại mệt làm sao, vậy, ngoại cũng cam, để lên mà nhìn con, nhìn cháu sống vui, sống khỏe.


Ngoại nó lần nào cũng vậy, dần dà cũng thành thói quen. Cứ vừa tới nhà, ngồi nghỉ chút là ngoại đã dọn cái này, dẹp cái kia. Chén dĩa đũa muỗng ngoại sắm cho lần trước có còn đủ không để còn mua cho cái khác, chảo nồi được ngoại chà rửa trắng như mới, mấy vết cháy đen biến mất rồi. Ngoại lên xếp lại quần áo của nó, gọn gàng, ngăn nắp hẳn ra. Mền gối có chỗ nào cần vá ngoại vá hết, khéo léo biết chừng nào, mặc dù chúng chẳng ảnh hưỡng gì nhiều đến chất lượng cuộc sống của nó. Ngày ấy, nó nhăn ngoại. Nó thấy điều đó chẳng cần thiết. Những thứ đó ngoài chợ phơi đầy, cớ gì ngoại cứ phải nai lưng mà làm cho cực chứ. May vá chỉ khiến cho mọi thứ trong nhà mất thẩm mĩ mà thôi. Ngày ấy, nó thương bà ngoại, nhưng nó chưa thật sự hiểu hết ngoại mình... Ngoại nó làm vậy không phải không biết mệt mỏi, không phải ngoại không muốn ngồi mát mà hưởng tuổi già. Nhưng ngoại nó muốn lo từng chút vặt vãnh, để con cháu ngoại yên tâm mà làm ăn, học hành. Ngoại yêu thương nó bằng những hành động như thế, bé nhỏ thôi nhưng khi mất đi rồi, nó rống rãi biết nhường nào...


Ngoại nó nấu ăn ngon lắm, ngoại nấu không như người ta, có một thứ gia vị mà bất kể món ăn nào, ngoại cũng thêm vô, thêm rất nhiều, nhiều đến mức, món nào cũng thơm nồng hương vị ấy. Hương vị của yêu thương. Không lẫn vào đâu được. Cứ đi tiệc, có món nào ngon, ngoại tự học làm. Thấy con cháu mình thích ăn món gì là ngoại cứ làm hoài món đó, nó hay cười ngoại, hay nói có thích gì sẽ không nói ra nữa. Ngoại hay đứng ngoài bàn chỉ đạo chúng nó ăn, nào là gắp cái này nè, gắp cái kia nè rồi luôn miệng hỏi chúng nó ngon không. Ngày ấy, nó cho ngoại thật phiền... Nó đâu biết niềm hạnh phúc nhất của ngoại nó là được chính tay chăm sóc con cháu mình. Không phải thích nghe nó khen ngon mà là được nhìn thấy nó ăn ngon, nó đâu biết...


Lúc nó rửa chén, ngoại bắt nó phải vắt đũa lên, không thì ướt lắm. Lúc dọn bàn, ngoại lại căn đi dặn lại phải xới cơm lên. Quét nhà xong phải máng chổi lên cao, không thì mau hư chổi lắm. Mỗi lần nó làm là mỗi lần ngoại nói. Nó, vì không muốn nghe ngoại nói nữa nên miễn cưỡng làm theo. Nó không biết, bà ngoại đang dạy nó, đang uốn nắn nó trở thành một cô gái đảm đang của tương lai. Ngoại dạy nó không trên sách vở. Ngoại dạy nó những điều cơ bản nhất để bước vào đời. Để rồi mỗi lần nhớ lại, nó làm như thể có ngoại kế bên, nhưng không miễn cưỡng như lúc thơ dại, nó chăm chú làm từng việc, từng nhắc nhở hiện lên bỗng rõ ràng.


Rồi ngoại nó bệnh. Căn bệnh già đeo bám ngoại, dai dẳng. Khiến ngoại mệt mỏi khôn nguôi. Mỗi lần như thế, ngoại ít nói đi, ít làm đi, ít khi mở mắt nhìn nó trưởng thành. Mặc cho ngoại rất muốn. Ngoại đau đớn. Nó đọc được điều ấy qua hơi thở nặng chịch của ngoại, qua tiếng rên luồn ra từ hàm răng nghiến chặt, qua đôi mắt ầng ậng nước, qua tiếng van xin, mong được chết cho rồi. Mỗi lần như thế, tim nó như thắt lại. Có cái gì đó như muốn dội ngược, nặng nề nơi lồng ngực. Những lần như thế, nó biết, nó sắp mất ngoại rồi. Gia đình, bác sĩ cố níu kéo lại sự sống cho ngoại kể cả vào viện, đút ống vì cơ thể ngoại từ chối tiếp nhận thức ăn. Nhưng ngoại đau đớn quá rồi, ngoại sặc. Má nó không cho họ đút ống ngoại nữa, bỡi má cũng bắt gặp... ánh mắt cầu cứu của ngoại khi ấy, đáng thương nhường nào.


Một ngày không xa, cũng chăng ai ngờ, vì trước chuyến đi không vé khứ hồi ấy, ngoại đã tươi tỉnh hơn nhiều. Sớm hôm ấy, điện thoại reo lên, ngoại mất rồi. Má nó nấc lên khiến tim nó như vỡ vụn. Nó mơ hồ trước cái hung tin ấy...


Ngoại không trăn trối một lời, hay phải chăng, những trăn trối ấy đã được ngoại nói đi nói lại lúc còn mạnh khỏe rất nhiều lần.


Nó ngồi cầu nguyện trước vong hồn của ngoại. Nước mắt nó tuôn ra như thể chưa bao giờ được khóc. Nó nhìn ngoại nó, như đang ngủ say, ngoại mang nét đẹp hiền từ vào giấc ngủ, vào chiếc quan tài đã mở nắp chờ bà. Dì nó ngồi xếp lại áo quần của ngoại, để ngoại mang theo. Nó thấy, mắt dì nó đỏ mất rồi. Cứ rưng rưng, và có thể trực trào bất cứ lúc nào.


Nó vấn khăn tang. Lần đầu tiên nó đặt lên trán mình chiếc khăn tang thương như thế. Chiếc khăn hằn biết bao mất mát. Lần đầu tiên ấy, cũng đồng nghĩa với việc, nó đã bắt đầu phải tập đối mặt, tập sống thiếu đi một người thân yêu. Có lẽ, chỉ là nó không thể nhìn thấy ngoại, hôn ngoại, vuốt ve làn da đã nhăn lại vì sức mạnh của thời gian đè nén, nhưng nét mặt ấy, hơi ấm ấy và cả giọng nói ấy nữa, thì mãi mãi cũng chẳng thể nhạt đi. Trong tim mỗi một đứa con, đứa cháu đều chừa một ngăn, cho ngoại.


Tết năm nay, gia đình nó, vắng đi một thành viên.