Ring ring
Vì em đã có anh, đừng khóc!

Vì em đã có anh, đừng khóc!

Tác giả: Sưu Tầm

Vì em đã có anh, đừng khóc!

(Admin - "Rồi sẽ qua hết phải không?")


Miên tự nhủ mình: rồi tất cả cũng đều như dòng nước kia, sẽ trôi đi thôi, không có gì ở lại.


***


Ông Mẫn vỗ vỗ vào miệng điếu cho viên thuốc lào cũ bắn ra ngoài, rồi vê vê một điếu thuốc mới chêm vào thay viên thuốc cũ. Ông đốt đóm, rít một hơi thật dài, nhả khỏi, đôi mắt nheo nheo lại nhìn trời. Cái nắng quái buổi chiều đã thôi không còn gắt. Ông đặt điếu sang một bên, uống một chén nước chè đặc, hai bàn tay xoa xoa lên đầu gối, vẻ mặt ông thỏa mãn vô cùng. Trên hè, tiếng dần gạo đều đều, tay Miên xoay chiếc dần thật dẻo. Dáng ngồi ấy khiến ông nhớ tới vợ mình. Ông quay mặt ra nhìn con bối trước nhà, nén một tiếng thở dài. Lát sau ông bảo Miên:


- Miên, mai nhà mình có khách, năm người!


- Vâng, con biết rồi.


Con mèo từ đâu chạy tới, nhảy vào giữa lia gạo lăn lộn, Miên mỉm cười xách tai chú mèo đặt ra chỗ khác. Miên quay nhìn ông Mẫn ngồi trên chõng: Bố hút ít thuốc thôi không đêm lại ho!


Gió từ ngoài sông thổi lại mát lành, những con sóng vẫn vỗ vào bãi ì ọp như những khúc nhạc quê cục cằn nhưng quen thuộc của mảnh đất này.


Vì em đã có anh, đừng khóc!


***


Lâm hỏi ông Mẫn: Chú à, sao lai gọi là thôn Bối hả chú? Ông Mẫn cười: Vì thôn nằm ở ngoài bối chứ không ở trong đê như các thôn khác. Cậu nhìn kia kìa, thôn Bối đấy!


Lâm nheo mắt nhìn, xa xa, Thôn bối như được bao bọc bởi một màu xanh mướt của tre, của ngô và những khu bãi hoa màu xanh ngát. Một cảm giác bình yên, mát lành ùa vào lòng Lâm. Hóa ra, có những miền quê mang trong mình vẻ đẹp thanh bình và dịu dàng như thế.


Nếu Dạ không nhất định thuyết phục Lâm đi tình nguyện lần này thì có lẽ bây giờ, anh lại lang thang ở một xó nào đó, vật vã mình trong cái thành phố nhỏ ngột ngạt, đầy bụi bặm ấy, rồi trở về nhà trong cái cảm giác không say không tỉnh, không nhớ không quên, không yêu không gét đến khó chịu. Lâm quay nhìn Dạ mỉm cười: Cảm ơn cậu!


Miên đứng sau rặng tre đầu ngõ để chờ, cảm giác hồi hộp dâng lên ngập lòng! Sau vài phút ngắn ngủi, Miên lại chạy tắt qua nhà hàng xóm về nhà trước. Miên thay một bộ quần áo khác, buộc lại tóc cao hơn, soi mình trong gương kỹ hơn mọi ngày. Vừa xong, thì nghe thấy tiếng của Ông Mẫn và mọi người ngoài cổng. Miên ra cúi đầu chào, hai tay vân vê vạt áo tới nhàu mà không biết, rồi Miên rồi chạy thẳng xuống bếp, trên má, chút ửng hồng còn chưa kịp tắt!


Dạ cấu tay Lâm:


- Này, cậu nhìn gì mà ngây người thế? Lần đầu tiên nhìn thấy một cô thôn nữ hả?


Lâm hơi giật mình nhìn Dạ khẽ cười:


- Mấy thằng bên cạnh tớ còn trầm trọng hơn này!


Lâm hất cằm sang phía mấy cậu bạn. Một cậu lên tiếng:


- Bố ơi, con tình nguyện ở nhà bố hết đời được không?


Dạ liền đá một cái rõ đau vào chân cậu bạn vừa nói, ông Mẫn cười nhìn mấy cô cậu sinh viên:


- Cứ tình nguyện xong đi, cậu nào muốn ở, Bác cho ở hết!


Miên ở trong bếp nghe mọi người nói chuyện, hai tai nóng bừng. Miên quay ra, muốn nhìn lại một người thì bắt gặp ngay ánh mắt Lâm nhìn mình. Miên vội quay lại, nồi cơm sôi trào trên bếp!


***


Lâm vừa bước xuống cầu thang, đã nhìn thấy Bà Hiền đứng ở dưới, ý như là đang đợi Lâm.


Giọng bà vẫn nhu mì như mọi khi:


- Ăn sáng rồi hãy đi con, hôm nay mẹ nấu bún cá, món con thích đấy.


Lâm không nói gì, vẫn nhìn bà Hiền với tia nhìn lạnh lẽo vô cảm thường thấy:


Bà Hiền hơi cúi mặt, lặng lẽ quay lại bàn, Bố Lâm gằn giọng:


- Mặc xác nó, không ăn thì thôi.


Bà Hiền đưa mắt ngăn ông, giọng bà vẫn nhẹ nhàng:


- Vậy lát, ra ngoài con nhớ ăn đấy nhé!


Bước đi, nhưng Lâm thấy lòng mình nặng trĩu. Người đàn bà ấy hà cớ gì mà phải nhẫn nhịn với Lâm như thế, chỉ yêu bố Lâm thôi sao? Người ta có thể nhẫn nhịn vì người mình yêu tới mức không màng tới nỗi ấm ức của riêng mình? Sự dịu dàng và ưu ái bà dành cho Lâm cả chục năm qua không thể nào là đóng kịch được. Nhưng có một cái gì đó trong trái tim Lâm luôn ngăn Lâm không được mở lòng ra với người đàn bà đó. Song cũng chính điều đó khiến anh luôn sống trong cái cảm giác khó chịu, nặng nề và thấy mình tàn nhẫn. Nhưng, mở bằng cách nào, chưa có ai dạy Lâm làm điều đó!


Thi xong môn cuối, không muốn về nhà, Lâm gọi Dạ tới một quán nhậu quen của hai người. Lâm không nói gì nhiều, chỉ uống rượu, rồi nhìn Dạ với ánh mắt như sương như khói, nhìn mà cứ như chả thấy gì trước mắt, cười mà chẳng thấy niềm vui trong lòng... Nhưng Dạ hiểu hết, chỉ cần Lâm vẫn tìm Dạ trong những lúc cô đơn nhất thì Dạ vẫn cảm thấy lòng mình được an ủi. Họ cứ ngồi cùng nhau như thế cho tới khi Lâm gục xuống bàn thiếp đi. Hôm nay cũng chính là ngày mẹ Lâm tai nạn mất!


***


Thôn Bối đã đón hai người trong một buổi chiều bình yên, giữa một màu xanh dịu dàng, với những cơn gió thanh thản của đất trời... Nhưng chính Dạ cũng không thể biết được rằng, mảnh đất yên bình này lại là nơi lần đầu tiên trong đời trái tim Dạ tổn thương vì một người mà Dạ đã toàn tâm toàn ý yêu thầm trong suốt bốn năm trời. Bốn năm trời cho yêu đương dường như là quá ngắn, nhưng cho một mối tình đơn phương thầm lặng thì nó không dễ dàng một chút nào. Nhất là với người con gái vốn mạnh mẽ và sống hướng ngoại như Dạ.


Ông mẫn đi cho lợn ăn, Lâm hăng hái đi theo. Khi ông Mẫn bóp cám xong, định bê chậu cám dặt vào chuồng thì Lâm nằng nặc đòi làm thay ông. Nhưng mấy chú lợn không ngoan hiền như Lâm tưởng, chúng cứ nhảy chồm chồm lên húc vào đáy chậu cám khiến Lâm không sao đặt được vào trong. Đang luống cuống thì cả chậu cám đổ ụp vào người anh. Mấy cậu bạn nhìn Lâm cười:


- Mày trông không khác gì con lợn rồi.


Lâm ngây người khi thấy Miên đứng nép mình bên cửa bếp, đôi má hồng vì lửa đang che miệng cười. Lâm chữa thẹn:


- Hay là cháu cứ để nguyên nhảy vào chuồng để lợn nó liếm cho đỡ đói bác nhỉ?


Miên bật cười khe khẽ, ông Mẫn cũng cười. Đúng lúc đó, Dạ về nhìn thấy Lâm như vậy thì hét lên:


- Cậu vừa nhảy vào trong chậu cám đấy à?


Lâm cười:


- Không, là chậu cám nhảy vào tớ đấy chứ!


Lâm đưa mắt về phía cửa bếp, Miên không còn đứng ở đó nữa, nhưng đôi mắt đẹp đang cười vẫn phảng phất trong trâm trí Lâm. Từng làn khói bếp bay lên lững lự giữa trời trong một buổi chiều quê ấm áp và hiền hòa.


Vì em đã có anh, đừng khóc!


***


Lâm tỉnh giấc bởi tiếng gà gáy lanh lảnh bên tai. Buổi sáng ở một miền quê xa lạ khiến Lâm có chút bâng khuâng. Ánh trăng vẫn còn bàng bạc ở một góc trời, Sao Mai sáng tới ngỡ ngàng, Lâm chưa bao giờ thấy ngôi sao này sáng như thế khi còn ở thành phố. Hàng cau trước cổng đung đưa theo gió như thể còn đang trong giấc ngủ say, khung cảnh yên bình khiến tâm trạng của Lâm nhẹ nhõm hơn nhiều. Cảm giác thân thuộc với mảnh đất này chợt ùa vào lòng anh. Mọi thứ thật thanh tân và dịu dàng!


Lâm bước xuống sân, ánh lửa bếp bập bùng khiến anh tò mò. Lâm bước thêm vài bước nữa, trong khung cảnh chen tối chen sáng ấy, khuôn mặt Miên hiện lên vừa dịu dàng, vừa lạ lẫm, lại vừa có chút thuộc quen. Không hiểu sao khi nhìn Miên như vậy, Lâm lại nhớ tới người đàn bà ấy, người đàn bà hơn chục năm qua vẫn cặm cụi mỗi buổi sáng thức dậy, nấu ăn sáng cho hai cha con Lâm, bất kể trời lạnh hay nóng. Trong lòng anh bỗng nhiên có chút xót xa thương cảm!


Lâm nhìn Miên thêm một chút nữa rồi quay bước đi ra phía bờ sông. Anh ngồi lặng lẽ nhìn những con thuyền lớn chạy qua, ánh sáng lờ mờ của đèn điện trên thuyền lẫn vào trong sương sớm mờ ảo, như những chú đom đóm bay lập lờ trên những con sóng. Khung cảnh đẹp hư ảo, như thực như mơ.


Chợt có tiếng bước chân rất nhẹ, Lâm quay lại, sững sờ khi thoáng nhận thấy nét cười bẽn lẽn trên môi Miên, giọng Miên nhẹ như những màn sương còn giăng mắc trong gió sớm thoáng chút thẹn thùng:


- Anh Lâm không ngủ được sao? Anh lạ nhà ạ?


- Không, anh tỉnh dậy vì con gà trống!


Miên cười, kê dép ngồi xuống cạnh Lâm:


- Ở đây, chắc anh sẽ buồn đấy!Vì ở quê mà! Sao được như thành phố của anh!


- Em ra thành phố rồi sao?


- Vâng!


- Sao em dậy sớm thế?


- Em nấu ăn sáng. Em dậy sớm quen rồi.


- Vậy còn mẹ em?


- Mẹ em?


Miên nghĩ tới lời ông Mẫn nói: Mẹ con chết rồi! Đó là cái ngày Miên đi mẫu giáo, các bạn bảo chỉ có mỗi Miên không có mẹ. Thế là Miên về khóc suốt cả buổi tối, ông Mẫn dỗ thế nào cũng không nín. Đến lúc giận quá, ông hét lên: Mẹ con chết rồi! Và ông cũng khóc. Hai bố con ôm nhau khóc. Miên không còn nghe thấy tiếng vỗ sóng của con sông ngoài bối. Chỉ có tiếng khóc của ông dội vào lòng Miên một cảm giác sợ hãi vô cùng. Miên ôm chặt lấy ông Mẫn và từ ngày đó, không bao giờ Miên đòi mẹ nữa!


Miên tay khẽ bứt những bông cỏ may bên cạnh, giọng nhẹ như sương sớm:


- Mẹ Miên mất rồi. Miên từng nói với bố: bố đi lấy vợ đi, có người chăm sóc bố, chăm sóc Miên, cho nhà cửa thêm vui. Nhưng bố bảo: tìm một người thương bố đã khó, tìm một người thương cả Miên còn khó hơn bội phần.


- Vậy là chỉ có Miên và bố!


Miên khẽ ngật đầu. Giọng Miên nghèn nghẹn:


- Anh Lâm biết không, con sông Luộc chưa bao giờ ngừng chảy, chưa bao giờ hiền hòa, dù mùa lũ hay mùa cạn, sóng đều cuồn cuồn vẻ giận dữ, cục cằn. Nhưng nhờ có con sông này, mà người dân thôn Bối có cái để ăn, có cái để dành dụm đấy, có cái để nương tựa, nhiều khi sông giận dỗi trút nước gập nhà gập cửa, nhưng người dân nơi đây cũng như thôn Bối vẫn yêu sông! Tình cảm nơi bố cũng thế, anh Lâm ạ?


Lâm nhìn người con gái bé nhỏ bên cạnh mình, anh chợt nghĩ, có lẽ nào, trong lòng Miên những con sóng ngầm còn dữ dội hơn những con sóng trong lòng anh?


Chợt Lâm nhận ra, phía cuối chân trời, nơi cánh đồng xa ngút ngàn kia, mặt trời vừa ló lên, một màu đỏ rực rỡ vô cùng. Khung cảnh đẹp tới ngỡ ngàng. Lâm khẽ reo lên:


- Miên, Miên nhìn kìa, bình minh lên rồi! Đẹp không?


Miên mỉm cười nhìn Lâm dịu dàng:


- Ở đây, ngày nào Miên cũng nhìn thấy bình minh!


***


Mồ hôi từng giọt nối nhau chảy bên thái dương, lưng áo cũng đã ướt, nhưng Lâm không thấy mệt mỏi. Thì ra những củ lạc mà Lâm ăn trong những quán bia, trong bữa ăn hàng ngày... được trồng và thu hoạch như thế. Lâm dừng cuốc, đứng nhìn dòng sông bên cạnh.


Cuộc sống thật kỳ diệu, một hạt mầm ươm xuống, bao nhiêu trái mới được sinh ra. Lâm tự hỏi mình, anh đã gieo được gì trong cuộc sống này để có mùa thu hoạch như những người nông dân hiền hậu nơi đây? Dường như, suốt bao nhiêu năm qua, anh chỉ biết hưởng thụ, thậm chí hưởng thụ một cách lạnh lùng và tàn nhẫn trước ân tình của một người đàn bà nhỏ bé cố gắng ươm một chút dịu dàng, cảm thông vào nơi trái tim anh. Nhưng anh đã để người đàn bà đó thất vọng, chưa bao giờ những hạt mầm mà bà gieo nơi Lâm có thể cho bà một mùa thu hoạch dù là nhỏ nhoi, chỉ có những mùa thất bát nối tiếp nhau. Nhưng dường như người đàn bà bé nhỏ đó cũng chưa bao giờ thôi kiên nhẫn, chưa bao giờ hết ân cần với Lâm.


Lâm nghĩ, cánh cửa ấy, anh muốn trao chìa khóa đi không muốn giữ nó khư khư một cách ích kỉ nữa. Bởi ở nơi này, có một người con gái bé nhỏ đã nói: tìm một người thương bố đã khó, tìm một người thương Miên còn khó hơn! Có một người đàn bà như thế ở bên, hẳn phải là ưu ái lớn đối với Lâm vậy mà Lâm chưa bao giờ trân trọng. Nếu như cuộc sống của Lâm và bố không có người đàn bà đó, hẳn sẽ không được như bây giờ.


Miên đưa ấm nước cho Lâm mỉm cười:


- Anh Lâm uống nước cho đỡ khát này!


Đôi mắt đẹp nhìn Lâm thoáng chút thẹn thùng. Lâm mỉm cười đón ấm nước từ tay Miên và cứ đứng thế nhìn theo bóng Miên ngây ngốc! Dạ đứng phía sau, khẽ hắng giọng:


- Cô bé rõ là thiên vị nha!


Lâm khẽ cười:


- Đây, nhường cậu nhé!


Dạ lấy tay áo lau mồ hôi trên trán và mặt Lâm. Hành động thân thiết ấy của hai người không qua được ánh mắt của những người trên bãi, trong đó có Miên. Miên chỉ lặng lẽ thu nhưng nắm lạc, bó lại thành từng bó chất lên xe. Trong lòng Miên thoáng gợn lên một nỗi buồn không tên. Miên tự nhủ mình: rồi tất cả cũng đều như dòng nước kia, sẽ trôi đi thôi, không có gì ở lại.


***


Cái ý nghĩ mở khóa trái tim mình khi với người đàn bà âm thầm sống bên Lâm suốt hơn chục năm qua khiến lâm có cảm giác nhẹ nhõm lạ kì. Có lẽ nào, đón nhận một người cũng có nghĩa là cho trái tim mình có cơ hội được phép yêu thương thêm một người và được thêm một người thương yêu? Lâm thao thức không ngủ được liền tìm chiếc áo sơ mi mặc lại. Anh muốn ra bối một lát!


Trăng giữa tháng sáng vằng vặc, sương xuống lạnh lạnh trên vai.