Teya Salat
Một ngày thường

Một ngày thường

Tác giả: Sưu Tầm

Một ngày thường

Hơn hai mươi năm trước tôi đã hỏi anh: "Rồi sau này trong cuộc sống chung sẽ không ai lường trước được những bất trắc. Những bất trắc có thể xảy đến cho anh hoặc cho em. Vậy thì lấy gì để chống đỡ, để vượt qua?" Anh quay đi tránh cái nhìn của tôi, trả lời rất nhỏ: "Một tình yêu sâu sắc". Giọt nước mắt tôi rơi xuống bàn tay xanh xao của anh.


Có thể khi trả lời tôi anh không thể hình dung ra thế nào là một tình yêu chân thành sâu sắc.


***


Một ngày thường


Năm cuối cùng đại học, bệnh phổi đã quật ngã anh. Ý chí, sự bền bỉ, sức chịu đựng của anh sụp xuống như một bờ đê trước cơn lũ dữ. Tất cả bị cuốn phăng đi. Anh thu mình lại trước cuộc đời, quay lưng từ chối cả tình yêu của tôi. Nhưng tôi vẫn vậy, chịu đựng và cả nhẫn nhục dù lúc đó tôi chưa một ngày làm vợ. Dần dần tia nắng mặt trời ấm áp đã bắt đầu le lói chiếu vào những tháng ngày u ám của anh. Một kết quả tốt nghiệp tầm thường, một việc làm khiêm tốn mà cả hai chúng tôi phải phờ người mới chen chân được. Cuộc sống kham khổ, nghề nghiệp vừa lao lực vừa lao tâm, lúc nào tôi cũng nhìn anh nơm nớp lo âu. Rồi một đám cưới đơn sơ cũng đến với tôi. Tôi bắt đầu cuộc đời làm vợ trong căn hộ bé xíu trên lầu ba của một chung cư nhếch nhác.


Hai mươi năm trời... Tôi nhìn quanh căn bếp sáng choang những vật dụng đắt tiền, tự nhiên nhớ đến cái bếp than hừng hực lửa, nhớ đến nhòe nước mắt. Bao nhiêu ngày tháng trôi qua, những đồ dùng cũ kỹ nối tiếp nhau biến mất tự lúc nào. Và bây giờ là căn nhà đầy ắp những thứ đắt tiền hiện tại. Có tiếng xe ngừng rồi tiếng mở cửa:


- Mẹ ơi, mẹ.


Vóc dáng cao lênh khênh của Minh hiện ra án ngữ cả một vùng ánh sáng. Tôi bỏ con dao với mớ củ hành đang bóc dở bước vội lên nhà. Thằng bé đưa cho tôi một gói giấy:


- Bố con bảo đem ít khô mực để bố Thắng lai rai. Mà bố Thắng đâu rồi hở mẹ? Lại đi công tác à? Mẹ lại ở nhà một mình à?


- Ừ thì bố cũng mới về hôm qua. Hôm nay bận gì đó nên về muộn.


Tôi nhìn thằng bé. Từ dạo vào cấp ba nó bắt đầu to lớn, phổng phao, đã ra vẻ một thanh niên hiện đại lắm rồi:


- Còn con thì sao?


- Cũng tàm tạm vậy thôi mẹ ạ. Người ta học thì mình học, người ta thi thì mình thi. Thôi, con về mẹ nhé. Cho con gửi lời thăm bố Thắng.


Thằng bé chạy ra cửa, nhảy lên xe phóng đi. Nắng đang chan hòa ngoài phố. Tôi quay vào, đụng tay vào chiếc bàn con. Một chiếc cài áo rơi xuống đất. Tôi nhặt lên thả mình vào chiếc ghế đệm, thừ người mân mê mãi chiếc cài áo trong tay. Nó đơn giản chỉ là một miếng kim loại tròn như chiếc cúc áo lớn nhưng trên đó là một bức tranh thu nhỏ. Một thiếu phụ áo trắng ngồi bên ô cửa mở ra một khoảng trời xanh. Bóng tối của căn phòng và ánh sáng tràn trề của chân trời bát ngát.


Tôi nhìn, nhìn mãi rồi lẩn thẩn đặt nó xuống bàn. Có quý báu gì đâu. Tôi có hàng tá kia kìa. Hàng tá bức tranh nhỏ xíu, đủ màu đang nằm la liệt trên bàn. Quà của anh sau chuyến công tác xa nhà. Bao giờ cũng vậy, anh luôn có những thứ vặt vãnh, xinh xinh như thế dành cho tôi mỗi bận trở về. Và tôi lại lựa chọn cái này, cái kia mang vào trường biếu bạn bè mỗi người một thứ. "Của ông xã mình đấy". Rồi lại những cái nhìn thèm thuồng ganh tị cả trước mặt, cả sau lưng và lúc nào cũng nghe ai đó buông một câu nửa thực nửa đùa: "Trời ơi, hai chục năm rồi mà cứ y như thuở còn son".


Quả có thế thực. Cuộc sống gia đình tôi đâu có gì thay đổi. Tình cảm chúng tôi như một mặt hồ lặng sóng, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có hai người. Tôi đòi nuôi con nuôi: Anh bảo: "Thế thì em nuôi một đứa cháu. Đừng xin con người lạ biết gốc tích làm sao. Sau này phức tạp lắm".


Đứa bé đầu tiên tôi ẵm bồng là Minh, cháu gọi anh bằng chú. Minh quấn theo tôi từ nhỏ. Vào nhà trẻ một tay tôi chăm sóc, đưa đi đón về. Thằng bé quen dần ăn ngủ ở nhà tôi như nhà nó. Vợ chồng anh Cả bảo: "Thôi thì thằng Minh cứ theo chú Thắng đi. Sau này nối nghiệp chú."


Thế là tôi có một đứa bé để bận bịu để dẫn đến trường như chị em bè bạn. Có thêm một đứa bé quấn quýt bên mình cũng thấy bớt chông chênh. Nhưng chỉ được vài năm, tôi không biết phải làm sao để dạy dỗ một thằng bé vừa hiếu động, vừa bướng bỉnh. Dầu sao nó cũng không phải con mình. Nặng tay một chút lỡ có chuyện gì thì biết ăn làm sao nói làm sao. Cả tôi, cả anh bắt đầu lúng túng. Rồi kỳ thi tiểu học, thằng bé làm chúng tôi giật bắn người vì suýt chút nữa thì nó không vào nổi trường công lập. Anh lắc đầu ngao ngán: "Trả nó về cho anh chị thôi em ạ. Chỉ có cha mẹ mới dạy được con. Không khéo mình làm hỏng thằng bé mất".


Thế là Minh rời khỏi vòng tay tôi. Có lưu luyến đôi chút nhưng cũng không nhiều nước mắt.


Chỉ một thời gian sau tôi lại nuôi con chị Hai tôi, con bé Thúy. Có lẽ con gái ngoan và dễ bảo hơn. Nó gọi anh chị Hai là ba má, gọi vợ chồng tôi là bố mẹ. Con chị Hai thì cũng như con tôi vậy. Nhưng cứ mỗi lần tôi đưa roi lên là con bé kêu: "Má ơi!". Tôi đau nhói. Không phải "Mẹ ơi!" mà là "Má ơi!". Tôi cắn chặt môi. Con bé khóc và tôi cũng khóc, khóc rấm rứt. Anh không chịu nổi thở dài: "Thôi em ạ, trời không cho thì mình chịu vậy". Tôi quay mặt vào tường, nước mắt trào ra đẫm gối.


Thế là lần nữa tôi nhìn những "đứa con" hờ hững vuột khỏi tay mình. Trời không cho!


Tôi còn nhớ cảm giác ngất ngây của lần đầu tiên mặc chiếc áo bầu đến lớp. Cả những vũng nước mưa đọng trên sân trường, cả những cành cây sũng ướt, hình như mọi vật quanh tôi đều lấp lánh sáng ngời lên. Nhưng những ngày vui ngắn ngủi ấy tan biến rất nhanh khi tôi sẩy thai lần thứ nhất, rồi lần thứ hai cách đó không lâu. Cả anh, cả tôi bàng hoàng sửng sốt. Bóng tối mịt mù chụp xuống hạnh phúc chúng tôi. Lần này chính anh lại ngồi bên giường nắm lấy bàn tay tôi mà nhắc lại câu nói của tôi ngày ấy rằng: "Lấy cái gì để chống đỡ, để vượt qua...". Tôi khóc nức lên. Làm sao tôi biết trước được rằng mình không đủ khả năng làm mẹ. Bác sĩ bảo rằng tử cung tôi không bình thường như những người phụ nữ khác. Sao lòng tôi rộng thế mà không đủ chỗ cưu mang giọt máu của tình yêu. Cái mầm sống tượng hình trong tôi chưa đầy ba tháng là không thể nào giữ nổi.