Mong manh và bền chặt

Mong manh và bền chặt

Tác giả: Sưu Tầm

Mong manh và bền chặt

(Admin - Tham gia viết bài cho tuyển tập "Ai cũng có một chuyện tình để nhớ"


"- Ngày ấy tớ đã từng muốn cậu giữ quãng đời con gái của tớ, nếu vậy tớ đã quên được cậu..."


***


Đôi bốt cao gót bước chầm chậm trên cây cầu gỗ có dấu hiệu mục rữa, từng bước cẩn thận, chậm chạp như sợ một thanh gỗ nào đấy buồn bã sẽ nương mình theo cánh bèo. Ngôi nhà vẫn như xưa, tĩnh mịch, lặng lẽ nằm giữa mặt hồ như một đóa sen nở muộn cuối mùa. Mặt hồ chao động, có con chuồn chuồn nào vừa đập cánh với lên khỏi mặt nước, nó đã kịp để lại dưới hồ những ấu trùng bé nhỏ, đợi vài năm sau sẽ có hình hài của một con vật mỏng manh. Ổ khóa hoen rỉ, có lẽ chủ nhân của nó hiểu rằng chẳng ai muốn lấy trộm vật dụng gì trong ngôi nhà, khóa cửa chỉ như một lời thông báo rằng chủ nhà đã đi vắng.


Mong manh và bền chặt


Chiều chậm chạp đổ dài trên mặt sông những tia nắng màu đỏ vằn lên vạt mây xám, đan vào nhau. Cô ngồi trên thềm nhà, vài con bướm sặc sỡ chập chờn rồi mất hút vào ánh chiều loang loáng. Nếu không phải đang đợi anh, có lẽ cô đã vợt chúng để xem trên cánh chúng có bao nhiêu mảng màu. Tiếng xuồng máy nghe rõ hơn tiến về phía ngôi nhà, cô ngước lên chờ đợi, nhưng không phải anh.


- Cô đợi cậu Thanh à, phải chiều tối cậu ấy mới về. - Người đàn ông nhìn cô nửa dò xét, nửa hoài nghi.


- Bác biết anh ấy đi đâu không ạ?


- Dạo này cậu ấy hay ra nhà thờ ngoài thị trấn. - Ông ta nheo đôi mắt dưới hàng lông mày đậm để nhìn kỹ xem gương mặt kia đã từng xuất hiện trong trí nhớ của ông hay chưa. Nhưng chẳng muốn biết thêm quá nhiều, hay vì lý do nào khác, ông ta ngước nhìn về phía chân trời.


Chiếc xuồng nổ máy, rẽ nước chạy băng tạo thành một đường thẳng trắng xóa, đó là chiếc xuồng chở những mặt hàng buôn từ thị trấn về các vùng phía bên kia hồ. Cô buồn bã nhìn bàn tay mình cũng chập choạng chẳng rõ hình hài, trời tối nhanh như người ta giăng lưới. Cô thò tay qua khe cửa sổ, hi vọng tìm kiếm được cái gì đó, ngón tay chạm phải những đường răng cưa, lạnh lẽo, chìa khóa nhà vẫn ở nguyên vị trí cũ.


Do dự, cô tra chìa, tiếng động như đánh thức mọi giác quan trong cô, cô bật lửa, tìm nến. Một cây nến cháy dở nằm trên mặt bàn, không gian sáng dần hiện lên qua ánh nến, ngọn lửa rùng mình, cô với tay khép cửa. Không gian lạnh hơn vào buồi tối, gió nhẹ nhàng thổi mùi hương ngái ngái nồng từ mặt hồ, cô ngồi co ro bên chiếc giường đậm mùi mồ hôi.


***


- Tớ biết một nơi chúng ta có thể ở cùng nhau, đó là một nơi rất tuyệt.


Thanh đề nghị khi vừa hoàn thành xong môn thi cuối cùng của kỳ thi tốt nghiệp phổ thông. Cầm im lặng nhìn về phía cổng trường, những cánh phượng đỏ sẫm rải rác trên nền sân xi măng như bị nung nóng dưới ánh nắng tháng sáu. Cầm hoang mang, dù mong muốn sống một cuộc sống tự do vẫn luôn là mơ ước của cô bé vừa qua sinh nhật lần thứ mười tám cách đó vài ngày.


- Cậu sao thế? Làm bài không tốt à? Mà có quan trọng gì đâu, chúng mình cũng chẳng thi đại học cơ mà. - Thanh đang thao thao bất tuyệt về một ngôi nhà nào đó ở vùng hồ nơi cậu ấy được sinh ra, thấy cô bạn không mấy hào hứng liền trấn an.


Cầm không muốn thi vào đại học, hay nói đúng hơn là chẳng muốn kéo dài cuộc sống chỉ quẩn quanh sách vở, chữ nghĩa lạo xạo cứ va vào nhau trong đầu, nơi mà trí tưởng tượng của Cầm luôn nghĩ về những miền đất nào đó xa vời và bí ẩn. Bao nhiêu người không học đại học vẫn sống ổn đấy thôi, cũng vì có chung ý nghĩ ấy nên Cầm và Thanh là cặp đôi kỳ lạ nhất trong trường. Khi bạn bè hào hứng nói về những ngôi trường ở thành phố xa lạ và ước mơ được làm sinh viên thì cả hai lặng lẽ ngồi bên nhau kể câu chuyện về thế giới bên ngoài những cánh cổng dán đầy băng rôn thông báo tuyển sinh. Nhưng cuộc sống chẳng dễ dàng để đưa ra quyết định khi mới mười tám tuổi, cái tuổi mà ở các nước phương Tây có thể được xem là tự do- theo một nghĩa nào đó. Cầm chỉ mong muốn một lần gia đình lắng nghe những gì Cầm nghĩ.


Mong manh và bền chặt


 


Từ bé Cầm đã phải đứng trước nhiều tấm gương để soi mình, chị gái là một cô nàng xinh đẹp, thường xuất hiện trên những sân khấu lớn bên cây dương cầm. Anh trai là kiện tướng bơi lội, luôn là hình mẫu cho những thằng nhóc hàng xóm khi bố mẹ chúng réo tên: " Giá như mày được một nửa thằng Kỳ thì tốt quá". Tất cả nhìn vào cô em út với hi vọng phải đạt được những điều tương tự, nhưng cô bé chẳng có gì nổi bật ngoài đôi mắt nâu to tròn, suốt ngày quanh quẩn trên khu đồi hoang ngắm hoa bắt bướm, nghe tiếng côn trùng, có lúc về nhà mặt mũi lấm lem khi cứu một con chó con bị cắn. Bố mẹ lắc đầu ngán ngẩm, đưa đến nhà văn hóa thiếu nhi Cầm ngồi im ngó nghiêng xung quanh, chẳng động đến cọ vẽ, chẳng ấn một phím piano, chẳng đọc một nốt nhạc nào. Qua khu thể thao thì mặc khư khư bộ quần áo mùa đông trùm kín đầu, nhìn anh trai bơi như một con rái cá Cầm chỉ biết lấy tay nghịch nước.


- Này, cậu nghe tớ nói không thế?


Thanh lay tay Cầm, một cánh phượng nào đó theo gió thổi vào mái tóc ngắn của cô bạn. Thanh nhặt lấy cánh phượng xoay xoay vào lòng bàn tay:


- Đừng để như cánh hoa này, nở rồi tàn lụi, gió tới thì bay đi, chạm đất thì héo khô. Chúng mình đã thống nhất rồi cơ mà.


Hiểu rõ tâm trạng của cô bạn, Thanh nói như nhắc nhở để củng cố tinh thần Cầm. Thanh có hoàn cảnh khác biệt với Cầm, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, đó là theo lời bà ngoại Thanh kể lại. Còn đến tuổi đi học, khi nghe người ta xì xào nhìn mình với đôi mắt lẩn tránh, những trận đánh nhau với mấy thằng nhóc trong xóm đến sứt da bầm mắt thì Thanh biết ba Thanh bỏ mẹ theo người đàn bà khác, mẹ Thanh đã trẫm mình xuống hồ. Thấy thằng cháu mồ côi không thể sống nơi vùng quê đi đâu cũng thấy những ánh nhìn kỳ thị, bà ngoại gửi Thanh lên nhà bác nơi một thành phố hoàn toàn xa lạ, ở đó Thanh gặp Cầm.


Thi đưa Cầm đi thi đại học, ngôi trường mẹ đã chọn và tự tay viết hồ sơ đăng ký dự thi thay Cầm. Khi mọi người nhận ra tài năng dương cầm xinh đẹp và vây quanh xin chữ ký thì Cầm lẳng lặng quay trở lại bến xe, nơi Thanh đã đứng đợi. Một chuyến đi dài về vùng quê của Thanh.


- Đây là vùng hồ mẹ tớ đã chọn để về với cát bụi. Cậu sợ không?


Thanh hỏi Cầm khi hai đứa đang ngồi trên cây cầu gỗ bắc từ bờ hồ ra ngôi nhà nằm sắt bên kia bìa rừng, bốn chân tung tẩy nghịch nước. Chân cầu rêu xanh bám từng đám nhỏ, sờ vào như một tấm thảm len, mềm và ẩm ướt. Xa xa phía bờ hồ, từng cụm dương xỉ lá đã chuyển màu xanh thẫm như những mũi kiếm nhọn hoắt muốn xé toạc trời chiều đang kéo mây xám, đây là nơi Thanh đã được sinh ra. Ngày ấy ba mẹ Thanh yêu nhau trong sự cấm đoán của bà ngoại, mẹ Thanh vẫn không hiểu được tại sao với người đàn ông mà mình hết mực yêu thương kia, bà ngoại Thanh lại hà khắc đến thế. Đấu tranh mãi không có kết quả, hai người đã bỏ làng ra ngôi nhà này sinh sống. Thanh tròn một tuổi, những ngày ba Thanh vắng nhà dày dần, có khi cả tuần không về. Mẹ bế Thanh theo xuồng lên thị trấn tìm, và ở đấy ông đang trong vòng tay một người đàn bà quá chồng, thiếu tình yêu nhưng thừa tiền bạc. Mẹ mang Thanh gửi cho bà ngoại, và mang theo tình yêu của mình gửi vào lòng hồ, bà ngoại lặng câm như đoán trước được ngày này sẽ đến từ lần đầu tiên bà nhìn thấy ba Thanh. Ngôi nhà từ đấy chẳng ai lai vãng, cũng chẳng ai nhìn thấy người đàn ông đào hoa đa tình ấy nữa.


Cầm lắc đầu, và thực sự cô bé không thấy sợ, chỉ tập trung quan sát xung quanh, nơi mà cậu bạn đã kể khi hai đứa thì thầm trong thư viện, trên bàn dày đặc những hình đồ thị và phương trình toán học.


- Người ta nói mỗi đứa trẻ được sinh ra là nhờ tình yêu. Cậu có nghĩ tớ là kết quả của một mối tình ngọt ngào không?


Thanh hỏi Cầm mà như tự hỏi chính mình, Cầm chẳng biết nên trả lời thế nào, tiện tay hái một bông lục bình đang trôi theo dòng nước vướng vào chân cầu, cánh hoa mỏng tang tím như buổi chiều đầu tiên hai đứa được tự do- theo như cách Cầm nghĩ. Cầm mở điện thoại, tin nhắn báo vài chục cuộc gọi nhỡ, tiếng chị Thi khóc nấc trong hộp thư thoại. Cầm đã để lại thư trong ba lô của chị Thi, chẳng biết chị có đọc được không hay đã lấy bức thư ấy ra ký những đường nét bay bướm nếu giả dụ có một fan hâm mộ nào đấy quên mang theo giấy bút. Cầm nhắn tin bảo em ổn, em muốn sống như cách em mơ ước, như cách mọi người chẳng bao giờ mong muốn. Tắt máy, Thanh nhìn Cầm, nhìn mặt hồ, lặng lẽ xách hai đôi dép đi về phía căn nhà bám đầy mạng nhện. Cầm nhìn cành lục bình với những cánh hoa đã bị dập chuyển sang màu tím sẫm, chậm chạp bước theo Thanh.


Mong manh và bền chặt


- Á!


- Sao thế? - Thanh hốt hoảng quay lại.


- Tớ bị cái dằm đâm vào chân.


- Cẩn thận, cậu còn đi được không?


- Nếu cậu dìu tớ. - Cầm cười trước vẻ mặt hốt hoảng của Thanh.


- Để tớ cõng cậu.


Thanh ngồi xuống đưa lưng ra chờ đợi, Cầm ngạc nhiên, bối rối quàng tay qua cổ Thanh. Ngày còn bé mỗi lần vô ý bị ngã, chẳng bao giờ mẹ đưa tay ra đỡ hay dịu dàng xoa dầu cho Cầm, chỉ bảo phải mạnh mẽ, phải giống anh chị, đó là những lời nói ám ảnh cả tuổi thơ của Cầm. Con bị ngã là do không rèn luyện như anh con, con không có năng khiếu âm nhạc như chị con, con chẳng làm được gì cả, mẹ vẫn nói thế mỗi lần Cầm làm gì không vừa ý mẹ. Sau khi giúp Cầm tiếp xúc với vài bộ môn nghệ thuật mà chẳng thấy có kết quả, mẹ Cầm tỏ ra dửng dưng, mọi sự quan tâm săn sóc đổ dồn về hai đứa con tài năng. Cầm sống trong âm thầm, mẹ chỉ quan tâm đến Cầm mỗi khi có kết quả học tập, nếu có điểm số nào thấp thì lại nghe mắng, nếu có điểm nào vượt trội chỉ nhìn Cầm bằng ánh mắt lạnh lùng: "Cũng chỉ được mỗi thế này thôi". Nước mắt nhỏ giọt rơi trên vai Thanh, một sự ấm áp dịu dàng mà chẳng biết từ bao lâu rồi Cầm chưa được biết đến. Thanh để Cầm trên một chiếc ghế dựa bằng gỗ bên cạnh cửa sổ trông ra phía mặt trời lặn, Thanh đi tìm kim khâu, bật đèn điện thoại và tìm chiếc dằm bé xíu nơi gót chân.


- Hết đau chưa?


- Ừ, tớ cảm ơn cậu. - Cầm đỏ mặt xỏ nhanh chân vào đôi giày.


- Cậu làm như đây là lần đầu tớ quan tâm cậu ấy. Cậu cảm động lắm hả?- Thanh nói đùa khi đưa tay xoa chỗ vai áo thấm nước.


- Tớ đói bụng.


- Trong ba lô tớ có bánh mì và nước đóng chai đấy.


Trăng sáng len qua từng kẽ hở, trên sàn gỗ có vài chấm tròn màu vàng tinh nghịch nhảy múa. Ngày mai tớ sẽ sửa lại mái, nếu không mưa thì ướt hết, Cầm đã ngủ tự bao giờ, Thanh cười khi biết mình đang độc thoại.


Kéo tấm chăn mỏng cho Cầm, Thanh gối đầu lên ba lô, nằm xuống sàn, có một đốm sáng chiếu thẳng vào mắt Thanh, long lanh.


***


Tiếng bước chân trải đều trên cầu, Cầm như choàng tỉnh sau giấc mơ dài, Thanh vào nhà mà chẳng buồn quan tâm xem ai đã thắp nến.


- Cậu về muộn thế, tớ đợi cậu cũng lâu lâu rồi.


Cầm nhìn Thanh dò xét, Thanh cất cọ vẽ và tuýp màu vào ngăn tủ, dựng khung tranh vào sát tường.


- Cậu uống rượu chứ?


Thanh hỏi mà không nhìn Cầm, cô chẳng còn biết làm gì ngoài việc ngồi lặng yên quan sát Thanh, sau sáu năm xa cách, cậu ấy trưởng thành hơn nếu không muốn nói là già hơn nhiều so với một cậu bé đã từng chạy quanh hồ tìm Cầm khi một buổi chiều theo thuyền buôn trở về, ngôi nhà vắng tanh. Cầm đã biến mất khỏi cuộc đời Thanh như sương khói, như áng mây đã hóa mưa rào, và giờ lại xuất hiện khi mọi thứ đã trở nên cũ kỹ, đã có thể gọi là dĩ vãng.


- Ngày ấy tớ tưởng cậu bị ngã xuống hồ, tớ đã đợi cậu ba ngày ba đêm nhưng chẳng có cái xác nào nổi lên.


Sau khi uống hết nửa chai rượu màu trắng đục, Thanh nói như oán trách, như giận hờn, như muốn Cầm hãy nói điều gì đó, hãy cứ viện lý do đi dù là một lý do vô duyên vớ vẩn, để Thanh thấy những tháng ngày qua anh chờ đợi trong vô vọng là có nguyên cớ, là có nghĩa lý.


- Tớ xin lỗi.


Cầm rót đầy ly, uống từng ngụm nhỏ, rượu ngọt đầu lưỡi, rồi nhờ nhợ nơi cổ họng và xuống đến dạ dày thì như một hòn than bén lửa, cháy rừng rực.


- Cậu về đây để nói mấy từ vô nghĩa đó thôi à?


Cầm lặng lẽ rót thêm rượu, lần này cô uống hết một hơi.