80s toys - Atari. I still have
Không chỉ là kỉ niệm

Không chỉ là kỉ niệm

Tác giả: Sưu Tầm

Không chỉ là kỉ niệm

Dù điều gì mang chúng ta đến với nhau không quan trọng, quan trọng là chúng ta nhận ra mình yêu và thuộc về nhau là đủ.


***


Cuối tuần, trên đường về nhà tôi ghé vào hiệu sách tìm một cuốn truyện trinh thám để giết mấy ngày nghỉ sắp tới. Đằng nào mấy người độc thân vui tính như tôi có gì để làm ngoài lượn lờ lung tung đâu. Đang chăm chú vào cuốn "Vẻ đẹp nguy hiểm", chợt có một vật gì đó rơi vào vai tôi khiến tôi đau điếng, tiếp sau đó là một tiếng "cốp"khô khốc vang lên trên sàn nhà. Khi tôi cúi xuống nhặt cuốn sách trên sàn nhà-vật vừa "đáp"xuống vai tôi, tặng cho tôi một cú đau điếng trước khi "hạ cánh"xuống đất. Trước mắt tôi là một cô gái trên mặt còn nguyên vẻ bối rối . Để cô ấy khỏi áy náy vì "tai nạn"vừa rồi, tôi đưa cuốn sách cho cô gái, và mỉm cười thay cho câu: "Tôi không sao"(Mặc dù lúc nãy vai tôi đau điếng). Tiếng "xin lỗi"cất lên khe khẽ, tôi đang quay đi thì cô gái gọi với theo:


- Anh có chắc là vai mình không sao chứ ? Có thể bị bầm tím đấy... . Quyển sách này cũng khá nặng.


Tôi nghĩ: "Chắc do "nạn nhân" như tôi không "ăn vạ" nên làm thủ phạm hối hận hơn chăng?". Tôi khẳng định một lần nữa:


- Tôi chắc chắn là mình vẫn ổn, nếu vai tôi có bị bầm tím tôi sẽ tự đi mua cao dán tôi không tìm cô bắt đền đâu mà sợ?Yên tâm đi nhé !


Bây giờ, tôi mới nhìn kỹ cô gái đó một chút. Một cô gái còn khá trẻ, dáng người mảnh khảnh, làn da trắng vầng trán cao cùng một đôi mắt đen láy, sâu thăm thẳm-một vẻ gì đó rất mong manh, hệt như những con thiên nga trắng vậy. Không hiểu sao, tôi chợt quay lại hỏi cô ấy:


- Cô có phải là học sinh trường múa không ?


Đôi mắt đen lay láy mở to đầy ngạc nhiên:


- Em đúng là học sinh trường múa. Sao anh tài vậy?


- Nhìn dáng người của cô nên tôi đoán vậy thôi.


- Nhiều người nhìn em toàn hỏi em có phải là diễn viên, người mẫu hay tiếp viên hàng không thôi. Ít người đoán trúng như anh lắm! -Cô gái vẫn chưa hết ngạc nhiên.


Tôi chỉ cười:


- Bây giờ ai cao ráo, xinh xắn đều đi làm người mẫu, diễn viên cả có mấy ai muốn làm nghệ sĩ múa đâu, vất vả lắm.


Bỗng cô gái hỏi tôi:


- Anh có quen ai là nghệ sĩ múa à?


- Cũng gần như vậy.


Tôi trả lời câu hỏi ấy một cách vội vàng rồi đi nhanh ra cửa. Chạy trốn khỏi đôi mắt đen láy có gì rất quen thuộc ấy, chạy trốn cai cảm giác nặng trĩu trong lồng ngực, như muối bóp lấy trái tim tôi. Tôi lại nhớ Linh chăng?


Không chỉ là kỉ niệm


* * *


Nhà Linh ngay đối diện nhà tôi, nhưng hai gia đình không thân thiết lắm, chỉ là những người hàng xóm cùng khu mà thôi. Tất cả những kí ức của tôi về Linh chỉ bắt đầu từ khi chúng tôi vào cấp II và lại học cùng một lớp. Buổi chiều hôm ấy, chúng tôi có một vài hoạt động ngoài trời chắc do phải ở ngoài nắng suốt buổi nên Linh lăn ra ngất xỉu. Đường về khu nhà tôi hơi khó tìm nên cô giáo bảo tôi cùng đưa Linh về. Ngay tối hôm ấy, sau khi ăn cơm tối xong bất ngờ bố Linh xuất hiện ở nhà tôi. Không phải để gặp bố mẹ tôi mà để gặp... tôi. Bác bảo rằng muốn nhờ tôi đưa đón Linh đi học và canh chừng cô bạn khi ở lớp , vì từ nhỏ Linh đã rất yếu ớt. Tim của cô bạn có chút vấn đề và Linh còn bị thiếu máu điều đó khiến Linh có thể ngất xỉu bất cứ lúc nào. Khi còn học tiểu học, trường ở gần thì không sao, bây giờ đường xa gấp đôi mà Linh lại nhất quyết muốn tự đi học, nên bố Ling không còn cách nào khác là đến nhờ tôi. Đang định từ chối thì bố tôi lên tiếng:


- Khải này, đồng ý giúp bác đi con. Nhân tiện dịp này bố sẽ mua xe đạp mới cho tiện hai đứa đèo nhau đi học.


Phải đi học cùng một đứa con gái suốt ngày thì chán thật, nhưng phải đi học bằng cái xe cà tàng ba bữa lại dở chứng một lần thì còn chán hơn . Không thoát khỏi sự cám dỗ từ cái xe mới tôi gật đầu đồng ý. Lúc đó tôi không biết rằng có rất nhiều thứ chờ đợi tôi ở phía trước.


Đầu tiên là chiếc xe đạp mới mà bố đã hứa, nó không phải là chiếc xe địa hình như mơ ước (vì tôi mà dùng xe ấy thì Linh chỉ có nước ngồi trên... ghi-đông). Nhưng dù sao nó cũng là một chiếc xe dáng thể thao và không đến nỗi nào. Đều khiến tôi bực mình không phải là đường xá xa xôi, khói bụi mà là việc suốt ngày đi học cùng một đứa con gái đã khiến tôi thành... tâm điểm của đám đồng. Cả lớp hết thêu dệt đủ thứ chuyện. Hội con gái thì cho rằng tôi và Linh thích nhau. Đám con trai thì lại cho tôi là một đứa ẻo lả, suốt ngày dính lấy con gái nên chẳng thèm cho tôi nhập hội. Tôi như thể bị cách ly, chẳng có một ai để chơi cùng, để xua tan chuỗi ngày nhàm chán ở lớp tôi chỉ còn cách chơi với Linh. Đằng nào thì mọi người cũng đã trêu chọc rồi, có trêu chọc thêm một chút nữa cũng chẳng sao. Đến khi nào tôi và Linh không đi học cùng nhau nữa, may ra tình trạng này mới chấm dứt, mà đến bao giờ thì ngày đó mới đến chứ. Linh yếu ớt như vậy khi nào mới có thể đi học một mình được. Không những thế từ ngày đi học cùng Linh tôi chẳng còn cơ hội để la cà vì còn phải đưa cô bạn về nhà, bố mẹ tôi yên tâm hơn nên còn ủng hộ việc này ấy chứ. Nhưng người làm tôi bực mình nhất lại chính là Linh chứ không phải ai khác. Đã yếu như sên, lại không để tôi xách cặp, hay trực nhật giúp cứ thích tự làm một mình để rồi mặt mày lại tái mét ra khiến tôi cứ lạnh cả người vì sợ. Linh mà ngất ra đấy lại khổ tôi phải mang cõng cô bạn về nhà có mà hết hơi. Không những thế cô ấy còn rất hay quên uống thuốc, quên mang khăn quàng hay áo khoác hay bỏ ăn sáng để tôi phải nhắc nhở liên tục. Lúc ấy Linh hay trêu tôi là Mr Đazinăng của cô ấy:vừa là tài xế, bảo mẫu, y tá kiêm luôn cả ... bạn bè.


Thời gian trôi qua thật mau, chúng tôi giờ đã vào cấp III và không còn là những đứa bé con như trước. Nhiều thứ xung quanh chúng tôi đã thay đổi và bản thân chúng tôi cũng vậy. Tôi giờ đây đã cao ráo và bạo dạn, không còn là cậu nhóc sợ cả lớp cách ly như trước nữa. Linh giờ cũng đã tự lập nhiều hơn, không còn quên uống thuốc, đi đâu luôn nhớ sắp xếp mọi thứ cho mình không để tôi phải nhắc nhở như trước. Nhưng có một điều dường như không thay đổi trong từng nấy năm đó là sự thích thú của Linh với những điệu múa. Mỗi lần có chương trình gì liên quan đến múa là Linh xem không biết trời đất là gì. Xem xong Linh lại đứng lên xoay người trên một chân như những vũ công ballet. Mỗi lần thấy thế, tôi lại cười cô ấy:


- Cẩn thận không ngã ra đấy, lại thành thiên nga gãy cánh bây giờ!


Mặt Linh xịu xuống đáp lại bằng một giọng buồn buồn:


- Tại tớ không được học múa thôi, nếu tớ khỏi bệnh và được học múa bài bản mà xem! Tớ sẽ chẳng thua kém ai đâu.


Tôi chợt giật mình trước câu nói ấy của Linh, một cô gái từ nhỏ đã đau ốm liên miên, nghe thấy tiếng sấm là sợ run, luôn e dè trước người lạ lại có thể nói một câu nói đầy quyết đoán, tự tin và có phần kiêu ngạo như thế. Vì đam mê chăng ?Dù biết rằng mình có thể chẳng bao giờ được học múa, nhưng đam mê đã khiến cô bạn yếu đuối của tôi nuôi một nguồn sức mạnh sâu thẳm trong tim. Một lần, chúng tôi đang đi bộ trên vỉa hè thưởng thức ly trà chanh mát lạnh, có một cô bé khoảng 7, 8 tuổi mặc một bộ váy phồng trắng như diễn viên ba-lê, khoác ngoài một chiếc áo hồng nhạt , đi trước chúng tôi vài bước. Khi qua đường em không để ý rằng có một chiếc xe máy đang lao tới rất gần. Nhanh như chớp, Linh lao tới đẩy cô bé ra. Cô bé ấy không sao, còn Linh cũng chỉ bị bong gân nhẹ. Cõng cô ấy về nhà, suốt đoạn đường dài tôi mắng Linh không ngớt. Mắng vì sao cô ấy lại ngốc thế, nhỡ bị thương nặng thì tôi biết làm thế nào. Dù giờ đây tôi đã cao ráo rắn rỏi hơn trước nhiều và Linh thì vẫn gầy nhom như xưa , việc cõng cô ấy suốt một quãng đường dài không còn là vấn đề với tôi nữa. Nhưng giờ đây tôi vẫn thấy sợ, một cảm giác khác hẳn với nỗi sợ hãi ngày nhỏ. Nó không chỉ làm chân tôi run lên, mà nó còn làm trái tim tôi đập loạn, như muốn nghẹn lên trong lồng ngực. Sau khi "sạc" cho Linh một trận, tôi im lặng suốt cả chặng đoạn đường còn lại. Biết tôi đang giận lắm, về đến nhà Linh nhẹ nhàng nói với tôi:


- Khải này! Đừng giận Linh nữa nhé! Lúc đó tớ chẳng kịp nghĩ gì cả, chỉ sợ cô bé đó bị thương thôi. Em ấy học múa mà, nếu để chân bị thương, dù bị thương nhẹ thôi cũng nguy hiểm lắm. Em ấy có thể sẽ phải nghỉ tập rất lâu, nhỡ mà không múa được nữa thì sao?


Hoá ra, để một cô bé không hề quen biết có thể tiếp tục niềm đam mê nhảy múa mà mình ước ao lâu nay, Linh đã không màng đến cả an toàn của bản thân. Lúc ấy, tôi mới biết rằng Linh yêu múa đến mức nào, không phải là sự thích thú mà là niềm đam mê;khi đã có đam mê người ta sẽ không bao giờ từ bỏ, dù điều đó mãi chỉ là một giấc mơ. Tôi lấy tiền tiết kiệm mua tặng Linh một đôi giày múa. Cô ấy thích mê, đứng giữa phố ôm chầm lấy tôi, làm tôi ngượng chín cả người, nhưng Linh đâu có biết điều đó vì cô ấy còn mải mê cúi xuống ngắm đôi giày. Từ tối hôm ấy, từ cửa sổ phòng mình tôi thấy cô ấy mải mê tập múa bằng đôi giày tôi tặng. Những động tác còn vụng về nhưng đầy say mê, sự say mê từ sâu thẳm trái tim, lan tỏa tới những đầu ngón tay gầy giuộc đang vươn dài. Tôi không cười Linh khi nhìn thấy cô ấy nhảy múa nữa , thay vào đó tôi sẽ động viên, khích lệ, để Linh không cô đơn với giấc mơ của mình. Dù giấc mơ ấy có trở thành hiện thực hay không ?Bởi vì tôi mhận ra rằng: khi thấy Linh cười tôi không chỉ thấy vui;mà trái tim còn ấm lên lạ kì.


Giông tố bỗng từ đâu ập xuống. Bệnh tình của Linh xấu đi một cách nhanh chóng. Trong máu cô ấy xuất hiện các tế bào ác tính, tình trạng thiếu máu kéo dài lâu nay có thể là một triệu chứng, mà các bác sĩ đã vô tình không để ý. Giờ đây các tế bào này đang sinh sôi một cách nhanh đến không ngờ.