Hoa muống biển
Hoa muống biển
Chả cần mang theo thư của anh thì chị tôi cũng phải khóc sau ngày cưới được một tuần. Chị về nhà tức tưởi. Hỏi mãi chị mới khóc lóc kể lại rằng, sau đám hỏi, em trai anh rể tôi đi biển nhặt được một lá thư của anh Tú gửi chị dắt trên dải rau muống biển, chữ nghĩa đã nhoè nhưng đọc cũng hiểu được nội dung. Đêm tân hôn, anh Hoan mang lá thư ra tra hỏi. Và những đêm sau nữa, bóng đêm với chị là một cực hình khi cơn ghen của chồng nổi lên. Mẹ vứt va li quần áo của chị ra ngoài ngõ đoạn lấy con dao mài chém mạnh vào cột cổng:
- Nhà này không còn bố nhưng vẫn còn nóc. Con gái xuất giá sướng khổ cũng phải chết ở nhà chồng. Tao cấm cửa.
Giữa lúc chị van xin mẹ cho chị trở về nhà thì anh Hoan rồ xe máy phi thẳng vào sân. Chả biết anh nói gì với mẹ mà mẹ dỗ chị:
- Chồng nó có yêu thì nó mới ghen. - Mẹ quay sang anh: - Mà con Nhi nó đã tự vứt hết đi rồi, nó đã đoạn tuyệt với quá khứ rồi thì anh đừng như thế nữa.
Anh cúi đầu vâng dạ rồi đưa chị đi. Mẹ nhìn chị vừa lên xe vừa gạt nước mắt ra khỏi đoạn ngõ thì ngồi phịch xuống sân. Mẹ khóc. Thứ nước mắt khô như muối rang chảy vào lòng.
Hết tháng phép, anh rể trở lại nước bạn làm việc. Chị có mang và ốm nghén rất khổ sở. Chị bị áp lực từ phía nhà chồng, nếu không sinh được con trai thì anh ấy sẽ lấy vợ khác. Chị buồn. Mẹ luôn động viên phải giữ cho tâm mình được vui vẻ để sinh được đứa trẻ khoẻ mạnh, thông minh. Hôm chị đi siêu âm, bác sĩ cho biết, đứa bé chị mang trong người là con trai thì mẹ tôi mừng lắm, mẹ như trút hết được nỗi lo đè nặng trong lòng.
Ngày Nhím chào đời cũng là một ngày mưa. Mưa tháng tám hễ đâu có cơn đen là giọt nước rơi ngay chỗ ấy . Cơn mưa giông của vùng này vẫn thế. Tưởng có bao nhiêu nước ở biển ông trời hút hết lên đổ xuống đất lìên. Chị ôm con trong tay mình sau những cơn đau vật vã lúc sinh nở rồi nhìn mưa qua ô cửa kính của nhà hộ sinh. Nước trắng trời. Dưới sân , nước chảy ngập ngang bắp chân:
- Từ nay trở đi, chị có con là mục đích để cố gắng rồi em à...
Giọng chị buồn, sũng nước. Có một bàn tay vô tình bóp mạnh tim tôi đau nhói. Sao những gì đáng nhớ xảy đến với chị đều có mưa thế này?
Nhím đầy tháng, mọi người nội ngoai đến chúc mừng. Bố chồng chị hỉ hả ôm đứa cháu đích tôn của mình kể lể chăm chị ở cữ thế nào. Qua lời ông ấy, có người buột miệng khen chị tốt số lấy được chồng có điều kiện. Chỉ mình tôi biết, chị quay mặt vào tường cắn môi đến bật máu để cố ngăn dòng nước mắt chực rơi.
Ngày giỗ bố tôi, mẹ gọi điện xin thông gia cho mẹ con chị về cúng giỗ rồi ở chơi vài hôm. Họ đồng ý, tôi đạp xe đón chị. Đến nơi, thấy chị đang cho con ăn đĩa cháo bột mà mắt đỏ hoe. Chị giục tôi về trước. Đầu giờ chiều, chị mới tới, vứt uỳnh xe đạp chạy vội vào nhà thắp cho bố nén nhang rồi hớt hải ra về. Chị bảo thằng nhỏ đang sốt lên chị không ở lại thêm được. Tôi nghi hoặc. Lúc tôi ở nhà chị về, Nhím vẫn còn khoẻ mạnh, tôi gọi nó còn cười toe toét cơ mà. Mẹ chép miệng, trẻ con thì nó thay đổi như thời tiết ấy...
Mấy tháng sau, chị Hạnh mới cho tôi biết, ngày nào ra trường chị cũng khóc với chị ấy. Chị tôi khổ quá. Anh Hoan nói dồn tiền làm ăn bên đó nên không gửi tiền về cho bố mẹ như trước nữa cũng chả cho chị được một xu để mua tã cho con. Bố mẹ chồng tưởng anh gửi về cho chị, sợ chị đem hết tiền về lo cho đằng ngoại nên hành chị ghê lắm. Hôm giỗ bố tôi, chị ấy phải nhờ người nhắn với chị Hạnh gọi điện đến nhà bảo lên trường họp hội đồng vì có việc gấp để chị được ra khỏi nhà. Bố mẹ chồng không cho chị về cúng giỗ. Quần áo của chị ấy không được giặt nước giếng mà phải mang ra sông. Điện ngủ không được thắp, ti vi không được mở xem còn chiếc xe máy thì đắp chiếu để đó không được tự ý lấy đi dạy học. Chị dè xẻn từng đồng lương ít ỏi của mình để mua tã, quần áo và sữa cho con, cũng may chị được vào biên chế, tiền ăn góp nửa lương còn lại một nửa với bao khoản chi tiêu chứ lương hợp đồng vài đồng bạc thì chị tôi không biết xoay sở thế nào. Những lúc thằng nhỏ ốm, chị phải vay mượn bạn bè để mua thuốc. Anh Hoan sợ chị " tình cũ không rủ cũng về" nên nhờ bố mẹ ở nhà quản lí chị khiếp lắm. Chị không muốn mẹ tôi biết, chị sợ mẹ buồn...
Tôi choáng váng như ở một khoảng trống không trọng lượng. Thương chị đến thắt lòng mà tôi không biết phải làm gì. Đêm đó, tôi không ngủ ra ngoài sân ngồi. Thỉnh thoảng, chị cũng tạt qua nhà nhưng chưa đầy mười phút chị đã ra về. Chị luôn nói là bận . Nhưng tôi đâu biết rằng, chị đã phải tranh thủ lúc ra chơi vào thăm mẹ....
Sinh nhật Nhím đầy tuổi anh rể về phép. Anh chở hai mẹ con chị về nhà tôi chơi mỗi tối mà chả thấy chị cười bao giờ. Chị đi lại làm việc gì đó y hệt một người máy ngày một héo mòn hơn. Mẹ cắt và sắc cho chị vài thang thuốc sản nhưng chị không chịu uống. Hôm anh lên máy bay trả phép, chị vét đến đồng tiền cuối cùng đưa anh để anh bù vào tiền thuê xe ô tô chở anh ra sân bay. Tôi ngập ngừng:
- Thế tiền của anh ấy đâu?
Chị im lặng bỏ đi. Thấy chị vậy, tôi cũng không hỏi thêm gì nữa.
Mấy đứa bạn rủ tôi đi uống cà phê trên phố huyện. Thằng Tiến đi lao động cũng ở cùng nước với anh rể mới về bô bô kể chuyện cuộc sống bên Tây thế nào. Tôi chả lạ gì tính nó, khi nó đã "phát" thì khó ai giữ lại miệng nó ngừng hoạt động được nhưng được cái tốt tính, không bao giờ nói xấu ai. Tôi hỏi:
- Thế có gặp nhiều đồng hương bên đó không?
- Có chứ nhưng "đồng khói " không phải ai cũng tốt. Xã mình có ông Hoan làm cùng công ti với tớ nhưng ở trên " tổng". Kiêu lắm. Tớ chả thèm thân thiện. Gặp mặt tớ chào chả bảo tớ sao, những lần sau gặp, tớ coi như không biết. Cũng chả ra sao cả, cặp với con ô sin người mình làm cùng bên đó lại cờ bạc thâu đêm được đồng lương nào hết sạch, hôm rồi hỏi vay tiền tớ....
Một đứa lấy tay bịt miệng Tiến lại, nó lúng túng thanh minh rằng nó không biết đó là anh rể tôi, rằng nó nói đùa... Tai tôi ù đặc đi, tôi đã nghe trọn những điều mà tôi không nên nghe rồi. Tôi nói lại với chị những mong chị tìm cách nào đó níu giữ hạnh phúc của chị vốn mong manh. Chị bình thản đến không ngờ:
- Chị biết hết rồi em ạ. Anh ấy còn thách thức chị cho chị xem tin nhắn và hình hai người chụp chung nhưng chị chả thèm nhìn. Anh lồng lên như một con thú hoang lao vào đánh chị. Chị sẽ sống cho con một cái vỏ gia đình em à.