Teya Salat
Gửi gió cho ngày nắng

Gửi gió cho ngày nắng

Tác giả: Sưu Tầm

Gửi gió cho ngày nắng

"Chuyện đời sinh viên"


"Mai tớ đi rồi, 3h chiều. Cậu ra tiễn tớ nhé!"


Một tin nhắn có dấu và không có lỗi chính tả.


Anh ngẩn ngơ nhìn màn hình điện thoại. Chỉ là những kí tự vô tri vô giác, nhưng anh dường như nhìn thấy trong đó một nỗi trống trải mênh mông của lòng mình. Cả một khoảng trời đang khép lại.


Anh đứng bên cửa sổ mở toang, gió lùa qua lớp áo mỏng, thấm vào da lạnh buốt. Lạnh như hồn anh lúc này vậy.


Mai cô ấy đi rồi. Giữa Hà Nội xao xác heo may và nồng nàn hoa sữa. Anh không buồn. Chỉ là cảm giác như sắp phải dứt bỏ ký ức của một phần đời mình vậy. Phần đời có cô ấy. Phần đời đẹp đẽ nhất.


* * *


Gửi gió cho ngày nắng


Anh đứng đó, nhìn về phía bên kia đường vẫn nhạt nắng. Nhưng không có cô ấy. Với nụ cười rạng rỡ và cái vẫy tay thật cao lần đầu gặp gỡ: "Cậu ơi, tớ ở đây. Sang đây đi." Của tuổi mười tám đẹp như trời thu Hà Nội vậy.


Anh đến nơi này không phải bởi nỗi chờ mong về một "Hà Nội mùa thu cây cơm nguội vàng cây bàng lá đỏ" với "nồng nàn hoa sữa thơm" mà bởi vì khát vọng cho một tương lai tươi sáng, bởi vì niềm tin của bao lớp người dành cho anh. Giảng đường Đại học đối với anh mà nói không phải là giấc mơ xa vời, nhưng đối với bố mẹ anh mà nói là cả một sự nỗ lực. Nỗ lực cho đứa con học hành thành tài, nên nghiệp nên danh, xa đồng xa ruộng.


Chiều nay anh đứng ở nơi ấy, ngoảnh lại sau lưng nhìn thấy cánh cổng trường vẫn hiên ngang dòng chữ "ĐẠI HỌC BÁCH KHOA HÀ NỘI", nhìn thấy cả chính mình của một thời trong từng đám sinh viên đang bước qua cánh cổng đó với niềm tự hào, với cả nhiệt tình của tuổi trẻ. Cánh cổng trường không chỉ chắp cánh cho ước mơ công thành danh toại của anh mà còn cho cả một thời thanh xuân sôi nổi đẹp đẽ vạn phần, biết nhớ biết thương, biết buồn biết vui và biết cả nuối tiếc.


Anh mười tám tuổi, cô đến trong đời với hơi thở mát lạnh của mùa thu, giữa những tháng ngày đầu tiên trên giảng đường, gồng mình để làm quen với môi trường học tập mới cạnh tranh khốc liệt. Nỗi hoang mang và choáng ngợp bởi cách học của những sinh viên bước ra từ trường chuyên lớp chọn. Nỗi lo sợ bị rớt môn. Nỗi nhớ nhà đến trống trải.


Giảng đường Bách khoa nhóm ngành KT1 vắng những mái tóc dài. Đầu năm nhất, một anh khóa trên cùng phòng hỏi anh, "Giảng đường em có mấy sắn?", anh ngỡ ngàng hồi lâu, tưởng rằng anh ấy nói nhầm, sau mới hiểu nghĩa của từ "sắn". Cả lũ trong phòng cười ồ lên, thương thay cho chú em học Cơ khí.


* * *


Cô ấy không học nhóm ngành KT1, càng không học cùng giảng đường với anh. Cô ấy chỉ là cô gái qua đường, vì quên đeo kính nên đã tưởng nhầm anh với một người bạn của mình. Và vào một hôm đẹp trời nào đó, cô ấy lại là cô gái vào nhầm giảng đường của anh, ở vị trí cạnh anh.


Lần đầu tiên, anh đã quay đầu sang phía bên kia đường vì giọng nói trong vắt của cô ấy, và xao động vì nụ cười rạng ngời trên khuôn mặt xinh xắn đó.


Lần thứ hai, anh ngỡ ngàng vì là cô ấy, sau những chiều thơ thẩn trên con đường quen, mong tìm lại được một bóng dáng xa xôi giữa thủ đô nhỏ bé chật hẹp mà đông đúc này.


Cuộc đời mỗi người luôn có những dấu mốc đáng ghi nhớ, mà dấu mốc đáng nhớ nhất cuộc đời anh chính là gặp gỡ cô ấy, bắt đầu tuổi trẻ của mình. Khi cô ấy nói "Hẹn gặp lại cậu".


Bách khoa trong trí nhớ của anh, là những môn đại cương khó nhằn, là những tiết lý thuyết ngồi trợn mắt nghe thầy giảng để không bỏ sót một chữ nào, là những tiết bài tập tranh nhau lên bảng chữa bài đề lấy điểm tích cực, là những đêm thao thức giải bài tập cho những bài kiểm tra, những kỳ thi nối tiếp nhau. Đâu đó trong đời sinh viên của anh có những tiết Mác-Lenin bị thầy giáo hớp hồn bởi những câu chuyện chân thực đưa triết học vào cuộc sống, chứ không phải chỉ là trên sách vở hay nghiên cứu. Đến giờ vẫn chưa có câu trả lời cho câu hỏi "Quả trứng có trước hay con gà có trước?"


Bách khoa trong ký ức của anh, là những tiết Pháp luật đại cương, Quản trị đại cương nhờ cô ấy mà trở nên thú vị. Bằng sự sắp xếp nào đó, cô ấy luôn có mặt cạnh anh trong những tiết học nhàm chán này, với lý do cô ở lớp anh dạy hay, trong khi anh chẳng cách nào cảm nhận được một phần cái hay đó. Nhưng vì có cô ấy, anh chưa bao giờ bỏ tiết. Cô ấy là tiêu điểm giữa giảng đường có bốn đứa con gái chẳng lấy gì làm xinh đẹp hay nữ tính. Cô ấy luôn ngồi cạnh anh trong ánh mắt ghen tị của hơn hai trăm thằng con trai vẫn cho rằng đó là bạn gái anh. Anh vẫn luôn cười, cô ấy cũng cười.


Bách khoa trong trái tim anh, là nơi có cô ấy, luôn rạng rỡ xinh tươi. Là nơi bốn mùa đều có gió thổi. Là nơi tuổi trẻ của anh rạo rực mối tình đơn phương đầu đời, chấp chới giữa tình yêu và tình bạn, mãi không thể cất lời để bước qua ranh giới "bạn thân" giữa hai người.


Đúng vậy, vẫn luôn là bạn thân. Cho đến ngày hôm qua.


* * *


- Này, chiều làm gì không? Lên thư viện học với tớ nhé? Giúp tớ mấy bài Giải tích I với! - Ừ!


- Chiều ra trà đá đi! Tớ kể cậu chuyện này! Đi nhé! – Ừ!


- Hôm nay tớ mời cơm cậu nhé! Xử lý số liệu bài thí nghiệm Vật lý giúp tớ với, cậu học cả rồi phải không? – Được rồi!


Anh chưa bao giờ từ chối bất cứ lời đề nghị nào của cô ấy, vì bất kỳ lý do gì. Bởi đó là khoảng thời gian anh có thể ngồi kề bên cô ấy hàng giờ liền, nghe cô ấy luyên thuyên đủ điều và không bao giờ chịu dừng lại ở nội dung chính là bài tập cho đến khi anh gõ đầu cô ấy nhắc nhở.


- Tớ nói này, cậu học chăm vừa vừa thôi. Cậu cứ học thế này khéo lại ra trường sớm mất. Rồi đến năm cuối ai giúp tớ học đây?


- Yên tâm đi, tớ sẽ chờ cậu mà!


Anh không nhớ đã từng nói bao nhiêu lần câu "Tớ sẽ chờ cậu", nhưng chắc chắn suốt từng ấy năm vẫn không đủ can đảm nói câu "Anh sẽ chờ em". Anh vẫn luôn chờ cô ấy, dù biết mãi mãi không thể chờ được, bởi ngay từ lúc ban đầu cô ấy đã ở phía trước anh.


* * *


Gió mùa đông bắc về mang theo đợt rét đậm rét hại. Mùa đông đầu tiên của anh ở Hà Nội, gió hun hút như ăn sâu vào tận thớ thịt, mang thứ hơi lạnh không thể nào cảm nhận trong mùa đông ở dải đất miền Trung quê anh.


Anh vật lộn với mớ bài tập chuẩn bị thi cuối kỳ, cô ấy loay hoay với mớ dự định và kế hoạch cho Noel và Tết dương. Anh băn khoăn với mong muốn trở về nhà sau bốn tháng tự lập xa gia đình nhưng tiền tàu xe tốn kém, cô ấy vẫn luôn miệng bày ra những thú vui phải tận hưởng trong quãng đời sinh viên. Đêm hai tư trong ánh đèn nhấp nháy của nhà thờ, trong cái lạnh buốt của đợt lạnh cuối cùng trong năm. Cắm trại trên Sóc Sơn hai ngày một đêm chào năm mới sẽ là trải nghiệm khó quên cả đời. Những dự định chưa bao giờ trong suy nghĩ của anh.


- Hai tư đi với tớ nhé! Trời lạnh đi một mình ngại lắm. Cậu chưa biết ở đây đón Giáng sinh như thế nào phải không?


- Giá mà Tết cậu có thể đi cùng tớ nhỉ? Nghe nói leo núi thích lắm đó!


Đêm Noel, anh kề vai cô ấy cùng dạo bước giữa phố xá xô bồ. Những câu chuyện phả làn khói ấm nóng lên mặt anh. Những nụ cười tinh khôi khắc vào trong tim anh. Nhưng không có cái nắm tay nào, cũng không có cái ôm nào.


Tết dương lịch cả Hà Nội chìm trong cơn mưa phùn rả rích, cô ấy ngồi ỉu xìu vì kế hoạch bị hủy bỏ, nhưng nỗi phiền muộn nhanh chóng bị xóa tan đi bởi một tin nhắn chúc mừng năm mới của anh chàng nào đó, khi anh chưa kịp vỗ vai an ủi và hứa hẹn với cô ấy bằng một kế hoạch khác hay ho hơn.


Kết quả cuối kỳ mang cho anh một suất học bổng mức cao nhất, nhưng không mang cho anh niềm vui khi cô ấy không qua được môn Vật lý đại cương I. Anh tìm đến cô ấy, cô ấy mỉm cười chúc mừng anh. Cuộc gọi đến từ ai đó. Lần đầu tiên từ lúc quen nhau, cô ấy quay đi xa khỏi anh để nghe điện thoại. Cánh tay buông thõng, bàn tay nắm chặt lại. Cô ấy chào tạm biệt anh sớm và quay đi với đôi mắt rưng rưng. Bờ vai run rẩy. Anh đã muốn bước lên, giang vòng tay ôm chặt cô ấy, nhưng không theo kịp bước chân đó.


Cô ấy quay trở lại bên anh, cũng vẫn những câu chuyện miên man bất tận nhưng đôi mắt nhìn xa xôi. Anh đã bỏ lỡ khoảnh khắc quan trọng nhất để bước lại gần cô ấy. Và không bao giờ còn có thể níu kéo khoảng cách giữa hai người.


* * *


Kỳ nghỉ hè năm thứ nhất, cô ấy bảo anh, hay là ở lại học học kỳ 3 đi. Anh tìm một công việc làm thêm trang trải tiền học phí kỳ hè, nhân viên bán hàng của một cửa hàng kinh doanh đồ thể thao trên con phố sầm uất nhất nhì nội thành. Anh suýt không nhận ra cô ấy xúng xính váy áo, từ một chiếc xe sang trọng bước vào trung tâm mua sắm dành cho giới thượng lưu. Không phải là cô gái quần bò áo phông vi vu trên phố mỗi chiều trống lịch. Không phải là cô gái ngồi gặm bút ghi chép từng khoản chi tiêu trong tháng và tính xem phải làm sao để cuối tháng không phải ăn cháo gói và mì tôm.


Hai người vẫn ở cạnh nhau suốt quãng đời sinh viên của anh. Những câu chuyện vẫn dài vô cùng vô tận với nụ cười ngọt ngào của cô ấy. Những năm tháng êm ả. Anh bỏ qua cơ hội du học toàn phần ở Pháp ngành Chế tạo máy. Bao nhiêu người tiếc nuối. Có cả cô ấy. Anh cười, bảo chỉ cần tớ không tiếc là được chứ gì. Cô ấy không biết, nếu anh chọn đi, thì rời bỏ cô ấy mới là điều đáng hối tiếc của anh. Cho nên anh chọn ở bên cô ấy. Anh chưa bao giờ phủ nhận rằng anh yêu cô ấy. Nhưng đó là chuyện của riêng anh.


Anh rời ký túc xá B6, nơi một thằng con trai có thể cởi trần chạy từ tầng một lên tầng năm mà không ai dòm ngó. Vẫn những chiều thu yên bình Lê Thanh Nghị lác đác hoa sữa thơm. Vẫn những giảng đường vắng gái cô ấy ngồi cạnh anh môn Tư tưởng Hồ Chí Minh.