Disneyland 1972 Love the old s
Đời vẫn đẹp, chỉ cần ta chịu ngước nhìn

Đời vẫn đẹp, chỉ cần ta chịu ngước nhìn

Tác giả: Sưu Tầm

Đời vẫn đẹp, chỉ cần ta chịu ngước nhìn

(Admin - "Rồi sẽ qua hết, phải không?")


Có phải bàn tay ấm áp này vừa dẫn cô bước qua bóng tối của buồn đau, sợ hãi, cho cô ánh sáng để thấy rõ quanh đây vẫn luôn còn nhiều điều đẹp đẽ, chỉ cần ta ngước mắt lên nhìn.....


***


Bước xuống xe đúng giờ tan tầm chen chúc, hỗn loạn, cô bơ vơ sợ hãi như chú gà con đi lạc. Mọi thứ của Sài Gòn làm cô nghẹn thở vì choáng ngợp .Sự đợi chờ dài ra, như càng dài thêm nữa cô khi mỏi mắt tìm một chấm nhỏ thân quen giữa cả biển mênh mông những chấm đen xa lạ. Chị Hai hẹn 6 giờ mà. Cô nhìn ngã tư ken đặc xe cộ phía trước, thở dài chán ngán.


Đời vẫn đẹp, chỉ cần ta chịu ngước nhìn


Vậy là bắt đầu cuộc sống sinh viên. Cô quen dần với trường mới, lớp mới, những người bạn mới. Quen dần với những con đường khói bụi ồn ào. Cũng quen dần với căn phòng trọ chật chội nóng bức trong dãy phòng trọ công nhân lúc nào cũng ầm ĩ tiếng nói cười, la hét, cãi cọ. Nhưng cô lại không tài nào quen được sự ngột ngạt trong những bữa cơm đơn giản qua loa, không khí lặng lẽ, khô khốc giữa ba con người chỉ gặp nhau vào buổi tối, sau một ngày hai người thì vào ca làm, một người thì đến trường rồi trở về phòng trọ lại đóng chặt cửa, lầm lũi một mình. Chị và anh rể cưới nhau chưa lâu. Họ chỉ là những công nhân bình thường, sống riêng cho mình còn chật vật, thiếu thốn. Bao đêm cô nằm trằn trọc nghe tiếng chị Hai thở dài lẫn vào tiếng rè rẹt khô khốc của cái máy quạt cũ cháy đã sửa đi sửa lại mấy lần. Nỗi bức bối nghẹn trong lồng ngực lặng lẽ vỡ tung thành những dòng nước mắt. Cô lao vào tìm việc làm thêm, đội nắng đến từng shop quần áo hỏi xin chân phụ bán hàng, có lần còn bị lừa đâm đầu vào một công ty bán hàng đa cấp, may mà không mất gì vì thực ra lúc đó cô cũng chẳng còn một xu dính túi. Rồi để đêm về lại nằm nghe tiếng thở dài...


Chị Hai xanh xao, mệt mỏi. Bụng chị càng ngày càng to. Một tối ngồi học bài trong phòng, cô nghe chị hàng xóm hỏi chị Hai:


- N., có em bé rồi phải không?


- Bốn tháng rồi chị.


- Vậy có đi siêu âm, tiêm phòng gì chưa?


- Tiền ăn còn thiếu, tiền phòng còn nợ, đi đâu hả chị...?


Những dòng chữ nhòe nhoẹt tán loạn trước mặt cô.


Một chiều cô trở về phòng trọ, lặng lẽ gói ghém. Lẽ ra cũng nhanh lắm, vì tất cả những gì cô có chỉ vừa đầy một chiếc valy nhỏ mẹ mua cho lúc chuẩn bị đi Sài Gòn nhập học. Nhưng cô quyết định cố ngồi đợi đến giờ tan ca chị về, để nói một lời cho chị yên tâm. Leo lên yên sau chiếc xe đạp của cậu bạn học, nước mắt cô mới bắt đầu rơi. Chắc chị cô cũng đang khóc trong căn phòng trọ đang tối dần.


Cậu bạn tốt bụng chở cô đến nhà trọ hai đứa mới tìm được lúc buổi trưa. Cô lúng túng hoang mang khi chị chủ nhà dáng người phốp pháp, trên mép có nốt ruồi to đen cất giọng chua chua hỏi tiền đặt cọc phòng. Nhìn cô từ đầu tới chân, rồi liếc sang cái gia tài gọn lỏn cô xách trong tay, chị chủ nhà chép miệng: "Thôi, cho em nợ".


Cô vào bán hàng tại quầy hàng lưu niệm trong một trung tâm thương mại lớn. Ngày ngày tối tối đứng nhìn xung quanh mình những thứ đẹp đẽ, lộng lẫy, đắt đỏ đến không tin được, chứng kiến những con người sang trọng vung tiền mua chúng như mua vài cái kẹo rẻ tiền, cô thấy như mình đang đứng từ một thế giớ này nhìn sang một thết giớ khác. Hai thế giới thật khác nhau, mà sự rực rỡ của thế giới bên kia như khiến cô càng muốn co mình sâu hơn vào bóng tối thăm thẳm của thế giới bên này. Cứ thế, ngày làm 8 tiếng, sáng học đến trưa rồi hộc tốc chạy đến chỗ làm, tối lê lết đi bộ về nhà. Rồi cô kiệt sức, ngã bệnh, rồi bị mất việc. Trong cơn nóng sốt, cô hé mắt nhìn tờ lịch trên tường nhắc cô sắp tới ngày đóng tiền phòng, rồi nhìn xuống mấy gói mì cuối cùng nằm chỏng chơ, những gói mì mà cô đã mua để thay cơm từ khi chủ quầy hàng lưu niệm gọi báo cho cô nghỉ việc. Nước mắt cô rơi lã chã xuống gối.


Một tối thật khuya, bà chị chung phòng đi làm về lục cục cởi guốc, thay váy rồi ngồi xuống nhìn cô hỏi:


- Em có muốn đi làm với chị không?".


Cô chớp mắt nhìn mớ váy ngắn lòe loẹt mắc dọc tường phòng, nhìn khuôn mặt chưa rửa hết phấn son của chị.


Chị nhíu mày nhìn cô rồi thở dài:


- Để mai chị xin phép quản lý, rồi hôm sau em cứ theo xem chị thử. Nếu em không muốn làm, không ai ép em được. Đừng có nghĩ vớ vẩn rồi sợ lung tung, được không?


Cô nhẹ gật đầu lí nhí:


- Cảm ơn chị.


Đó là một nhà hàng chuyên ẩm thực Hongkong. Anh quản lý mặt hiền hiền hỏi cô vài câu qua loa em tên gì, bao nhiêu tuổi, quê ở đâu, lúc trước làm gì, còn đi học không...rồi đưa cô quyển sổ ghi order, nói gọn:


- Em thử việc một buổi xem.


Cô lóng ngóng đi theo chị đến khu trực, ngơ ngác nhìn từ khách khứa đang cụng ly đến mấy nhân viên đang tất bật chạy ra chạy vào. Chị nắm nhẹ tay cô rồi nói nhỏ:


- Không sao đâu, có gì không biết chị chỉ em được mà!


Thấy mắt cô ánh lên một nỗi lo ngại khác, chị phì cười:


- Em nhìn kỹ xem. Nhân viên nữ có 2 loại đồng phục khác nhau đúng không. Mình cũng mặc váy, nhưng váy dài đến gối, có tay, có cổ, như mấy nhỏ đang đứng trực bàn đó. Em thấy mấy nhỏ đẹp đẹp đang ngồi không, váy tụi nó ngắn hơn, hở tay, hở cổ, đó mới là mấy đứa chuyên ngồi tiếp khách, dám chiều khách tới bến. Còn chị em mình chỉ lo đồ ăn thức uống cho khách, váy vóc chỉ là thêm khoảng...trưng bày cho vừa mắt khách thôi, vì khách ở đây toàn đàn ông, mà còn toàn ông "bự" nữa, nên nhà hàng phải ra chiêu này để kéo khách thôi, em biết chưa? Hết sợ chưa?".


Cô thở ra nhẹ nhõm rồi tự cười sự ngốc nghếch cả nghĩ của mình. Một người đàn ông bước vào khu cô trực. Chị kéo cô theo, dặn nhỏ:


- Khu chị chưa có khách, để chị trực bàn này dùm cho. Em nhìn theo chị mà làm nghe.


Anh chàng khách mới nhìn cô từ đầu đến chân, chị nhanh miệng đỡ lời:


- Hôm nay em nó mới thử việc ngày đầu tiên nên chưa có đồng phục anh ơi. Um...thực đơn đây, mời anh chọn món".


Gã khách bỗng nhếch cười nham hiểm:


- Vậy sao được, em phải để người mới học việc tự làm thì mới nhanh quen việc được chứ. Quay sang cô, anh chàng khủng khỉnh cười: - Anh rất vui sướng được là người đầu tiên của em....ơ...ừm....ý anh là người khách đầu tiên của em.


Cô mím môi, má nóng bừng.


Anh thành khách quen hay ngồi khu cô trực, dù vẫn hay chê cô cái này không được, cái kia không ổn với giọng hài hước tưng tửng như ngày đầu tiên. Anh thích ăn món nướng, nhưng không chịu để nhà bếp chế biến sẵn rồi mang ra, anh cứ bảo mang lò nướng ra để tự nướng, nhưng anh có thèm nướng đâu. Anh bắt cô đứng đó, nướng cho anh hết cái nọ đến cái kia. Cô nướng bò thì anh chê nướng chín quá nên thịt dai đến nổi làm anh nhai trẹo hết quai hàm. Cô nướng bắp thì anh kêu cô nướng còn sống nhăn, anh ăn vào sôi ruột rồi "thả bom" chắc cả con phố phải bỏ chạy. Cô nướng tôm thì anh kêu hình như cô mang nhầm ra món tôm khô rồi, chứ tôm tươi gì mà lại vừa khô vừa cứng đến mức làm anh suýt mẻ răng. Cô vừa ấm ức lại vừa buồn cười, đôi lần cô rủa thầm sao anh không như mấy ông khách khác, kéo một em váy ngắn ngồi cùng rồi tha hồ mà được phục vụ tận răng thay vì ở đây khăng khăng hành một kẻ chiều khách nghiệp dư. Nhà hàng nhiều cô váy ngắn xinh đến mức làm cô phát ngượng khi đứng gần, chẳng lẽ anh không vừa mắt nổi một cô? Đúng là gã quái tính.


Một tối chị off về quê giỗ mẹ, cô đi làm một mình rồi đi bộ về một mình. Con đường rợp bóng me xanh vừa vắng vẻ vừa mát mẻ lúc 11h đêm, bình thường luôn làm cô thấy thảnh thơi, vui vẻ khi về cùng chị. Hôm nay một mình trên con đường khuya đã hơi thưa người, cô chợt thấy bất an.