Ring ring
Một cách khóc

Một cách khóc

Tác giả: Sưu Tầm

Một cách khóc

"Nhưng không sao cả, mai này nhìn nó, bạn sẽ nhớ một con đường một hàng cây.


Không sao, mười năm nữa cây con cũng vươn tàn ngả bóng. Cổ thụ thì cũng bắt đầu từ những cây nhỏ nhỏ như vầy, bạn nghĩ vậy. Nên vỉa hè trước nhà đã chật mớ cây mà bạn nhặt nhạnh từ những nơi có cổ thụ bị bức tử.


Có quá nhiều thứ để chia tay vào những ngày thành phố đâu đâu cũng tung tóe như một đại công trường. Mầm chia ly lẫn trong khói bụi, những đào dỡ, những san ủi, những bản vẽ quy hoạch trên giấy. Tính bạn đa sự mặc sức mà thương..."


***


Một cách khóc


Bạn tìm được cây me nhỏ dưới chân bồn hoa ở con đường ven sông. Vào một ngày nắng nỏ, ai qua đây cũng bồi hồi, ngày mai người ta kéo cưa máy về để dọn sạch hàng dầu gần hai trăm năm tuổi. Dầu không đẻ me, nên cây mà bạn nhổ được chắc mọc tình cờ từ một hạt rớt rơi. Nhưng không sao cả, mai này nhìn nó, bạn sẽ nhớ một con đường một hàng cây.


Không sao, mười năm nữa cây con cũng vươn tàn ngả bóng. Cổ thụ thì cũng bắt đầu từ những cây nhỏ nhỏ như vầy, bạn nghĩ vậy. Nên vỉa hè trước nhà đã chật mớ cây mà bạn nhặt nhạnh từ những nơi có cổ thụ bị bức tử.


Có quá nhiều thứ để chia tay vào những ngày thành phố đâu đâu cũng tung tóe như một đại công trường. Mầm chia ly lẫn trong khói bụi, những đào dỡ, những san ủi, những bản vẽ quy hoạch trên giấy. Tính bạn đa sự mặc sức mà thương.


Nhưng qua rồi quãng bày tỏ thương bằng thơ, hay bằng chữ nhỏ ra trên giấy. Hồi người ta dẹp chợ Nhà Lầu cùng với công viên đằng trước nó lấy chỗ cho cao ốc sáu tầng mọc lên vắt bóng qua tận bên kia sông, trước khi xe ủi san phẳng, nhà chức trách tổ chức trưng cầu dân ý, một trăm người đòi giữ lại cả trăm. Phản hồi cột tin tháo dỡ chợ trên nhật báo có cả ngàn bạn đọc khác cũng bảo chợ là ký ức, linh hồn thành phố, thiếu cha gì chỗ để trồng tòa nhà lên, sao cứ phải trên xác chợ Nhà Lầu. Có người viết bài báo hàng ngàn chữ, nói chuyện bên tây bên tàu người ta nhã nhặn và nâng niu với ký ức ra sao.


Nhưng rốt cuộc, chợ cũng thành đống gạch vụn, vườn cây cổ thụ thành củi vụn. Hôm nhìn mấy chị tiểu thương nức nở khi cánh cửa chợ sập xuống, bạn nghĩ nước mắt đó đâu chỉ khóc cho cái chợ mà gần như cả cuộc đời họ neo theo, nó có bao nhiêu lam gió, có bao nhiêu chỗ dột, có bao nhiêu cây cột, thông thuộc còn hơn nhà mình. Họ còn khóc cho chính họ, gào khản giọng mà không được lắng nghe. Sờ sờ ra đó mà bị tính như vắng mặt.


Nước mắt sẽ chẳng thay đổi được gì, nếu nó bị coi như vô hình.


Cũng không phải tự dưng mà bạn nghĩ ra chuyện trồng cây. Có lần đem sửa đồng hồ ở chỗ một anh thợ quen, anh nói hên quá, cô tới trễ chắc không biết đâu tìm, ngày mai tôi dời tủ đi nơi khác, tránh chỗ cho Nhà nước bật gốc hàng me của khúc đường này.


Anh kể hổm rày người ta rần rần tới tiễn cây. Họ đi chậm rãi, ôm gốc cây, đưa điện thoại nhờ anh chụp hình.


Có người còn rờ lớp vỏ cây đã rêu mốc, miệng láp giáp kể chuyện tình, hồi xưa tôi với bồ hay ra đây chơi, lần đầu hôn hít con gái run như đuôi thằn lằn đứt. Có người tần ngần đảo xe vài lượt mới chịu đi, làm bảo vệ mấy tòa nhà bên kia đường ngó lom lom, bởi tụi trộm cướp thường làm vậy.


"Thiên hạ quỡn thiệt, chắc là dư nước mắt", anh thợ đồng hồ cười. Một cái cười hơi khó cắt nghĩa. Chỉ chắc chắn là không quá nhiều cảm tình cho những ai tới ôm cây. Trước khi bám lề đường, anh cũng có hai năm kê tủ thợ bên hông chợ Nhà Lầu. Cái chợ đó được thương không thua gì hàng me này đâu, anh kể, lại cười.


Muốn hỏi sao anh có vẻ không ưa mấy nước mắt khóc cổ thụ, khóc cái chợ cũ nát, thì anh đã lảng qua chuyện khác. Ông già sửa giày ngồi gốc cây bên kia không biết đau ốm gì mà cả tuần rồi không thấy ra. Thằng nhỏ thợ hồ hay ăn cơm hộp rồi dựa gốc me chợp mắt, bữa trước nghe nói té giàn giáo gãy chân, giờ không biết sao rồi. Lâu quá không thấy hai cha con ông đẩy chiếc xe bán nước mưa, ống quần lúc nào cũng ướt sũng.


Chuyện có vẻ như rời rạc như cơm nguội phơi khô, như nhớ gì nói nấy. Những người quen anh thợ đồng hồ đang nhắc, coi bộ cũng không có mối liên hệ gì nhau, ngoài một điểm chung duy nhất: biến mất. Không cặn bụi. Không dấu tích. Mà chẳng thấy ai thương níu như những gì dành cho cái chợ, đường tàu sắt cũ bị bỏ rơi, một ngọn núi nung vôi hay nay mai là hàng cây cổ thụ này. Hoặc có nhớ, thì cũng lẻ tẻ âm thầm, như anh nhớ họ. Mà anh đâu có biết viết báo, làm thơ.


Những thân phận đó không gây được cơn sóng nhớ tiếc nào, chắc anh thợ khóa nghĩ vậy, khi ngồi nhìn cuộc tiễn cây. Chắc từ khi nhật báo đăng tin con đường này sẽ phát quang nới rộng, anh chưa nhận được câu nào mang tính thăm hỏi kiểu như gốc cây anh đang dựa dẫm bị cưa trụi rồi, anh sẽ dời đi đâu?


"Đâu cũng được, nhưng phải chỗ có cây thì đỡ nắng", câu trả lời đơn giản của anh thợ đồng hồ đưa bạn tới ý nghĩ kiếm cây về trồng.


Trong lúc anh thợ sửa đồng hồ hay bà già bán chuối ngào đường đằng kia nghĩ ra cách để được người ta nhìn thấy (mà không phải tẩm xăng để tự đốt cháy mình), những thân phận bị coi như vô hình đó cần nhiều bóng mát cho cuộc mưu sinh.


Nguyễn Ngọc Tư