Insane
Sương mù vùng Đông Bắc

Sương mù vùng Đông Bắc

Tác giả: Sưu Tầm

Sương mù vùng Đông Bắc

Đêm đó chỉ mình A Đông thoát được, thoát chết nhưng sau đó thành nô lệ cho lũ người Tàu man rợ, trong tâm khảm nó cái chết có lẽ còn dễ chịu hơn gấp ngàn vạn lần...


***


Dạo ấy, ở vùng Đông Bắc lạnh lắm, sáng sớm trời còn mờ mịt tối, sương mù giăng trắng xóa khắp các con đường.


 - A Đông này, liệu năm nay ta có được về không nhỉ?


 Giang len lén nhìn tôi, trong khi vẫn đăm chiêu suy nghĩ. Nó rít một hơi thuốc thật dài, miệng phà khói hòa vào làn sương mù dày đặc.


 - Tao cũng không biết, mà mày còn có chốn để về, tao thì...


 Tôi gượng gạo lắc đầu, hít một hơi lạnh lùa vào tận phổi, sáng sớm cơn buồn ngủ vẫn còn đeo bám con người ta. Ngáp khan mấy cái rồi tôi vỗ vai Giang:


 - Biết đến bao giờ, tao thèm cái bánh chưng xanh cái mùi hương trầm ngày tết lắm.


 Im lặng...


 Tôi cũng chẳng biết nói gì thêm, lâu lâu lại có tiếng chim kêu quang quác thảng thốt nơi khu rừng bên dưới. Thằng Giang lặng yên hút thuốc, giờ nó cứ nhìn xa xăm vào cõi mờ mịt phía trước khu rừng tối om mặt đất sa đầy sương như trong chốn âm tào, nó lại nhớ những ngày bình yên bên gia đình, nhớ cái cảnh đông vui quây quần ấm áp; ôi trong lòng nó đang được sưởi ấm, cái giá rét như sắp tan đi, giá mà có ai đó ở đây bên cạnh vỗ về...


Sương mù vùng Đông Bắc


 - Thôi, tao ra bãi, mày cứ ngồi đây lát tao mang cháo xuống.


Tôi đập vào lưng Giang, nó giật mình dường như tỉnh mộng, hút nốt hơi thuốc rồi cũng đứng lên nói:


- Tao đi với mày, ngồi đây mà cô đơn chết à?


Cả hai cùng cười to một tiếng rồi khoác vai nhau đi xuống sườn dốc...bên kia, khu rừng vẫn yên ắng như thế.


 Đến giữa trưa mặt trời mới lên đến đỉnh đầu, sương đã tan hết nhưng hơi lạnh thì chưa dứt. Tôi bỏ búa xuống thở phù một hơi, làn khói mỏng vật vờ như sắp rơi xuống đất. Bên kia Giang vẫn hăng say đập, phiến đá to đã mẻ gần hết một nửa.


- Nghỉ tay tí đã, tay tao phồng rộp hết rồi.


 Tôi gọi to sang phía nó rồi châm điếu thuốc hút.


 - Hôm nay bọn nó nghỉ hết, còn mỗi hai anh em mình thôi A Đông ạ!


 Giang tháo bao tay dày cộp rồi dụi mắt, bụi đá còn phảng phất tóc bạc trắng.


 - Bọn nó đi chơi chợ biên rồi, giờ tao với mày mà đi thì lấy ai làm, tối về lại nhịn đói tao không chịu được.


 Tôi nhả khói thuốc bay lơ lửng, mắt lim dim.


 - Mặc kệ đi, tao còn năm tệ, lo gì.


 - Mày còn tao không còn chắc, nhưng phải để dành, nhỡ đâu...


 - Thôi, hôm nay thả phanh đi.


 Tôi đang lưỡng lự, thì bị nó kéo bổ nhào về phía trước.


 - Đi thôi, hahaha.........


***


Năm đó, vào một buổi chiều cuối đông, cũng không rõ là vào ngày tháng nào, chỉ nhớ cây hoè trước nhà hoa vừa tàn. A Đông còn đang lúi húi cho gà ăn sau vườn thì nghe có tiếng la hét thất thanh, vứt vội cái bát xuống đất nó chạy đi xem, nhưng mới ra đến đầu cổng đã thấy một đám người đang giằng co:


 - Thả tao ra, thả ra, thằng chó Tàu....


 Nó thấy thím Liên đang nắm tay chú Tư mà kéo, còn chú Tư thì bị mấy thằng Tàu lôi đi. Cũng chẳng hiểu đầu đuôi ra sao, nhưng nó biết là có chuyện chẳng lành, A Đông vội chạy vào kể cho ba mẹ rồi cả nhà khép cửa thật chặt chẳng ai dám ló mặt ra ngoài. Đâu chỉ nhà nó, cả làng nhà ai chẳng như vậy, cũng chẳng ai biết lí do, nhưng tối hôm đó là buổi tối định mệnh là cái đêm cuối cùng mà nó còn biết đến hai chữ GIA ĐÌNH. Tiếng la hét thất thanh, tiếng súng ầm ỹ, trong đám lửa rừng rực nó nhìn thấy khuôn mặt bố mẹ nó lần cuối, cả làng chìm trong khói lửa mù mịt, khói đen đặc kịt như những linh hồn ai oán vì tận số, vì tội ác tày trời của những thằng Tàu khốn nạn.


Đêm đó chỉ mình A Đông thoát được, thoát chết nhưng sau đó thành nô lệ cho lũ người Tàu man rợ, trong tâm khảm nó cái chết có lẽ còn dễ chịu hơn gấp ngàn vạn lần...


...


- Mày sao thế A Đông?


Thằng Giang hình như rất vui, lâu lắm chúng nó mới có một ngày nghỉ, cũng là do đám cai bãi ngừng dám sát nên hôm nay chẳng đứa nào thèm làm, giáp tết bọn chúng về nhà ôm con vợ bắt dân lao động phải đập đá làm công trình, cuối ngày chúng đến kiểm tra rồi trả công bèo bạc. Hôm nay đã 29 tết.


Tôi thở dài một cái, tay đút túi áo mà vẫn lạnh cóng, cái lạnh đã thành trường niên ngấm vào máu. Khoác vai thằng Giang đi lênh khênh trên đường núi hai thằng nghêu ngao hát, tôi lại nhớ cái ngày xưa thuở gia đình tôi còn sung túc, anh em họ hàng vẫn thường đến nhà tôi dịp tết và lũ chúng tôi luôn là một tiểu đội quậy phá: thằng A Đông hồi ấy gầy gầy, mặt mũi còn nhọ nhem và hàm răng sún chứ không cao to vạm vỡ như bây giờ...


Xa xa đã thấy tiếng leng keng, tiếng người nhao nhác của phiên chợ, thằng Giang phấn khích hẳn, tôi cũng thấy trong lòng có gì đó nao nức cứ như những ngày xuân đi chợ tết cùng mẹ thuở bé, những kí ức cũ ấy cứ bám riết lấy tôi mãi, thật lạ. Chợ biên ngày tết vô cùng đông vui, người mua kẻ bán tấp nập, chúng tôi tấp vào một quán hàng trong chợ để ăn trưa, bát cháo loãng lúc sáng không đủ làm ấm bụng, khi nãy đi trên đường không có cảm giác giờ mới ngồi xuống đã thấy tay chân bủn rủn. Thằng Giang gọi bốn cái màn thầu, nhìn người ta ăn toàn màn thầu nhân tôm, nhân thịt còn hai thằng chúng tôi chỉ dám gọi bốn chiếc màn thầu trắng, khi bánh đem ra thằng Giang vội chộp lấy hai cái màn thầu của nó nhai ngấu nghiến, dường như đã đói lắm rồi, tôi cũng cầm một cái lên bỏ vào miệng cắn một miếng, vừa ăn vừa đọc thực đơn đưa cùng lúc bốn cái màn thầu...đọc đến gần cuối tôi hơi bất ngờ, đọc đi đọc lại tôi vẫn không tin vào mắt mình dòng chữ "bánh đúc" viết bằng tiếng Việt mạ đỏ chói.


Nuối vội miếng bánh tôi vỗ vai thằng Giang vẫn đang liếc ngang dọc thòm thèm.


- Này. Mày nhìn xem!


Nó giật cái thực đơn từ tay tôi, miệng suýt xoa như muốn ăn tiếp, khi đọc đến mấy dòng cuối nó cũng giật mình.


- Không lẽ...


Giang lúng búng trong mồm, nó còn chẳng thốt lên nổi. Tôi cắt đứt câu nói của nó:


- Tao với mày cứ gọi thử thì biết.


Nó cũng gật đầu đồng ý. Vừa xong tôi vọng vào quán gọi rõ to bằng tiếng Việt:


- Bà chủ! Cho hai suất bánh đúc.


Vừa nghe tiếng gọi đồ ăn chủ quán từ đằng sau đi tới - là một phụ nữ trẻ, mái tóc bới cao, mặt mũi sáng sủa; mới nhìn tôi cũng không nghĩ cô là bà chủ của quán ăn nhỏ này cho đến khi cô cất lời:


- Hai vì vừa gòi bảnh đục phại không ạ?


Giọng cô nói không rõ nhưng tôi vẫn nghe ra, thằng Giang gật đầu. Cô ta hào hứng hơn một chút:


- Hai vì cụng là người Viểt?


Lần này thì tôi gật đầu, vẻ mặt bà chủ tiệm dãn hẳn ra, ở nơi đất khách quê người mà gặp được đồng hương thì thật ấm lòng, chẳng qua từ lúc đến đây chúng tôi cứ dùng tiếng Tàu gọi đồ ăn nên cả hai bên đều không nhận ra, vẫn bằng giọng nói trọ trẹ cô bảo chúng tôi:


- Hai ăn lên lậu đi.


 Nói rồi cô dẫn đường đi trước, bọn tôi theo sau. Trên lầu có một bộ bàn ghế, một chiếc giường đôi xung quanh trang trí rất đơn giản, chắc là phòng ngủ của cô.


- Hai ăn ngội xuổng ghể đi.


 Cô đã đổi cách xưng hô từ khi biết chúng tôi là người Việt, tuy chưa gặp bao giờ nhưng ở cô có điểm gì đó khiến tôi thấy rất thân quen, có thể là hình ảnh của một phụ nữ Việt Nam dịu dàng chất phác mà tôi vẫn luôn lưu giữ trong trí nhớ. Cô nhẹ nhàng ngồi xuống bên cạnh chúng tôi và tự giới thiệu mình tên là Wang Fei tên gốc Việt là Phương, cô đã theo bố mẹ sang đây từ bé, năm mười lăm tuổi thì bố mẹ cô qua đời vì tai nạn giao thông, rồi được một gia đình người Hoa nhận nuôi, cho đến khi cô mở tiệm bán đồ ăn nhỏ ở chợ biên này.


- Bao lâu nay tôi vận mong gặp được động hương. Giợ cỏ cảc ăn ợ đây tôi vui lặm.


 Phương cười cũng xinh như bao cô gái khác, có lẽ vì trong cái thời điểm cuối năm mọi người đoàn tụ này trong cô cũng có chút gì đó ham muốn một gia đình, một mái ấm đó là cái hi vọng đã bắt đầu từ khi cô mất đi những người thân yêu nhất.


- Quán này chỉ một mình cô bán thôi à?


Tôi nhẹ nhàng hỏi, trong khi thằng Giang đang hì hục ăn đĩa bánh đúc cô chủ quán mới mang lên.


- Một mịnh tôi, cô đơn lặm.


Cô nói rồi lặng đi một hồi..., tôi cũng chẳng biết nói gì, cứ nhìn mông lung bên ngoài cửa sổ, bên ngoài chợ không khí tấp nập mà trong phòng lại thật căng thẳng, một tia sáng yếu ớt từ bên cửa sổ chợt rọi lên mặt Phương nỗi lo toan phiền muộn, thứ mà ở tuổi này không đáng có với một người như cô.