Lối về

Lối về

Tác giả: Sưu Tầm

Lối về

Sau hơn hai năm làm công nhân, ước mong thoát khỏi làng quê mà rôi giờ đây tôi chẳng thể thoát được. 


***


Lớp 12 năm ấy, cả làng chỉ có ba đứa con gái chúng tôi thi. Hôm ba đứa đi xem kết quả thi về đến nhà Lan, biết tin ba đứa đều đỗ vậy là không để cho chúng tôi về, bố mẹ Lan giữ chúng tôi ở lại mổ gà, làm cơm mừng chúng tôi thi đỗ. Suốt bữa mẹ Lan luôn tay gắp thức ăn cho ba đứa và bảo:


- Bác rất mừng ba đứa đỗ cả. Làng ta lâu lắm rồi giờ lại có người học hết cấp 3, nhưng đây mới là thắng lợi bước đầu, tương lai của ba đứa còn chờ vào kì thi đại học sắp tới nữa, ba đứa phải gắng lên nhé!


Nghe mẹ Lan nói, Hoè vốn là đứa nhanh nhảu, mồm mép láu lỉnh liền nói:


- Lan và An học khá còn hy vọng vào đại học được chứ cháu thì khó lắm bác ạ!


- Khó mới phải cố chứ cháu, học tài, thi phận biết thế nào mà nói trước, nhưng nói gì thì nói ba đứa phải bằng mọi cách thoát ra khỏi cái làng này. Chứ cứ quẩn quanh ở nhà thì công học hành uổng phí hết sao? Ở quê làm kiếm đủ miếng ăn cực nhọc lắm các cháu ạ !- Bố Lan giảng giải.


Lối về


Niềm vui kéo dài chẳng được bao lâu, kì thi đại học năm ấy ba chúng tôi đều trượt, hôm nhận phiếu báo điểm, ba đứa chúng tôi ôm nhau khóc dòng. Mẹ tôi thương lắm, bà bảo ba đứa:


- Thôi đằng nào thì sự cũng đã rồi, khóc mãi thế cũng làm được gì, thua keo này, ta bày keo khác, năm nay không đỗ sang năm thi lại, không thì đi công nhân, đi học nghề miễn là các cháu thoát ly được cảnh nhà nông chân lấm tay bùn này.


Cùng chung nỗi buồn khiến ba đứa chúng tôi trở nên gắn bó thân thiết với nhau hơn. Ba chúng tôi thấm nhuần lời dạy của bố mẹ là phải bằng mọi giá thoát khỏi làng quê. Cái làng Bần của tôi mới chỉ nghe thôi đã thấy chán, ngay từ ngày biết cái chữ và hiểu được cái nghĩa của chữ "bần" tôi đã hỏi bà nội "vì sao làng mình lại gọi là làng Bần?" Khi đó bà tôi cười móm mém, bà thong thả nhả miếng trầu ra khỏi miệng rồi bào:


- Điều này dễ hiểu thôi, cháu thấy đấy, đất làng ta toàn sỏi đá, cái cuốc bổ xuống nẩy bật lên làm tê dại cả cánh tay, sợi dây lang trồng xuống cứ dớt ra không mọc lên nổi, cây sắn mọc lên mảnh như thân sậy, củ chẳng thấy đâu chỉ toàn những rễ, còn ruộng thì chiêm khê, mùa thối, chăm bón đủ đằng mà cây lúa cũng chẳng chịu cho nhiều hạt mẩy, bởi vậy dân làng cứ nghèo, cứ đói quanh năm, nên người ta gọi làng mình là làng Bần.Bần có nghĩa là nghèo, là túng bấn đó cháu à! – Bà nói thế và thở dài, tay lại tiếp tục giã cối trầu mới.


Thời đổi mới, nhà máy, xí nghiệp mọc lên như nấm, nhu cầu tuyển dụng lao động vì thế cũng tăng lên, đài báo đua nhau đưa thông tin tuyển dụng lao động. Tôi, Hoè và Lan liền bàn nhau xin đi làm. Các công ty thì nhiều, họ hứa hẹn cũng vô cùng hấp dẫn, nhưng chọn công ty nào thì chúng tôi cũng không biết thế nào cả, chỉ nhắm vào mức lương họ nêu ra để lựa chọn mà thôi, còn công việc ra sao chúng tôi mù tịt không hình dung nổi. Đang lúc chúng tôi băn khoăn không biết chọn chỗ nào cho thích hợp thì bà dì của tôi lấy chồng dưới Hải Phòng bất ngờ lên nhà nhờ bố tôi dẫn đi lấy thuốc chữa gan cho con. sau khi bố đưa dì đi lấy được thuốc về, biết bọn tôi muốn đi làm, dì bảo tôi:


- Các cháu muốn đi làm dì sẽ giúp, nhưng các cháu thích làm giày hay làm may? Dưới Hải Phòng hiện có rất nhiều các xí nghiệp cần tuyển người, lần này về dì sẽ đi hỏi, chỗ nào thuận tiện dì sẽ xin cho. Các cháu cứ chuẩn bị sẵn giấy tờ đi, lần sau lên ta đi luôn thể.


Nghe dì nói thế ba chúng tôi mừng vui khôn tả, chúng tôi mường tượng ra trước mắt những viễn cảnh đẹp đẽ. Nay mai chúng tôi sẽ là công nhân, sẽ làm ra tiền, sẽ được sống nơi phố phường hiện đại, chấm dứt cảnh chân lấm tay bùn...Chúng tôi hồi hộp và háo hức đợi chờ... Rồi chẳng phải chờ lâu, một tuần sau tôi nhận được thư của dì, trong thư dì nói rõ, hiện có 3 cơ sở cần tuyển thêm người đó là một xí nghiệp giày da và 2 xí nghiệp may, dì bảo: làm ở xí nghiệp may công việc nhàn nhưng lương thấp hơn, còn xí nghiệp giày làm vất vả nhưng lương cao hơn. Cuối thư dì dặn làm hồ sơ sẵn, cuối tuần sau dì lên đón. Được tin cả ba đứa chúng tôi mừng quýnh, liền đến nhà Lan làm hồ sơ rồi ra xã chứng thực, mọi việc chúng tôi làm xong chỉ trong một ngày. Mẹ Lan hỏi ba đứa:


- Thế ba đứa xin làm may hay làm giày?


Hoè hăng hái chìa hai bàn tay chắc nịch ra trước mắt mọi người nói rất tự tin:


- Thưa bác chúng cháu quyết định rồi, chúng cháu thích làm việc gì kiếm được nhiều tiền bác ạ !Vì thế chúng cháu sẽ đi làm giày, nghe nói vất vả nhưng lương cũng khá hơn, còn bác đừng lo, con gái 18 như bọn cháu không xá gì vất vả cả.


Lan nhỏ nhắn và xinh xắn nhưng rắn rỏi không kém, thấy Hoè nói vậy nó cũng nói:


- Mẹ yên tâm, vất vả cùng lắm cũng như công việc nhà nông là cùng, dầm mưa, dãi nắng chúng con còn chịu được huống hồ đây làm trong nhà xưởng, mưa không tới mặt, nắng không tới đầu thì có ngại gì?


Dù rất hy vọng nhưng bố mẹ tôi vẫn lo cho chúng tôi bởi lẽ từ nhỏ tới giờ chúng tôi đã được đi đâu xa bao giờ, chỉ quẩn quanh ở làng, xa lắm là một vài lần lên tỉnh, sáng đi tối về, chuyến đi xa nhất của ba chúng tôi là chuyến về Hà Nội thi đại học vừa rồi. Mẹ tôi cũng bồn chồn lo lắng không kém, mẹ dặn dò tôi đủ thứ, từ đi lại, nói năng đến chuyện con gái phải giữ gìn...Rồi ngày lên đường cũng đến, đúng hẹn dì lên đón chúng tôi. Bố tìm người đến bán đàn lợn con mặc dù chưa đến ngày xuất chuồng, dồn dịch được hơn một triệu đồng, bố đưa cho tôi mang theo để chi tiêu cho những ngày đầu xa nhà. Bố bảo tôi:


- Con đi cố chịu thương, chịu khó mà làm lụng cho bằng chúng bạn, bố mẹ chỉ có độc mình con, bố mong con ra ngoài sau này đỡ phần lam lũ, khổ cực, là phận gái, con phải biết giữ gìn mọi nhẽ, bố mẹ không thể ở bên con mãi được, bố nói vậy con hiểu cho lòng bố!


Tôi nhìn bố mắt đỏ hoe, bố cố giấu những giọt nước mắt không cho nó trào ra. Mắt tôi cũng đẫm lệ. Ba chúng tôi chia tay gia đình, xóm làng và người thân trong sự lưu luyến ngập tràn. Ông trưởng xóm nhìn cảnh bịn rịn ấy không kìm được lòng ông thở dài nói:


- Lũ trẻ làng Bần này hễ đứa nào nào học được cái chữ, hiểu biết ít nhiều là đều tìm cách đi khỏi làng, rồi đây cánh già chúng mình chẳng biết sẽ dựa vào ai đây?!


Xe đưa chúng tôi xa dần làng quê, tôi thấy nao nao trong lòng một cảm giác buồn! Tôi tự hỏi: "Tôi đang đi đâu, về đâu?! Đây là chuyến đi cho một tương lai mới hay là chuyến trốn chạy của những đứa con bội bạc nhằm thoát khỏi nơi làng quê nghèo khó của mình?!" Câu nói của ông trưởng xóm làm tôi day dứt quá, nước mắt cứ trào ra, chưa bao giờ tôi thấy thương mọi người như lúc này. Ngồi ở hàng ghế trên Hoè và Lan cười nói huyên thuyên, hai đứa rất háo hức. Về đến nhà dì đã nhá nhem tôi, cơm nước xong dì đưa ba đứa lên gác ngủ, dì tự tay mắc màn, bật quạt cho ba đứa. Xong dì nói:


- Các cháu cứ nghỉ ngới cho lại sức, mai dì bảo em dẫn đi thăm cảng cho biết, ngày kia dì sẽ đưa các cháu đến nơi xin việc.Xí nghiệp ấy cách đây 3 cây số, đi lại có xe buýt rất tiện. Thôi các cháu nghỉ đi.


Lần đầu xa nhà, mặc dù cuộc hành trình trên 300 km khá mệt mà tôi chỉ chợp mắt được một lát rồi không tài nào ngủ được nữa, cái Lan nằm giữa cũng giống tôi, thấy tôi cựa mình luôn, nó biết tôi không ngủ được bèn thì thầm hỏi tôi:


- Thế nào mày cũng không ngủ được à? Không biết ngày kia đến đó sẽ thế nào nhỉ? họ sẽ cho mình làm gì? Liệu ba đứa có được làm cùng nhau không? Rồi mình sẽ ở đâu?


- Tao lạ nhà không ngủ được! Mọi chuyện tao cũng chẳng biết ra sao nữa. Nhưng làm gì thì làm, ba đứa dứt khoát phải ở cùng nhau.


Bên cạnh Lan, cái Hoè vô tư ngủ ngon lành, thi thoảng nó trở mình lại đưa chân gác lên người Lan, không chịu được Lan lại đẩy chân nó xuống, miệng lau bàu...Mãi gần sáng mệt quá chúng tôi mới thiếp đi được một lúc...


Nhờ dì nên ba chúng tôi được tiếp nhận vào làm việc luôn, theo nguyện vọng của chúng tôi, xí nghiệp sắp xếp cho ba đứa làm cùng một phân xưởng. Nộp giấy tờ xong chúng tôi được đưa đi học việc 15 ngày, công việc đơn thuần chỉ là những thao tác tay chân đơn giản lặp đi, lặp lại không mấy khó khăn đối với cánh con gái chúng tôi, học việc về chúng tôi được đưa vào xưởng tham gia dây chuyền sản xuất. Những ngày đầu làm quen với máy, với bằng chuyền chúng tôi thích thú vô cùng. Hết ca, ba đứa dắt tay nhau thong dong về nhà trọ, đứa đi chợ, đứa xách nước, đứa vo gạo, loáng cái, ba đứa tắm rửa xong là ngồi vào mâm, vừa ăn, vừa cười nói râm ran. Cuộc sống mới lạ khác hẳn ở nhà khiến chúng tôi rất thích thú. Cả ba đều nghĩ là từ nay mình đã là công nhân, có lương hẳn hoi, chủ nhật, ngày lễ được nghỉ ngơi thoai mái, áo quần xênh xang, khác hẳn ở nhà. Trong niềm phấn khích đó ba đứa cùng viết thư về nhà cho bố mẹ, lời lẽ trong thư đứa nào cũng ca ngợi hết lời về cuộc sống nơi phố phường, tôi tin khi nhận được thư của chúng tôi mọi người sẽ mừng lắm.


Nhưng rồi sự háo hức, vui vẻ ban đầu ấy cũng nhanh chóng qua đi, thay vào đó là sự mệt mỏi và căng thẳng ngày một gia tăng, bởi khi ở nhà làm việc tự do, cho dù có vất vả nhưng công việc luôn thay đổi và đi muộn, về sớm tuỳ thuộc ở mình. Còn giờ đây là công nhân đứng trong dây chuyền, một ca làm việc 8 tiếng mà chỉ có lặp đi, lặp lại một thao tác, mới đầu tưởng chừng đơn giản vậy nhưng cứ làm mãi nó đâm nhàm chán, tư thế động tác trở nên gò bó, đơn điệu, tôi thấy mệt mỏi vô cùng, những nụ cười tắt dần trên môi mỗi người sau mỗi ca làm việc, thay vào đó là những cái ngáp dài mệt mỏi, bữa ăn của chúng tôi cũng trở nên buồn tẻ và ngày càng đạm bạc hơn vì giá cả sinh hoạt ngày thêm dắt đỏ. Cái Hoè bẻm mép nhất, thế mà giờ đây về nhà hễ ăn cơm xong là leo ngay lên giường ngủ một lèo như chết, chẳng thèm trò chuyện, tán tỉnh gì sất. Về cuối năm chủ hàng thúc ép thời gian giao hàng, nhà máy yêu cầu cầu công nhân làm tăng ca, tăng giờ khiến tôi thấy mệt mỏi rã rời. Đã mấy tháng rồi chúng tôi không viết thư về nhà. Mặc dù không đứa nào nói ra nhưng trong thâm tâm chúng tôi đã thật sự thấy chán nản. Nhiều đêm mưa không ngủ được ngồi bên cửa sổ nghe mưa rơi tôi thấy nhớ nhà, nhớ mẹ vô cùng. Tôi mường tượng ra cảnh giờ này trong đêm mưa ở nhà bố mẹ chưa ngủ, bố đang tìm cách che chắn lại chỗ mái hổng cho đàn lợn nái, mẹ lại tất bật khuân vác đống củi ngoài vườn vào bếp cho khỏi ướt...Sao những lúc ấy tôi chỉ muốn mình có cánh bay ngay về giúp mẹ. Tôi ngồi câm lặng nghe mưa rơi mà thấy lòng nặmg trĩu. Vọng trong dêm mưa tiếng máy chạy ầm ì, không gian như nhão ra não nề, ảm đạm. Ở giường bên Lan bỗng thức giấc, nó nhổm dậy hỏi tôi:


- An à! Mày lại nhớ nhà phải không? Thôi gắng mà chịu, tết về cả thể. Tao cũng nhớ bố mẹ và thằng Lâm lắm nhưng tao nghĩ "bước chân đi, cấm kì trở lại"phải cố chịu thôi chẳng còn cách nào khác! Thôi tắt đèn vào ngủ với tao, mai còn phải làm tăng ca đấy!


Nghe Lan, tôi tắt đèn vào giường ôm nó mà lòng cứ thổn thức mãi.


Thấm thoắt chúng tôi đã một cái tết ở nhà máy, thời gian không dài nhưng cũng đủ cho chúng tôi lớn lên về mọi mặt, trong những ngày đầu xa quê nhờ có nhau mà chúng tôi đã trụ vững được trước những khó khăn, thử thách của cuộc sống nơi phố phường xa lạ với bao cám dỗ. Chúng tôi hiểu đó chưa phải là đã hết, mọi sự mới chỉ là bắt đầu...


Mừa mưa bão đã đến, căn nhà trọ chúng tôi ở luôn ngập nước, công việc nơi nhà máy vốn đã căng thẳng, mệt mỏi, giờ lại thêm những đêm mưa ba đứa phải thay nhau thức canh chừng nước lên làm chúng tôi bị suy sụp sức khoẻ nghiêm trọng. Sau bao đắn đo, cân nhắc ba chúng tôi quyết định chuyển chỗ trọ để tránh cảnh úng lụt. Chúng tôi thuê chỗ ở mới, chỗ ở tuy cao ráo nhưng hẹp hơn chỗ ở cũ và tất nhiên giá cũng đắt hơn nhưng điều làm chúng tôi lo ngại hơn cả đây là khu trọ đông người, việc ăn ở, quan hệ sẽ rất khó tránh khỏi và chạm, sô sát, bởi dân tứ xứ về đây. Tệ nạn xã hội ngày một gia tăng. Chúng tôi vừa dọn đến ở được ba ngày thì ngay ngày thứ tư kẻ trộm đã bẻ khoá vào phòng chúng tôi lục lọi lấy đi tất cả những gì mà chúng tôi có, rất may tiền của ba đứa đều đem gửi chỗ dì tôi nên không bị mất. Tối ấy Lan buồn bã nhìn căn phòng trống hơ, trống hoác, nó ôm lấy tôi và Hoè nức nở, Lan không muốn ở lại nữa nó bảo:


- Cũng là con người, đi chơi nhỡ độ đường hay đi du lịch trọ lại một vài ngày là cùng, bọn mình gắn bó với nhà máy thế này chả nhẽ cả đời ở trọ mãi sao?! Ky cóp làm lụng để rồi chỉ một lúc trộm khuân đi sạch thế này thì làm để làm gì?! Sao thân phận bọn mình nó khổ thế này! Ở nhà thì cam chịu thân phận con cua, cái ốc, đến đây lại thành thân con dã tràng, thôi ta về đi!


Phải khó khăn lắm tôi và Hoè mới giữ được Lan ở lại. Nhưng đó chính lại là sai lầm lớn của chúng tôi, cho đến giờ tôi vẫn còn day dứt không nguôi. Sau ngày bị mất trộm, Lan buồn chán nghỉ ở nhà 5 ngày liền không đi làm, vậy là hôm Lan đến làm thì giám đốc đã quyết định cho Lan thôi việc với lý do vô kỷ luật, mặc dù chị em chúng tôi hết sức trình bày, thanh minh cho Lan những không được. Trở về nhà trọ, buồn chán vì không biết xin việc ở đâu, Lan lang thang ra phố chợ, nơi mà hàng ngày chúng tôi vẫn lui tới mua bán, Lan gặp Tuyết một người bán hàng tạp hoá, trông dáng mặt thất thần của Lan, Tuyết đoán ngay Lan đang có chuyện không vui, là chỗ mua bán quen biết lâu nay, Tuyết hỏi Lan:


- Sạo lại nghỉ làm thế này? Bị đuổi việc hả?


Hỏi thế vì Tuyết đã quá quen với cảnh các cô gái bị đuổi việc ở mấy xí nghiệp này, tháng nào chẳng có vài cô, cậu. Thấy Tuyết hỏi vậy Lan chẳng giấu giếm gì liền kể:


- Vâng! Em bị thôi việc rồi, giờ không biết xin việc gì đây? Chán quá chị ạ!


- Ối dào! không làm chố này thì làm chố khác, xinh đẹp như em xin đâu chả được mà phải buồn làm gì? Này thế có thích bán hàng không chị giới thiệu cho một chỗ người ta đang cần người đấy, nghe ra rất hợp với em đấy.


- Bán hàng ở đâu? Bán hàng gì hả chị?


Thấy Lan sốt sắng như vậy, Tuyết đưa đẩy:


- Nói thế thối chứ chả biết họ có cần nữa không? Vả lại liệu cô có thích không?


- Chị giúp em đi ! Em hứa là sẽ không làm họ thất vọng đâu. Em nghĩ rồi nếu giờ về nhà bố mẹ em sẽ buồn lắm. Chị giúp em đi!


Biết Lan thật sự đang cần việc làm, nhưng Tuyết vẫn giả bộ rào đón:


- Con gái các cô, tính tình nông nổi, lúc thích thù nì nèo, khi chán là bỏ ngay, khó lắm, nhưng thôi để trưa nay về tôi hỏi giúp, chỗ chị em, chả nhẽ cô nói thế tôi nỡ nào không giúp. Đầu giờ chiều cô lại đây.


Lan ngây thơ, thật thà không biết rằng Tuyết chính là kẻ có chân trong đường dây môi giới mại dâm ở thành phố này, thị khoác cái vỏ bán hàng để dễ bề dẫn dụ các cô gái, mấy năm gần đây các xí nghiệp mở ra nhiều, thanh niên từ các vùng nông thôn đổ về ngày một đông và kèm theo đó là những tệ nạn xã hội cũng ngày càng gia tăng, nắm bắt được tâm lý của những cô gái quê vốn ngây thơ, dễ tin người, nên ở đây đã hình thành những đường dây cung ứng gái cho các nhà nghỉ, khách sạn và đối tượng bọn chúng nhắm đến là những cố gái quê vì lý do gì đó bị thôi việc hoặc gặp những hoàn cảnh khó khăn chúng lừa ép và đưa vào con đường mại dâm khá dễ dàng. Đầu giờ chiều hôm đó theo lời hẹn, Lan đến chợ và được Tuyết đưa đến nhà nghỉ có cái tên khá gợi: "Hoang hôn biển hẹn" để xin việc. Tiếp Lan và Tuyết là cô chủ tên Mì, với cách ăn mặc chải chuốt và mùi nước hoa thơm nức. Mì vào đề rất tự nhiên:


- Nghe chị Tuyết nói em đang bị đuổi việc ở xí nghiệp, hiện giờ chỗ chị đang cần tuyển thêm người cho bộ phận lễ tân, công việc cũng đơn giản đó là trông coi quầy ba và bán hàng cho khách, mức lương ban đầu chị trả cho em là triệu rưỡi, những về thời gian có phần hơi gò bó, mỗi ca làm ở đây bắt đầu từ 10 giờ sáng đến 11 giờ đêm, chỗ ăn ở chị có thể bố trí cho em tại đây nhưng sẽ trừ vào lương mỗi tháng 200 nghìn. Sau này nếu em làm tốt sẽ được tăng lương. Sơ bộ là như vậy, nếu em ưng thì ngay từ chiều nay em có thể đến đây làm việc.


- Đấy Mì đã nói với em, như vậy lương ở đây của em cao gấp đôi so với ở xí nghiệp rồi còn gì mà công việc cũng nhẹ nhàng, tuy có hơi gò bó về thời gian một chút, vậy là trong cái rủi có cái may đấy.