Hoàng hôn màu lửa
Hoàng hôn màu lửa
Một ngày đi học về, thấy trong nhà hình như có khách. Tôi rón rén không để ai biết. Khi hé mắt vào phòng khách thì thấy thầy Bắc đang quỳ trước mặt bố mẹ. Tôi không hiểu chuyện của người lớn đến đâu chỉ nghe loáng thoáng vài câu, những lời cãi vã cuối cùng. Họ đang nói về cái thai trong bụng tôi. Tiếng bố tôi quát lớn:
- Mày là thầy giáo mà xử sự thế này? Mày định làm hại rồi vứt bỏ con tao phải không? Mày dạy học sinh mày biết thế nào là đạo đức con người thế mà bản thân mày lại làm thế. Tao nhất định không để yên đâu...
Với tôi mọi thứ bố nói ra đều rất đúng. Lúc ấy tôi chợt nghĩ đến câu nói từng nghe đâu đó. Đại ý là, với phương Tây, đạo đức là việc cho phép con người ta làm những gì họ muốn, họ có thể. Còn phương Đông, đạo đức là việc kìm chế được cái mà con người muốn làm và có khả năng làm. Hai chữ "đạo đức" sao mà rắc rối. Thầy Bắc cất giọng ngập ngừng:
- Xin hai bác tha thứ! Cháu sai rồi. Gia đình mình đưa em đi bệnh viện tốt, hết bao nhiêu cháu cũng bằng lòng. Bây giờ cháu đã hứa hôn và chuẩn bị làm đám cưới. Chuyện này mà vỡ ra thì cháu còn mặt mũi nào với gia tiên, họ hàng, trường lớp... Cháu thực lòng cầu xin hai bác!"
- Im mồm! Đồ khốn nạn, mày chỉ biết thể diện cho bản thân mày thôi à? Hạnh phúc cả đời của con gái tao mày coi thường sao? Đồ...
- Ôi bác...
Đúng lúc ấy thì bố tôi khuỵ xuống sàn nhà. Những lúc căng thăng bố tôi thường bị thế. Tôi định chạy ngay vào nhưng lại thôi, bên cạnh đã có chị gái, vả lại làm sao tôi đủ can đảm đối diện với người đàn ông vừa nói ra những điều như thế?... Lúc đó tôi không hiểu hết sự phức tạp của những mối quan hệ và cách người ta lựa chọn, cái này mà không phải cái kia. Tôi chỉ thấy căm thù người đàn ông tôi gọi là thầy. Nếu là bây giờ thì tôi căm thù chính tôi nhiều hơn. Trong người bức bối và chỉ muốn oà khóc thật to. Rồi tôi bỏ chạy. Chạy mệt tôi lại đi bộ. Cứ như vậy đến khi không nhìn thấy đường mới biết mình đã đi đến mười lăm cây số. Sau lần ấy tôi nhất quyết không đến lớp nữa. Bố mẹ đưa tôi đi bỏ cái thai và chuyển trường xuống Thành phố để tôi tiếp tục theo học. Xúc cảm hồi hộp, cả cảm giác êm đềm thầy Bắc đem lại vì lẽ gì chẳng mấy chốc đã tan mờ hết. Hơn mười năm qua đi, giờ đây tôi lại muốn biết rõ hơn về tất cả... Và tôi tìm gặp người phụ nữ ấy.
"Chị Thảo cho em hỏi thật, tại sao hồi ấy chị lại huỷ hôn với anh Bắc?"
"Ơ... Thế em không biết thật à?"
"Vâng ạ. Từ khi chuyển trường em nghĩ hai người đã thành vợ chồng. Em cố ý không quan tâm. Kiểu như người ta muốn phủ định quá khứ."
"Vậy là chuyện cuốn băng ghi âm em không hay?"
"Dạ không. Ghi âm nào mới được chứ?"
"Thật là không biết sao?..."
"Chị nói gì em không hiểu?"
"Vậy tất cả là cha mẹ em làm. Nếu thật sự mọi chuyện là do người lớn tạo ra thì chị sẽ kể. Chị và anh Bắc khi bắt đầu cũng như chuyện của em vậy. Chị đã đem lòng yêu thầy giáo chủ nhiệm của mình. Chẳng bao lâu trao thân cho anh ấy. Nhưng anh ấy yêu chị thật lòng. Chị cam đoan là như thế. Khi chị không đỗ đại học anh ấy đã tìm cách để chị đi học Cao đẳng Y và hứa học xong thì cưới. Khi chị vừa tốt nghiệp. Chính là cái lúc vết thương tại nạn giao thông của anh ấy lành. Mọi chuẩn bị cho hôn lễ đã tươm tất thì bố em và vài người thanh niên đến nhà chị. Họ mang theo một cuốn băng ghi lại cuộc thương lượng của Bắc với gia đình em. Chị không chấp nhận nên huỷ hôn. Sau đó ra Hà Nội học liên thông đại học. Bắc đến nhà chị quỳ xin tha thứ. Nhưng tính chị đã quyết thì không thể thay đổi..."
"Rồi sao nữa chị?"
"Một thời gian sau chị được biết Bắc đã trở nên sa đoạ hơn rất nhiều. Anh ấy chơi bài bạc bị thua nợ. Sự việc vỡ lở khi bọn thắng bạc đưa mấy con nghiện đến nhà Bắc đòi nợ, phá phách. Chúng còn đánh Bắc thành thương tật. Nhà trường kỷ luật. Hình phạt là việc đình chỉ công tác một năm và khai trừ khỏi Đảng. Bố anh ấy vốn đã bệnh tật, sau cú sốc ấy thì qua đời. Lo ma chay cho bố xong, Bắc lên tận Mù Cang Chải xin đi dạy. Không biết lúc trên đó Bắc làm gì mà bây giờ cứ gần tết lại có gia đình người Mông, người Tày xuống nhà cho hàng gánh quà em ạ..