Hoa nở đường về

Hoa nở đường về

Tác giả: Sưu Tầm

Hoa nở đường về

(Admin - "Tháng năm không ở lại")


Không biết kể từ khi nào mà cô biết đi giày cao gót, cô diện những đôi gót nhọn hoắt chỉ để lộ những ngón chân thon dài nổi bật trong màu sắc họa tiết vẽ móng nghệ thuật. Khi mà, ở nơi quê nhà ấy những vết rạn nứt nẻ đến toét máu trên đôi bàn chân thô gầy của mẹ càng xuất hiện nhiều và cứa sâu hơn...


***


Mơ là người dân tộc Dao, cô mồ côi cha từ nhỏ. Quê cô là vùng biên cương cực Bắc của tổ quốc Lũng Cú Hà Giang, cách thủ đô Hà Nội khoảng 500km đường bộ. Quãng đường không phải ngắn, nhưng cũng chưa thật sự đủ dài vậy mà đã gần một năm nay không thấy đứa con Sà Phìn về với bản. Kể từ ngày nhận được tờ giấy báo nhập học dát vàng, dát bạc của trường đại học quốc gia Hà Nội, người con gái ưu tú vùng cao đã rời ngôi bản nhỏ Sà Phìn tạm xa cao nguyên đá Đồng Văn để xuống với thủ đô nơi phồn hoa đô hội, trong muôn ngàn lời khen không ngớt của dân bản trong những giọt nước mắt hạnh phúc và tự hào của người mẹ góa.


Hoa nở đường về


Đến với thủ đô, những ngày đầu tiên, những tuần đầu tiên, những tháng đầu tiên thật khó khăn và vất vả đối với một cô gái thôn quê. Tất cả với cô đều thật lạ lẫm, có những lúc cô thấy mình lạc lõng. Đã rất nhiều cuộc điện thoại gọi mẹ đòi về giữa đêm khuya, bao đêm nghẹn ngào trong tiếng khóc nấc nỗi nhớ quê khắc khoải quặn thắt trong tim. Cô nhớ mẹ nhiều lắm, cô chỉ muốn được về bên mẹ, về với những đồng ruộng bậc thang nối đuôi nhau tít tắp, những thung ngô đang bước vào mùa thu hoạch, về để mỗi sáng dậy được hít thở bầu không khí trong lành và tinh khiết được chắt lọc trong hơi sương của núi rừng đại ngàn. Cô không muốn ở đây, nơi ồn ào và đông đúc này. Mẹ cô đến cô, dì, chú, bác trong nhà phải thay nhau gọi điện động viên, rồi dần dần cô mới ngoan ngoãn nhận lời tiếp tục ở lại học tập.


Nhưng người ta nói đúng, ở đâu rồi cũng sẽ quen đó! Thật vậy, rồi cô cũng bắt nhịp được cùng với cuộc sống, cảnh sắc, con người đất hà thành và thích ứng cũng thật nhanh. Cô bắt đầu có thêm rất nhiều bạn có nhiều người cũng đến từ những miền xa xôi như cô vậy, họ học ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, từ khi có thêm người bầu bạn nỗi nhớ quê trong cô cũng vơi bớt phần nào.


Vào những buổi cuối tuần, cô tạm cất đi những trang giáo trình đang đợi đọc cùng đám bạn trong phòng đi dạo quanh bờ hồ thật vui. Tiếp đó là những buổi đi ăn đêm, lúc đầu chỉ loanh quoanh bên những vỉa hè cạnh trường rồi sau đến những góc phố vắng xa xa cũng chính vì vậy mà thời gian cô gọi điện về cho mẹ chẳng còn được nhiều như trước. Càng ngày, trông cô càng thêm đẹp và nổi bật. Mái tóc dài đen mượt được thay bằng mái tóc xoăn xù mì, màu nâu đỏ. Không biết kể từ khi nào mà cô biết đi giày cao gót, cô diện những đôi gót nhọn hoắt chỉ để lộ những ngón chân thon dài nổi bật trong màu sắc họa tiết vẽ móng nghệ thuật. Khi mà, ở nơi quê nhà ấy những vết rạn nứt nẻ đến toét máu trên đôi bàn chân thô gầy của mẹ càng xuất hiện nhiều và cứa sâu hơn. Cô biết cùng bạn lung tăng dạo bước trên phố, đi lựa mua những bộ đồ bày bán đẹp và đắt tiền trong shop, cô nào có hay mẹ ở nhà đã phải mặc đi mặc lại những bộ quần áo sờn rách phải chắp vá nhiều lần.


Và cứ thế, thời gian lặng lẽ đi qua những cuộc gọi về cho mẹ càng hiếm hoi và ngắn ngủi, đó chỉ là những cuộc gọi xin tiền, những khoản tiền không tên. Hết tiền thì gọi xin, cũng như bao người bạn của cô vẫn thường làm dường như cô coi đó là công việc hiển nhiên và tất yếu. Càng ngày cô như càng lún sâu vào cuộc sống đua đòi ăn chơi, cô đang trượt dài trên con đường học hành.


Cuối tuần đến, như bình thường sẽ là đi ăn đi chơi. Nhưng lần này, các cậu ấm cô chiêu đất Hà Thành họ quyết định "đổi gió". Địa điểm họ sẽ dừng chân là Đồng Mô, một rì sọt cách thủ đô Hà Nội gần 40 km về phía Tây. Họ đi bằng hai taxi, do xuất phát hơi muộn nên khi đến nơi đã gần trưa họ thuê hai phòng cao cấp của khách sạn ăn uống, ngủ nghỉ dành sức cho cuộc chơi buổi chiều. Tối đến, họ dắt nhau đi thưởng thức những món đặc sản của rì sọt tiếp đó họ kéo nhau đi hát rồi đi uống. Trên bàn, những thứ rượu lạ và đủ màu sắc khác nhau. Có lẽ, đây là lần đầu tiên Mơ uống những thứ rượu xa xỉ này, nên chỉ với mấy li nhỏ đã ngà ngà say. Cảm thấy không còn đủ sức ở lại tiếp tục được với cuộc chơi, cô lặng lẽ bỏ về khách sạn trèo lên chiếc gường êm ái như nhung và thiếp đi khi nào không rõ. Sáng tỉnh dậy đã hơi muộn, đưa mắt nhìn quanh phòng đều vắng bóng, cô gọi trong tiếng ngái ngủ Lan Anh ơi..! không thấy trả lời rồi cô gọi tiếp Cẩm Tiên.. căn phòng vẫn lặng im. Cô rời khỏi gường bước vào nhà tắm, ngó phòng vệ sinh ra phòng khách cũng chẳng thấy dấu tích một ai cả. Cô tiến lại phía gường ngủ, cầm chiếc điện thoại đang để trên tấm ga trải gường trắng muốt tay cô lướt nhanh trên màn hình điện thoại những thao tác quen thuộc và trông thật điêu luyện.


- Chúng mày đang ở đâu vậy? - Cô hỏi


- Bọn tao về rồi đang đi tăng hai. - Bên kia trả lời lẫn trong tiếng nhạc, tiếng người hò hét phát ra từ điện thoại


- Sao không gọi tao dậy đi cùng? - Cô hỏi giọng vẻ hơi giận dỗi


- Xị! có mấy đồng bạc lẻ mà đòi đi cùng hội này á? Nghĩ mình là ai đó cưng!


Và bên này chỉ còn nghe những tiếng tút... tút ...tút... tút...kéo dài. Sao tự nhiên chúng nó nói lạ thế nhỉ? Khoáng nghĩ trong đầu, vừa nghĩ cô vừa mở ví kiểm tra lại tiền. "Trời ơi! Tiền đâu hết cả rồi? Tiền! Tiền! Tiền...hơn bảy triệu mẹ vừa gửi hôm qua để cô đóng học phí và ăn uống trong tháng này đã biến mất!" Giờ trong ví chỉ còn sót vài đồng lẻ có lẽ gom cả lại đủ mua mẩu bánh mì chay.


Lúc này máu cô như đã dồn hết lên má và trên trán cô những giọt mồ hôi lấm tấm, như môt tia chớp cô chộp nhanh chiếc điện thoại đang để trên tấm nệm êm tay cô lướt nhanh bàn phím và cô gọi, dòng tên cùng những số quen thuộc hiện lên màn hình nhưng đáp lại những cuộc gọi của cô luôn là giọng một người khác-tổng đài viettel. Cô quỳ sụp xuống trên nền gạch đá hoa lạnh, cổ họng đắng nghẹn răng cô đã cắn chặt môi cô tự khi nào cô đau đớn nhận ra "mình đã bị lừa dối, bị lợi dụng suốt thời gian qua mà không hề hay biết". Họ chơi với cô chỉ vì tiền mà thôi!


Hoa nở đường về


Rồi cô rời khỏi khách sạn những bước đi rệu rã. Những đồng bạc rẻ sót lại trong ví không đủ để cô đi bất kì một loại phương tiện nào ngoài đi bộ. Những chiếc xe máy, ôtô trên đường cao tốc cứ thế đi qua trước mắt cô, những ánh mắt tò mò hướng về phía cô họ nhìn cô thật nhiều cũng thật lâu nhưng trong số đó chẳng một ai thèm đỗ lại hỏi hay cho cô đi nhờ. Bộ dạng cô lúc này, trông sao mà đáng thương và thảm hại. Một quý cô, một tiểu thơ trông thật xinh đẹp và không kém phần đài các đang phải xách guốc đi bộ. Bàn chân cô trắng dài và thon thả bởi bấy lâu nay đâu phải phơi nắng mưa, sương gió. Đôi bàn chân đó, lúc này đã và đang lê bước đi trên con đường nhựa buốt lạnh. Những viên sỏi nhỏ lạnh vô tình chạm đôi bàn chân trắng mỏng khiến cô thấy đau tê tái, dưới cái giá rét ngày đông đôi chân trần bước đi trên cát sỏi như đưa cô trở về với miền kí ức.


Cô nhớ! Mình, đã bao lần đi bộ trên con đường đá cắt ngang dãy núi sau nhà. Con đường đó dẫn mẹ con cô lên nương, lên rẫy, đến thung ngô rừng. Cô không biết con đường đó có từ khi nào, cô chỉ biết đó là con đường mà mẹ cô dường như ngày nào cũng đi. Con đường đó đã làm mòn rách bao đôi giầy vải của mẹ, con đường mà mẹ đã đi hàng trăm nghìn lần, có lẽ chẳng có con số tự nhiên nào ghi nổi những chuyến đi của mẹ. Những chuyến đi gấp gáp khi mà bão gió từ đâu đang vội kéo đến. Những chuyến về, đặt trên đôi vai hao gầy của mẹ những gánh lúa, gánh ngô, gánh sắn, gánh khoai, gánh củi... con đường đã in đậm dấu chân của mẹ nhưng cũng theo năm tháng, theo thời gian nó đã cướp đi sức lực và hình hài của mẹ. Hình ảnh người mẹ đang gánh trên đôi vai những gánh lúa tươi màu vàng óng ánh giữa những trưa hè nắng như đổ mật, mẹ leo từng bước mệt nhọc lên dốc núi cả thân mình đẫm ướt mồ hôi cái nắng oi giữa tháng năm như đày đọa mẹ. Hình ảnh mẹ với những bước chân nhanh nhẹn, mẹ vấp phải dây leo rừng mẹ bị ngã những bắp ngô rơi vung vãi, đầu gối mẹ đập lên mỏn đá sắc lạnh ngày đông máu chảy thành dòng rồi khô cứng lại đen đặc trên những mỏn đá vô tình và mẹ đã không đi lại được gần một tháng sau vụ ngã đó...


Cô bỗng thấy nhói đau nơi lồng ngực tim cô như có hàng vạn mũi kim đâm vào cùng lúc, nước mắt lưng tròng giờ đã chảy thành dòng, cô hối hận. Cô hối hận biết bao về quãng thời gian vừa qua, quãng thời gian cô đã sống mà quên đi con đường đá với hình dáng hao gầy đáng thương của mẹ. Cô, chỉ biết đốt tiền vào hàng hiệu vào những cuộc chơi mà đã quên mất rằng những đồng tiền đó đánh đổi bằng những tấm áo sờn rách đẫm ướt mồ hôi, từ cả máu và những giọt nước mắt của mẹ. Cô thấy mình, thật hư hỏng! Cô căm ghét bản thân mình, cô nợ mẹ!. Cùng dòng suy nghĩ đó nước mắt cô cứ vậy trào ra đoạn đường này cô đi đẫm ướt trong nước mắt. Chân bước đi, mà lòng càng đau nhớ. Cô nợ mẹ trăm ngàn lời xin lỗi "Mẹ ơi! Con là đứa bất hiếu nhất trên trần đời này, con đến nơi thị thành con lao vào những cuộc chơi mà quên mất đi người mẹ đã một tay nuôi dạy con khôn lớn. Con đã bỏ học đi chơi với bạn, đi dạo chen chúc nhau trên phố đông con đã không nghĩ đến những kì nghỉ ngày càng ngắn đi mẹ của con ở nhà một mình không có ai bầu bạn. Con chỉ biết lên mạng, buôn chuyện mà đã không dành nhiều thời gian cho mẹ nữa. Có tháng con đã tiêu hết mấy trăm nghìn tiền điện thoại mà đã không dành cho mẹ một cuộc gọi nào, con viết tin nhắn ngộ nghĩnh, đáng yêu chọc bạn trai cười mà con đã không biết ở nhà buồn mẹ đã mong mỏi đến từng tin nhắn của con. Sao con lại trở nên như thế? Sao con lại hư hỏng và bất hiếu đến vậy? Đứa con được mẹ một tay nuôi nấng cho đi ăn học tử tế mà đối xử với mẹ mình như vậy sao"? Tim cô đang thét lên lẫn trong dòng lệ. Rồi cô bỗng chạy, cô chạy như đang bị một ai truy đuổi như mạng sống đang bị đe dọa. Thì ra, cô đi tìm chỗ bán điện thoại cô không một chút do dự bán đi chiếc điện thoại galaxy SIII mới sắm. Cô đến bến xe, kiếm tìm trong dòng người đang hòa lẫn cùng dòng xe chiếc xe mang chữ Hà Giang.


Quê nhà vẫn vậy, từ con người đến cảnh vật không có gì thay đổi nhiều so với ngày cô rời bản xuống thủ đô.