XtGem Forum catalog
Chuyện xóm trọ

Chuyện xóm trọ

Tác giả: Sưu Tầm

Chuyện xóm trọ

Tao có ăn thịt mày đâu. Mà tao bảo này mày không cần phải kể chuyện cái Ngọc ttrước kia cho con Dậu nó biết đâu, kệ chúng nó đi, tao hiểu bọn trẻ chúng mày mà. Nhìn con Dậu nó hiền lành thế nói cho nó biết biết đâu nó lại sợ tao dọa nó. Tao thấy có vẻ nhà nó hơi hoàn cảnh nên thường đi bưng bê làm thêm gì đó, nếu nó mà chuyển đi chỗ khác tiền trọ đắt hơn lại khổ thêm cho nó.


- Dạ...vâng ạ!


- Thế thôi tao về đây, mày học bài hay làm gì thì làm đi.


Bà chủ trọ đi về, lát sau tôi vẫn còn ngơ ngác, nghe bà nói cũng có lý mà không hiểu sao tự nhiên bà chủ có vẻ đột ngột dễ tính thế tôi không thể hiểu nổi. Tôi cũng chẳng biết liệu có phải bà thấy Dậu hoàn cảnh khó khăn nên mềm lòng không nữa. Thật lạ, từ hôm đó hầu như bà chẳng quan tâm gì đến vấn đề nội quy của xóm trọ, nhất là chuyện trai gái sống chung bà lại càng giả vờ làm ngơ cho qua. Bà càng lúc càng gần gũi tỏ vẻ quan tâm và quý Dậu, thi thoảng bà mời Dậu lên nhà thủ thỉ chuyện riêng gì đó. Nhà bà chủ hay có hai vợ chồng khách tuổi chạc năm sáu mươi gì đó thi thoảng đi ô tô con đến thăm. Chúng tôi thường nói với nhau là bà ấy có người anh em giàu nhỉ. Có hôm anh Thắng bảo chúng mày dân tỉnh lẻ thì thì thấy người ta có ô tô riêng là chuyện lạ hả, ở Thành phố người ta "nhà lầu xe hơi" là chuyện thường chứ chưa nghe câu ấy bao giờ à. Nghe câu nói của anh Thắng tôi hơi tự ái bảo "dạ vâng em biết quê anh ở Quảng Ninh nhiều Thành..." tôi chưa kịp nói hết thì Dậu ngăn lại không cho tôi nói tiếp nữa. Cũng từ dạo đó Dậu có vẻ ít chơi với mọi người hơn, tôi để ý và cảm nhận được bạn có một nỗi buồn gì đó là lạ trên nét mặt. Khi hỏi Dậu chỉ nói qua loa là bà chủ biết mình hoàn cảnh khó khăn nên quan tâm và động viên chia sẻ thôi nhưng tôi vẫn nhận thấy hình như không phải vậy.


Sang năm thứ hai Dậu phải tạm nghỉ học bảo lưu kết quả trong vòng một năm với lý do vì hoàn cảnh gia đình không đủ điều kiện chu cấp, chỉ dựa vào những đồng làm thêm và tiền trợ cấp hàng tháng cũng không thể đủ chi phí ăn học nên đành phải bảo lưu rồi đi kiếm việc làm tích trữ được tiền mới quay lại học tiếp. Nghe Dậu nói tôi cũng hiểu và thông cảm vì nói đến cuộc sống sinh viên ai cũng biết luôn thiếu thốn về tài chính là chuyện thường nhưng đối với Dậu lại càng đặc biệt hơn, tôi biết rõ bạn ấy vì hoàn cảnh nên luôn tiết kiệm hơn người khác có những hôm Dậu chỉ ăn gói mì tôm hay cốc chè cho qua bữa để dành tiền đóng tiền trọ, tiền điện nước.


Trước khi Dậu đi về quê kiếm việc làm chúng tôi có ngồi tâm sự với nhau khá lâu, Dậu bảo về quê không có sóng điện thoại di động nên sẽ tạm ngưng dùng điện thoại bảo tôi không cần liên lạc làm gì cả cứ ở lại xóm trọ cũ khi nào quay lại học sẽ lại chơi với nhau. Nghe Dậu nói trong cái giọng hơi buồn làm tôi cũng buồn lây, tôi cảm thấy nể phục ý chí và nghị lực của bạn, tôi chỉ biết động viên và mong bạn phải hết sức cố gắng vượt qua ngoài ra chả giúp được gì cho bạn. Chúng tôi gác lại mọi chuyện, theo thói quen như mọi khi chúng tôi rủ nhau đi mua bánh mì nóng đặc ruột, đó là món quen thuộc mà chúng tôi hay nhờ mua hộ cho nhau trong xóm trọ. Tôi nói vui với Dậu theo kiểu dịch sai những tin nhắn không có dấu là chia tay nhau rồi không biết khi nào mới "hẹn ngay tại ngõ" ( hẹn ngày tái ngộ), Dậu cần tiết kiệm tiền xe cộ về quê nữa nên bữa bánh mì đó để tôi khao Dậu cũng đồng ý và chúng tôi coi đó là bữa bánh mì liên hoan chia tay giữa hai người bạn thân.


*


* *


Một năm sau.


Đúng vào đầu năm học mới, sau khi nghỉ hè tôi mới từ quê lên đến xóm trọ thì bà chủ sang bắt chuyện với tôi. Bà nói:


- Cái Dậu sắp quay lại học rồi đấy, mày chịu khó nhường phòng cho nó được không?


Nghe tin Dậu quay lại học lòng tôi vui hẳn lên nhưng niềm vui ấy chưa kịp thấm vào đâu thì vội tắt. Tôi hơi cay vì bà tính đuổi tôi đi ư... Sao bà lại biết Dậu sắp quay lại xóm mà trong khi đó mình là bạn thân còn chưa biết tin tức gì của Dậu mà lại con bắt mình nhường phòng nữa. Sau những giây phút phân vân tôi hỏi:


- Sao bác biết. Bác nghe ai nói vậy ạ?


- Thì biết thế. Nó điện cho tao chứ còn gì nữa.


- Sao lạ thế bác. Nó bảo về quê không có sóng nên không dùng điện thoại cơ mà.


- Ôi giời, thì nó mượn máy bàn nhà ai gọi mà chẳng được, đúng là mày vẫn không bỏ được cái thói suy nghĩ kiểu nhà quê.


Tôi thấy hơi bực mình vì với bản tính tôi hay tự ái và nóng tính cộng với cái vừa say xe vừa mệt vả lại đây là lần thứ hai bà chủ mắng tôi là dân nhà quê. Tôi nói:


- Vâng ...cháu là dân nhà quê có nhiều điều chưa biết nên cháu muốn hỏi nốt. Bây giờ cháu đâu phải ở phòng của Dậu mà bác bảo cháu phải chuyển đi nhường phòng cho nó hay thế nào ạ?


- Giời sao mày phải nóng thế, vì tao nghĩ mày chơi thân với nó dễ nói hơn thôi nếu mày không chịu cũng chẳng sao để tao bảo đứa phòng một nhường cũng được.


Chiều hôm ấy cái Giang ở phòng một đi học về bà chủ lại sang bắt chuyện thật. Tôi chốt cửa giả vờ ngủ say nhưng cố tình tìm cách nghe lỏm dù biết rằng làm thế không tốt nhưng tôi muốn khám phá xem có phải có uổn khúc gì không mà bà chủ lại có những biểu hiện hơi lạ như vậy. Tôi nghe thấy tiếng bà nhỏ nhẹ: " Nó là đứa cháu kết nghĩa với người quen nhà tôi, trước đây bác giai đi bộ đội và chiến đấu cùng nhau, giờ ông ấy muốn cho đứa cháu kết nghĩa trọ ở nhà người quen cho dễ quản đỡ phải hư hỏng. Cháu cố gắng thông cảm và nhường phòng cho nhé!" Tôi nghe mà thấy lạ, nếu thế thật sao chơi với nhau hẳn một năm trời kể cho nhau nghe nhiều chuyện mà có thấy Dậu nhắc tới chuyện có bác hay chú kết nghĩa bao giờ đâu. Hôm sau Giang chuyển đi rồi chiều chiều thấy Dậu nhắn tin bảo tôi chuẩn bị mượn xe ra bến xe đón. Số điện thoại của Dậu trước đó tôi vẫn còn lưu trong danh bạ, thi thoảng nhớ đến bạn tôi lại gọi thử nhưng chẳng bao giờ có chuông vậy mà giờ thấy bất ngờ nhắn tin từ số ấy tôi không tin nổi đó là Dậu nên bấm gọi luôn thì đó đúng là Dậu thật rồi, cái giọng lơ lớ vẫn như ngày nào chỉ cần nghe qua là nhận ra liền. Tôi vui cuống lên mượn xe máy anh Thắng còn bị anh ấy trêu là "dân tỉnh lẻ có biết đi xe máy không đấy", tôi trả lời "không biết cũng phải đi", tôi phóng xe ra bến gặp lại Dậu, đứa bạn thân ngày nào đã thay đổi khá nhiều. Nhìn nước da có vẻ trắng hơn, ăn mặc diện hơn nhưng lại gầy đi khá nhiều so với trước.


*


* *


Dậu trở về xóm ở lại phòng cũ của mình, bà chủ vẫn tỏ vẻ quan tâm Dậu và hơi khinh ghét tôi. Tôi để ý thấy sự quan tâm và gần gũi ấy ngày càng giảm dần theo thời gian còn Dậu hầu như đã thay đổi hoàn toàn so với trước, cô ít nói hơn lúc nào cũng tỏ vẻ buồn bã, mệt mỏi. Hễ hôm nào người yêu sang chơi lại thấy Dậu buồn hơn nữa. Là chuyện riêng tư của người khác tôi chẳng muốn để ý nhưng sự thật cứ đập vào mắt mình khiến tôi cũng phải lo lắng cho bạn, tôi hỏi han Dậu vẫn nói là không có gì nhưng thấy bạn thay đổi nhiều quá tôi thử hỏi anh Thà anh ấy cũng bảo "chịu thôi, khi anh hỏi Dậu chỉ khóc thôi à". Nhìn bạn buồn hỏi không nói tôi chỉ biết động viên vài câu cho qua.


Một hôm hai đứa chúng tôi lại rủ nhau đi mua bánh mì đặc ruột ôn lại món quen thuộc, chúng tôi kể cho nhau nghe những chuyện xảy ra trong thời gian hai người xa nhau, đang nói chuyện nhiều lúc Dậu lại ngập ngừng rồi lảng sang chuyện khác có vẻ đang giấu diếm chuyện gì đó sợ lỡ mồm nhắc đến. Sự ngập ngừng ấy đã làm tôi sực nhớ đến chuyện bà chủ nói Dậu là cháu gái kết nghĩa của ông nào đó. Tôi hỏi:


- Mày ơi tao nghe bà chủ nói có ông nào nhận mày làm cháu gái kết nghĩa gì đó, sao chuyện này tao chưa nghe mày nhắc đến bao giờ vậy?


Dậu có vẻ lúng túng:


Đâu có. Bà ấy nói với mày lúc nào thế?


- Thì hôm trước khi mày quay lại xóm bà ấy đuổi cái Giang phòng mày đi để nhường phòng cho mày, lúc bà nói với cái Giang tao nghe được thôi. Mà sao bà ấy quan tâm và thương mày thế liệu có ý đồ gì không đấy?


Sau câu nói ấy tôi kịp nhận ra nét mặt của Dậu bất ngờ thay đổi một cách lạ thường, bạn ngoảnh mặt đi cố giấu diếm nhưng không kìm nén nổi và khóc nấc lên làm tôi cảm thấy như mình đang phạm phải sai lầm điều gì đó có lỗi rất nghiêm trọng. Tôi nói lời xin lỗi bạn, Dậu lau nước mắt nói trong nghẹn ngào:


- Không sao đâu... Ở đây không tiện mình tìm chỗ khác nói chuyện đi!


Tôi gật đầu, hai đứa nắm tay nhau lang thang vừa đi vừa gặm bánh mì, chúng tôi đi qua những đoạn đường dân sinh bê tông rồi qua những bờ ruộng rau muống, ruộng ở gần các trường Đại học người ta không trồng lúa như thường thấy ở quê, dân ở đây chủ yếu thu nhập từ ruộng rau muống, kinh doanh phòng trọ, hàng tạp hóa, quán trà đá kiêm xe ôm, Ka-ra-o-ke...Trên bờ ruộng không kiếm được chỗ ngồi nên chúng tôi tìm đến gốc một cây bàng thoáng mát, vì ở đó có vài viên gạch khá sạch để ngồi. Dậu bắt đầu vào chuyện: " Chuyện của tao dài lắm, tao chẳng muốn cho ai biết kể cả anh ấy tao lại càng không dám nói. Vì mày quá quan tâm và động viên tao nhiều nên tao giấu mãi cũng thấy áy náy nhưng tao xin mày một điều hãy hứa với tao đừng cho anh Thà biết được không. Tao xin mày đấy!" - Nói mà nước mắt Dậu cứ giàn dụa làm tôi rất khó xử. Tôi chỉ biết vỗ nhẹ vai bạn bảo bạn bình tĩnh nếu cảm thấy nên kể thì kể nếu không thì thôi còn chuyện hứa thì tôi sẽ hứa. Dậu lau nước mắt rồi tiếp: " Thực ra tao đã nói dối mọi thứ, tao cảm thấy có lỗi với bố mẹ, có lỗi với bạn bè, người yêu và cả con nữa...Đã chót làm rồi tao thấy hối hận lắm nhiều lúc không muốn sống nữa mày ơi..." . Nghe đến đây tôi quắc mắt xen vào: - Mày đã làm gì mà nghe khiếp thế, nói cứ như giết người hay làm cave ấy. Mà mày đã có con ở nhà rồi sao? -" Không... Từ lúc tao mới vào xóm trọ bà chủ biết tao hay đi bưng bê làm thêm ở quán nước, bà bảo kiếm chỗ người quen cho tao làm việc khác thu nhập cao hơn, bà ấy dẫn tao đến một quán làm tóc kết hợp với xông hơi, mát-xa mát gần gì đó nhưng thực ra làm cave là chính. Cũng may là tao nói tiếng Phổ thông kém quá trong lúc luyện tập ăn nói, đi đứng mơi khách không đạt tiêu chuẩn nên bị thải ngay từ vòng sơ loại. Thế rồi bà chủ biết tao và anh Thà yêu nhau, bà nói với tao là có hai vợ chồng người quen đều vô sinh do ảnh hưởng của chất độc da cam thời chiến tranh từ đời trước. Hai vợ chồng ấy đều là người có chức quyền, địa vị xã hội lương cao có nhu cầu mua con để nuôi nhưng không kiếm được nên bà ấy nhờ tao đẻ thuê cho". - Vậy là mày đã làm? - " Lúc đầu tao không đồng ý nhưng bà ấy nói là trong quá trình mang thai sẽ chu cấp tiền đều đặn ăn uống đầy đủ khi đẻ xong cho thêm một cục nữa để bồi bổ sức khỏe và ăn học, vì tiền nên tao đã nhận lời, trong quá trình mang thai bà ấy bày kế cho tao bảo lưu kết quả học tập rồi lên Đồng Hỷ trông giúp quán hàng tạp hóa cho con gái bà để cho qua mắt mọi người quanh đây. Hai vợ chồng vô sinh ấy tao cũng chẳng biết mặt, mãi đến hôm giao con cho họ tao mới biết chính là hai người khách hay đi ô tô đến thăm bà chủ trọ của mình. Họ nói là hai mẹ con tao phải ơn nghĩa đoạn tuyệt, hôm đó gặp nhau giữa tao và họ lần đầu cũng là lần cuối, sau này con lớn lên tuyệt đối không cho nó biết sự thật. Tao cứ nghĩ khi nhận được con họ sẽ vui vẻ nhưng nhìn mặt hai vợ chồng ấy lạnh như sát thủ, người vợ thi thoảng vẫn nở một nụ cười nhưng nét mặt vẫn hằn sâu ẩn chứa một nỗi buồn gì đó thật khó tả.


- Trời, thế mày bảo lưu kết quả mất một năm sau này kéo dài thêm một năm bố mẹ hỏi mày trả lời thế nào?


- Thì bố mẹ tao đều mù chữ không quan tâm gì đâu, tao chỉ cần tiền học tiếp và thấy thương con thôi à.


- Bó tay chấm com, thế lúc mày có thai anh Thà không biết gì à?


- Thì bọn tao vẫn dùng bao, bà chủ dặn tao là cắt trộm bao cho thủng trước khi dùng nhưng anh ấy vẫn biết và còn hỏi tội tao là chơi trò gì thế và bắt tao uống viên khẩn cấp mãi đến hôm anh ấy say rượu mới thành công, khi dùng que thử biết là thành công cũng là lúc tao bảo lưu kết quả và đi rồi còn gì.


- Thảo nào trước đó bà ấy đanh đá khó tính như con chó cái ai cũng ghét cuối cùng tự nhiên thay đổi tính đột ngột và quan tâm mày thế làm ai cũng ngạc nhiên.


- Thì bản chất bà ấy vẫn chỉ được cái "phân ngựa nhẵn bề mặt" thôi mà. Trong bụng lúc nào chả ghét sinh viên bọn mình.


Hai đứa chúng tôi "buôn dưa lê dưa chuột" khá lâu rồi lại lang thang quay về xóm trọ của mình.