Cái ngõ bê tông

Cái ngõ bê tông

Tác giả: Sưu Tầm

Cái ngõ bê tông

Ông cúi mặt, cái ngõ đất bẩn thỉu đã khoác lên mình một tấm áo mới, khang trang sạch sẽ hơn hẳn nhưng suy nghĩ của những con người sống trong ngõ bê tông này liệu có mới hơn, có thay đổi giống như cái ngõ đất không hay sẽ vẫn là hơn thua, so đo tính toán...


***


Mấy hôm nay trời mưa từng cơn rả rích. Những đám mây đen giăng kín bầu trời u ám, tiếng sấm sét ù ù, chốc chốc lại có mấy tia chớp loé sáng đột ngột xuyên qua khe cửa vào nhà. Dường như vẫn chưa có một dấu hiệu nào cho thấy sự tạnh ráo, nắng ấm.


Cái ngõ bê tông


- Gặt hái đến nơi rồi mà còn mưa thế này, có khi lại mất trắng hết thôi. – Bà vừa gỡ mấy chiếc liềm đã hoen rỉ mà bà đã gói gém cẩn thận trong túi ni lông từ mùa trước ra, vừa chép miệng thở dài nói.


- Bà cứ lo xa, người ta cả mẫu còn chẳng sợ, nhà mình có hai sào ruộng thì ăn thua gì. Mà thằng cả điện về nói gì với bà đấy?


- Nó bảo là bố mẹ đừng tham việc nữa, thuê ai họ gặt hộ cho. Tiền nó trả, không phải tiếc.


- Cái bọn này việc gì cũng khoán với thuê. Nông dân còn sức là còn phải làm, kiếm được ít tiền gửi về cho bố mẹ mà đã tỏ vẻ rồi. – Ông vừa nhấm nháp cốc chè nóng, vừa bảo bà.


- Thì nó có thương bố, thương mẹ nói mới nói thế, ông thì...


Ông bà có hai người con trai. Cậu cả mà ông bà nhắc tới đang làm ở Hà Nội. Nghe mấy người ra phố về bảo lại là cậu cả đang giữ chức rất to trong một công ty nước ngoài. Nó thì bảo ông là chức thường thường thôi, nói chung đủ sống. Ông cũng chẳng hỏi thêm nhưng nhờ cậu cả mà ông có chút hãnh diện với bà con xóm giềng. Cậu hai nhà ông công tác ở Hồ Chí Minh. Nhiều khi ông phải giả ốm sắp chết rồi đánh điện thì nó mới chịu về thăm ông bà, được mấy bữa nó lại đi. Nó bảo còn bao nhiều việc chờ nó giải quyết, vắng mặt không được. Nó còn trêu ông là sẽ cưới một em xinh tươi ở quê chỉ để ở nhà chăm ông bà thôi. Nhà ông đông đủ duy nhất vào dịp tết, bình thường thế này thì hai thân già ra vào lủi thủi, đôi khi nghĩ cũng hơi buồn. Chúng nó có công ăn việc làm ổn định, dù hơi xa tí dẫu sao cũng tốt. Nó mà ở nhà ăn bám, ông bà lại hoá ra vô phúc.


- Tối ngày mai lên nhà văn hoá họp nhá. - Giọng ông xóm trưởng nói vọng vào.


- Có việc gì đấy bác? Vào đây làm chén nước cái đã. - Ông nói trong khói thuốc lào bay đầy nhà.


- Thì lân đạm, thóc giống, sản phẩm, nhiều việc lắm. Tôi đi thông báo cái đã, có ai mà sướng được như chú đâu. Cái ngõ này cũng liệu liệu mà đổ bê tông đi chứ. Toàn nhà giàu mà tiền để làm gì không biết? Bao giờ đổ bê tông rồi tôi vào chơi, bảo hộ cả mấy nhà kia cho tôi với. – Ông xóm trưởng cười cười rồi đạp xe tới các ngõ khác.


Câu nói nửa đùa, nửa thật của ông xóm trưởng làm nét mặt ông thay đổi. Ông đặt phịch cốc nước chè xuống bàn tức tối. Đúng là cái ngõ đất dẫn vào nhà ông và ba nhà còn lại lầy lội nhếch nhác thật, trời mưa thế này càng làm nó trở nên kinh khủng hơn. Ai đi qua ngõ nhà ông cũng dừng lại nói vài câu rồi mới chịu đi tiếp: "Sao không bê tông hoá đi, thể kỷ hai mốt rồi mà còn để đất thế này", "Cái ngõ này là đi ngược lại văn minh của xóm", "Con bác giám đốc xây bao nhiêu cầu đường cho thiên hạ mà cái ngõ nhà mình cũng không đổ được"... Những câu nói không ác ý gì nhưng nhiều lần nó làm ông mất ăn, mất ngủ, thậm tệ hơn là sinh bệnh.


Ông muốn đổ bê tông lắm chứ, ông nào có muốn để như vậy cho người ta nói điếc tai. Hôm ông đổ sân, ông cố tình mua thừa cát, thừa đá, thừa xi măng với mục đích đổ phần ngõ từ nhà ông ra tới đường cái nhưng bà ngăn lại nên ông đành chịu. Ông cũng đã họp bốn nhà để bàn về việc đổ bê tông nhưng cuối cùng thì vẫn chưa thống nhất được. Chuyện là cái ngõ dài khoảng hơn năm mươi mét. Đoạn từ đường cái vào đến nhà ông tầm năm mét, từ nhà ông vào đến nhà thứ hai – nhà bà Huệ cũng tầm chừng đó, khoảng còn lại vào nhà ông Tình và ông Nhân. Hai ông trong cùng bảo nếu chia đều làm bốn thì đổ, không thì thôi. Bà Huệ goá chồng tỏ vẻ bất cần, đôi khi ba phải: Các bác quyết sao thì em theo vậy, mà đổ thì em đi không đổ cũng có sao, chẳng chết ai. Ông không chấp bà Huệ vì bà goá chống, tính cũng đanh đá, với lại ai chấp đàn bà bao giờ. Ông chỉ không đồng ý với ông Nhân và ông Tình. Tại sao lại chia đều cho bốn nhà trong khi đoạn nhà ông chỉ có mấy mét, ông cũng có đi vào bên trong đó bao giờ đâu mà lại bắt ông đóng tiền. Nếu bà không ngăn và ông không suy nghĩ về tình làng nghĩa xóm thì cái đoạn nhà ông nó đã được bê tông hoá từ đời thủa nào rồi. Cuộc họp đổ ngõ bê tông buộc phải giải tán khi không khí các bên có vẻ căng thẳng, nặng nề. Cái ngõ đất tất nhiên vẫn chưa thể được bê tông hoá. Nó vẫn đáng (1), vẫn bẩn, vẫn lầy lội, nhếch nhác.


Đêm qua bà thấy ông không ngủ, ông cứ trở mình hết bên này bên kia. Bà biết là ông đang trằn trọc suy nghĩ về cái ngõ, một vấn đề tưởng chừng rất đơn giản nhưng giờ lại cực khó giải quyết.


- Đổ quách nó đi! Mình chịu thiệt tí có đáng gì đâu mà ông cứ phải vậy.


- Bà biết cái gì mà nói. Chỉ được cái cản chồng là giỏi.


Ông quát lên, giọng ông cỏ vẻ hơi đay nghiến. Bằng ấy năm đầu gối tay kề bà đã quá hiểu tính chồng, bà chỉ cần nói thêm một câu nữa chắc chắn sẽ có chuyện xảy ra. Bà đứng lên đi lấy thóc cho mấy con gà đang trú mưa ở gốc hoè ăn.


Ông đưa tay vò vò đầu rồi châm tiếp một điếu thuốc lào hút. Ông nhìn ra sân nơi có những đống cát và vôi vữa thừa ông chưa kịp dọn đang chảy lênh láng quện cùng dòng nước bẩn, đục ngàu chảy từ đường vào sân nhà ông.


Cái ngõ này oái ăm ở chỗ là nó lại dốc chính đoạn sân nhà ông. Trước kia còn có cái ruộng, mưa bão nước vẫn tiêu được. Từ ngày ông hàng xóm xây tường bao quanh thì nước chảy vào sân nhà ông rồi chảy ra ao theo một cái rãnh mà ông đã đào, bực lắm, tức lắm nhưng ông chẳng thể làm gì hơn được. Cơn mưa ngày càng to, nước từ bên trong chảy ra cộng với nước từ đường cái chảy vào mang theo bao nhiêu thứ bẩn thỉu đổ vào sân nhà ông, ứ đọng, dâng cao dần. Cứ đà này chẳng mấy chốc nữa cái sân sẽ biến thành cái ao, so với khi lũ về có lẽ không khác là bao. Ông sốt sắng chuyện đổ ngõ chứ mấy nhà kia bình thản lắm. Họ bảo có đổ ngõ thì đẹp mặt ông chứ đẹp mặt ai vì nhà ông nằm cạnh đường mà. Họ mỉa mai ông là cái đồ bủn xỉn, hà tiện. Họ còn cầu cho trời mưa to hơn, ai úng lụt thì cứ lụt chứ nhà họ ở trên cao, họ chẳng sợ. Một điều rõ ràng là họ có đi đâu thì họ vẫn phải đi qua cái vũng nước bẩn thỉu trước sân nhà ông, chả nhẽ lại bay, thế mà họ vẫn nói ông được.


Ông đứng lên ngồi xuống, thở ngắn thở dài. Từng dòng nước đang thi nhau chảy vào sân nhà ông cùng cơn mưa ngày một nặng hạt. Ông không thể cứ ngồi mà nhìn cảnh này mãi được. Ông vứt phịch cái điếu cày xuống nền nhà, ông chạy vào trong buồng lấy mấy cái bao ông mua để đựng thóc rồi lao ra chỗ mấy đống cát. Ông chẳng cần xẻng, ông dùng hai tay mình vục rồi cào cát liên hồi cho vào bao. Dòng nước bị chặn lại bởi những bao cát ông đắp trước sân nhà mình giống như người ta đắp công sự hầm hào ngày xưa.


- Bủn xỉn này, hà tiện này, chúng mày có cao được mãi không. – Ông vừa lấy chân dậm vào bao cát vừa nói.


Dòng nước đổi hướng, nó đang vội vàng chảy mạnh vào nhà bà Huệ. Nước mùa hạn thì quý chứ giờ chẳng ai muốn chứa chấp nó. Bà Huệ thấy dòng nước bẩn ồ ạt chảy vào sân nhà mình thì đem bạt ra, bạt lấy bạt nể. Bà sai con vác hẳn một thanh gỗ dài chắn trước đoạn nhà bà, bà đào đất đắp kín hết những chỗ hở. Dòng nước tội nghiệp thêm một lần nữa bị khước từ. Nó biết chảy đi đâu bây giờ? Nó chảy về đoạn cuối của ngõ, tức là chảy vào nhà ông Nhân và nhà ông Tình. Hai ông này cũng không chịu kém cạnh. Hai ông huy động cả nhà tháo cánh cửa tôn nhà vệ sinh và dựng nó ở chỗ cách nhà bà Huệ không xa.


Đắp xong cái bờ chắn ông đã yên tâm vào nhà ngồi nhưng đột nhiên thấy nước tiếp tục chảy vào sân nhà mình ông liền chạy vội ra xem. Dòng nước đang chảy ngược lại phía nhà ông. Đoạn nhà bà Huệ là một thanh gỗ, còn đoạn vào nhà ông Nhân và ông Tình là miếng tôn cửa. Bọn này nó định chơi khăm mình đây, ông chạy đi lấy bao tải dồn cát, đắp cho cái bờ nhà ông cao hơn.