Pair of Vintage Old School Fru
Bà mẹ quê

Bà mẹ quê

Tác giả: Sưu Tầm

Bà mẹ quê

Nó trở về, vẫn qua con đường gạch dài lổng chổng, nhưng giờ rêu đã phủ đầy. Nó lặng lẽ tiến đến vại nước đậy nắp kín với cái gáo dừa bên trên, run rẩy lấy gáo dừa, mở vại ra múc nước, chợt...


***


Nó không còn nhớ lắm, nhưng ngày sinh nó, ba nó đã không còn, nên nó hầu như không có ký ức gì về ba nó. Hình ảnh ba nó chỉ xuất hiện những lúc bạn bè đặt câu hỏi với nó, hay trêu chọc nó. Những lúc ấy, nó thường khóc, chạy ngay về dỗi với mẹ.


Những câu hỏi vô tâm cũng cứ từ đó xoáy và một nỗi buồn gì đó của mẹ nó, và dường như kinh khủng đến mức mà những lúc đó, mẹ nó chỉ biết ôm nó dỗ dành, rồi khóc cùng nó. Còn nó thì cứ vùng vằng đẩy ra...


Bà mẹ quê


Nhà nó và mẹ nó ở bị tách ra khỏi làng, là một ngôi nhà vách nứa dựng tạm lên ở thửa ruộng của chính nhà nó, dẫn vào bằng một đoạn đường gạch mà mẹ nó cứ thi thoảng xin được từ những nhà người ta phá nhà cũ để xây nhà mới. Mỗi lần một đoạn.


Nó cũng chả nhớ là làm mất bao nhiêu thời gian thì mới xong, nhưng lúc nó đi học lớp 1, nó cũng được đi con đường gạch. Gọi là đường gạch, nhưng lổng chổng, chỉ là trời mưa thì chân nó không bị lấm lem bùn khi trở về nhà nữa.


Mẹ nó là người phụ nữ đã đứng tuổi. Lúc sinh nó, mẹ nó đã ngoại tứ tuần, chính vì có tuổi nên chút nữa thì nó không bao giờ được nhìn thấy mặt trời. Hôm đó đã nhá nhem tối, một người làng mang thóc ra trả công gặt cho mẹ nó ngày hôm đó, thì gọi không thấy ai. Vào trong nhà thì mẹ nó nằm ngất xỉu ở chiếc chõng tre, máu lênh láng.


Mẹ nó được đưa đi ngay lúc đó, với chiếc võng, cây tre vầu 2 người thanh niên làng khiêng thẳng lên trạm xá xã. May mắn thay, nó cũng được sinh ra, nhưng phải ở cùng với mẹ nó ở trạm xá hơn 1 tuần. Thời gian đó, chỉ có những người làng thay nhau lên đưa cháo, nuôi hai mẹ con nó.


Thời thơ ấu của nó là những mặc cảm trầm trọng về lời trêu chọc của bạn bè nó, rằng nó là đứa trẻ không cha, là con hoang. Nó thì chưa hiểu chuyện, nhưng chính vì lẽ đó mà nó bị tẩy chay khỏi đám bạn cùng lớp, bạn ở làng. Chính vì thế, mà nó trở nên lầm lì, cục tính, tự sinh ra cái vỏ bọc mình, để sẵn sàng đánh nhau với những đứa nào mà cố tình trêu chọc nó.


Hậu quả của những trận đánh nhau đó là nó sưng sẩy mặt mũi, xướt xát chân tay. Còn tối thì phụ huynh những đứa bị nó đánh cũng đến gặp mẹ nó. Và nó luôn không hiểu tại sao, mẹ nó luôn nhận phần sai về mình. Mẹ nó luôn im lặng, và lầm lũi như chính dáng mẹ của mẹ nó. Cũng chính vì điều đó mà nó lại càng ghét mẹ nó hơn.


Cũng chính sự mặc cảm và tính khí của nó, mà may mắn thay, nó lại tập trung vào việc học hành. Kết quả học hành của nó luôn dẫn đầu lớp. Tuy nó ghét mẹ nó, ghét chính bản thân con người nó, nhưng hình như nó cũng ý thức được cuộc sống nghèo khó và thiếu thốn của mẹ con nó.


Bà mẹ quê


 Nó cũng sớm được mẹ nó ý thức được rằng, nó là niềm hy vọng duy nhất của mẹ nó, và cơ hội duy nhất để giải thoát nó ra khỏi tình trạng này là việc học hành. Nó là người duy nhất của làng thi được vào cấp ba trước sự ngạc nhiên của hầu hết người trong làng.


Ngạc nhiên không chỉ bởi lực học của nó, mà còn là sự quyết tâm của mẹ nó. Vì lúc đó, nhiều bạn bè của nó không được học cấp ba vì điều kiện kinh tế gia đình.


Còn mẹ nó, vẫn lầm lũi như thế, vẫn câu trả lời mà gần như là duy nhất khi nó thắc mắc về ba nó, rằng sau này lớn con sẽ hiểu. Mẹ nó vẫn tần tảo với ít ruộng quanh nhà, vẫn lam lũ đi làm thuê để kiếm ít thóc, và bán đi để lấy tiền cho nó ăn học.


Lúc nó học cấp 3 là lúc nó học xa nhà. Có hôm nó đi học cả ngày, tới gần nhá nhem tối mới về, thì mẹ nó lúc nào cũng ngồi trước con đường gạch dài hun hút ngóng con về. Và lúc nào cũng thế, với gáo dừa nước mưa và chiếc khăn thấm mồ hôi cho con. Vồn vã đỡ cặp xách và dựng gọn gàng chiếc xe đạp vào trong nhà cho nó.


Dáng mẹ nó giờ đã còng còng, đôi tay đã gầy guộc gân guốc. Nó bây giờ đã không còn thói quen ngủ với mẹ nữa, nhưng hôm nào mẹ nó cũng phải sang bỏ màn cho nó, và xê nó ngủ ngay ngắn. Nó giờ cũng không còn hỏi mẹ nó nhiều nữa, nhưng nó cũng lầm lì, ít khi nói chuyện với mẹ nó....


Từ khi đi học đại học, nó cũng thi thoảng gọi điện về nói chuyện với mẹ nó. Mà mỗi lần gọi, nó phải gọi nhờ một nhà bán quán ở trong làng, xong nhờ người ta ra gọi mẹ nó, và rồi nó mới nói chuyện với mẹ nó. Cũng chỉ là những câu hỏi thăm xã giao lần nào cũng thế. Còn mẹ nó thì luôn dặn dò nó học hành cho tốt, làm thêm vừa vừa thôi để giữ gìn sức khỏe và tập trung vào việc học.


Năm ngoái, nó về nhà thường xuyên hơn, thì lần nào về, mẹ nó cũng gói gém cho nó, nào là tép khô, cá khô mà mẹ nó đã bắt được từ hàng tháng trước. Rồi đùm gạo, rồi ít tiền hầu hết là tiền lẻ. Số tiền đó thì chỉ đủ một phần ba cho chi phí tối thiểu của nó trên chốn thành đô này, nên nó đã đi gia sư ngay từ khi đi học đại học.


Số tiền nó kiếm được và với cách sống tằn tiện của nó, cũng đu đủ cho cuộc sống của nó. Từ ngày đi học đại học, hình như mẹ nó đã già đi nhanh hơn. Tóc đã bạc, răng đã rụng, lưng đã còng, nhưng vẫn như ngày xưa, mẹ nó vẫn ngồi trước con đường gạch hun hút ngóng nó về khi nó báo về. Và cũng vẫn gáo nước mưa, vẫn chiếc khăn thấm mồ hôi, mẹ nó đon đả đón nó.


Đã ba tháng nay nó không về. Học hành và việc làm thêm bận rộn hơn, nó cũng kiếm được nhiều tiền hơn với công việc làm thêm, nên đã mấy tháng rồi nó không bảo mẹ nó gửi tiền lên nữa.


Bà mẹ quê


Như mọi khi, nó ra gọi điện về nói chuyện với mẹ nó, nhưng...nó đã không bao giờ được nói chuyện với mẹ nó nữa. Mẹ nó đã ra đi mãi mãi được hơn 1 tuần rồi. Lúc bệnh nặng, có mấy người hàng xóm thi thoảng thay nhau chăm sóc mẹ nó, mẹ nó dặn rằng không cần cho nó biết, vì nó đang trong thời gian thi cử.


Mẹ nó nhờ gói gém ít tiền lẻ gửi cho nó, còn ít khác đưa cho hàng xóm nhờ người hàng xóm lo ma chay cho mình, và nhờ một người viết cho nó một bức thư...


Nó đứng lặng yên bên vại nước, và nước mắt nó cứ thế trào ra...