Duck hunt
Anh trai tôi

Anh trai tôi

Tác giả: Sưu Tầm

Anh trai tôi

Thật ra anh không hề hiểu được đại học là gì, nhưng anh hiểu, em trai đã mang lại cho cả nhà niềm tự hào vì cả làng chỉ có mỗi mình tôi đậu đại học.


***


Chính sách kế hoạch hóa gia đình là mỗi nhà chỉ được có từ một đến hai con nhưng gia đình tôi lại sinh tôi ra là đứa con thứ ba mà không ai có ý kiến gì cả, không phải do nhà tôi có thế lực gì, đơn giản một điều do anh trai tôi bị bệnh thiểu năng trí tuệ.


Vì muốn có con trai nối dõi tông đường, bố mẹ nhất quyết sinh thêm đứa nữa là tôi mặc dù gia đình tôi chẳng khá giả gì. Ngôi vị của anh trai ở nhà thật trớ trêu. Chị gái tôi xinh đẹp. Còn tôi là con trai út, đương nhiên được chiều chuộng nhất nhà.


Anh trai tôi


Lúc Tôi còn nhỏ, vì lo lắng anh sẽ làm đau em nhỏ nên ba mẹ không cho phép anh đụng vào người em, thậm chí không được đến gần em, nếu đến gần em thì anh sẽ bị ăn roi ngay lập tức. Anh thường len lén ngồi chồm hỗm ở đằng xa nhìn em, thấy em trai mình liền cười đến nỗi nước dãi, nước mũi chảy lòng thòng...


Hôm sinh anh ra, trời đổ mưa rất to giống như ông trời đang khóc nức nở vì thương cho số phận một sinh linh mới chào đời. Anh vẫn giống như tất cả những đứa trẻ bình thường khác, được cưng chiều hết mực, là niềm tự hào của ba và bà nội.


Mẹ tôi là một người phụ nữ tội nghiệp.Thật ra bi kịch chỉ bắt đầu từ năm mà những đứa trẻ xấp xỉ tuổi anh đã biết nói, biết đi, còn anh lại ngồi đực ra giữa nhà, không nói nổi một từ nào. Sau khi đi khám mới phát hiện ra anh bị bệnh về não, bà nội trút hết giận hờn lên người mẹ, bao nhiêu tủi nhục đắng cay mẹ lại đổ hết lên người anh. Anh trở thành cái gai trong mắt mọi người, chỉ cần một chuyện nhỏ thôi thì anh cũng lãnh đủ đòn roi.Đầu tóc anh lúc nào cũng rối bù mặc dù đã được cắt rất ngắn, anh gặp ai cũng cười cười ngây dại, cũng chả ngại ngần tè trước mặt mọi người. Anh là trung tâm cho bọn trẻ trong làng trêu chọc, bọn trẻ không bao giờ cho anh chơi chung còn lấy anh ra làm trò đùa. Mắt anh nhìn đăm đăm vào bọn trẻ đang chơi đùa phía trước nhà với một ánh mắt khao khát đến cháy bỏng, đến cả ba mẹ tôi cũng không cho tôi chơi cùng anh nữa là bọn trẻ trong làng.


Khi tôi bắt đầu lờ mờ hiểu biết một chút, tôi mới phát hiện, ngoài tôi ra, bọn trẻ chơi cùng tôi không đứa nào có người anh như tôi. Khi tôi đến tuổi đi học thì bị các bạn học gọi là " em thằng khùng." Nghe mấy từ đó tôi cảm thấy ấm ức đến cùng cực, cho nên hễ trông thấy anh trai bệnh tật của mình thì trong lòng tràn đầy chán ghét, khó chịu. Chính vì vậy mà tôi không bao giờ tươi tỉnh với anh, chưa bao giờ chủ động nói chuyện với anh, càng không bao giờ gọi "Anh!", khi phải trao đổi với anh, tôi gào là chủ yếu. Anh trai khát khao được giống như tất cả những người anh khác, được em mình gọi một tiếng "Anh!"


Một lần lại vì mấy tiếng "em thằng khùng" đó mà tôi đã đánh lộn với đứa bạn học. Tôi bị nó đè lên người, rồi bỗng nhiên thấy người nó nhẹ bẫng, thì ra anh trai tôi đã ra tay. Tôi chưa bao giờ thấy anh trai mình khỏe đến thế, nhấc bổng thằng nhóc kia lên không trung rồi ném mạnh xuống đất. Thằng nhóc tức khắc gào khóc ầm ĩ. Tôi thấy sợ hãi, gây họa rồi! Ba nhất định sẽ đánh mình.


Ba tôi lửa giận bốc phừng phừng, ba bắt tôi và anh quỳ gối một hàng trước sân, ba lấy ngọn roi đánh vào anh trai, vừa đánh vừa chửi. Anh tuy khùng, nhưng vẫn biết đau, anh nhảy nhỏm lên chạy trốn ngọn roi, miệng phát ra những tiếng lắp bắp sợ hãi:


-"Đau... đau..."


Vậy mà lúc ba chuyển ngọn roi sang đánh tôi, lúc ngọn roi giáng xuống thì lúc này chỉ thấy anh như cái lò xo bật từ dưới đất lên, anh liền nằm sấp đè lên người tôi, cắn răng chịu đau nói:


- Đánh...đánh con


Cánh tay của ba trên không trung thõng xuống. Ba tôi bất ngờ ôm anh em tôi vào vào lòng khóc thảm thiết.


Một ngày mùa đông nọ trời đột ngột đổ mưa, mẹ sai anh mang áo mưa cho tôi. Có lẽ trên đường đến trường anh đã ngã ì oạch mấy lần, toàn thân trông như con khỉ lấm bùn, anh đứng ở ngoài cửa sổ lớp học nhìn tôi cười ngớ ngẩn, miệng còn gọi tôi: "Em... mưa...". Có mấy đứa bạn tôi cười khúc khích, tôi như ngồi trên bàn chông, oán hận anh khủng khiếp, hận anh không biết điều, hận anh làm tôi xấu hổ, càng hận thằng bạn học cầm đầu trêu chọc. Trong lúc nó còn đang khoa trương bắt chước anh, tôi chộp cây thước to bản trước mặt, đập thật mạnh cho nó một phát, nhưng bị nó tránh được. Nó xông tới bóp cổ tôi, chúng tôi giằng co đánh nhau. Tôi nhỏ con, vốn không phải là đối thủ của nó, bị nó dễ dàng đè xuống đất. Anh thường ngày vốn rất chậm chạp vậy mà lúc này, chỉ nghe một tiếng "vù" kéo dài từ bên ngoài lớp học, anh giống như một đại hiệp "bay" ào vào, một tay tóm cổ nó, đẩy ra tận ngoài cửa lớp. Ai cũng bảo người điên rất khỏe, thật sự đúng là như vậy. Anh dùng hai tay nhấc bổng thằng bắt nạt tôi lên trên không trung, nó kinh sợ kêu khóc gọi bố mẹ, một chân béo ị khua khoắng đạp loạn xạ trên không trung. Anh không thèm để ý, ném mạnh nó xuống đất. Bọn bạn học tôi đều đờ hết cả người.


Anh vì tôi gây ra đại hoạ, anh lại làm như không có việc gì xảy ra. Anh nhìn tôi vẻ muốn lấy lòng. Tôi hiểu ra đây là tình anh em, dù đầu óc anh không tỉnh táo, thì tình ruột thịt của anh vẫn tỉnh táo, vì em trai của anh bị người ta bắt nạt. Lúc đó tôi không kìm được kêu lên: "Anh!" đây là tiếng gọi đầu tiên kể từ khi tôi biết nói. Anh sững sờ cả người, nhìn tôi rất lâu, vui sướng khoa chân múa tay cười ngớ ngẩn. Mũi tôi cay cay, nhiều năm rồi, ngoài sự chán ghét và miệt thị, tôi đã làm cho anh trai mình những gì? Hôm đó, lần đầu tiên hai anh em tôi cùng che chung một cái áo mưa về nhà. Tôi kể sự tình cho mẹ nghe, mẹ sợ rụng rời ngã ngồi lên ghế, vội vã nhờ người đi gọi ba về. Ba vừa bước vào nhà, một đám người vạm vỡ tay dao tay gậy xông vào nhà tôi, không cần hỏi han trắng đen gì, trước tiên đập phá mọi đồ đạt trong nhà nát như tương, trong nhà như có chiến tranh. Đây là những người do cha thằng bạn học bị anh tôi đánh dẫn tới, hung hãn chỉ vào ba tôi nói:


- Con trai tao sợ quá đã phát bệnh rồi, hiện đang nằm trong bệnh viện. Nhà mày mà không trả tiền thuốc thang cho con tao thì tao cho người san bằng cái nhà này ra.


Nhìn những người sát khí đằng đằng, ba tôi mắt đỏ lên dần, ba nhìn anh với ánh mắt cực kỳ khủng khiếp, một tay nhanh như cắt vơ lấy cây roi, đánh tới tấp khắp đầu mặt anh. Một trận lại một trận, anh chỉ còn như một con chuột khiếp hãi run rẩy, lại như một con thú săn đã bị dồn vào đường chết, nhảy lên hãi hùng, chạy trốn, ngã sõng soài trên đất, cả đời tôi không thể quên tiếng roi vụt lạnh lùng lên thân anh và những tiếng kêu thảm thiết của anh. Hàng xóm đến ngăn bàn tay bạo lực của ba. Công an đến hoà giải cả hai nhà, ai còn gây sự sẽ bắt luôn người đó. Đám người đi rồi, cha tôi nhìn khắp nhà mảnh vỡ tan tành, lại nhìn anh tôi vết roi đầy mình, cha tôi bất ngờ ôm anh tôi vào lòng khóc thảm thiết. Ba lại nhìn tôi nói: "Con phải cố mà học lên đại học. Không thì, nhà ta cứ bị người khác bắt nạt suốt đời, con nhé!". Tôi gật đầu, khóc nấc lên.


Ngày Tôi thi đậu đại học và cầm giấy thông báo nhập học của trường trên tay, ba mẹ tôi vui đến nỗi cười không dứt, anh trai tôi cũng vô cùng sung sướng, miệng cười toe toét, vỗ vỗ tay nhảy cẫng lên. Thật ra anh không hề hiểu được đại học là gì, nhưng anh hiểu, em trai đã mang lại cho cả nhà niềm tự hào vì cả làng chỉ có mỗi mình tôi đậu đại học.


Một người họ hàng tốt bụng làm nghề bác sỹ ở thành phố về thăm quê. Khi biết bệnh tình của anh trai tôi đã khuyên ba mẹ tôi đưa anh lên bệnh viện tâm thần ở thành phố để chữa bệnh. Vậy là ba đưa hai anh em tôi cùng nhau lên thành phố. Tôi thì nhập học ở trường đại học còn anh tôi thì nhập viện chữa bệnh. Đối với một thanh niên nông thôn mà nói, cuộc sống ở thành phố, ở trường đại học hết sức tuyệt vời. Nhưng tôi vẫn không quên anh trai bệnh tật của mình. Vậy là hàng ngày, ngoài thời gian học tập tôi đều ghé bệnh viện thăm anh trai, mỗi lần được gặp tôi là anh vui mừng khôn xiết.


Bốn năm trôi qua, tôi đã tốt nghiệp đại học, quyết định về cống hiến tại quê nhà. Anh trai tôi cũng đã khỏi bệnh mặc dù không được như người bình thường nhưng được vậy cũng là quý lắm rồi. Hai anh em cùng nhau về quê hương, ở đó có những người ruột thịt thương yêu đang ngày đêm trông đợi chúng tôi trở về.


Thu Hiền