Snack's 1967
Vợ vui đơn giản lắm: về nhà đi anh...

Vợ vui đơn giản lắm: về nhà đi anh...

Tác giả: Sưu Tầm

Vợ vui đơn giản lắm: về nhà đi anh...

Khi lồng son là toilet

Tối mùa đông, em ngồi cùng với một người đàn ông trên quán bar tầng 21. Đàn ông có vợ, tạm gọi là anh A, thành đạt, đẹp trai có sự đĩnh đạc, trầm ngâm của một nam nhân từng trải, lái xe Bentley đen bóng loáng và sẵn sàng mua bất cứ túi hàng hiệu nào cho cô gái mà anh cặp kè cùng. Dường như ở tuổi tứ tuần, anh sở hữu tất cả những gì mà mình mong muốn ngày còn là thanh niên, trừ vợ mình. Gió mạnh ở tầng cao hay bia lạnh của mùa đông cũng chả khiến em rùng mình bằng lúc nghe anh nhẹ tênh nói: “Anh chán vợ quá! Chắc phải li dị sớm thôi.”

Ừ thì là sơn hào hải vị ăn mãi cũng còn chán, huống hồ là cô vợ mộc mạc mà anh lấy từ hồi còn chân lấm, tay bùn ở quê tận hơn hai chục năm về trước. Anh và vợ đến với nhau khi cả hai chẳng có gì, chị mở một quán cơm ngày ngày cần mẫn tích góp từng đồng đưa anh tiền mua tương lai trong giảng đường đại học. Lúc nào sau thành công của người đàn ông chả là cái bóng của một người phụ nữ cặm cụi hy sinh.

Chả biết là may hay là xui, anh ở thành phố thành công nên cũng kèn trống, cờ hoa linh đình đón dâu lên đô thị. Chị bơ vơ giữa phố phường xa lạ và lúng túng với hàng đống thẻ ngân hàng dày cộp anh đưa. Đành rảnh rỗi ở nhà sinh cho anh đến 2 thằng cu con kháu khỉnh.

Cuộc sống bình yên với dầu, mỡ, bếp, núc, với tã, nước tiểu, phân cho lần lượt ba đứa con và thay bô, chăm sóc mẹ chồng già bị liệt. Cuộc sống cứ lặng lẽ bên mâm cơm tối tối chờ chồng đi công chuyện đến 11 giờ đêm mới về cho đến khi cả chị và anh đều thua trước thử thách về: ”Lòng trung thủy của người đàn ông khi anh ta có tất cả.”

Như mọi ngày tàn của hôn nhân, đàn ông có vợ hào hoa, nhiều tiền luôn được quây quanh bằng những chân dài, dáng nuột, về đến tổ ấm thì thấy chán chị vợ đã nhìn mòn suốt hơn hai chục năm trời, mặc đồ ở nhà bằng nỉ một màu và tẻ nhạt như một cái bóng. Vậy là lâu dần, anh thích đến những khách sạn phù hoa, đèn vàng rực rỡ hơn là về lại ngôi nhà cũng bề thế tráng lệ nhưng đã nhìn đến phát nhàm.

Vợ vui đơn giản lắm: về nhà đi anh...

Lại có một đàn ông có vợ khác mà em quen, tạm gọi là B, có chị vợ suốt ngày than thở về cơm, áo, gạo, tiền, về giá nước mắm ngày càng cao, về cái bụng đầy mỡ của chị và cái bụng đầy bia của anh. Đàn ông có vợ B sợ hãi vợ trẻ và con thơ của mình đến nỗi thứ bảy, chủ nhật tình nguyện làm nhân viên gương mẫu đến cơ quan làm thêm. Với anh nơi đó có điều hòa, máy tính, có đồng nghiệp làm cùng chơi đế chế cho đến hết cuối tuần thật là thiên đường làm sao. Không còn tiếng vợ càu nhàu, lườm nguýt giục anh làm việc nhà, thay cái bóng đèn đã hỏng đến 3 tháng và chẳng cần ngồi tranh nhau tivi với con, hoặc giảng cho nó mấy bài toàn lớp 5 chán ngắt mà chính anh cũng không hiểu. Đàn ông có vợ B còn có thiên đường thứ 2 là quán nhậu.

Vợ vui đơn giản lắm: về nhà đi anh...

Quán nhậu là thiên đường vì đó là nơi anh thấy mình là thượng đế. Thượng đế thì phải bàn chuyện đại sự, từ chính trị, lịch sử, cho đến triết lý làm người và 1001 bí quyết dạy vợ phải “ngoan". Trên bàn rượu đàn ông có vợ B trên thông tinh văn, dưới tường địa lý, cái gì anh cũng biết chỉ trừ việc anh không biết là điện thoại rung, vợ đang sốt hầm hập ở nhà, và thằng con học lớp 5 trong lúc đi gọi bà nội đã ngã cầu thang tím cả mông vì cái bóng đèn 3 tháng nay anh chưa thay nổi.

Thế nên khi anh nói với em là: “Em không biết đó thôi, hôn nhân giống cái nhà vệ sinh, người ở ngoài muốn vào nhưng người ở trong chỉ muốn ra.”

Em gật đầu lĩnh hội, rất mực cảm thông với lý do các anh không muốn về nhà.

Loay hoay với tổ ấm của mình

Có một chân lý đã được đánh dấu đỏ, kiểm duyệt và được công nhận từ rất lâu rồi, rằng dù thế nào đi chăng nữa, đàn ông sau khi chơi bời chán đều sẽ về với tổ ấm của mình. Nhưng có đôi khi hành trình về lại chính ngôi nhà của mình lại gian nan và khó khăn đến không ngờ.

Chẳng đợi đàn ông có vợ A ký giấy khai tử cho hôn nhân của mình, chị vợ cẩn thận thuê người giúp việc chăm sóc mẹ chồng, tưới cây, là phẳng phiu cho anh hết những áo sơ mi trong tủ thì dắt díu 2 đứa con rời đi. Quãng thời gian đầu anh tặc lưỡi thờ ơ, vẫn đi nghe nhạc giao hưởng nâng cao trình độ cảm nhận nghệ thuật, đến những quán bar trên sân thượng ỡm ờ với gái xinh và kết thúc đêm lung linh của mình trong khách sạn.

Những tháng ngày “không nhà” của anh có lẽ vẫn còn kéo dài nếu không phải do cô giúp việc làm ăn chả ra sao, uống hết sữa của mẹ anh, không cho bà ăn cơm, cũng không thèm thay tã. Căn nhà của họ lạnh tanh, những cành cây không ai tưới giờ cũng héo rũ, mẹ già ở nhà một mình cả ngày cũng buồn heo hắt. Anh vẫn tặc lưỡi tỉnh bơ, đem về nhà một cô gái khác thay thế chị. Nhưng nếu người vợ là tổ ấm của người đàn ông thì những cô tình nhân vĩnh viễn vẫn chỉ là khách sạn: bóng bẩy, bắt mắt, phải trả tiền và một đống phụ phí nữa để được dùng, phải sử dụng chung và có thời hạn. Một thời gian sau cô gái chán ngán phải ở nhà dính lấy một bà già nên rất nhanh chóng dứt áo ra đi cùng một đại gia khác. Không chịu thua số phận, anh cưới về 1 bà cô vợ mới, lặp lại chính xác vòng tuần hoàn trong quá khứ của mình là “cưới vợ - chán vợ”. Chui từ nhà vệ sinh này sang nhà vệ sinh khác.

Đàn ông có vợ B thì coi hôn nhân của mình như một cái toilet, vậy thì hẳn nhiên anh ấy sẽ không thấy hạnh phúc khi ở trong cái nhà vệ sinh cả ngày được. Vậy mà một thời gian sau anh cũng chỉ tối ngày quanh quẩn ở nhà. Hóa ra anh bị hết thảy mọi thiên đường từ chối.

Công ty làm ăn thua lỗ phải cắt giảm nhân viên, anh thành người thất nghiệp. Nhưng không sao, như thế anh sẽ có nhiều thời gian hơn ở thiên đường thứ 2, bên những người đàn ông của đời mình. Nhưng rượu chè một thời gian thì hết tiền, đám bạn nhậu của anh cũng chả thể “đỡ đần” được mãi, trở nên mặt nặng mày nhẹ, ít cười ít nói, ít tôn trọng anh hơn. Anh đành trở về với cái nơi anh gọi là chán chết. Nhưng vẫn may anh còn có nơi để trở về, và vẫn còn có người ở nhà đợi anh. Rồi những ngày thay chị làm việc nhà, chổng mông lên dọn toilet, oằn người rửa bát, tất bật chăm, hét, thét và nhức đầu với đứa con anh mới hiểu, để giữ được một ngôi nhà thành tổ ấm, để người đàn ông cứ muốn là có thể về và hưởng thụ sự tiện nghi thoải mái, người phụ nữ đã vất vả thế nào.

Về nhà đi anh

Cuộc sống là những chuỗi ngày đầy khó khăn và mệt mỏi. Sáng sáng, anh thức dậy, khoác lên mình những bộ quần áo phẳng phiu, là lượt, rồi anh mở cửa… bước vào một cơn bão. Và vì thế những người đàn ông, đôi lúc chả khác gì những cành cây đang oằn mình giữa những lốc xoáy và mưa, bụi. Chính vì thế, ngôi nhà là nơi duy nhất khiến anh có thể rũ bỏ những sóng gió cuộc đời ở đằng sau lưng.. Sự ấm áp, cảm chắc chắn, an toàn đấy đều do vợ anh cần mẫn góp thành nhưng chả mấy ai ghi nhận.

Nếu muốn hạnh phúc, trước hết chúng ta phải học cách tôn trọng, nâng niu tổ ấm của mình. Chả ai có thể hạnh phúc khi coi hôn nhân là cái nhà vệ sinh và ngày ngày sống trong đấy cả. Các anh phải nhớ rằng dù đó là quán rượu nơi các anh cà kê nhậu nhẹt quên đi những mệt mỏi của cuộc sống, hay văn phòng giúp anh khẳng định sự thành công của bản thân, thậm chí dù có là phòng khách sạn phù hoa, hào nhoáng bên cạnh một cô nàng bóng loáng cũng chỉ là có thể là nơi các anh dừng chân tạm bợ.

Vợ vui đơn giản lắm: về nhà đi anh...

Đừng để vợ mình cô độc trong cái tổ ấm cô ấy xây cho anh, ngày ngày mỏi mòn ngồi trong phòng khách nghe tiếng đồng hồ kêu, ngóng ra cửa chờ anh về dù cho các anh có cảm thấy căn nhà mình chưa hoàn hảo, luôn cảm thấy bất mãn với người phụ nữ của đời mình. Để em nói với các anh điều này nhé, phụ nữ thật ra đơn giản lắm. Nếu các anh muốn ở một nơi tuyệt vời nhất trên thế gian thì hãy coi vợ mình là một thiên thần, cô ấy sẽ xây cho anh cả một thiên đường ở đấy. Mà để làm vợ vui thì đơn giản lắm, hãy về nhà thôi anh.

FloatingM