Văn hóa ly hôn
Văn hóa ly hôn
Tại thời điểm đó rõ ràng cả hai vì yêu nhau mới quyết định tiến tới hôn nhân. Nhưng hôn nhân cũng như những thứ khác chưa chắc ta chọn một lần mà hợp, mà bền vững. Về sống chung, mọi mắt tốt xấu của cả hai cùng bộc lộ, hoặc sự khác biệt về giáo dục, môi trường gia đình hai bên hoặc không tương đồng về nghề nghiệp không có tiếng nói chung. Và tình yêu say đắm phút ban đầu bỗng trở nên lạnh nhạt.
Và rồi một trong hai người có thể gặp gỡ ở đâu đó trong môi trường công sở, bạn bè hoặc anh/cô bạn thân và họ nảy sinh tình yêu. Vậy vấn đề ở đây là thay vì họ phân tích để biết rằng cuộc hôn nhân hiện tại đang có vấn đề ở đâu. Có thể khắc phục sự khác biệt hay chia tay để đến với tình yêu mới. Bởi vì khi một trong hai người tình yêu đã chết thì có cố gắng chỉ kéo dài thêm sự chịu đựng. Còn nếu có thể khắc phục được thì cũng cần trao đổi thẳng thắn những điều nên cải thiện để duy trì hạnh phúc gia đình thì cũng cần phải có sự cố gắng của hai bên, bởi vì để đưa ra quyết định chia tay cũng không hề đơn giản nhất là liên quan đến con cái.
Tôi là người may mắn khi được đi nhiều và tiếp xúc với khá nhiều bạn bè cũng như đồng nghiệp ở các nước phát triển và tôi thấy rất khâm phục văn hóa li hôn của họ. Tôi đã tìm hiểu và được biết quan điểm của họ, nếu đã không còn tình yêu cũng nên trao đổi thẳng thắn để chia tay trong lịch sự và giải quyết vấn đề con cái. Nếu người nào nuôi thì người còn lại phải trợ cấp thế nào. Bởi vì theo họ nếu không hợp và gượng ép với nhau thì cuộc sống không còn là cuộc sống. Con cái lớn rồi thì chúng cũng có cuộc sống riêng của chúng chứ bản thân bố mẹ cũng không sống trọn đời với con cái, nên đừng đem con cái ra là lý do để vì này vì kia. Cho nên dù chia tay nhưng họ vẫn giữ lại được tình bạn và vẫn có sự kết nối của những đứa con. Vì hơn ai hết đối phương còn lại cảm thấy tôn trọng người kia bởi vì họ không lừa dối, không ai trách được cảm xúc trái tim khi không còn có thể yêu nhau nữa.
Tuy nhiên người việt nam mình không làm được điều đó. Khi tình yêu không còn một trong hai người không làm điều trên mà cách họ chọn lén lút với mối tình mới. Để khi sự việc bại lộ người còn lại tổn thương, mất lòng tin và tôn trọng lẫn nhau. Con cái cũng cảm thấy hụt hẫng khi nghĩ về cha mẹ.
Tôi có một cô bạn thân, sau khi chia tay với chồng vì lỗi của người chồng mà cô ấy không thể tha thứ. Người chồng tuyệt nhiên không đến thăm con trong vòng mấy tháng đầu. Cô ấy đã đích thân gọi điện và bảo rằng cô không cần tiền chu cấp cho con, tuy nhiên cô vẫn cần anh thỉnh thoảng đến thăm con và mua cho con một ít sữa để con biết rằng bố vẫn còn quan tâm. Khi con bé hỏi cô tại sao bố không ở chung với mẹ nữa thì cô cũng trả lời con bé tại bố và mẹ không còn yêu nhau nữa nên bố mẹ chỉ còn là bạn bè và sẽ cùng chăm lo cho con. Tôi thấy đó là một cách li hôn để tránh tổn thương cho con trẻ nhất. Đừng để con có những hình ảnh không tốt về những bậc đã sinh ra chúng.
Bởi vậy li hôn là điều không ai muốn nhưng nếu bạn rơi vào tình cảnh đó tôi nghĩ hai vợ chồng cũng nên hành xử sao cho để đối phương tôn trọng, và con cái có cái nhìn đúng đắn về mẹ cha. Bởi vì ngày nay đã không còn thế hệ chịu đựng như thế hệ trước. Giới trẻ hiện đại họ hiểu rằng, nếu sống không hạnh phúc thì đôi khi chia tay là giải pháp tốt đẹp cho cả hai bên. Tuy nhiên hãy làm sao vẫn duy trì được mối quan hệ tốt đẹp để tránh tổn thương cho con cái.