[Quan điểm] Đại học nào phải con đường duy nhất
[Quan điểm] Đại học nào phải con đường duy nhất
Ngày còn đi học tôi chưa bao giờ rớt khỏi top đầu dù có học hành chểnh mảng đến thế nào đi nữa. Ai cũng ca ngợi hết lời, tôi cũng vui vì điều đó. Nhưng đến tận lớp 12 tôi mới nhận ra rằng mình đã u mê đến thế nào trong những năm qua.
Học giỏi là sẽ có tất cả?
KHÔNG PHẢI!
Đến ngày nộp hồ sơ tôi vẫn vô hồn, chọn đại trường nào hot nhất. Không nghĩ mình sẽ đỗ, cũng chẳng nghĩ mình sẽ trượt, vô cảm. Vì thứ mà tôi muốn học, ước mơ của tôi, ngay bây giờ thật sự quá xa vời. Tự nhủ thôi cứ học kinh tế kiếm tiền rồi đi mua ước mơ vậy.
Rồi cũng thi, rồi cũng may sao đủ điểm đỗ. Rồi cũng đi học như ai. Nhưng tôi lại nhận ra mình u mê thêm một lần nữa.
Cứ học kinh tế rồi sẽ kiếm được tiền?
KHÔNG PHẢI!
Trường đại học không dạy cho tôi được vài thứ hữu ích, nhưng cuộc sống đại học đã dạy tôi không biết bao nhiêu thứ sâu cay.
Tôi không thể tin một đứa không biết bao nhiêu năm đứng trên đỉnh cao, đến tận khi thi đại học còn cho bạn chép bài, bây giờ đi thi qua môn lại chuyên nghiệp trong việc chép bài của đứa khác. Thấy mình cũng “giỏi” thật, ngày trước luôn khinh bỉ những đứa mang phao vào phòng thi, bây giờ cũng đã điêu luyện qua mắt được bao nhiêu giám thị. Tôi nhớ lại ngày xưa khi mình bị những điểm kém hiếm như sao sa thì tinh thần ngay lập tức suy sụp, thấy buồn cười hết sức. Bây giờ tôi không thấy xấu hổ như ngày trước, bởi vì ngày ấy tôi học vì một mục tiêu cao cả, bây giờ tôi có học đâu, không học thì không có kết quả, vậy thôi. Tôi không thể có một tí cảm tình nào với những thứ mình không thích.
Tôi phát hiện ra 3 loại người trong trường.
1 là học giỏi và quá tự hào về trường
2 là học kém và bất mãn
3 là loại làng nhàng, vô cảm.
Và dĩ nhiên tôi thuộc loại thứ 3, không quá kém, nhưng lại không hề giỏi. Đến mức bạn bè còn hỏi: “Mày hack điểm thi vào đây đấy ư?”
Tôi cười như ma làm. Tôi là loại người không thể nghe lời người khác, không thể chạy theo xu hướng. Bạn bè cắm đầu vào học, tôi cắm cổ đi kiếm tiền. Học thì cũng để kiếm tiền, có phải vậy không?
Mà tôi thì không định làm giảng viên, tôi cũng không muốn làm công cho người khác cả đời, nên tôi không học nhiều như người khác, tôi thấy không cần lắm, đủ qua môn là được. Có đứa nhìn tôi ái ngại lắm, có đứa chê cười tôi hả hê lắm, nhưng tôi mặc kệ, ai có con đường của người nấy, tôi không chọn trở thành tượng đài về kiến thức, tôi chẳng hối hận vì điều đó, chẳng có ai sai cả. Tôi chưa có được ước mơ của tôi, nên tôi phá rào chạy con đường khác. Đến giờ cũng chưa thể nói là ổn định, nhưng tôi thấy mình ổn.
Đại học có phải là con đường duy nhất không?
KHÔNG PHẢI
Nhưng nó là con đường an toàn. Tôi thích mạo hiểm, chết sớm cũng được, miễn là được sống đúng với mình. Đó là câu chuyện đại học của tôi.
Tôi không khuyến khích người ta ngừng học, tôi chỉ muốn nói với những người chưa bước chân được vào cánh cửa an toàn, các bạn học như điên để hoàn thành ước mộng, rồi vào đại học các bạn sẽ lại vỡ mộng tập 2, sẽ không màu hồng như các bạn nghĩ. Bởi thế, đừng khóc nhiều làm gì, đừng tự trách bản thân mình vô dụng, vì vào đại học rồi thì đầy người cũng chưa thấy mình hết vô dụng đâu. Nên hãy cố gắng thêm một lần nữa. Nếu bạn có đam mê với ngôi trường đó, càng thi lại thì bạn càng có ý chí phấn đấu để thành công hơn khi đã vào được nó. Không có gì phải xấu hổ.
Nhưng với một số người, hãy lắng nghe trái tim xem bạn thật sự thích cái gì, có khả năng gì, có thể đứng bằng chân mình, làm bằng tay mình mà không cần qua trường lớp không? Biết đâu người ta cần 4 năm đại học và vài năm làm việc mới ổn định được cuộc sống, còn bạn sẽ bứt phá thì sao? Một ngôi trường danh tiếng không đem lại hạnh phúc cả đời cho bạn nếu bạn không được làm những gì mình thích. Hãy suy nghĩ về ước mơ, đó là điều nên làm trong năm tới.
Tuổi trẻ nào mà không có thất bại. Ngày mới thực ra ban đầu vẫn tối đen như điểm cuối của ngày cũ, nhưng khác là ở chỗ, chúng ta có thức dậy hay không.
Và con đường còn rất dài, cũng như vô vàn ngã rẽ, bạn không đi đường này, thì sẽ có con đường khác để bạn đi.
Hãy vững tâm!
Lê Ngọc Minh