Khi mình từ bỏ nhau trên Facebook
Khi mình từ bỏ nhau trên Facebook
Nặng thì block luôn!” - đó là lời giận dỗi của một cô gái trong quán cà phê, sau 20 phút đầu cả nhóm selfie và đăng ảnh lên Facebook, dù vẫn chưa chọn được món nào để uống cùng nhau.
Ở chốn công cộng bây giờ người ta dễ dàng thấy những nhóm bạn năm người ngồi cà phê với nhau, mỗi người một chiếc điện thoại và chăm chỉ bấm like (thích), comment (bình luận) cho một ai đó ngồi rất xa mình chứ không tán dóc với nhau.
Trong quán nhậu, thay vì ngồi bình luận trận bóng, ngắm gái đẹp hoặc bàn chuyện làm ăn, các ông đã chuyển qua... chụp món nhậu đăng Facebook. Trong các shop thời trang, nhiều chị chủ nói rằng có rất nhiều cô đến đây thử đồ, thay váy, chỉ với mục đích chụp hình đưa lên mạng chứ cũng không mua gì.
Thường tất cả các cuộc tụ họp này kết thúc trong vui vẻ và lặng lẽ.
Nhưng có lẽ, mối quan hệ của cô gái vừa đăng ảnh trong câu chuyện trên và “đứa không bấm like” đã xấu đi vì nút like. Không gặp nhau, không xích mích, không xung đột, không cãi vã, người ta từ bỏ nhau vì Facebook dễ dàng hơn, một tình bạn cũng có thể kết thúc với nút unfriend (hủy kết bạn) mà không cần một chút xoa dịu hay gây gổ nào.
Trong quyển sách Silent message của Albert Mehrabian, nhà tâm lý của Đại học UCLA, quy tắc 7%-38%-55% đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới về phương thức người ta thật sự trò chuyện với nhau. Chỉ có 7% những giao tiếp diễn ra dưới dạng chữ viết, từ ngữ; 93% còn lại là giọng điệu, cảm xúc, ngôn ngữ cơ thể.
Cách duy nhất để một người thật sự có cảm xúc với người khác là 93% còn lại - đang dần vơi đi khi công cụ siêu đẳng của mạng xã hội xuất hiện.
Cô gái đẹp chỉ giận vì “thái độ” của bạn mình là không bấm like, người ta chửi thô lỗ và từ bỏ người bạn mình chỉ vì vài dòng không vừa ý trên mạng. Một anh chàng cầm dao ra ngoài đi hăm dọa người yêu chỉ vì vô tình thấy cô gái comment trên Facebook của người bạn khác bằng hình trái tim màu đỏ.
Hàng ngàn cái like và comment cho... đám tang mẹ thằng bạn, nhưng chỉ có hai đứa đến chia buồn (vì ai cũng đã chia buồn qua mạng xã hội). Khủng khiếp hơn, chỉ vì vài tin nhắn hiểu nhầm, nhiều bà vợ đã biến mạng xã hội trở thành mặt trận đánh ghen và làm xấu mặt chồng mình, thiêu hủy danh dự người phụ nữ kia.
Thật may mắn, bớt đi một cuộc đánh ghen “máu lửa” ngoài đời thực. Nhưng ai sẽ quan tâm đến ai sau các cuộc chiến mạng xã hội đó? Họ có thật sự cảm thấy nỗi đau hay sự tủi hổ của người mình yêu thương qua các từ vựng và hình ảnh trên Facebook không?
Vượt ra khỏi hàng rào của cuộc nói chuyện trực tiếp, nơi người ta phải cân nhắc về thái độ, về cảm xúc, gương mặt, không làm tổn thương người đối diện, mạng xã hội giúp người ta gặp nhau 24/7, luôn bên cạnh nhau, chỉ thể hiện những gì mình thích khoe ra và không thật sự hiểu người đang nói chuyện với mình là ai.
Không cần chịu trách nhiệm, không cần chịu đựng, không cần suy nghĩ; sự tối ưu của mạng xã hội khiến người ta quên mất mình còn những người thân yêu xứng đáng được đối xử tốt hơn là... comment.
Người ta quên mất cà phê là để tán dóc, để biết bạn mình hạnh phúc, vui vẻ hay đang đau khổ, để được bên nhau và cười đùa. Các quý ông quên mất nhậu là để ngắm gái đẹp, tán nhảm, nói chuyện vợ con, chuyện làm ăn.
Họ quên mất rằng có những phần khác của chính mình bên trong các buổi trò chuyện thân ái và cảm xúc. Họ quên mất cái nhíu mày của bạn, sự tổn thương của người yêu hay niềm sung sướng của anh em.
Họ quên mất khi mất người thân yêu, bạn mình cần một bờ vai để dựa chứ không phải... comment. Họ quên mất khi người em trai tốt nghiệp, nó cần thấy ánh mắt hãnh diện của gia đình chứ không phải tấm ảnh anh nó chia sẻ lại trên mạng xã hội.
Giữa 7% quá hấp dẫn của ngôn từ, người ta khỏa lấp 93% thiếu thốn còn lại bằng màn hình của điện thoại.
Và mình xa nhau thêm.
Khải Đơn