Khi đào phai không là đào phai...
Khi đào phai không là đào phai...
Hạc một nghìn năm.
Rùa một trăm năm.
Cây mai trắng bên bờ suối ba mươi năm.
Giàn huỳnh anh trước sân nhà dăm năm. Có lẽ.
Riêng phù dung nếu không may mắn sẽ chẳng bao giờ trải được vị sương xuân vì hành trình sống quá ngắn ngủi gói gọn một vòng quay tinh cầu.
Con người không trường thọ như hạc lân nhưng cũng thường bình tĩnh vì tin rằng đời sống mình hẳn phải dài hơn một đêm của đóa phù dung nọ. Mỗi người sẽ được ngắm thấy tiết xuân ghé ngang cửa nhà vài mươi lần; 80 lần xuân đến trong đời hẳn đã đủ để nếm mọi cung bậc xúc cảm từ háo hức, ngỡ ngàng, vui sướng chờ đợi, cho tới tận thờ ơ chẳng đoái trông.
Nếu người ta chỉ được duy nhất một đêm chiêm ngắm nhân gian, liệu giấc mơ tận mắt nhìn thấy đào phai nở rộ khắp chốn có trở thành mộng đời tuyệt vời nhất?
Tiết Nguyên ĐánChữ "Tết" do chữ "Tiết" (節) mà thành. Hai chữ "Nguyên đán" (元旦) có gốcchữ Hán; "nguyên" có nghĩa là sự khởi đầuvà "đán" có nghĩa là buổi sáng sớm, nên đọc đúng phiên âm phải là "Tiết Nguyên Đán". Tiết Nguyên Đán chỉ tiết trời bắt đầu thay đổi khi bước vào chu kỳ mới của vũ trụ. Chẳng cần phải quá to tát đến nỗi biển sâu hóa thành nương dâu, đứng trước một vòng quay mới, được cảm thấy sợi lấp lánh phân cách giữa hai mùa đông xuân và đất trời nhấp nhỉnh thay áo mới, hẳn lòng ta cũng như tơ nhện, một chạm nhỏ là đủ rung rinh và lan tỏa đến tận cùng.
Tiết đọc mãi thành Tết. Tết hẳn hay hơn, bởi ôm chứa cả những nao nức của con người chứ không chỉ tiết trời. Khi một nguyên âm bị bỏ quên trong chữ "Tiết" ấy, người Việt đã không quên bù vào cho từ Tết nhiều tầng đẹp đẽ. Sao mà nhớ hoài cái sân vuông nằm lọt thỏm giữa gian bếp dài và dãy nhà chính ngập đầy xác pháo hồng đêm ba mươi của ông bà, lúc tiếng pháo đùng đoàng vang vọng trong ký ức khiến trẻ thơ trong giấc ngủ phải vừa bịt tai vừa mỉm cười. Sáng mồng một, đứng nghiêm chỉnh chờ mẹ gài chiếc cúc cuối cùng trên cái áo cánh màu vàng mơ, đeo chéo túi nhựa mới đựng những bao lì xì đỏ cứng cáp, nhét vào mồm khoanh to bánh chưng xanh thịt mỡ thơm mùi tiêu, tôi và các anh lũn chũn chạy ngay ra cái sân vuông ấy, vùi chân vào xác pháo, cười tít mắt khi tung lên trời những nắm giấy hồng rạng rỡ, dù bé bỏng cũng đã thấy có cái gì đó đang gõ lanh canh trong lòng, như thể cô giáo trường trẻ đang rung chiếc xúc xắc trong tim mình mỗi khi đến giờ ra chơi.
Tiếng chúc Tết vang vọng khắp xóm nhỏ vốn quanh năm yên tĩnh, 3 ngày Tết dù không thân quen khi ngang qua nhau cũng nở một nụ cười, cúi đầu chào hỏi để mở lời trao câu chúc thân tình. Rồi họ hàng quần tụ, rồi bạn bè bá cổ, ghé nhà thầy cũ, bao thứ tinh khôi tiếp liên suốt mấy ngày Tết ấy, cho kẻ bi quan nhất cũng tự dưng tràn trề trong lòng thứ tình cảm sáng mới đầy tin tưởng vào một năm dài trước mắt, vào những gì chưa tới đang đứng lõng trên hành trình đời mình.
Đến khi nào thôi nhớ ngày xưa?Hơn 10,000 người khi được khảo sát và hỏi cùng một câu hỏi "Anh/chị/em/cô/chú/bác có thích không khí Tết hiện tại không?" thì hết 9,999 người trả lời rằng "Tết ngày xưa thích hơn nhiều. Lúc ấy Tết còn có này, có kia, có nọ, bây giờ thì hết rồi. Đến Tết đầu tắt mặt tối lo sao thật tươm tất là hết cả hơi, chỉ mong lễ chóng qua rồi lại vùi đầu đi làm, có gì vui?! Chỉ có cực!"
[Ghi chú: khảo sát này thực chất chỉ là con số bịa đặt, nhưng người viết xin các cược với tất cả số tiền lì xì trong Tết này để bảo đảm rằng nếu thực sự có một cái khảo sát với câu hỏi như thế được thực hiện thì có lẽ 100% mới là con số chính xác cho những phản hồi rất bi kịch như trên!]
Khoa học chứng minh, rằng những người hay nhìn sang bên trái thường nghĩ nhiều về quá khứ, trong khi những ai nhìn bên phải trong lúc nói chuyện sẽ luôn nghĩ về tương lại. Dựa vào một thống kê khác, trên thế giới có khoảng 30% người thuận tay trái; và nếu thuận tay trái, bạn sẽ có xu hướng nhìn về bên trái. Như vậy, chỉ có khoảng 30% dân số thế giới là kiểu người hòai niệm quá khứ, thảy còn lại đều đặt trọn niềm tin vào hành trình phía trước.
Giờ đây, rất nhiều người trong số chúng ta thương nhớ quá khứ. Không phải cứ nhìn bên trái mới ưa thích những ngày xưa, mà nhắc đến Tết, phải trái đều chung một ngộ nhận: ngày xưa vui hơn bây giờ.
Không biết tự lúc nào mà bi lụy lại trùm kín thấu cảm về Tết của chúng ta đến vậy?! Dẫu khí hậu thời tiết khó lường và Tiết Nguyên Đán không còn như xưa, cái tiết trời hoàn hảo se se ngày đầu năm cho lòng người bồi hồi theo gần như chỉ còn là hình bóng trên trang sách của tiền nhân, nhưng bàn về Tết xưa, chắc chúng ta không nhớ hoài về tiết trời, mà còn những điều khác, chính là những bày biện sẵn sàng.
Chúng ta nhớ đêm nấu bánh chưng không phải lo củi lửa, chỉ việc trải chiếu bên cạnh bếp ấm tam cúc với anh chị; có ngủ quên thì sớm mai mở mắt sẽ thấy bánh chưng được vớt khô ráo gọn ghẽ như phép màu.
Chúng ta nhớ áo đỏ đầu năm xúng xính đẹp xinh mà chẳng đắn đo chuyện lựa vải, giá cắt may hay lấy áo trước khi thợ nghỉ lễ.
Chúng ta chỉ nhớ bàn thờ tổ tiên nghi ngút trầm hương thiêng liêng đầm ấm, nào ai bắt ta phải nhớ mua khoanh trầm nơi nào để vừa thơm vừa đượm cho đẹp lòng Bề trên?
Tết trong trí nhớ, là những năm bé bỏng được chiều chuộng, những ký ức đâu cần đủ đầy xôm tụ cho bằng thỏa thích thưởng Tết trong từng khoảnh khắc một. Đám trẻ chúng ta đã có người lo lắng sắp đặt Tết chỉn chu, không nơm nớp tài chính mỗi khi dịp trang trọng nhất đổ về, mâm cỗ linh đình, mai đào bung hoa đúng dịp...Bố Mẹ ngày xưa hẳn khó khăn hơn bây giờ, nhưng Người không để lộ điều đó trước mắt trẻ thơ, hầu mong con cái được hưởng Tết trọn, để rồi những gì đọng lại luôn màu hồng, đầy đủ lễ nghi ướp hương đậm đà.
Đến khi nào chúng ta mới thôi tiếc nuối cái Tết xưa, giấu đi những than thở về khó khăn trong lòng, xắn tay áo bày biện cỗ cúng, mặc cho em thơ một chiếc áo mới, sáng tân niên cúi đầu thấp đặt vào tay Cha Mẹ một phong bao lì xì mừng tuổi các Người? Giữ lòng hiếu thuận thì ít, mà giữ lấy cái vui Tết xưa là nhiều?!
Đến khi nào bọn người chúng ta mới đỡ vai gánh vác một cái Tết và thôi hoài thương ngày xưa?
Khi đào phai không là đào phaiCây bạch mai quý của ông. Cả năm cây im lặng một góc vườn, hoặc khẳng khiu hoặc lấm tấm lá xanh lá nhung. Cho đến ngày ông cùng các bác khệ nệ di chiếc chậu to ấy ra giữa sân và bắc ghế tỉ mẩn tuốt lá; khi ấy, dù có đang vật vã với phép tính hay những bài thi cuối kỳ, thế nào con bé cũng sấp ngửa chạy ra dưới cội mai, nhảy nhót chân trần trên mớ lá xanh dày mà sung sướng trong lòng vì biết sắp Tết lắm rồi.
Tại sao chúng ta lại chọn mai đào là loài hoa không thể thiếu để chưng Tết? Chưa hẳn là đẹp nhất, nhưng nhờ khéo biết ẩn nhẫn trong lớp gỗ qua đông giá, để đến đúng chính xuân liền vỡ vỏ bung ra, rạng rỡ nhã nhặn. Đương khi con người mệt mỏi với rét mướt lạnh lẽo, túi kiên nhẫncạn đến tận cùng, cánh đào phai mỏng manh thoa lên mắt một thứ ánh sáng mới để nhận ra xuân ấm áp vừa về. Chồi biếc khi ấy chẳng còn là chồi biếc, đào phai chẳng còn là đào phai thôi, mà trở thành dấu hiệu hạnh phúc, biểu tượng của vạn vật hồi sinh, minh chứng cho tự nhiên kiên cường, để con người nhìn vào mà khôn ngoan học lấy bài hy vọng.
Cũng vậy, dù công nghệ tiên tiến giúp dưa hấu đỏ quanh năm và ê hề trong sạp chợ, trái dưa sọc xanh rì dán chữ Tài Lộc vào ngày mùng một đầu năm vẫn được nâng niu hơn hẳn khi đặt gọn lên bàn thờ rước tổ tiền về chung vui. Những dòng chữ nắn nót hơn thường trên giấy trắng tinh trở thành dấu hiệu cho một năm chữ nghĩa thăng hoa, trang sách mới được mở ra vào giao thừa biểu hiện một mong đợi được học biết điều hay cho năm mới. Những lời chúc Tết, những tà áo dài chấp chới,... chúng ta nhìn vào những dấu hiệu, mỗi năm một lần, để thêm tin tưởng vào điều chưa đến, thêm can đảm tiếp tục đi thêm một năm dài sắp tới dẫu biết khó khăn nhưng gắng vun vén sao cho thật thỏa chí.
Khi nụ cười của người này là dấu hiệu cho mùa mới trong lòng ai đó, khi vẫn còn những đảm đang chăm lo cho cái Tết ấm cúng với mong muốn Tết này sẽ trở thành đốm sáng mãi mãi trong ký ức của bé thơ như ta năm nào, lòng người sẽ vẫn là tơ nhện, sớm mùa xuân mở mắt chạm thấy cành đào phai ngoài song cửa, một va đập khẽ thế thôi đủ khiến muôn nghìn hồng tía nở tung trong lòng, khiến ta bật cười xúc động tựa hồ vừa thấy một diệu kỳ, bởi ta biết đã đến lúc phải bật dậy khỏi những u tối và ưu phiền, cao tay nâng ly rượu đầy, nhìn thật sâu vào đáy mắt nhau và nắn nót bốn chữ ấy được nói tự tận đáy lòng: Chúc mừng năm mới!
Bởi khi ấy, đào phai đã chẳng chỉ là đào phai.