Ham muốn và tình yêu: Những khác biệt căn bản

Ham muốn và tình yêu: Những khác biệt căn bản

Tác giả: Sưu Tầm

Ham muốn và tình yêu: Những khác biệt căn bản

1. Tình yêu là cảm xúc; ham muốn là nhu cầu

Tình yêu là một sự thôi thúc để được kết nối và gần gũi với một ai đó. Nó tạo ra trong chúng ta một cảm giác bị hấp dẫn bởi một người nào đó không phải bởi vẻ bề ngoài của họ mà là những phẩm chất tiềm ẩn bên trong con người họ.

Theo một nghĩa nào đó thì đó là cầu nối giữa hai tâm hồn. Khi bạn đang yêu một người, người đó dường như là ánh sáng của cuộc đời bạn, như thể người đó đột nhiên trở thành trung tâm của vũ trụ vậy. Đó là khát vọng rằng sự tồn tại của người đó gắn liền với bạn qua thời gian và không gian. Điều đó nảy sinh từ sâu trong tâm hồn bạn và rất khó để giải thích.

Ham muốn, mặt khác, lại thuần về thể xác. Nó được dựa trên các khía cạnh sinh lý của con người và chúng ta có thể dễ dàng cảm nhận được. Vì theo bản năng của con người thì ham muốn có thể được khơi dậy bởi sự tiếp xúc thể xác hoặc chỉ qua sự khiêu khích bằng ánh mắt.

Sẽ là lý tưởng nếu như hai người cùng chia sẻ sự thăng hoa của cảm xúc và thể xác, vì một mối quan hệ tình cảm thì không thể chỉ dựa vào việc thỏa mãn ham muốn.

Một cơn say nắng hoặc tình một đêm thì khó có thể được coi là tình yêu vì nó không đáp ứng mong muốn về sự hòa hợp và thân mật giữa hai con người. Nó đòi hỏi nhiều hơn thế nữa để có thể là tình yêu.

Ham muốn và tình yêu: Những khác biệt căn bản

2. Tình yêu là vị tha, ham muốn là ích kỷ

Nó thật sự chỉ đơn giản và dễ hiểu như vậy. Dù rằng người ta có nói gì về sự hoàn hảo và hạnh phúc của tình yêu đi nữa thì tình yêu không phải lúc nào cũng dễ dàng và hấp dẫn.

Có bao giờ bạn thắc mắc điều gì sẽ xảy ra sau khi các nhân vật chính kết hôn ở cuối một bộ phim tình cảm lãng mạn? Họ sẽ chia sẻ phần còn lại của cuộc đời với nhau hoặc có thể không, nhưng đó không phải là phần mà chúng ta muốn xem. Chúng ta chỉ muốn xem những phần tốt đẹp.

Sự thật thì một mối quan hệ yêu thương đòi hỏi sự cố gắng của cả hai phía. Tình yêu, ở trạng thái thuần khiết nhất của nó, hoàn toàn không có chỗ cho sự vĩ cuồng và sự đam mê cá nhân. Thay vào đó là cả hai cùng xây dựng và củng cố mối quan hệ, đồng thời nỗ lực để làm cho bản thân và đối phương ngày càng tốt lên.

Để làm được việc đó đôi khi cần đến sức mạnh ý chí. Nếu bạn là một người luôn từ bỏ mọi thứ khi gặp khó khăn hoặc không theo cách mà bạn mong muốn, thì tình yêu sẽ là điều khó khăn đối với bạn. Nghe có vẻ không hợp lý nhưng hãy luôn đặt mình ở vị trí thứ hai khi bạn yêu một ai đó nhé.

Điều này không có nghĩa là bạn cần phải từ bỏ hạnh phúc cá nhân. Hai bạn yêu nhau và quan tâm đến tình cảm và nhu cầu của nhau, điều đó có thể mang lại hạnh phúc cho bạn nhiều hơn cả khi bạn dành trọn vẹn tình yêu và sự quan tâm này cho bản thân mình. Đây chính là vẻ đẹp của tình yêu.

Ngược lại, ham muốn chỉ nhằm mục đích thỏa mãn bản thân. Chúng ta tìm kiếm hạnh phúc tròn đầy nhưng thứ hạnh phúc mà ham muốn mang lại chỉ là hạnh phúc thoáng qua, trong chốc lát.

Bạn hãy cố lắng nghe thật kỹ bản thân mình để biết rằng một phần trong bạn vẫn luôn sẵn sàng cho sự vị tha, và làm những việc mà bình thường bạn nghĩ rằng bạn sẽ không bao giờ làm cho một ai đó. Hãy nhớ rằng mỗi quyết định của bạn có thể có những ảnh hưởng lớn đến trái tim của người bạn yêu thương.

Khi bạn có thể ý thức về mong muốn của bản thân bạn sẽ biết khi nào bạn cần phải có những quyết định quan trọng, và bạn có thể nhìn thấy trước được sự ích kỷ của bạn sẽ ảnh hưởng như thế nào đến người kia và cả mối quan hệ của hai người trong tương lai.

Lý do để rất nhiều mối quan hệ lung lay hoặc đổ vỡ hoàn toàn là khi chúng ta không biết đặt điều gì ở vị trí số một: sự vị tha hay ích kỷ.

Ham muốn và tình yêu: Những khác biệt căn bản

3. Tình yêu xây đắp nên hạnh phúc lâu dài; ham muốn là sự thỏa mãn ngắn hạn

Tình yêu làm cho mối quan hệ của chúng ta trở nên viên mãn, và mối quan hệ đó lại làm cho cuộc sống của chúng ta phong phú hơn và hạnh phúc hơn. Con người là những cá thể hình thành nên xã hội, mỗi cá thể cần tương tác với những cá thể khác để có thể đạt được giới hạn tối đa của bản thân.

Yêu thương là khi chúng ta có thể kết nối cảm xúc với người khác, khi ấy chúng ta mới cảm thấy bản thân được chấp nhận và có giá trị.

Ham muốn không phải lúc nào cũng mang đến sự thăng hoa trong tình cảm. Có thể trong một thời gian ngắn, khi ham muốn được thỏa mãn làm chúng ta tạm thời quên đi mong muốn bẩm sinh là được yêu thương và hy sinh vì ai đó, nhưng nếu chỉ có thỏa mãn ham muốn thì không đủ nền tảng để xây dựng một mối quan hệ lâu dài.

Hạnh phúc chỉ có thể tồn tại và phát triển liên tục khi có đủ yêu thương.