Em bằng lòng hẹn hò với cô đơn...
Em bằng lòng hẹn hò với cô đơn...
1. Ngay từ lúc bắt đầu, mọi thứ đã được sắp đặt để lửng lơ ở giữa. Đâu đó trên chữ "bạn", dưới chữ "yêu". Gọi nhau một tiếng anh-em nhiều khi nghe ra đắng đót vô cùng, bởi lẽ người ta chẳng thể là anh em của nhau được, khi mà cả hai đều hiểu rõ rằng tim mình dành một ngăn nào đó thật đặc biệt cho người kia.
Hơn một lần cô tự vấn: "Chúng ta là gì của nhau?" và hơn một lần cô muốn hỏi anh rằng: "Em là gì trong anh?". Không dễ gì tìm được câu trả lời xác đáng, mà câu hỏi kia vẫn cứ trở đi trở lại trong đầu cô như cố tìm một lời đáp cho những tình cảm vốn chẳng thể định nghĩa bằng lời.
Nhiều khi chẳng cần biết thế nào là đúng, thế nào là sai. Những lúc bên anh, tim cô an yên và cô dường như đã quá nuông chiều những ngọt ngào tạm bợ đó. Đến nỗi chúng trở thành thói quen. Thói quen không phải heroin, nhưng nó làm người ta nghiện. Mà nghiện những thói quen đôi khi còn hủy hoại tâm hồn người ta hơn cả heroin. Một khi đã quá quen với sự hiện diện của ai đó trong cuộc sống thường nhật của mình, thì chỉ cần một ngày không nghe không thấy nhau thôi là đã trống trải lắm thay. Và anh là một thói quen như thế, của cô.
Vốn không dành cho nhau. Cả hai đều hiểu như thế nhưng rồi vẫn cố chấp bước về phía nhau. Có lẽ khi bên nhau, nỗi cô đơn bỗng hóa bớt chênh chao. Mà con người ta vốn sợ những thứ chông chênh, không vững chãi, nên dù biết sẽ chẳng đi đến đâu, họ vẫn cứ vô thức tìm nhau.
Hai kẻ cô đơn gặp nhau trong một thứ tình cảm lưng chừng, để rồi xoay quanh mối quan hệ lửng lơ đó, mọi thứ đều lưng chừng... Hay nói đúng hơn, không phải mọi thứ lưng chừng. Chỉ có anh lưng chừng, cô lưng chừng và tình cảm lưng chừng. Nhưng nỗi đau là một thứ có thật. Nó thật và rõ ràng đến tê tái. Rõ ràng đến mức gần như hữu hình...
2. "Anh biến mất rồi, Em có bận tâm không?" – tin nhắn của anh đến vào một sớm mai đầy nắng. Cô không trả lời, chỉ nghe như tim mình hẫng đi một nhịp. Xa anh là xa một thói quen đã ăn sâu vào máu, xa những an yên dù là tạm bợ nhưng đã quá thân quen, đến gần gũi như hơi thở của chính mình.
Thay đổi một thói quen, nói dễ thì không dễ, nhưng cũng không là quá khó. Khoa học đã chứng minh, một hành động được lặp đi lặp lại liên tục trong hai mươi mốt ngày, sẽ tự nhiên trở thành thói quen.
Nhưng quên một thói quen thì lại là chuyện khác.
Trước ngày gặp anh, cô đã quen mặt với cô đơn. Cô gặp cô đơn ở mọi nơi: giữa căn nhà rộng thênh chỉ có một người, giữa những quán cà phê chỉ riêng cô một bàn lặng ngắm dòng người qua ô cửa kính, thậm chí cả giữa lúc đang nói cười với người quen lẫn không quen...
Ngày ấy, cô đơn đối với cô cũng là một dạng thức khác của yên bình. Thế rồi anh đến, định nghĩa "bình yên" trong cô đổi khác. Dường như cô đã không còn cảm thấy an nhiên nếu không có một hơi ấm thân quen bên cạnh mình khi bước qua những ngả đường tấp nập hay khi ngắm nhìn phố xá qua ô cửa sổ một quán cà phê...
Khi từ chỗ khó khăn trở nên dư giả, người ta dễ thích ứng với cuộc sống mới hơn là từ giàu có trở lại túng bần. Tập quen lại với cô đơn cũng na ná như thế. Nhiều khi giữa đêm giật mình thức giấc, tìm điện thoại, vụng về soạn một tin nhắn nói rằng cô thực sự "bận tâm", để rồi cuối cùng lại cắn môi lưu vào thư nháp.
Đã sớm biết là không dành cho nhau, nên chăng cứ cố chấp níu giữ một người không thuộc về mình?
3. Trong một thời gian dài, những trang nhật ký cô viết đều đặn xuất hiện chữ "Anh" viết hoa, để chỉ riêng một người con trai nào đó, dẫu rằng cả hai chỉ lưng chừng giữa những lời yêu còn bỏ ngỏ.
Cuộc đời vốn lắm ngả rẽ bất ngờ. Trên một khúc ngoặt nào đó, cô gặp anh, rồi ở một ngã tư khác, cô xa anh. Trong hành trình dài rộng là cuộc đời, sẽ phải có một ngày định mệnh đến tìm cô và đại từ kia đổi chủ. Anh sẽ chỉ còn là những ký ức của ngày xưa bình yên và trọn vẹn, như những ánh nắng thật hiền của một sớm mai trong kỷ niệm, mãi thuộc về một miền hoang hoải, xa xăm...
Còn bây giờ, chờ đến ngày đó, cô bằng lòng hò hẹn với cô đơn.