Tháng bảy, nắng, và mưa
Tháng bảy, nắng, và mưa
- Mai mốt cô đọc rồi thì nhớ trả đúng chỗ giùm tôi cái.
- Lâu lâu một lần chứ có phải hoài đâu mà anh làm gì dữ vậy.
- Tôi nhắc vậy đó, mai mốt cô vậy nữa chắc mất sách tôi hết.
- Nè, anh vừa vừa nha, chuyện có bao nhiêu đó mà nói hoài.
Hình như Vy cảm thấy mình bắt đầu có "công dụng", cô lên tiếng, nhưng mắt vẫn dán xuống cuốn tạp chí, một cách chọc tức người ta, chẳng khác nào coi thường chị (và gián tiếp coi thường tôi, vì tôi hay bênh chị):
- Mượn đồ người ta rồi mà không biết trả cho đúng chỗ, đã vậy còn không xin lỗi một tiếng. Mai mốt nếu cần thì tự mua đọc đi.
Chị tức lắm, gân cổ nổi phát khiếp. Chị giơ tay, nhào người tới chỗ Vy. Tôi kéo lại, khẽ vào tai chị:
- Thôi chị.
Rồi tôi quay sang bác sĩ, cắt ngay tình huống đáng lo ngại cho an ninh phòng khám:
- Thôi anh, thấy cuốn truyện rồi thì thôi, bỏ qua đi anh.
Bác sĩ lên giọng:
- Lần này tôi nghe lời em nó.
Rồi trước khi đi vào phòng trong, anh mỉm chi một cái. Chị vẫn còn tức anh ách, tôi dẫn chị ra xe nước mía trước phòng khám. Chị uống một hơi cạn ly, vẫn không ngừng thở gấp. Tôi bỗng nhớ về nụ cười mỉm chi của bác sĩ lúc nãy, vì trả thù được chị, hay vì một lí do nào đó.
- Nè, sao hồi nãy kéo chị ra, cho chị đánh con đó mấy cái cho nó chừa cái tật hỗn.
- Thôi chị, làm chung với nhau năm này qua tháng nọ chứ có phải ngày một ngày hai đâu. Bác sĩ thì em không nói, ảnh mau quên lắm, còn Vy nó thù dai lắm. Nghe em đi, em quen nó gần tám năm rồi.
- Dù sao thì chị vẫn tức, ngoài cái đẹp với cái bằng dược sĩ của nó ra thì chị không thấy nó tốt lành chỗ nào hết.
Mưa không ngớt, gió tạt mưa vào dưới cái dù của cô nước mía, khiến chị phải thất thanh:
- Á... Thôi đi vô, ướt hết bây giờ.
***
Một người phụ nữ dẫn con vào phòng khám, người phụ nữ ấy chắc cũng ba hai-ba ba, dáng người nhỏ bé, gầy guộc, xanh xao. Còn đứa trẻ, khoảng tám-chín tuổi, nhìn nó yếu ớt, nhỏ nhắn, nhưng đôi mắt vẫn sáng, lóe lên một ánh sáng gì đó khiến cả phòng khám thay đổi và những bệnh nhân khác phải chăm chú nhìn. Có những tiếng xôn xao trong phòng khám, có lẽ là nói về thằng bé.
Lát sau, khi những bệnh nhân khác đã rời phòng khám, người mẹ từ phòng trong bước ra, nước mắt lăn dài trên má, cô chạy ra hành lang. Chị cầm tờ chẩn đoán thơ thẩn bước ra, tôi giật lấy tờ giấy, cũng không bất ngờ lắm, vì những đứa còi cọc như vầy thường nặng lắm rồi, nhưng trước khi nó vào khám, tôi cũng hy vọng nó không đến nỗi này. "Hở van tim hai lá" – cũng không tốn kém lắm, nhưng hình như mẹ thằng bé nghèo quá, liệu có lo nỗi không.
- Anh chị ơi, mai mốt em có chết hông?
Hình như thấy mẹ nó bối rối quá, thằng bé quay sang hỏi tôi và chị. Nhìn cặp mắt tròn tròn của nó mà tội. Chị cúi xuống gần nó, ân cần như một người chị:
- Không sao đâu em, em không bị nặng lắm đâu.
- Vậy sao mẹ em khóc?
- À... ừ, chắc mẹ em buồn chuyện ở nhà chứ gì.
- Nhà em vui lắm, hổng có chuyện gì buồn đâu. Ba em làm ruộng, bữa nào cũng về ăn cơm hết, mẹ em ở nhà đan lục bình, trưa là đem cơm ra cho ba em hà, nhà em thương nhau lắm!
- Vậy... chắc tại ông bác sĩ trong này nè, ổng dữ lắm.
- Nãy em thấy bác sĩ hiền lắm mà chị.
- Ừ thì hiền với con nít, nói chuyện với người lớn ổng dữ lắm.
- Dạ, vậy để em ra ngoài mẹ em nha chị.
- Thôi em, lát mẹ em hết buồn mẹ em vô. – tôi nói với thằng bé, biết chắc rằng nếu nó ra ngoài đó mẹ nó sẽ không dứt được, thôi thì cứ từ từ cho cảm xúc lắng xuống.
Bác sĩ đi ra, nguýt chị:
- Lát khỏi lấy tiền mẹ con thằng bé nha cô.
- Ừ, anh nhớ vô bệnh viện hỏi cái quỷ gì hỗ trợ nghen.
- Ừ, tôi biết rồi, hồi nãy tôi có nói với mẹ thằng bé.
- Vậy tiền thuốc lấy không anh. – Vy chống lại tính nhân đạo của phòng khám mà nãy giờ chị với bác sĩ đang xây dựng.
- Vy cứ lấy thuốc, tôi trả tiền. – tôi nói mà tức anh ách.
Đúng mà, tôi nói đâu có sai, tim cô ta chỉ toàn tiền, tiền và tiền, chưa lúc nào tôi thấy cô ta ân cần hỏi han bệnh nhân hay cười với người ta một cái.
Bác sĩ lắc đầu đi vô trong, còn chị tức lắm, chị định uýnh cô ta nữa, nhưng chắc tại thấy có thằng bé nên thôi.
***
Vy được nhận vào làm trong một công ty dược. Trông cô ả mừng lắm, chị cũng mừng, tôi mừng, và hình như bác sĩ cũng mừng.
Cô ta đi mà chẳng nói ai một tiếng, chỉ bỏ lại trong phòng bác sĩ tờ giấy: "Em đi".
Người gì mà vô ơn, bác sĩ dắt cô ta về đây, cho cô ta polyme mỏng, làm việc nhẹ nhàng, đối xử tự tế. Vậy mà đi không nói nổi câu "Cảm ơn". Nhưng dù sao thì cô ta cũng đã đi, phòng khám có chút rắc rối về nhân sự, không ai phụ trách tủ thuốc. Bác sĩ bảo tôi và chị phụ anh vụ đó, chắc là được, vì ngày xưa tôi cũng có học chút chút bên y, chị cũng vậy. Và phòng khám trở về trạng thái bình thường.
Lại một ngày trời mưa, chị lại thơ thẩn ngồi nhìn ra đường, cái thành phố miền Tây này cũng có chút lương tâm khi hôm nay mưa ngừng đúng giờ tan tầm.
- Chị, sao chị không đi kiếm ông nào yêu chơi.
- Yêu cái gì nữa, trái tim con người ta chỉ có một ngăn thôi, mà chỉ lỡ nhét người kia vô rồi.
- Ai nói trái tim có một ngăn, trái tim có bốn ngăn, hai tâm thất và... – bác sĩ quay sang và hất đầu với tôi.
- Hai tâm nhỉ. – tôi hùa theo.
Bác sĩ về bất ngờ đến tôi cũng không biết, chị hú vía.
- Trời đất, về như ma. Mà cái thằng nhóc kia, bữa nay bỏ chị hả.
- Dạ đâu có, tại hồi xưa em học là vậy. Ủa, mà người kia là ai vậy ta?
Chị đỏ mặt, bác sĩ bối rối đi vô trong.
- Nhiều chuyện, ai kệ chị, mày lo làm gì.
Một bữa thành phố nắng. Hôm nay chị không ngồi ngắm mưa, chị mới đi chợ mua về mớ hoa cắm cho đẹp phòng khám. Nhìn chị tươi hơn, tôi cũng tươi, hình như từ ngày Vy đi cái phòng khám này đã lấy lại được sinh khí. Tôi đánh rơi vỉ thuốc, khom xuống lượm. Tủ thuốc có dạng chữ U, khom xuống chẳng ai thấy. Hình như bác sĩ về, tôi định đứng lên, nhưng...
- - Trái tim tôi có bốn ngăn, nhưng cô nằm trọn trong đó rồi.
Tôi không đứng dậy được nữa. Trời ơi, bác sĩ tỏ tình kiểu gì cứng đơ cứng khờ. Người đọc sách nhiều mà kì cục. Đến khi tôi đứng dậy được thì chị vẫn còn đơ người.
- - Chị... chị sao rồi, tim hết đập rồi phải hông, gọi 114 nghen.
- - Quỷ. – từ từ, chị mới nói được nữa – đừng có nhiều chuyện nghen.
Chị đơ đơ như vậy, làm cả buổi khám toàn tôi làm việc, mệt như điên.