The Soda Pop
Ô-sin

Ô-sin

Tác giả: Sưu Tầm

Ô-sin

Chỉ cần tác động để vợ chồng ông chủ thêm sứt mẻ, chắc chắn họ sẽ chia tay và tôi có thể thỏa ước nguyện ở bên người tôi yêu mến.


***


Tốt nghiệp phổ thông với tấm bằng loại khá, không giống như bạn bè cùng trang lứa, mải miết, háo hức gửi hồ sơ đăng kí dự thi đại học, cao đẳng, hoặc trung cấp, tôi chỉ có một lựa chọn duy nhất: nghỉ học và kiếm tiền phụ giúp bố.


Đôi lúc, tôi phát ngán với những câu chuyện, lời than thở liên quan tới chuyện tiền bạc, nợ nần của gia đình, nhưng ngẫm đi ngẫm lại, ai bảo tôi sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở mảnh đất cằn cỗi sỏi đá này. Số phận đã sắp đặt tôi vào một gia đình nghèo túng, trống hoác do thiếu bàn tay chăm sóc của người phụ nữ. Nhà chỉ có bố và bốn chị em gái trong đó tôi là người chị cả, tôi phải cáng đáng, đỡ đần bố một phần công việc đồng áng của gia đình.


Thú thật, tôi đã biết trước số phận của mình, cho dù bố không nói nhưng tôi biết gần như chắc chắn rằng học xong cấp 3, tôi sẽ vĩnh viễn phải lìa bỏ mái trường và những trang sách còn thơm mùi giấy mới, tôi không đòi hỏi mà chấp nhận như sự sắp đặt của ông trời. Nói cứng là vậy, nhưng đêm nào nước mắt tôi cũng sũng ướt cả gối và hôm sau mắt đỏ ngầu như mắt cá chày.


Ô-sin


Bố biết nỗi khổ tâm của tôi và ông chỉ im lặng thở dài. Đêm nào ông cũng hút thuốc trên chiếc chõng tre đặt ở góc sân, bóng đổ dài, gầy gò, u uẩn dưới ánh trăng vàng vọt. Có hôm tôi tỉnh dậy, thấy ông vẫn ngồi bất động, thở hắt từng nhịp nặng nề, đôi mắt thăm thẳm nhìn lên bầu trời sẫm xanh u ám, có thể ông nhớ mẹ và bồn chồn cho tương lai của bốn đứa con thơ trong cảnh bần hàn.


Một người bà con ở thành phố về quê chơi, nghe kể về tôi, họ đã tìm tới nhà và xin phép bố tôi cho tôi lên thành phố phụ giúp công việc nhà của một người bạn của họ. Đó là một gia đình tốt, hai vợ chồng công chức sắp tới tuổi nghỉ hưu, có hai người con trai, một cậu đang đi tu nghiệp ở nước ngoài và một cậu con trai thứ đang học đại học năm cuối. Tất cả những gì tôi biết về gia đình ấy vỏn vẹn chỉ có vậy.


Bố thở dài, cho tôi toàn quyền quyết định. Nếu muốn tôi có thể cùng người bà con lên thành phố và đảm trách công việc của một ô sin, hoặc không, tôi ở nhà làm công việc đồng áng, phụ giúp bố và các em.


Tôi đã nghĩ rất nhiều, từ trước tới nay chưa bao giờ bước chân ra khỏi lũy tre làng, nghe người ta đồn đại người thành phố sống lạnh lẽo lắm, chẳng gần gũi, ấm áp, thật thà như người quê. Nhưng xét cho cùng, các em tôi lớn cả rồi, đứa em dưới tôi có thể phụ bố làm nông, đứa em út cũng đã biết chăn trâu, cắt cỏ, và quan trọng hơn, nếu ở nhà làm nông thuần túy, kiếm đâu ra 1,2 triệu đồng một tháng như mức lương tôi được trả.


Sáng sớm tiễn tôi đi, các em tôi tíu tít, nói chị Hai sướng nhất, được đi thành phố chơi, riêng bố tôi đôi mắt thâm quầng rệu rã in hằn lo lắng, dặn đi dặn lại con gái dù sống ở đâu cũng không được đánh mất cái nết quê mình.


Tiếp đón tôi là đôi vợ chồng trung tuổi, họ niềm nở xách túi, hỏi han tôi thân thiện, hỏi tôi đi đường có bị say xe không, có mệt không, bà chủ còn tận tình pha cho tôi một cốc nước cam, đẩy lùi những nghi kị của tôi về sự đáo để của người thành phố. Công việc của tôi rất đơn giản, nấu cơm, rửa bát, lau dọn nhà cửa... bấy nhiêu thứ ở quê tôi chỉ làm một loáng là xong. Nhìn tôi tháo vát nhanh nhẹn, họ nở nụ cười hài lòng lắm.


Tôi ở đó suốt một tuần vẫn không thấy sự xuất hiện của người con thứ hai của họ, nghe họ nói chuyện loáng thoáng biết cậu ta đi dã ngoại cùng lớp đại học. Hễ cứ nhắc tới lớp đại học, lòng tôi lại chùng xuống, như động chạm tới một giấc mơ không bao giờ thành hiện thực, nỗi buồn và tủi thân kéo tới nặng nề thật đáng sợ.


Cuối cùng anh ta cũng trở về nhà. Dù anh ta có thái độ rất lạnh lùng và có vẻ kiêu ngạo nhưng không thể phủ nhận, anh ta đẹp trai, đặc biệt là đôi mắt thông minh ẩn sau cặp kính trắng. Song điều thu hút nhất của anh chàng là những cuốn sách anh sở hữu. Có lần dọn phòng anh ta, tôi tranh thủ đọc ngấu nghiến một cuốn tiểu thuyết cực kỳ hấp dẫn, thì anh ta bước vào, tôi tưởng tim mình rụng rời vì run sợ, ai ngờ anh ta lạnh lùng bảo: "Nếu thích cứ cầm mà đọc, nhưng tuyệt đối phải giữ sách cẩn thận cho tôi".


Ô-sin


Nỗi ác cảm thường trực trong lòng tôi về gã trai khó hiểu này vì thế vơi đi một chút, nhưng không phải nó được xóa bỏ hoàn toàn.


Điều tuyệt vời và cũng là may mắn của tôi là được ở trong một gia đình trí thức, cả ông bà chủ đều là những người ham đọc sách, riêng ông chủ có một phòng đọc với hàng trăm đầu sách quý. Biết tôi khao khát được đọc, ông chủ cho phép tôi lên phòng lựa chọn loại sách yêu thích và tìm hiểu chúng. Với tôi đó như một phép nhiệm màu, không thể ngờ cơn khát chữ của tôi được giải tỏa trong điều kiện, môi trường đặc biệt này.


Sự dịu dàng, ân cần, nhỏ nhẹ cùng với thái độ của một người trí thức đầy hiểu biết của ông chủ chẳng biết tự lúc nào ám ảnh tôi. Có lần tôi bật dậy giữa đêm, mồ hôi đẫm trán và tự hỏi mình vừa mơ điều gì, khi trong giấc mơ ấy tôi và ông chủ là một cặp tình nhân hạnh phúc.


Rất ngớ ngẩn, những ngày sau đó tôi cảm thấy nóng bừng mặt mỗi lần gặp ông chủ, thậm chí cố tình tránh mặt như kiểu chạy trốn điều hoang đường sắp thành hiện thực. Gia đình bà chủ không hề biết sự ngại ngùng của tôi, họ vẫn tỏ ra đon đả, nhiệt tình và nhân hậu, duy chỉ có cậu con trai khó tính khó nết thi thoảng vẫn nhấm nhẳng với tôi vì những điều tủn mủn không đầu không cuối.


Tôi thực hiện chính sách cấm vận với bản thân, không cho phép bộ não nghĩ tới ông chủ nhưng sự ép uổng càng khiến nỗi nhớ trở nên đau đáu, vời vợi hơn. Gần đây, tôi thấy ông bà chủ có vẻ không hài lòng về nhau, không biết áp lực công việc và những căng thẳng trong cuộc sống gì khiến họ có chút giận hờn. Những bữa cơm nặng nề chồng chéo lên nhau, không ai nói với ai một câu khiến một người giúp việc như tôi đến thở cũng không dám thở mạnh. Có lần, tôi loáng thoáng đi qua phòng ông bà chủ, nghe thấy âm thanh ồn ã vọng ra từ sau cánh cửa, tiếp sau đó là tiếng cốc rơi, bà chủ chạy ra khỏi phòng, tay ôm mặt khóc nức nở.


Tôi biết cười trên nỗi đau khổ của người khác thật tồi tệ, nhưng tôi đã mỉm cười khi thấy ông bà chủ cơm không lành, canh chẳng ngọt. Khi người đàn ông khóc, có lẽ là lúc họ tột cùng ở nỗi đau đớn và tuyệt vọng, giữa họ đã xảy ra chuyện gì, ắt hẳn phải là vấn đề nào đó cực kỳ nghiêm trọng, nhìn những giọt nước mắt héo úa trên mặt ông, lòng tôi như có hàng trăm đợt sóng dữ dâng lên uất nghẹn.


Tôi đã ngồi bên cạnh ông chủ thật lâu trong sự im lặng tuyệt đối, tự dưng nước mắt tôi chảy dài hai má. Tự dưng, tôi cảm thấy căm ghét bà chủ.


Sáng sớm hôm sau bà ấy mới trở về nhà, mắt sưng húp và thâm quầng có lẽ là dấu tích của đêm mất ngủ hôm trước. Họ vẫn lạnh nhạt với nhau, nỗi tị hiềm trong tôi khi xưa giờ trở nên bức bách, và nó cần giải thoát. Chỉ cần tác động để vợ chồng ông chủ thêm sứt mẻ, chắc chắn họ sẽ chia tay và tôi có thể thỏa ước nguyện ở bên người tôi yêu mến.


Ô-sin


Nói là làm từng bước bài bản và có âm mưu từ trước, tôi dựng câu chuyện hoang đường về mối tình ông chủ và cô ô-sin giống như một thiên tiểu thuyết tình yêu, chỉ cần rỉ tai vờ tâm tình với bà bán nước đầu ngõ chắc chắn ngay tức khắc nó sẽ được truyền đi với vận tốc ánh sáng không thể nào kiểm soát. Và chắc chắn, cuối cùng nó sẽ bay tới tai bà chủ xinh đẹp. Họ đang giận dỗi nhau, chỉ cần thêm mồi lửa này, ắt hẳn nỗi đau về sự dối trá sẽ bùng lên như ngọn lửa thiêu cháy mọi thứ và đưa chúng trở về cát bụi.


Bà chủ viết đơn ly hôn gửi ông, kế hoạch của tôi đã thành công một nửa và nắm chắc phần thắng nếu như hôm ấy, cậu chủ không tới tìm gặp tôi trong tâm thế của một người anh lớn.


Anh ta nói dù đất trời có sụp đổ, không bao giờ anh ta tin câu chuyện ngoại tình của bố anh. Ngay từ đầu, anh đã bắt gặp ánh mắt đắm đuối của tôi nhìn bố anh và anh đã có những dự cảm chẳng lành. Nhưng anh tin tôi xuất phát là một cô gái nông thôn, có ăn học đàng hoàng, thấy tôi đắm đuối, nâng niu cuốn sách như báu vật chắc chắn không phải loại người đang tâm hủy hoại một gia đình đang yên ấm. Nhưng đến hôm nay anh đã quá thất vọng về tôi, anh không còn thấy đôi mắt ngây thơ, ngơ ngác của tôi trong buổi đầu chập chững bước chân lên thành phố, thay vào đó là ánh mắt ráo hoảnh, lạnh lùng của một kẻ thừa "nước đục thả câu".


Anh biết tất cả câu chuyện tôi thêu dệt nên khắp hang cùng ngõ hẻm dọc con phố này, nhưng anh muốn tôi trở lại đúng con người tôi của ngày xưa.


Đêm khuya lạnh, tôi đi ngang qua phòng ông chủ, ông đang bần thần ngắm ảnh cưới của hai vợ chồng, mắt rơm rớm nước và bờ vai rung lên như nhịp sóng. Mọi thứ như cuốn phim quay chậm lăn qua vùng trí não tôi, tôi nhận ra rằng sự ích kỷ, tham lam trong thứ tình yêu tội lỗi này sẽ chẳng bao giờ chạm được tới hạnh phúc.


Ngay tối hôm ấy tôi dọn dẹp đồ đạc, trở về với mảnh làng nghèo xác nghèo xơ, không quên để lại một lá thư kể về sự thật bấy lâu tôi chôn kín. Có lẽ tôi đã cảm nhận được sự thanh thản len lỏi qua từng vi mạch cảm xúc.