Teya Salat
Mưa Sài Gòn

Mưa Sài Gòn

Tác giả: Sưu Tầm

Mưa Sài Gòn

Nhưng mẹ biết, dù mưa hay nắng, còn có một Sài Gòn khác có thể che mưa che nắng cho con.


***


Sài Gòn đang mùa mưa. Nghe bảo:"Mưa Sài Gòn giống tính tình con gái Sài Gòn". Hải mới đến, không biết con gái xứ này như thế nào. Còn cái sự mưa nơi đây thì hay ho lắm. Không làm mình làm mẩy, ọc ạch sấm rền, nổi giông, nổi gió báo trước, cứ mưa là mưa thôi. Mới rồi trời còn trong vắt như thế, mặt trời còn cười ngạo nghễ như thế. Phút chốc mây đã hùa nhau giam mặt trời trong tấm màn xám xịt, hối hả thả mưa xuống mặt đất. Mưa được tháo cũi sổ lồng, nắm tay giăng hàng, hỉ hả nhảy nhót trên sân. Những hạt mưa đáp trên mái hiên cũng nhanh chóng tạo thành dòng, ồ ồ chảy xuống góp vui, xiên xẹo, vung vẩy cả vào trong nhà.


Mẹ biết Sài Gòn đang mùa mưa thì lo lắm, gọi điện là hỏi ngay: "Có bị nhức đầu, sổ mũi không con?".


"Mẹ yên tâm, vào đây con khỏe như voi ấy". Mà đúng là Hải khỏe ra thật. Mưa Sài Gòn không nồng nồng, ngột ngạt như ngoài Bắc, mỗi trận mưa mang đến sự tươi mát, dễ chịu vô cùng.


Mẹ khẽ khọt: "Vào đó một thân một mình thì phải tự biết chăm lo". Hải cười hì hì, con đi rồi không ai nhổ tóc sâu cho mẹ. Mẹ bảo, mấy bữa nay không có ai nhổ, khó chịu lắm, đợi chị dâu mày sinh cháu, nó biết nhổ tóc sâu thì tóc mẹ cũng rụng hết rồi. Hải muốn nói, mẹ vẫn còn trẻ lắm, mà sống mũi cứ nghèn nghẹn, vội lảng sang truyện khác.


Mưa Sài Gòn


Hải kể mẹ nghe mấy hôm đầu An dẫn đi ăn, món nào cũng nhiều đường, chỉ cần đập đá bỏ vào là thành chè được. Hải nể mặt An lắm mà vẫn để thừa quá nửa, thế là chuyển sang ăn riết xôi, mì tôm. Cuối tuần An hì hụi sửa cái bếp gas mini cũ, Hải đứng ở cửa nhà hỏi với sang: "Bếp nhà An bị hỏng à?". An nhấp nháy cười: "Cho Hải đấy, không lẽ định ăn mì tôm thay cơm luôn sao". Ờ nhỉ, ở một mình Hải cũng sắp thành con heo lười mất rồi. "Lát tui dẫn ra siêu thị mua mấy đồ làm bếp, còn bát đũa, xoong chảo, đồ ăn vô chợ mua cho rẻ". Mặt Hải bỗng đỏ lần rần, nhìn căn phòng trống huơ trống hoác, chỉ còn biết cun cút đi theo An.


Mẹ không nói gì, Hải chỉ nghe thấy tiếng cười lục khà lục khục, mãi mẹ mới thốt lên: "Ôi con gái, rõ hay chưa con gái", rồi chừng như lại ngừng một lúc: "Cái thằng... thế mà tâm lý quá con nhỉ".


Mẹ biết An. Cái lần Hải lang thang qua mấy diễn đàn văn học, thấy một bút danh là lạ "Một chữ An", tác phẩm nghe lại rất đời "Phận mỏng", "Ông tơ bà nguyệt", "Sau song sắt"... thì tò mò đọc thử. Mẹ đang ở dưới nhà, nghe trên lầu đánh "choang" một tiếng, liền hốt hoảng chạy lên. Bình hoa vỡ tan tành, mảnh to mảnh nhỏ nằm dưới đất, mà Hải đang ngồi thu dọn, mặt vẫn đỏ bừng bừng, miệng lại lẩm bà lẩm bẩm: "Tức quá, tức chết mất thôi". Mẹ tái nhợt đi không biết có chuyện gì. Hải oan ức chỉ vào máy tính: "Tại cái ông tác giả ấy mẹ, ổng viết đến mức quỷ khóc thần sầu, con đọc như bị thôi miên. Đọc đến đoạn đứa con gái bị bố nó đuổi khỏi nhà thì con giận quá, đập bàn một cái, thế là cái mũ rớt xuống kéo theo bình hoa".


Mẹ cười chết ngất, biết tính con gái lúc nổi nóng thì như Trương Phi, quên cả việc trách mắng, lại còn bảo: "Con đòi ông tác giả ấy đền bù cho mẹ". Dạ, mẹ để con. Nói là làm, Hải đăng kí ngay nickname "Tiểu Quỷ", phải công nhận tác giả viết rất hay, nhưng điểm này vẫn còn thừa, điểm này vẫn thiếu logic, viết xong một cái bình luận dài dằng dặc, Hải còn cố ý ghi chú: "Mẹ tôi muốn chuyển lời cảm ơn đến tác giả, nhờ anh mà đứa con gái của bà vì thương nhân vật quá, đã lỡ làm bể cả bình hoa". Vị tác giả ấy cũng không phải dạng vừa: "Nhờ một bình hoa mà tui nhận được cái comment đáng giá như thế này, có đền mười bình hoa tui cũng chịu". Chuyện qua, chuyện lại, thế rồi thành bạn. "Ông" tác giả của những câu chuyện gai góc, sâu cay lại là một cậu chàng thư sinh, cao gầy, mặt hiền khô. Mẹ bảo cuộc đời thú vị thế đấy con, có người ở gần mà hóa xa vời vợi, người ở xa mà cứ đưa đẩy lại gần.


Quê An mãi Bạc Liêu, học xong rồi xin việc ở Sài Gòn luôn, làm ở phòng kinh doanh của một công ty nước ngoài, hết giờ lại bươn bải đi dạy thêm. Vậy mà vẫn đều đều một vài tháng ra lại ra truyện mới. Hải có viết, không nhiều, hạnh phúc của một biên tập viên đơn giản chỉ là khám phá ra những câu chuyện hay, những tác giả tiềm năng. Có lần, Hải hỏi An sao không nghĩ đến việc xuất bản sách. An bất ngờ, một nét ưu tư thoáng qua trong mắt nhưng bị ánh cười xóa đi rất nhanh: "Ai cầm bút cũng mong có một quyển sách của riêng mình. An còn phải học hỏi nhiều lắm. Mà Hải thấy ở Việt Nam có mấy người giàu nhờ việc xuất bản sách chưa?. An chỉ coi viết như một sở thích, một niềm vui, chứ không muốn lấy nó làm kế sinh nhai". Hải phản bác, tác phẩm đến gần hơn với công chúng, càng có động lực để viết chứ sao. An lắc đầu, cũng không hẳn, dưới sức nặng của đồng tiền, có khi cảm xúc nó tụt xuống tận mắt cá chân, tham gia các diễn đàn văn học cũng là một cách tiếp cận người đọc rồi.


Căn phòng Hải đang ở là An thuê giúp, "Tui ở cái xóm này từ hồi sinh viên, riết rồi chẳng muốn chuyển. Hải cứ ở đây cho rẻ, tìm được việc thì tính sau". Phòng nằm ngay đầu dãy trọ, hàng ngày có biết bao người đi qua, đi lại. Người thì rất tự nhiên, đứng trước cửa nổ máy xình xịch, người lại ý nhị, đến cổng tắt máy xuống xe. Có người niềm nở, nhìn thấy chủ phòng thì khẽ gật đầu chào, có người lại thờ ơ, một ánh mắt cũng không buồn liếc. An dặn: "Ở Sài Gòn phải cẩn thận, xểnh ra là mất đồ như chơi đó". Rồi bà Năm bán hàng nhà bên, kéo cái xe chở nước cho người trong xóm, đi qua thấy Hải ngủ gục trên bàn, sách ra đằng sách, người ra đằng người, bà thò cổ vào, chẳng nể nang: "Con gái con đứa, mặt trời chiếu đến mông rồi còn nằm ườn ra đấy". Giọng bà sang sảng làm Hải giật mình đánh thót, mắt còn bên nhắm bên mở, lại đã thấy bà cười hiền: "Phòng này cửa nẻo cẩn thận mà còn hai lần mất đồ rồi đó con ơi. Con ngủ để cửa tênh hênh thế này, khác nào mời trộm nó ghé chơi. Con mới vô đây, cô Năm sợ con không biết, trộm nó tha đồ đi thì tội. Đừng giận cô Năm lớn tiếng nghen".


Rồi hôm trước, Hải đi phỏng vấn. Chị trưởng phòng nhân sự là người Bắc, gặp được đồng hương thì tay bắt mặt mừng. Chuyện trò tỉ tê một hồi, chị mới chỉ vào túi xách của Hải: "Khu Thủ Đức này nhiều tệ nạn lắm nha bé. Hôm rồi đứa bạn chị đang chạy xe trên đường thì bị bọn cướp sáp lại, kề dao vào bụng, kêu giao hết tiền, điện thoại ra đây. Chị cũng mới bị giật mất sợi dây chuyền. Bé ra đường là không có được đeo túi hớ hênh như này, cho vào cốp xe ấy".


Hải nghe xong thì thần hồn nát thần tính, từ bữa đó sinh ra tâm lý phòng bị, một mình đâm ra lo đủ thứ, có khi ở nhà cũng chốt cửa chính, nhỡ ra mải nghe nhạc, đọc sách rồi ngủ quên, trộm nó khênh đồ đi lúc nào cũng không biết. Nhà mái tôn, mỗi lần mưa cứ nện ầm ầm, người trong nhà có cảm giác như máy bay đang đậu ngay trên nóc. Tiếng mưa át cả tiếng nhạc, Hải cũng không nỡ tắt, có tiếng người vẫn bớt trống trải hơn. Bạn bè đứa khen Hải giỏi thật, sao nỡ xa mẹ, một thân một mình. Đứa bảo Hải dại lắm, công việc đang ngon lành, người mơ chẳng được, người lần không ra, tự dưng đâm đầu vào đấy. Đứa khác lại mắng Hải vội quá, xin được việc rồi hãy đi. Hải cười lấn cấn, ờ nhỉ, sao thế nhỉ. Trót vào chơi một lần, rồi yêu luôn Sài Gòn hay sao?. Hay Hải xưa nay vẫn vậy, thích đi đây đi đó. Hải không biết, nghĩ cũng chẳng ra, nên lại cười xòa, tuổi trẻ mà, đi là đi, ngại cái gì chứ.


Hải vào đây đã được hai tuần. Vẫn lạ đủ thứ. Lạ từ đường đi, lối lại, lạ từ cách ăn, cách uống, lạ cả xưng hô, ứng xử. Ngày đầu, Hải lỡ hỏi đường mấy bác miền Tây, kết quả tiếng ta hóa tiếng tây, chai mặt hỏi đến mấy lần, dưới sự nhiệt tình của các bác, vẫn chỉ hiểu bập bõm: "dzô kia quẹo phải, đến...Canh ...quẹo trái", đành vừa đi vừa phán đoán. Hóa ra, ...Canh...