May mà có em

May mà có em

Tác giả: Sưu Tầm

May mà có em

Gió đi lào xào trên tàng cây vú sữa xum xuê trước ngõ, với giọng xúc động, Tân kể lại diễn biến cuộc hành quân sang Lào. Thiết giáp Cộng quân tràn ngập đơn vị, Tân bị đạn đại liên tiện đi mất chân trái. Tân bị bắt làm tù binh, bị giam cầm tại các tỉnh thượng du Bắc Việt, mười ba năm bị giam cầm, cách biệt với thế giới bên ngoài! Mười ba năm ở địa ngục trần gian.


Năm 1985 họ thả anh, về đây sống với đời buồn tủi tật nguyền, hằng ngày anh đi bán vé số. Hai mẹ con sống cuộc đời cháo rau túng thiếu trong căn nhà kỉ niệm của ba anh, người sĩ quan dù đã chết trong trận Điện Biên Phủ.


Quỳnh cũng kể cho Tân nghe, từ năm 1972 sau nhiều lần hỏi thăm, kiếm tìm, đơn vị cho biết Tân đã mất tích.


Tháng 4 năm 1975 gia đình nàng di tản và định cư tại Canada; cha mẹ nàng đã qua đời. Nàng làm việc ở một bệnh viện, em trai nàng đỗ bác sĩ đã lập gia đình được hai con. Riêng Quỳnh vẫn ở vậy.


"Em nghĩ rằng anh đã chết và em sẽ sống với hình bóng anh suốt cuộc đời này. Bây giờ đang ngồi bên anh em cứ nghĩ mình nằm mơ."


Tân cúi xuống, vén tóc Quỳnh, hai người hôn nhau say đắm. Một nụ hôn của ba mươi năm và dài bằng nửa vòng trái đất.


Buông nhau ra, Quỳnh nũng nịu:


- Em muốn anh đàn và hát cho em nghe.


Tân gật đầu và Quỳnh vào nhà mang đàn ra. Dáng hao gầy, gương mặt nhiều nét kỷ hà học, dạo phiếm và Tân cất tiếng hát. Lời bài hát của một thi sĩ té lầu chết trong một cơn say và Phạm Duy phổ nhạc:


"Phố núi cao phố núi đầy sươngPhố núi cây xanh trời thấp thật buồnAnh khách lạ đi lên đi xuốngMay mà có em, đời còn dễ thương..."


Tân có ngón đàn thật điêu luyện! Giọng hát khàn đục chuyên chở nỗi niềm chia sẻ, xuyên suốt tim Quỳnh; trôi về thành phố núi của những cô gái má đỏ môi hồng, mái tóc ướt mềm. Thành phố đi năm phút đã về chốn cũ và trong khách sạn Bồng Lai, trên chiếc giường ra trắng muốt, nàng đã trao thân cho Tân trong một đêm mưa kéo dài.


Trời thật khuya. Trăng thượng tuần sáng vằng vặc. Quỳnh theo Tân vào phòng. Chiếc giường ngủ trải chiếu bong. Quỳnh ngất ngây trong vòng tay Tân. Mùi đàn ông, mùi nếp non rạ mới đã làm Quỳnh phiêu diêu trong hoan lạc tột cùng. Rõ ràng "đêm nay mới thật là đêm - ai đem trăng sáng trải lên vườn chè".


Suốt ba tuần lễ ở nhà Tân, Quỳnh và mẹ Tân đi sắm đồ trang trí lại nhà cửa theo sự yêu cầu nhiều lần của nàng. Quỳnh thuê một chiếc xe du lịch đưa mẹ, và Tân ngắm cảnh Ao Bà Ôm. Tân chỉ cho Quỳnh nơi chú Đạt hôn cháu Diễm trong phim Yêu của Chu Tử do tài tử Anh Ngọc và Thanh Lan đóng. Những hàng cổ thụ, rễ dâng cao trên mặt đất! Mặt hồ gió mát! Phong cảnh tuyệt vời. Ba người cũng đi ngắm biển Long Toàn với những đồi cát chập chùng và những bữa ăn cua luộc ngon nhớ đời.


Bên Quỳnh, Tân như trẻ lại, ăn nói hào sảng như ngày nào khoác áo hoa rừng và đội chiếc mũ nâu.


Khỏi phải nói! Mẹ Tân thương quý Quỳnh qua cách đối xử phải đạo của nàng! Nhiều lần bà cảm ơn Quỳnh đã mang về đây niềm vui, hạnh phúc cho Tân, đứa con trai duy nhất và cũng là tài sản của đời bà.


Riêng Quỳnh, sau nhiều đêm ngỏ lời muốn Tân lấy nàng, Tân đã hỏi Quỳnh suy nghĩ kỹ chưa khi chọn một người tật nguyền làm chồng, trước khi chấp nhận, Quỳnh chọn căn nhà cũ kỹ, có giếng nước mát lạnh, tàng cây vú sữa cho bóng mát suốt ngày, làm nơi cư trú suốt đời bên tình yêu nồng nàn của Tân.


Quỳnh cùng Tân dạo phố, không một mặc cảm ngại ngùng nào "bên người yêu tật nguyền chai đá". Trái lại, Quỳnh còn thầm hãnh diện có người chồng đã hy sinh một phần thân thể cho quê hương đất nước.


...


Trước khi Quỳnh trở lại Canada, gia đình Tân tổ chức một bữa tiệc, mời một ít bà con và một số hàng xóm cạnh nhà để tuyên bố lễ cưới giữa Tân và Quỳnh. Mọi người đều cảm động trước mối tình nồng thắm, cách chia gần ba mươi năm của hai người. Trong tiệc cưới, mẹ Tân đã không cầm được nước mắt khi nhìn thấy hạnh phúc của con trai mình.


Ba tháng sau, trên chuyến bay Cathay Pacific Airline, Quỳnh đã thu xếp mọi việc ổn thỏa để trở về sống suốt đời ở Việt Nam bên cạnh Tân - chồng nàng.


Khách cùng chuyến bay ngưỡng mộ nhìn Quỳnh, tay xách túi nhỏ và vai mang một hộp da như đựng nhạc khí kèn đồng.


Trong quầy khám hành lý, nhân viên hải quan hách dịch hỏi nàng:


- Sao không thấy bà kê khai hộp da bà mang trên vai. Chúng tôi được lệnh khám xét.


Quỳnh mở dây kéo, mọi người đều ồ lên một tiếng ngạc nhiên, khi nhìn vào bên trong lớp lót nỉ đỏ. Không có thứ nhạc cụ nào cả mà là một cái chân giả tuyệt đẹp.


- Bà mang chân giả này về cho ai? Nguyên do nào người này bị tật? Viên hải quan gắt gỏng.


Quỳnh trả lời một cách bình tĩnh:


- Nếu ở phi trường nước khác, tôi sẽ từ chối trả lời câu hỏi này. Nhưng ở đây tôi xin trả lời ông: Tôi mang chân giả này về cho chồng tôi! Anh bị thương trong cuộc hành quân Lam Sơn 719 ở chiến trường Hạ Lào.


Sau một lúc bàn thảo, họ đồng ý cho Quỳnh đi. Đẩy xe hành lý bước nhanh một đỗi, Quỳnh còn nghe rõ câu nói hằn học lớn tiếng sau lưng cuả đám Hải quan. Nàng không thèm để ý, mỉm cười bước nhanh khi nhìn thấy Tân và mẹ vẫy tay chào nàng ngoài khung của kính bên kia đường.