Gần chiều
Gần chiều
Trước đám cưới, T. định đốt bản dịch tiếng Việt của "The Great Gatsby" – Đại gia Gatsby và Nỗi Lòng của Natsume Soseki – quà tặng sinh nhật của người đó. Nhưng cuối cùng, T. đưa cho cô em mới sang: "Truyện kinh điển em ạ. Cố mà đọc... Đừng bao giờ lao vào những người như Tiên Sinh hoặc Gatsby!"
- Hold me now! Please hold me tight!
T. áp má vào cánh tay nhám những sợi lông vàng xoăn ngắn tũn. T. mở miệng cắn cánh tay ấy. T. khóc. Khóc to, tiếng ồng ộc như thể cổ họng bị rách.
3.
Tôi giật mình tỉnh dậy. 4h47p sáng. Nửa đầu cứng và đau buốt. Chiếc đồng hồ treo tường đập vào mắt như mặt người trắng ởn. Tôi vặn sáng chiếc đèn ngủ. Nhiệt độ bên ngoài chắc chỉ bốn hoặc năm độ dưới không.
Tôi vào phòng tắm rửa mặt. Tôi vặn vòi nước lạnh. Nước cắt da cắt thịt. Mắt quầng sâu, ấn tay vào lủng bủng như đọng nước. Da mặt và cả cơ thể tôi không còn được như trước nữa, không còn đàn hồi, không còn sáng, không còn mang vẻ trẻ trung chút nào nữa. Trán cũng hằn hai nếp nhăn mờ. Tôi chợt nhớ một nhân vật nam ba mươi nhăm tuổi của Murakami. Tôi bây giờ đã quá hiểu cảm giác muốn khóc của anh ta, mặc dù theo nghĩa nào đấy tôi từ lâu không cười không khóc thực thụ được nữa.
Tôi đã xa nhà gần mười lăm năm và đã đổi chỗ ở, chỗ làm việc chừng mười lần. Thời gian đầu thì háo hức vì những cái mới, cái khác nhưng giờ thì không thấy gì mới mẻ nữa, mà hoàn toàn không phải vì tôi cho rằng tôi đã biết hết hoặc đã trải nghiệm hết. Nếu tôi là anh nhân vật trong truyện ngắn của Murakami thì sao nhỉ? Vừa khóc vừa cười? Hoặc lấy tay véo mặt mình rồi đếm xem da giãn về vị trí cũ mất tất cả mấy giây?
Tôi bất giác ấn vào chiếc gương. Chiếc gương còn là cửa tủ đựng đồ dùng vệ sinh cá nhân liền bật mở. Khuôn mặt trong gương của tôi biến mất. Tôi bần thần một thoáng rồi mở hẳn cửa để lộ ra đống kem đánh răng, nước xúc miệng, đống đồ cạo râu và mấy cái cốc nhựa. Một chiếc bàn chải cũ cắm trong một cốc nhựa xanh đậm sát chiếc cốc nhựa cùng màu tôi thường dùng. Tôi bất giác thở dài, đóng cửa tủ lại. Em từng nói sợ nhất tiếng thở dài kiểu này. "Nó làm em kiệt sức, như rút hết nhựa sống trong người ra í. Chẳng muốn làm gì nữa. Chỉ còn muốn chết!" Em nói rồi nghiêng đầu cười như thiếu nữ mười sáu. Từ đó tôi vo viên hết những lần thở dài, trong quãng thời gian còn có em.
Mùa đông năm 2004, tôi gặp lại em ở Tokyo, sau bốn năm gián đoạn. Em vẫn thách thức và khắt khe như cũ. Nếu có ai dùng từ thô tục, dù chỉ vui thôi, em sẽ hạn chế nói chuyện. Nhưng các từ chỉ chuyện chăn gối hoặc các bộ phận tế nhị lại không nằm trong vùng cấm đoán của em. Em thường phát âm tròn vành rõ chữ vì em cho rằng chúng chỉ là các từ thôi, bình đẳng như mọi từ khác. Mặc dù đang ở Nhật, tôi thường xuyên nhận được các cú điện thoại đầy ẩn ý kiểu như "Come to me" hoặc "Play with me now!". Tôi thường không biết trả lời ra sao cho hay ho hoặc thú vị. Tôi gần như bao giờ cũng thấy một nỗi thất vọng sâu kín nơi em. Hơn nữa, đối tượng của nỗi thất vọng ấy không phải là tôi. Tôi từng hỏi sao em không để nỗi buồn ấy bung hết ra một lần, có khi nhẹ lòng hơn. Em lắc đầu rằng "Không được anh ơi! Nếu chỉ thế mà xong thì mọi chuyện đã ổn từ lâu rồi chứ!". Em gục đầu lên ngực tôi, khúc khích cười và cho tay thọc vào quần tôi, nhưng không cho hẳn vào quần trong. Phần đàn ông của tôi dựng đứng. Nhưng lúc ấy, tôi thực muốn đẩy em ra. Tôi chỉ muốn thế mà không làm nổi. Tôi riết lấy em mà tưởng như riết lấy không khí hoặc một thực thể rỗng, cái phần lõi đã không còn ấy thì lại ở chốn nào xa lắm, tôi chẳng thể đến được.
Tôi quay lại giường. Còn sớm quá mà công việc thì hòm hòm cả. Tôi bèn kéo ngăn tủ. Ba bốn quyển truyện của Banana Yoshimoto xộc lệch ngay trên cùng. Tôi còn nhớ khi thấychúng, em ảm đạm hẳn. Nửa đêm hôm đó, em kể cho tôi nghe về cậu em trai chơi vĩ cầm nổi tiếng từ tấm bé. Cậu em trai của em giờ đã nổi điên, sau một thời gian dài trầm cảm. Nó luôn lấy tay đập đầu. Bố mẹ em già sọm đi, như những người lạ. Em chẳng làm gì được.
"Anh biết không? Nếu không có chuyện đó, em đã chẳng già như bây giờ?"
Tôi nhìn sâu vào mắt em. Mắt em long lanh. Khi tôi đưa tay vuốt tóc em, em cụp mắt xuống. Mãi mười phút sau, em mới nói: "Em từng muốn thuê người... cho em trai xong luôn!"
Rồi mm nhìn tôi, nhòe nhoẹt. Em nói cảm ơn.
Bây giờ, nhiều năm đã qua đi, tôi mới lờ mờ hiểu được lời cảm ơn năm ấy.
Hè 2005, tôi có về nước hai tháng, mang giúp em một lá thư với chút bánh trái Nhật Bản đẹp như vẽ. Tôi còn nhớ nhà em có giàn thiên lý lá không xanh. Bố mẹ em gọn gàng giản dị nhưng không giấu nổi vẻ mệt mỏi. Cậu em em đi đi lại lại lập lờ như một cái bóng. Tôi cố nán lại đến hơn hai tiếng, kể cho hai bác nghe về cuộc sống của em và xa gần về tình yêu của tôi với em. Bác gái nhìn tôi dịu dàng, nếp nhăn hơi khóe mắt hằn sâu. Bác trai không nói gì, nhìn lặng vào lồng chim chỉ có một con sáo đá đang lách chách nhảy nhót. Cậu em trai của em đúng lúc đó rú lên cười. Nó nhìn tôi giễu cợt. Tôi xấu hổ và tức giận ghê gớm. Tôi vội rời nhà em, bất kể cái áy náy rõ rệt trong mắt bác gái. Tôi thương em vô hạn và nếu là em thì tôi sẽ chẳng trở về, sẽ đi đây đi đó mãi. Gia đình bố mẹ em trai như thế thì làm sao mà chịu được.
Giờ nghĩ lại tôi mới biết mình nông cạn. Tôi đưa mắt nhìn căn phòng hoang hoải của mình. Bên ngoài trăng cuối đông mỏng tang.
Hiện tại, em đang ở Chicago. Em bảo em chọn Chicago vì thời tiết nơi đó luôn biến động, lại đông người; mặc dù, đến lúc này thì nơi nào cũng như nhau. Tôi rất muốn gọi cho em nhưng lại ngại nếu bạn trai em đang ở cùng em. Mới tảng sáng ở Chicago. Hè này, chắc tôi sẽ tới thăm em. Cũng có thể sớm hơn chút, vào St. Patrick's Day, để đi cùng em dọc con sông Chicago xanh biếc.