Gần chiều
Gần chiều
Chúng tôi chẳng nói gì, chỉ yên lặng ngắm mây trời xám chuyển dần thành xanh đen, rồi chẳng thấy gì nữa.
- Anh biết tại sao em ghét thuốc lá không?
Tôi quay sang nhìn T. chằm chằm. T. không nhìn tôi mà nhìn bầu trời đen thẫm. Phải năm phút sau, T. mới nhìn tôi, mắt xa xôi và kì bí như sao trời cuối thu.
T. chậm rãi búi tóc và kể:
- Bố em nghiện nặng thuốc lá. Ông thường hút một mình cạnh cây thiết mộc lan cao vống. Cây thiết mộc lan đó sau này bị chặt chỉ đến đầu gối em, tại vì cây mãi không ra hoa. Đấy là cái nhà thứ hai của gia đình em, không phải cái nhà hồi em bị nhốt anh ạ. Cái nhà này thì to hơn, ba tầng.
Tôi chờ T. kể tiếp.
- Mẹ em bảo bố mày chỉ thích nói chuyện với cái cây thiết mộc lan đó thôi.
T. nở một nụ cười kì dị.
- Hồi đó em vẫn còn nhỏ nên thích lắm, còn đi hỏi bố làm sao để nói chuyện được với cây.
Tôi định gãi cằm nhưng tay giơ lên được nửa chừng thì dừng lại.
T. bật cười, cầm lấy cổ tay tôi mà nâng lên. T. nói:
- Có cần em giúp không? Mà anh lại để râu à?
Tôi cười phì:
- Em đáng yêu phết!
T. đáp, sau khi lườm một phát rõ dài:
- Anh khéo miệng lắm!... Nhưng anh có yêu em đâu!
- Chúng ta như thế này chẳng tốt sao?
T. cài khuy cổ, nhấm nhẳng: - Không!
Tôi hỏi T. lạnh à nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu.
Một lúc sau, tôi chợt hỏi:
- Lúc em kể chuyện ban nãy, em có nhớ được bố và mẹ em rõ ràng không?
T. ngạc nhiên nhìn tôi:
- Có chứ ạ. Sao anh lại hỏi thế?
Tôi bối rối nhìn T., thấy xa xăm như thể cả hai bị ngăn cách bởi một làn nước. Tôi đáp:
- Không có gì. Chắc tại anh nhiều khi chỉ nhớ được chuyện cũ mà không phải người cũ... phải ngồi một lúc mới nhớ mang máng mường tượng được mặt người. Mà có khi những gì tưởng là nhớ được, tưởng là chính xác,... thực ra không phải... méo mó hết.
T. định nói gì đó thì đã lặng im vì tôi đã cúi xuống, nhặt lên một sợi tóc của T. Sợi tóc dài và bóng mướt.
Giọng T. sâu hút:
- Mà sao anh lại thích Murakami? Em thấy nhiều chỗ lan man, không sắc, không thực sự dồn nén.
Tôi chạm vào bao thuốc lá rồi bừng tỉnh nên gõ gõ ngón trỏ trên vỏ bao.
- Lúc nào nghĩ chín, anh sẽ trả lời em.
Tôi nhìn bầu trời phía trước mặt mình. Mặt trăng yếu ớt không trọn vừa nhô ra đã lẩn đi đâu mất.
- Anh sẽ cố, nhưng không hứa trước được.
Tôi nói thêm:
- Không phải cứ biết hết là tốt đâu! – Tôi thấy hơi lửng lơ nên nhấn mạnh – Nguy hiểm lắm... nếu đi đến tận cùng.
Tôi không hiểu sao lại nói như thế nhưng tôi cảm giác rõ ràng mình phải nói vậy, như một cách tôn trọng T.
Tôi quay sang nhìn T.
T. xổ búi tóc đã búi chặt. Trời có gió. Tôi cơ hồ nghe được tiếng tóc T., mặc kệ dưới kia xe cộ mỗi lúc một nhiều.
T. chống tay lên thành ghế và đứng dậy.
- Em về đây.
Tôi phản xạ nhanh hơn bình thường, thậm chí tay tôi chút nữa đã đưa ra tóm lấy T.
- Em ở thêm chút nữa!
T. nhếch miệng cười, nheo mắt nhìn rồi cúi xuống hôn vào chóp mũi tôi, tóc T. thơm ngát:
- Không được, cưng ơi!
Tôi cười hắc hắc. Tôi từng rất ghét kiểu gọi này, nhưng mãi rồi cũng quen.
Khi ra đến cửa, T. ngoái đầu lại nói:
- Lúc nãy em định nhổ cho anh hai cái tóc sâu, ở chỗ mà anh bảo thấy mà không sao nhổ được ấy. Nhưng rồi lại thôi!
Tôi rượm lên tiếng thì T. đã nói tiếp:
- Em không nhớ nhà em hồi trước thế nào, lúc em bị nhốt ở nhà ấy. Em chỉ biết là có việc ấy và biết mình đã sợ thôi. Nhưng bố mẹ em thì em nhớ rõ chứ.
T. khép cửa và đi mất.
Tôi ngẩn người. Rồi tôi thấy mình thật may mắn.
Tôi không hút điếu thuốc thứ ba; đóng cửa vào nhà. Ngần ngừ một lúc, tôi để mặc rèm cửa ra ban công lẫn cửa sổ, mặc dù gió hút vào phòng khá lạnh.
Trên bàn, một mẩu giấy bị chặn dưới DVD Ella Fitzgerald Live in 57' and 63'. Chữ T. nắn nót: Anh cất cái bàn chải cũ trong bathroom đi! Ai mà chịu được, anh dã man vừa thôi chứ!
"Em là người thứ bao nhiêu nói với tôi câu này?"
Tôi duỗi dài người trên giường, chong chong nhìn trần nhà. Xem ra sắp tới tôi có một khoảng tự do dài. Hơn nữa, từ bây giờ cho đến tận tháng năm, nghĩa là tận bốn tháng cơ đấy, tôi chẳng có nhiều việc cần kíp cần bận tâm.
Tôi đọc lại Giấc ngủ của Murakami Haruki, dù gì tôi cũng muốn trả lời, theo cách nào đấy, câu hỏi của T.
2.
Năm 2009, T. xin được một học bổng intership nên T. Quyết rời Pháp sang Canada, bất chấp sự ngăn cản của cả bố mẹ lẫn em trai. Gia đình T. ở Việt Nam, kinh tế lại không khá giả nên không thể sang tận Pháp ngăn cản T. được.