Em còn nhớ hay đã quên?

Em còn nhớ hay đã quên?

Tác giả: Sưu Tầm

Em còn nhớ hay đã quên?

“Có đôi khi quên không có nghĩa là không còn nhớ. Anh hứa, dù mất bao nhiêu lần, dù mất bao nhiêu thời gian đi chăng nữa, anh cũng nhất định tìm lại em, tìm lại tình yêu của chúng ta!”











*** 


Tử đinh hương trắng có quên?


- Kìa Đinh Hương, “cây si” của mi lại tới kìa!


An kéo ống tay áo tôi, vừa chỉ trỏ vừa cười đầy ẩn ý.


- Thích không? Nhường đấy!


Tôi nhìn bóng sơ mi trắng đang trầm tư đứng đợi trước cổng trường, âm thầm thở dài một tiếng.


Em còn nhớ hay đã quên?


- Đừng “dã man” vậy! Những anh chàng vừa đẹp trai vừa si tình giờ là của hiếm đấy. Hơn nữa có thích cũng chẳng ích gì, người ta thích “đằng ấy” chứ có thích “đằng này” đâu. Giày không vừa chân, chả ham!


An liên tu bất tận một hồi khiến tôi choáng váng. Rồi nhân dịp tôi còn chưa kịp hoàn hồn, cô bạn đẩy mạnh tôi về phía trước, cất giọng í ới:


- Anh Đức, Đinh Hương nè!


Anh ngẩng lên, nụ cười vừa dịu dàng vừa rực rỡ, cặp mắt đen láy cũng sáng lên như hồ nước mùa thu dưới ánh trăng. Tôi nuốt nước bọt, hít thở sâu vài cái, cố không để cái khuôn mặt phản chủ đỏ bừng lên, đồng thời nhắc đi nhắc lại trong đầu: “Mày không thích anh ta đâu Đinh Hương! Không thích! Không bao giờ!” An rõ là đồ phản bạn, nó giằng lấy cái túi xách trên vai tôi đưa cho anh, thập phần nịnh nọt:


- Để anh chờ lâu rồi! Tại cô giáo chủ nhiệm đột ngột cho họp lớp nên tụi em tan muộn hơn nửa tiếng.


- Không sao! – Anh lắc đầu rồi quay sang tôi, giọng ân cần - Tan muộn như vậy chắc em đói rồi. Anh đưa em đi ăn.


Tôi trừng mắt nhưng câu “Không cần, em không đói” chưa kịp đến môi đã bị “bà mai” An vọt lên, cướp lấy:


- Sướng mi nhất nhé Đinh Hương! Anh không biết chứ suốt 30 phút sinh hoạt lúc nãy nó luôn mồm tra tấn lỗ tai em bằng cái điệp khúc: “Tao đói quá! Tao chết mất! Ước gì ra khỏi lớp là có người dâng đến tận miệng tao một núi đồ ăn”. Đúng là cầu được ước thấy!


Lần này thì da mặt tôi không kiêng nể gì, chuyển thẳng sang giai đoạn đỏ bừng bừng. Tôi lườm An một cái nhưng nó không chút hối hận mà còn thực hiện nốt hành vi “bán bạn cầu… hư danh bà mai” bằng bộ mặt toe toét đầy tự hào:


- Giờ em xin trịnh trọng giao lại nó cho anh. Em còn có việc, xin phép đi trước!


Chưa đủ thoả mãn, con bạn trời đánh còn quay sang tôi, chốt hạ:


- Ráng vỗ béo nha mày! Tao đi đây!


Rồi không để ý đến gương mặt đang dần tím bầm của tôi, nó cười hì hì, vênh vang rời đi. Oán giận nhìn bóng lưng An đang mờ dần, lát sau tôi mới tỉnh hồn, phát hiện mình đang trơ trọi đứng cùng Đức trước cái cổng trường vắng tanh vắng ngắt, bộ dạng rất giống… cặp tình nhân đang giận dỗi. Anh đang nhìn tôi bằng cặp mắt bí hiểm:


- Đi thôi em!


Tôi định ngoan cố tiếp tục từ chối thì bắt gặp cái đầu hóng chuyện của bác bảo vệ thò ra từ cửa sổ đầy hào hứng. Thầm thở dài, mất mặt như vậy là đủ lắm rồi, tôi đành gật đầu, lóc cóc đi theo anh.


***


Chuyện xảy ra đã gần nửa năm nhưng tôi vẫn nhớ như in từng chi tiết cái ngày đầu tiên tôi và Đức gặp gỡ. Hôm đó, trong ánh hoàng hôn xuyên qua những ô cửa kính, nhuộm vàng cả phòng đọc của thư viện, anh điềm tĩnh bước lại gần chỗ tôi ngồi, đặt lên trang sách trắng tinh một chùm tử đinh hương trắng, giọng nghiêm trang:


- Anh là Đức. Anh thích em Đinh Hương! Làm bạn gái anh nhé!


Thề có trời đất chứng giám, lúc đó tôi đã sửng sốt đến độ suýt rơi cả quai hàm xuống mặt bàn. Nhưng Đức thì ngược lại, ánh mắt anh vẫn một mực không rời khỏi tôi, kiên định như thể cả đời này anh chưa bao giờ thành thực như thế.


Tôi không tin vào cái gọi là tình yêu sét đánh, càng không hứng thú gì kiểu làm quen tán tỉnh giữa nơi công cộng nên phản ứng đầu tiên của tôi lúc đó là:


- Anh là ai?


Anh cười, một nụ cười kiên nhẫn nhưng không hiểu sao tôi lại cảm thấy xẹt qua đáy mắt sáng ngời kia có gì đó buồn bã và hoảng hốt:


- Anh là Đức, Trần-Trí-Đức!


Anh nhấn mạnh từng từ một như thể muốn khắc sâu nó vào tâm trí tôi. Và có lẽ cảm thấy như vậy vẫn không đủ, Đức cầm lấy cây bút trên mặt bàn, cẩn thận viết tên anh thật đậm vào cuốn sổ tôi để mở bên cạnh. Nét chữ nghiêng nghiêng dứt khoát, màu mực xanh thẫm chưa ráo loáng lên dưới ánh hoàng hôn màu cam đậm có mị lực khiến người ta không thể dứt mắt. Tôi cúi đầu nhìn quyển sổ, rồi lại ngẩng lên định mắng anh ta về tội tuỳ tiện thì gặp ngay khuôn mặt con trai ngang tầm mắt. Anh ta nhìn tôi chăm chú, đầy chờ đợi, hơi thở nóng rực phả vào má mang theo mùi tử đinh hương trắng dịu ngọt. Tôi rùng mình, bật dậy, quáng quàng vơ lấy sách vở, bỏ chạy:


- Tôi không biết anh!


Đức không đuổi theo. Anh ta đứng yên tại chỗ, lẳng lặng nhìn theo tôi, miệng mấp máy câu gì đó. Theo phản xạ tôi ngoảnh lại, chỉ cảm thấy người con trai đứng im lìm dưới ánh hoàng hôn sắp tắt kia sao mà cô độc đến thế! Tối hôm đó tôi mất ngủ. Nửa đêm tôi lọ mọ mò dậy, tìm quyển sách đọc dở ban chiều giải trí tạm. Chỉ có điều, kẹp giữa hai trang sách đọc dở, chùm tử đinh hương màu trắng lại nằm đấy, từng bông từng bông nhàu nát, dậy lên mùi hương nhạt nhoà.


Tôn Ngộ Không dù có thần thông quảng đại đến mấy cũng không thoát khỏi bàn tay của Phật Tổ Như Lai. Dù mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng nếu nói tôi là Tôn Ngộ Không thì hẳn… anh ta, Trần-Trí-Đức chết tiệt là Phật Tổ Như Lai! Bắt đầu từ buổi chiều ở thư viện hôm ấy, dù cho tôi có cố gắng tránh né đến mấy thì Đức vẫn cứ dần dần xuất hiện trong cuộc sống tôi, mỗi lúc một nhiều, đều đặn như những hạt nước rỏ xuống từ nhũ đá. Buổi sáng khi tôi mở cửa sẽ thấy Đức đứng trước cổng, sương thấm ướt vai áo, nói rất nhẹ nhàng: “Anh đưa em đi học”. Buổi chiều khi tôi tan học anh lại đứng trước cổng trường, hai tay đút sâu vào túi quần, cười rất dịu dàng: “Em học xong rồi à? Anh đưa em về!”.


Em còn nhớ hay đã quên?


Anh ta nắm rõ từng sở thích của tôi: yêu hoa tử đinh hương, thích nghe The Beatles, thích đọc truyện tranh trước khi đi ngủ, ghét đồ có mùi tanh, thích uống nước chanh tươi… Thậm chí có lúc tôi cảm thấy Đức còn hiểu tôi hơn chính bản thân tôi nữa. Có lần vì muốn Đức bỏ cuộc, tôi đã nhờ một cậu bạn đóng giả làm bạn trai mình đến gặp anh. Trước mặt Đức, tôi và cậu bạn kia cười cười nói nói vô cùng thân thiết. Đức không phản ứng gì trước cảnh tượng ấy. Khi tôi tưởng kế hoạch của mình đã thành công mĩ mãn thì ngay lúc ra về anh lại ngước mặt lên trời nói:


- Em có một tật xấu!


- Cái gì? - Tôi hỏi lại, vừa chột dạ vừa tức giận.


- Mỗi lần nói dối giữa hai lông mày sẽ xuất hiện một vệt nhăn.


Đức chợt dừng lại, trầm mặc hồi lâu rồi cười thâm thuý:


- Suốt cả buổi nay vết nhăn ấy xuất hiện hơi nhiều!


Tôi im bặt, trợn mắt nhìn anh ta chằm chằm. Anh vẫn cười:


- Mai gặp!


Trông theo bóng lưng xa dần của người con trai ấy, khoảnh khắc đó, tôi không rõ mình nên vui hay nên buồn. Vui như một cô gái kiêu ngạo khi có người đối với mình quan tâm đến thế, chân tình đến thế. Buồn như một kẻ tội đồ bởi không những không thể đáp lại mà còn dẫm đạp lên tình cảm của người ta.


Mẹ tôi và cả An - con bạn nối khố đều rất thích Đức. An thì khỏi phải nói nhưng ngay cả mẹ tôi cũng cư xử kì lạ, hễ có cơ hội là nói tốt cho anh ta thậm chí mời anh ta đến nhà ăn cơm.


- Mẹ, đừng mời anh ta cùng dùng bữa với mẹ con mình nữa - Tôi kiến nghị khi “Như Lai” rốt cục rời đi.


- Ai cơ?


- Mẹ còn giả vờ!


- Người ta có tên hẳn hoi! Con gái con đứa ăn nói cho lịch sự! - Mẹ nghiêm mặt dạy dỗ.


- Mẹ - Tôi xìu xuống - Con nói thật đấy. Con không thể quen với Đức được. Mẹ biết lí do mà.


Mẹ nhìn tôi hồi lâu rồi khẽ thở dài, nhẹ nhàng ôm con gái vào lòng, vuốt tóc:


- Có! Được mà! Không có gì trên đời này có thể cấm người ta yêu thương cả.


Tôi nắm chặt tay, không dám nói gì, chỉ có thể ở trong lòng mẹ mà âm thầm lắc đầu.


Sau đó mấy hôm liền Đức không tới làm phiền tôi nữa. Chưa kịp hí hửng với ý nghĩ là anh ta đã bỏ cuộc thì sáng chủ nhật mẹ kéo tôi ra khỏi giường, nhét vào tay cái cặp lồng nóng hổi, ra lệnh:


- Con mang cặp lồng cháo này đến cho Đức. Thằng bé ốm rồi!


Tôi đặt cặp lồng lên bàn, quay người chui vào chăn.


- Con không đi. Anh ta ốm là việc… của nhà anh ta. Họ không biết nấu cháo cho anh ta ăn à?


- Thằng bé sống có một mình thôi. Cha mẹ nó di cư sang Australia từ mấy năm trước rồi.


- Con… dù gì con cũng không đi. Mẹ tự mang cho anh ta đi - Tôi kéo chăn trùm kín đầu, một ly cũng không thò ra - Con cũng mệt lắm!


Hồi lâu bên ngoài vẫn không có động tĩnh gì nhưng tôi biết mẹ vẫn chưa chịu bỏ đi. Mẹ bỗng thở dài rồi lại thở dài, cuối cùng nói:


- Con biết vì sao thằng bé lại ốm không? Tuần vừa rồi trở lạnh lại thêm mưa rét vậy mà sáng nào nó cũng chờ đưa con đi học. Chương trình học của trường Y lại nặng nề, nó không kiệt sức mới lạ. Dù nó ốm không phải lỗi của con nhưng con dám nói con không có trách nhiệm.


Lâu, lâu, lâu sau, rốt cục tôi đành bật dậy cắt đứt tràng độc thoại liên tu bất tận của mẹ:


- Con biết rồi. Để con đi là được chứ gì!


Tôi vốn định rủ cái An đi cùng nhưng nghĩ chắc nó sẽ tìm cớ thoái thác tới cùng nên thôi. Xách cặp lồng cháo ra ngoài tôi mới biết trời lại đổ mưa. Mới chớm đông mà đã rét thế này. Con ngõ nhỏ mờ mịt, trắng xoá bụi nước. Không biết mỗi sáng sớm một mình đứng chờ tôi ở đây Đức có cảm giác như thế nào?


Em còn nhớ hay đã quên?


Nhà Đức cách nhà tôi không xa lắm. Theo chỉ dẫn của cha mẹ tôi dễ dàng tìm được nhà anh ta. Căn nhà nhỏ thôi nhưng vườn rộng và trồng rất nhiều tử đinh hương. Những bụi tử đinh hương lớn, lá xanh mướt, bông nhỏ xíu bốn cánh mọc thành bó lớn, toả hương thơm ngào ngạt. Những cánh hoa tím, xanh tím, trắng, hồng đan kín vào nhau, phủ khắp lối đi, lấp lánh ánh nước như các vì sao nhỏ. Hít một hơi thật sâu, tôi bấm chuông. Lần một. Lần hai. Lần ba. Đến lần thứ tư mới có người ra mở cửa. Đức mặc áo len xám, tay cầm ô. Khuôn mặt nhợt nhạt, vừa đi vừa ho khù khụ thậm chí bước chân còn hơi loạng choạng nhưng vừa trông thấy tôi, anh liền khựng lại dường như không tin nổi vào mắt mình, nụ cười rạng rỡ nở bừng khiến làn da hồng lên chút ít.


- Sao em lại ở đây?


- Nghe nói anh ốm - Tôi gập ô lại, bước vào - Mẹ em nấu cho anh một ít cháo, bảo em mang tới.


- Làm phiền cô rồi - Đức vừa ho vừa đưa tay đỡ lấy cặp lồng cháo của tôi - Trời rét lắm. Em vào nhà ngồi cho ấm.


Tôi vốn định đưa đồ xong là về ngay nhưng nhìn bộ dạng ốm yếu đó của anh ta lại không nỡ từ chối. Bên trong nhà rất sạch sẽ, ngăn nắp, chỉ có điều hơi đơn điệu. Thấy Đức định lấy nước pha trà tôi liền ngăn lại:


- Em không uống gì đâu. Anh ăn cháo đi kẻo nguội rồi còn uống thuốc. Em ngồi một lát rồi về thôi.


Đức gật đầu, mở cặp lồng, múc cháo ra hai bát nhỏ. Anh đẩy một bát tới trước mặt tôi.


- Em ăn cùng anh cho vui.


Không tiện từ chối nên tôi cũng đành bất đắc dĩ ngồi xuống ăn cùng anh ta. Không khí yên lặng trong phòng khiến miếng cháo trong miệng nhạt thếch không mùi vị. Tôi miễn cưỡng xúc vài thìa rồi bỏ bát, nhìn ra ngoài.