The Soda Pop
Dẫu còn thương đến muôn lần

Dẫu còn thương đến muôn lần

Tác giả: Sưu Tầm

Dẫu còn thương đến muôn lần

Tôi yêu Yên từ năm mười ba tuổi đến năm hai mươi bốn tuổi, rõ ràng đã đem hết nhiệt tình tuổi trẻ và những năm tháng tươi đẹp nhất trong đời chân thành mà yêu thích một người, nhưng lại không dám trực diện nói ra, dẫu chỉ một lần.


***


Dẫu còn thương đến muôn lần


Đường ta cũng đã dăm phần xa nhau


Có chăng là để ngày sau


Bơ vơ,


Còn mối tình sâu ngẫm về


(Nomad Nguyễn Thiện Ngân)


Tôi gặp Yên lần đầu tiên vào một buổi chiều mùa thu nghiêng ngả sắc vàng, khi ấy cô đang đứng quay lưng về phía tôi, bặm môi viết viết xóa xóa gì đó trên bảng, bụi phấn rơi lả tả, trắng như bụi thời gian. Rất nhiều năm rồi, tôi không còn nhớ đến Yên, dáng vẻ của cô lúc chưa trưởng thành như thế nào, tôi cũng dần quên mất. Chỉ duy có bóng lưng gầy gò và màu xanh biếc mắt của chiếc áo đồng phục, khiến Yên như mặt sau của một chiếc lá non đang đu đưa trong gió là vẫn in đậm trong tâm trí tôi.


Kí ức giống như một chiếc đồng hồ chạy bằng dây cót, nếu bạn quên lên dây nó sẽ ngưng hoạt động, nhưng một khi đã khởi động nó sẽ mạnh mẽ quay vòng.


Dẫu còn thương đến muôn lần


Ngày ấy, Yên là một cô bé bướng bỉnh và nghịch ngợm, còn tôi là một chàng trai trầm lặng tới mức một từ trầm lặng thôi không đủ để diễn đạt hết mức độ ít nói của tôi. Tôi từng bước tiếp cận cô, ban đầu là bạn cùng bàn, ngăn với nhau bằng một vạch phấn trắng. Tôi vẫn còn nhớ, lúc Yên cầm cây thước kẻ, vẽ một đường thẳng dài thật dài rồi quay sang hạ lệnh: "Cấm xâm lấn bất hợp pháp, gặp một lần giết một lần", tôi rất phối hợp mà gật đầu, nhưng thường vô tình trong lúc học lấn một ít mép áo sang phía cô, chỉ để mỗi ngày được thấy Yên cầm sách đập lên đầu mình bôm bốp như đập gián.


Nhưng tôi lại không đủ can đảm để lấn về phía Yên nhiều hơn một chút, ngày nào cũng chỉ nhích sang không hơn không kém một phần năm mép tay áo. Khi còn nhỏ, chúng ta không biết cách nào khác để thổ lộ tình cảm, ngoài việc khiến người ta ghét cay ghét đắng và nhớ đến mình. Có lẽ, ta nghĩ rằng, ghét một người thì sẽ khó quên hơn là yêu một người chăng?


Thế nhưng bi kịch là ở chỗ, những cô bạn cùng lứa lại thường thích những anh chàng khối trên hơn. Họ người lớn, đứng đắn và lãng mãn. Nếu thích một người sẽ viết thư tình kẹp vào một bông hoa hồng, buộc lại trên giỏ xe đạp. Hoặc vào ngày kết thúc năm học, sẽ đứng từ trên tầng cao nhất, đợi cô gái mà mình thích đi ngang qua sân trường, phi một chiếc máy bay giấy mang theo lời tỏ tình rơi xuống. Những chiếc máy bay màu trắng ngà, mong manh như những cánh ve, lượn một vòng trên không trung, rồi đáp lại dưới một gốc phượng đang mùa rộ hoa. Cơ hồ, mỗi một ngôi trường đều sẽ có một cây phượng và dưới mỗi gốc phượng luôn có một câu chuyện về thời niên thiếu bị thời gian vùi lấp.


Cái ngày Yên dùng tay không lau sạch đường kẻ trên mặt bàn, phá vỡ hàng rào mỏng manh che chắn giữa chúng tôi, là ngày tôi và Yên "kết giao" thành bạn. Từ đó, tôi không cần cố ý dịch về phía cô nữa, bởi cứ đến giờ ra chơi, Yên sẽ kéo tay tôi lại gần, áp mặt xuống và "đánh" một giấc ngon lành. Trên cơ thể Yên thoang thoảng mùi thuốc giữ ẩm của quần áo, chỉ cần tôi nghiêng người đến phía trước một chút thì có thể chạm vào người cô. Nhưng tôi lại luôn ngồi thẳng tắp, mắt chăm chú nhìn vào trang sách, trong khi đầu óc thì quay cuồng như đang đi giữa một trời ban mai rực rỡ và chói lòa.


Cả lớp đều nói chúng tôi là một đôi, nhưng tôi hiểu rõ hơn ai hết, chúng tôi chỉ đơn thuần là bạn. Yên xem tôi chẳng khác gì những cô bạn thân khác, sẵn sàng í ới rủ tôi đi vệ sinh, có bí mật gì cũng kề tai thủ thỉ, thấy giai đẹp đi ngang qua lớp liền lôi lôi kéo kéo tôi hét hò ầm ĩ. Nhiều lúc tôi lấy làm nghi ngờ, liệu có khi nào, Yên quên mất giới tính thật sự của tôi hay không?


Tôi thường nghĩ, nếu năm mười ba tuổi, tôi không gặp được Yên, tôi sẽ như thế nào? Thời niên thiếu của tôi sẽ có dáng vẻ ra sao? Đẹp đẽ hơn hay u buồn hơn? Hay là vừa đẹp đẽ vừa u buồn như bây giờ? Khi ấy, đến cả trong mơ cũng muốn tỏ tình với Yên, nhưng lại e sợ rất nhiều thứ: sợ bị từ chối, sợ đến tư cách làm bạn với cô cũng không còn. Bấy giờ, Yên được rất nhiều nam sinh theo đuổi, cả bạn cùng lớp lẫn những anh chàng khối trên. Giỏ xe của cô lúc nào cũng đỏ thắm hoa hồng. Yên thường bắt tôi mang chúng về, ép thành hoa khô, kẹp vào album ảnh, chú thích rõ ràng ngày tháng, người gửi tặng. Cô ấy bảo: "Sau này tớ già đi, chỉ còn lại những cánh hoa này là minh chứng cho một thời tớ từng là mỹ nữ".


Lúc ấy, tôi rất muốn nói với Yên rằng, đống hoa khô này cùng lắm chỉ thọ được vài năm thôi, nơi thực sự lưu giữ thanh xuân tươi đẹp của Yên là ở mãi trong đôi mắt tôi, chỉ tiếc là cô ấy không bao giờ nhìn thấy.


Dẫu còn thương đến muôn lần


Mối tình đầu tiên của Yên là một cậu bạn cùng lớp, tóc bổ luống, khuôn mặt nhìn nghiêng cũng có đôi chút giống Đan Trường. Lúc ấy, trong lớp đang thịnh hành mốt khắc chữ lên mặt bàn và viết thư tay trong giờ học. Các đôi yêu nhau thường khắc tên đối phương lên chỗ ngồi của mình. Cậu bạn ấy viết một chữ Y to tướng bằng bút xóa, phía dưới vẽ thêm hoa lá cành xung quanh. Yên cũng tỉ mẩn khắc một chữ Z nhỏ xinh trên mặt bàn của mình. Tôi đoán đó là kí hiệu cô ấy đặt riêng cho cậu bạn, cũng như mấy đứa khác gọi nhau là Romeo, Juliet vậy.


Còn cái trò viết thư tay trong lớp, là kiểu "buôn dưa lê xuyên lục địa" từ đầu bàn bên này xuống cuối bàn bên kia, bằng cách kẹp một tờ giấy vào sách giáo khoa hoặc vở viết, rồi chuyền tay nhau làm như cho mượn sách vở vậy. Cách này trong một thời gian dài đã qua mắt được rất nhiều giáo viên. Ngày nào, Yên và cậu bạn ấy cũng tâm tình từ tiết đầu tiên đến tiết cuối cùng. Cô thường giật vở của tôi làm giấy viết thư, đến nỗi quyển vở Hồng Hà đầu tuần tổng cộng có 96 trang, tới cuối tuần chỉ còn 32 trang.


Chưa hết, tôi còn là một trong số những cánh chim bồ câu nhiệt tình đưa thư giúp cô ấy. Khi tình yêu của Yên nảy nở như cỏ cây sinh trưởng sau cơn mưa, thì trái tim của tôi lại ngày một trống rỗng như một ô cửa sổ gió lùa. Yên "đá" cậu bạn đó sau ba tháng họ quen nhau. Cô thậm chí còn nói trước với tôi ý định nhen nhóm chia tay của mình. Buổi sáng hôm ấy, nhìn cậu bạn vẫn còn hí hửng huýt sáo và đá lông nheo với Yên, tôi cố kìm nén một tiếng thở dài, không biết là vì nhẹ lòng vui sướng hay vì tiếc nuối nhiều hơn.


Mối tình thứ hai của Yên đến rất nhanh sau đó. Đấy là một anh chàng khối trên, học cùng một phòng học với chúng tôi, nhưng lớp anh ấy học buổi chiều còn lớp tôi học buổi sáng. Anh ta ngồi ngay chỗ ngồi của tôi. Có một lần tôi để quên máy tính, và hôm sau anh ấy gửi trả lại. Yên nói: "Đấy là ân nhân của cậu, mà ân nhân của cậu cũng là của tớ, để tớ viết thư cảm tạ". Vậy là họ quen nhau qua thư ngăn bàn, nhờ cái máy tính của tôi làm "ông mai bà mối".


Tôi nhận nhiệm vụ mới, làm người canh gác thư. Buổi sáng phải tới trường từ rất sớm, lấy thư ra khỏi ngăn bàn, trước khi các bạn khác trong lớp đến trực nhật và vứt chúng đi cùng giấy vụn. Tôi thường cầm những bức thư còn vương mùi giấy mới, đứng trước ô cửa sổ, nhìn ra khu vườn mọc đầy cỏ hoang phía sau trường, mắt không chớp cho đến khi mỏi nhừ và nhức nhối. Mỗi lần đến, Yên luôn đập vào vai tôi, cười tươi như hoa đồng tiền, xòe bàn tay thon dài và mảnh khảnh hỏi: "Thư đâu?".


Tôi không biết vì sao khi ấy mình lại ngốc nghếch như vậy, có lẽ chỉ để được nhìn thấy Yên cười vào mỗi buổi sáng, cho dù nụ cười ấy không phải dành cho tôi.


Dẫu còn thương đến muôn lần


Cuộc tình thứ hai của Yên cũng chỉ kéo dài ba tháng và cho đến ngày họ chia tay, hai người cũng chưa chân chính gặp mặt nhau lần nào. Yên thậm chí còn không nhớ nổi khuôn mặt anh ta ra sao, cô mới chỉ nhìn thoáng qua một, hai lần. Vào ngày anh chàng khối trên tốt nghiệp, năm ấy hoa phượng đặc biệt nở vô cùng nhức mắt. Anh ta cầm theo một chiếc máy bay giấy, hẹn gặp Yên, nhưng cô không đến. Hoa phượng rơi đầy trên vai áo màu trắng tinh, nhìn thế nào cũng thấy rất đỗi thê lương.


Tình yêu đôi khi cũng giống như chữ viết bằng mực xanh đen, dòng chữ hôm nay viết ra là màu xanh rực rỡ nhưng để qua một đêm, ngày mai đã hóa thành màu đen úa tàn.


Từ đó cho đến khi tốt nghiệp cấp hai, Yên còn nhận thư tình của rất nhiều chàng trai khác nữa, có người cùng lớp, có người khác lớp, có người bằng tuổi, có người hơn tuổi. Nhưng tất cả các cuộc tình đều chỉ kéo dài đúng ba tháng, đến nỗi cô bị bạn học gán cho biệt danh "cô gái số ba". Tôi vẫn lặng lẽ đi cạnh Yên, cùng cô đọc thư tình, săm soi các lỗi chính tả, nói về những anh chàng đến và đi rất nhanh trong đời cô.


Tôi chưa bao giờ thấy Yên buồn khi chia tay một ai cả, hoặc là cô không buồn trước mặt tôi, tôi đoán thế. Bắt đầu là tôi tự ti về bản thân đến nỗi không dám tỏ tình với Yên. Về sau là tôi sợ, giả như Yên chấp nhận tôi rồi sau ba tháng chúng tôi bỗng trở thành những người lạ quen thuộc nhất, điều ấy thật tồi tệ. Thà rằng không có bắt đầu còn hơn là phải nếm qua mùi vị của sự kết thúc.


Khi vào cấp ba, tôi thi đỗ trường chuyên trên thành phố. Ngày nhập học, tôi dúi vào tay Yên số điện thoại nơi ở trọ, sợ cô nghi ngờ, tôi còn cố ý dặn đi dặn lại: "Có việc gì gấp thì nhớ gọi cho Nguyên, cứ nói là dì nhỏ ở quê gọi hỏi thăm, không mọi người hiểu nhầm là bạn gái, nhé!".


Nhưng Yên chưa bao giờ gọi cho tôi, dẫu chỉ một lần.


Những lúc quá nhớ Yên, không kìm lòng nổi, tôi mò ra một bốt điện thoại công cộng, tay run run bấm số máy bàn nhà Yên, có khi may mắn sẽ nghe thấy giọng nói ngọt ngào của Yên cất lên: "Alô, ai đấy ạ?". Nhưng lần nào tôi cũng cúp máy rất nhanh mà chưa kịp nói gì.


Tình yêu đơn phương nhiều khi đau đớn thế, không phải vì bạn không được đáp lại, mà là đến yêu từ một phía thôi, bạn cũng không thể đường hoàng chính chính mà bộc lộ, lúc nào cũng phải dè chừng cẩn mật, lén lén lút lút như đi ăn trộm vậy, nếm được một chút ngọt ngào thì sau đó sẽ phải trả giá bằng rất nhiều đắng cay.


Dẫu còn thương đến muôn lần


Hồi ấy, tôi ở cùng một cậu bạn có ngón nghề đàn ghita rất nuột. Tôi đã phải giặt quần áo và rửa bát cho cậu ta trong suốt một năm liền, chỉ để cậu dạy tôi cách đàn và hát bài "Triệu đóa hồng". Một ngày, vào cuối tuần, tôi về quê, đeo cây đàn sau lưng, gõ cửa nhà Yên. Tôi bảo: "Mình yêu rồi Yên ạ!", rồi chỉ vào cây đàn cười cười: "Mình muốn hát tặng nàng bài triệu đóa hồng. Vì nàng bảo nàng sẽ yêu ai sẵn lòng tặng nàng một vạn bông hồng. Nhưng mình không có tiền, cậu biết đấy. Nên mình sẽ hát một vạn đóa hồng. Cậu nghe giúp mình xem có được không, nhé?". Yên hào hứng vỗ hai tay vào nhau, reo lên: "Hay quá đi, chàng của mình cũng thích hoa hồng xanh, nhưng đào đâu ra cái hoa thổ tả ấy bây giờ. Mình thẩm nhạc giúp cậu, đổi lại cậu làm giúp mình hoa hồng xanh, hai bông thôi cũng được, nhé!".


Hôm ấy, tôi không nhớ mình đã quên bao nhiêu lời bài hát, đàn lỗi nhịp bao nhiêu lần. Chỉ nhớ lúc tôi lúi cúi chế tạo hoa hồng xanh từ hoa hồng trắng và dung dịch phẩm màu cho Yên. Mỗi công đoạn từ pha màu, cắt gốc hoa, ngâm trong dung dịch đều hết sức cẩn thận như thể làm cho chính người tôi yêu thương vậy. Yên ngồi bên, chống cằm khen tôi là nhà khoa học vĩ đại của mọi thời đại. Giọng cô lúc ấy ngập tràn sự sùng bái. Hôm sau, Yên còn hào phóng tặng tôi một bông hồng xanh gói trong giấy kính: "Này cầm lấy, nói với bạn gái của cậu, nếu ở giữa một vạn bông hồng sẽ không phải chết vì sung sướng mà là chết ngạt. Còn hoa hồng xanh có nghĩa là: "Bạn cực kì tuyệt vời!", hiểu chưa? Nói thế, cô ấy sẽ đổ cái rụp".


Ngày ấy, khi ngồi trên xe bus trở về trường, tôi vừa tò mò vừa ghen tị với người con trai mà Yên muốn khen tặng: "Bạn cực kì tuyệt vời!". Anh ta rốt cuộc là "cao thủ phương nào" mà có thể đánh bại được trái tim đa tình và dễ đổi thay của Yên? Đồng thời tự nói với mình hàng trăm lần, tôi phải bỏ cuộc thôi, phải học cách quên Yên đi, dẫu cho còn thương đến muôn lần.


Khi vào đại học, tôi học ở đầu bên này thành phố, Yên học đầu bên kia thành phố, ít gặp nhau hơn và bớt dần liên lạc. Một phần vì guồng quay vội vã của cuộc sống, phần khác là mỗi người trong chúng ta khi trưởng thành và lớn lên, sẽ có nhiều thứ ít nhiều thay đổi và mất đi như: tính cách, sở thích, thói quen,...