Cỏ dại
Cỏ dại
Hôm qua mẹ lại gọi điện lên cho Vân. Mẹ bảo với cô ở nhà mọi thứ vẫn ổn. Thằng cháu một tuổi rưỡi đã chạy đi và nói được nhiều lắm rồi. Bố mẹ cũng khỏe và dạo này còn tham gia một số câu lạc bộ ở xã nữa. Mẹ định nói thêm về việc chồng con của Vân nhưng chắc mẹ nhận thấy được nỗi buồn trong lòng con gái nên thôi. Vân chủ động nói luôn: "Hay là con ở trên này kiếm một anh trai bản về làm rể của mẹ nhé". Nói rồi hai mẹ con cùng cười. Mẹ lại dặn dò, nhắc nhở cô này nọ. Người mẹ nào cũng thật tuyệt vời. Vân chợt nghĩ.
Mẹ cô vất vả từ khi còn nhỏ. Lớn lên gia đình lại cũng không phải có điều kiện. Mẹ lấy bố, hai người nghèo nhập thành một gia đình nhỏ. Vân cũng nhớ rất rõ những kỷ niệm về mẹ. Mẹ đã vất vả để nuôi lớn hai anh em cô như thế nào. Nhớ cả những ngày cả nhà hết gạo, bố mẹ phải trộn cơm với sắn, với ngô để ăn qua ngày. Hai anh em Vân cứ thế lớn lên, sống cũng vất vưởng như cỏ dại ở vùng quê nghèo ven thành phố ấy. Hôm nào có nấu cơm với sắn với ngô là hai anh em cô lại ăn rất ngon. Vì là trẻ con mà. Với anh em cô thì cơm trộn sắn, trộn ngô thật lạ miệng. Nó giống như thứ quà xa xỉ mà hai đứa thèm khát từ nhà hàng xóm. Chắc lúc đó bố mẹ phải ngậm ngùi và thương con như nào khi mà hai đứa cứ tranh nhau ăn ngô, ăn sắn và không thèm ăn cơm. Ngốc thật. Vân bật cười. Cơn gió nhẹ thổi qua làm vài sợi tóc mai bay bay.
Tóc mẹ giờ chắc cũng đã bạc nhiều. Nhớ những ngày mẹ lấm tấm mồ hôi trên vai là gánh lúa nặng giữa trưa hè đổ lửa. Nhớ cả những lần mẹ gạt cơm lại và nhường thức ăn cho hai anh em cô nữa. Cả bố nữa. Vân chợt nghĩ, chợt cười, và chợt chua xót. Hồi ấy là lần đầu tiên Vân được giải Văn học sinh giỏi cấp tỉnh cũng là lần đầu tiên cô có vinh dự được làm đại diện cho tỉnh tham gia đại hội "Cháu ngoan Bác Hồ" toàn quốc. Bố chở Vân đến đại hội bằng hiếc xe Cub 81 chở gà đi chợ của thím với bộ đồ quần áo công nhân lao động. Ông bảo vệ không cho bố con cô vào, và nhìn hai bố con từ đầu đến cuối cho đến lúc cô phải chìa tấm thẻ cháu ngoan Bác Hồ ra. Rồi đến lúc bố đón cô về cũng thế, cũng lại là ánh mắt gần như mỉa mai, khinh miệt của bạn bè nhìn cô và bố. Lúc ấy sao mà cô ghét cái nghèo đến thế, và ghét cả bố nữa. Tại sao bố lại ăn mặc thế chứ, tại sao nhà cô lại nghèo, tại sao cô không được mặc đẹp và ngồi trên xe đẹp như các bạn. Đúng là suy nghĩ của trẻ con.
Vân đã từng trách móc, giận hờn bố mẹ. Tại cô tủi thân khi bạn bè có nhiều sách vở, quần áo mới. Còn anh em cô toàn phải đi dùng lại đồ thừa của người khác. Bộ sách giáo khoa nhàu nát, cái quần, cái áo cũng thế. Cô từng phải mặc lại cái quần mà anh trai mặc chật, mặc lại cái áo trắng của anh làm áo đồng phục đến trường. Thế nhưng mọi thứ cũng vẫn cứ trôi qua. Con người ta vẫn cứ lớn lên và nhìn tổng thể gia đình cô vẫn là một gia đình hạnh phúc.
Ngày Vân trượt đại học. Sao mà mọi thứ buồn u ám thế không biết. Cô là hy vọng trong gia đình, là gương mặt sáng điển hình của dòng họ. Vậy mà cô đã thất bại. Bước chân vào một trường cao đẳng trên đất Hà Nội, ôi sao những tháng ngày vượt qua thất bại nó khó khăn và rệu rã đến thế. Vân luôn tự nhủ mình phải cố lên, phải làm được gì đó để vượt qua thất bại. Ba năm liền cô luôn là sinh viên có số điểm cao nhất khoa. Thế nhưng điểm hạnh kiểm của cô lại chỉ ở mức trung bình Khá và Khá. Chua xót chính mái trường nơi đào tạo ra những con người tương lai phục vụ cho đất nước cũng lại chính là nơi dạy cho Vân những lừa lọc, gian trá. Vân nhớ ngày 20/11 của năm thứ hai. Cô mặc một bộ đồ thật đẹp đi từ Ký túc xá đến nơi mà các thầy cô đang hội họp. Cô tặng giáo viên chủ nhiệm của mình một bó hoa. Gương mặt cô giáo già dường như hơi xám lại trong nụ cười nhăn nhúm. Tay cô hơi khẽ lắc một chút hình như mong chờ một vật gì đó đặc biệt rơi ra từ bó hoa. Và cảm giác thất vọng là những gì còn đọng lại trên gương mặt bà giáo. Vân cũng không còn tươi cười nữa. Cô chúc bà giáo những lời mà lứa học trò vẫn thường chúc, và chào cô ra về. Một cảm giác gì đó thật khó tả dồn lại trong cô.
Cũng là năm học thứ hai ấy. Thế giới như quay cuồng trước mắt Vân. Ngày ấy những ai có điểm tổng kết trên 7 đều háo hức mang thẻ sinh viên lên phòng kế toán của trường nhận học bổng. Cũng như các bạn, Vân cầm thẻ chạy thật nhanh và trong đầu hiện lên những kế hoạch sẽ được chi dùng với số tiền hơn một triệu sáu của mình. Chả gì thì cô cũng được trên 8 cơ mà. Mọi giác quan như bị dồn lại. Cô kế toán nheo nheo cặp kính, tay cầm bút di di từng dòng danh sách:
- Cháu tên gì?
- Cháu là Nguyễn Thị Vân ạ.
- Thế không có cháu ạ. Cô dò mấy lượt rồi.
- Ơ, sao lại thế ạ. Cô ơi, cô tìm lại giúp cháu với. Cháu được hơn tám phẩy mà.
Nhìn khuôn mặt khẩn khoản của Vân, cô kế toán già lại dò tìm lần nữa:
- Không có cháu ạ.
- Sao lại thế được nhỉ.
- Cái này thì cô không biết cháu lên khoa hỏi xem sao.
Vân chỉ nghe nói khoa Xã hội nằm ở tầng 3 khu nhà A chứ đã bao giờ cô đến đó đâu.
- Thưa cô, em muốn nhờ cô một việc được không ạ?
- Có việc gì thế em?
- Dạ em là Nguyễn Thị Vân lớp C5K3 ở khoa mình. Kỳ vừa rồi em được tổng kết hơn tám phẩy nhưng em lên lấy học bổng thì không có tên cô ạ.
- Thế em có thấy tên mình trên bảng danh sách được học bổng của khoa không?
- Dạ tại em nghĩ mình đủ điểm phẩy rồi nên em chưa xem danh sách ạ.
- Ừ, vậy em chờ cô chút, cô thử kiểm tra xem sao.
Cô giaó chủ nhiệm khoa nhanh tay rút quyển sổ báo cáo kết quả học tập của từng lớp.
- Em là Nguyễn Thị Vân C5K3 đúng không. Điểm tổng kết của em là 8,36. Nhưng điểm hạnh kiểm của em là loại Trung Bình Khá. Vậy em bị loại khỏi danh sách học bổng vì hạnh kiểm em ạ.
- Hạnh kiểm Trung Bình ạ. Nhưng cô ơi, kỳ vừa rồi em đi học rất đều hầu như không nghỉ buổi nào, lại không mắc lỗi gì sao em lại bị hạnh kiểm Trung Bình ạ.
- Ơ, cái này sao mà cô biết được, em về hỏi lại cô giáo chủ nhiệm của em ấy.
- Dạ vâng. Em chào cô ạ.
Vân như đờ người ta. Từ bé đến giờ cô đã bao giờ bị hạnh kiểm Khá đâu mà đến lần này cô bị hạnh kiểm Trung Bình. Cô lao nhanh xuống phòng Công tác học sinh sinh viên tìm cô chủ nhiệm.
- Thưa cô, em là Nguyễn Thị Vân C5K3 lớp cô chủ nhiệm ạ.
- Ừ, sao em.
- Dạ thưa cô, kỳ vừa rồi em được tổng kết 8.36, nhưng lại không được học bổng vì bị xếp hạnh kiểm Trung Bình.