Chỉ vì yêu

Chỉ vì yêu

Tác giả: Sưu Tầm

Chỉ vì yêu

- “Người ta” có vợ thì đã sao, giàu thì đã sao, Thụy không cần cả hai thứ đó. Thụy chỉ cần được ở bên người ta, được vùi mình trong hơi thở nồng ấm, ngọt ngào của “người ta” là đủ.


***


Gió lao xao thổi làm se cuốn mấy đọt lá sả. Khoảng đất nhỏ sau nhà giờ đã thành mãnh vườn xinh xinh, xanh ngít màu nhựa sống. Coi vậy mà nhanh đến để, hôm Thụy về, nơi đây chỉ là ngôi nhà hoang với toàn cây dại mọc rậm rạp. Thêm một mùa mưa nữa trôi qua chừng như đủ để cuốn phăng chút hy vọng cuối cùng còn sót lại trong Thụy trôi dài trên con đường rãi nhựa vô hồn. Để giờ đây, nó đang hấp hối, trần trụi phơi mình dưới cái nắng chói chang. Thụy không còn nhớ mình đã quẫy gánh qua bao nhiêu con đường, đã bấm chuông bao nhiêu số nhà trong ròng rã mười sáu năm đằng đẳng.


Thụy đã làm gì nên tội, có chăng, chỉ vì Thụy yêu đến mê mệt, yêu bằng cả trái tim của người con gái chân quê mộc mạc đương thì.


Chỉ vì yêu


Mười sáu tuổi, Thụy rời ghế nhà trường để lên phố mưu sinh. Bố mất khi Thụy mới lên bảy, nhà nghèo, phải vất vả lắm mẹ mới cho Thụy học đến hết lớp mười. Là chị cả, Thụy đành chôn chặt ước mơ trong lòng mà nuôi lớn ước mơ của hai em. Ngày ôm ba lô lên đường, Thụy thầm hứa sẽ cùng mẹ nuôi em ăn học nên người.


Thụy vào làm người giúp việc cho một gia đình khá giả trên phố. Cũng tại đây, Thụy đã gặp người ta.


“Người ta” bảo Thụy đẹp lắm, vẻ đẹp mặn mà, đằm thắm. Với Thụy, “người ta” sao hào hoa, lịch thiệp đến thế. “Người ta” là bạn làm ăn với cậu chủ, cũng giàu có, giỏi giang nhưng hiền lành, gần gủi chứ không xa cách, lạnh lùng như bao người. Thi thoảng, “người ta” đến và không quên mang tặng Thụy lúc thì cuồn tiểu thuyết, khi là cái kẹp tóc, thỏi socola hay cả bó hoa hồng rực rỡ. Thụy nép hàng giờ trong bếp để nhìn, để nghe “người ta” vô tư nói cười với cậu chủ.


Thụy yêu “người ta”, chỉ đơn giản là yêu vậy thôi, thứ tình yêu của đứa con gái chân quê tuổi mới trăng tròn. Có hôm, cô chủ mách nhỏ “Thụy à! “người ta” đã có vợ rồi đấy”. Thụy buồn quá đổi. Thụy xấu hổ nữa. Xấu hổ với chính mình và với cả cô chủ giàu sang quý phái. Sao Thụy có thể giám yêu “người ta”? Đôi khi, Thụy mơ mình là cô bé lọ lem còn “người ta” là hoàng tử, để một sớm kia, cô bé lọ lem được đích thân hoàng tử rước về cung làm vợ trước cái nhìn ngưỡng mộ, thèm muốn của bao người. Nhưng không, hoàng tử đã có chính cung, một chính cung kiêu sa, lộng lẫy và xứng đôi hơn Thụy gấp chục, gấp trăm lần. Thụy quê mùa, nghèo nàn và cả thiếu học nữa. Vậy sao, Thụy cứ mơ?


Thụy lặng lẽ chôn chặt tình mình trong tim cho đến một ngày “người ta” đến bên và thì thầm rằng “người ta” nhớ Thụy khôn nguôi. Chỉ cần bấy nhiêu thôi để Thụy quên “người ta” đã có vợ, quên cả mình đang phải sống bằng tiền công ở đợ. “Người ta” có vợ thì đã sao, giàu thì đã sao, Thụy không cần cả hai thứ đó. Thụy chỉ cần được ở bên người ta, được vùi mình trong hơi thở nồng ấm, ngọt ngào của “người ta” là đủ.


Thụy mang thai, một kết tinh từ tình yêu của Thụy với “người ta”. Thụy nên vui lên mới phải chứ, hay đang sợ mà nước mắt cứ tuôn ra mặn đắng như thế này. Lần đầu tiên, “người ta” ôm Thụy lâu thật lâu. Đó cũng là lần cuối cùng “người ta” yêu Thụy say thật say “Anh xin lỗi, anh đã có vợ. Anh ước mình có thể gặp em sớm hơn, nhưng…”


Chữ “nhưng…” ngập ngừng ấy lại là dấu chấm hết cho cuộc tình ngây thơ, trong sáng. Thụy lầm lũi trở về quê sinh con trước cái nhìn thương hại hay tò mò, mai mỉa của người đời.


***


Cu Bin ra đời mà Thụy cứ ngỡ như đó là thiên thần thượng đế ban cho. Bao nhiêu đau khổ, nhọc nhằn và cả tủi nhục đều tan biến theo tiếng khóc, tiếng cười của Bin. Cuộc đời mới bắt đầu nhen nhóm lên trong Thụy ngọn lửa đỏ cho đến một ngày cu Bin không còn là của riêng Thụy nữa.


Thụy còn nhớ như in cái hôm “người ta” cướp mất cu Bin từ tay mình. Lúc đó, thằng bé mới hơn năm tháng tuổi, nó ngoan như con búp bê, hết bú lại ngủ. Ngủ chán, nó nghịch nghịch mấy ngón tay nhỏ xíu lên môi, lên má Thụy mà cười nắc nẻ. Rồi tự dưng “người ta” xuất hiện, lạnh lùng mang Bin đi khi thằng bé vẫn mê miết ngậm chặt đầu vú mẹ. Bin khóc thét lên sợ hãi, đôi tay quờ quạng tìm kiếm bầu sữa nóng. “Người ta” vẫn thản nhiên ôm Bin bước vội lên chiếc ô tô con láng cóng, để lại Thụy chết trâng bên vệ đường với tiếng cửa xe đóng “cạch” khô giòn.


Sao “người ta” nở cướp mất con của Thụy. Người ta đã có tất cả từ tiền tài, danh vị đến vợ đẹp, con xinh và cả mái ấm tràn trề tiếng cười rồi còn gì. Thụy chẳng có gì cả, cũng chẳng đòi hỏi gì hơn ngoài cu Bin. Bin ơi!


Thụy lật đật lên phố tìm con. Nhưng biết tìm ở đâu bây giờ. Thụy chưa một lần đặt chân đến nhà “người ta”. Gia đình chủ cũ của Thụy cũng đã chuyển sang Mỹ sống từ hơn nữa năm trước.


Mười sáu năm, Thụy bám trụ trên phố với gánh trái cây dạo, để đến mỗi con đường, Thụy lưu lại dăm ba tháng len lõi từng con hẽm nhỏ. Thụy tìm con. Vẫn còn hơi thở thơm nồng mùi sữa của con phảng trong hồn Thụy. Vẫn còn đôi môi nóng ấm của con khẽ mấp máy trên đầu vú Thụy. Đã bao nhiêu mầm xanh được Thụy vun lớn như khu vườn con con đằng sau ngôi nhà hoang này. Các em Thụy cũng đã yên bề gia thất. Vậy mà cu Bin vẫn ở đâu xa tít. Nhiều đêm mơ màng, chừng như nghe rõ tiếng Bin gọi mẹ, Thụy trở giấc lao nhanh ra khỏi ngôi nhà lạnh te như người đảng trí.


Chiều nửa mùa, cơn mưa giông xối xả trút trên gánh trái cây nặng trĩu, tiếng rao yếu dần, yếu dần rồi tan nhanh trong màn mưa. Những mãng mây xám xịt chùng vội để tia nắng cuối ngày rực lên ở đầu con hẽm.


“Ba ơi! Có ai nằm bất động trước nhà mình vậy nè?” Chàng thanh niên mười bảy rạng ngời sức xuân gọi vội vào nhà. Phía kia, người đàn bà gầy gò nằm co ro bên gánh trái cây sũng nước. Có lẽ, đây là con hẽm cuối cùng, ngôi nhà cuối cùng mà Thụy chưa kịp gõ cửa.


                                                                               Xuân Võ